Thứ Sáu, 30 tháng 12, 2016

Vĩ cuồng...

Vĩ cuồng



  Thường...lúc còn thơ ấu trẻ con nào cũng muốn được chìu chuộng thương yêu. Đến tuổi cặp kê ai không mộng mơ một tình yêu đẹp? Và, khi bước vào đời mưu sinh tất cả chúng ta đều muốn thành đạt... 

   Còn lại những người lớn tuổi (như tôi) suy nghĩ gì: Chìu chuộng trẻ tương lai dễ hơn năn nỉ người quá khứ? Hơn thua với đời đã khép lại, yêu đương cũng vơi cạn, dù vẫn hấp háy nhận ra những "bông" hoa còn hương sắc (cười)...

  Khi nói đến “minh triết đời sống”? Nghĩa là chúng ta không nên đứng ở bất kỳ một vị trí quan điểm (chính trị, tôn giáo, nghề nghiệp mưu sinh) nào! Bởi vì, nếu thế hóa ra ta là kẻ đầu tiên hoặc cuối cùng mắc bệnh vĩ cuồng (cười)…

   Con người sinh ra đều có tên tuổi (đương nhiên rồi). Vì thế! Sự khát khao danh vọng gần như là điều mặc nhiên sở thích, nhu cầu cho cuộc đời của mỗi người. Nhưng, tham vọng quyền lực, tính háo danh tạo thói quen dối trá mới khiến người ta dễ bị mắc chứng vĩ cuồng...một loại bệnh tâm thần mà chẳng ai tự nhận mình mắc phải(!)

   Chúng ta thường ca ngợi lòng tự tôn. Nhưng, chẳng ai dám bảo đảm rằng nó không phát triển thành hành động vĩ cuồng? Ngay cả sự tự hào cũng không dễ gì rực rỡ hơn tính khiêm tốn , và rất dễ thấy người tự cao là đang cố che dấu khuyết điểm nào đó? Chứng tỏ quyền lực là khi người ta tự biết họ chưa xứng đáng với vị trí xã hội đó, hoặc ngông nghênh khoe sang giàu là bởi trước đó người ta vốn nghèo khốn đốn. Tuy vậy, phần nhiều chỉ có lòng đố kị, sĩ diện hão, thói kiêu căng, thỏa mãn tự tin…mới thực sự gây rắc rối, phiền toái cho cuộc đời!?

   Chứng vĩ cuồng có thể "truyền nhiêm" từ thiên tài cho đến kẻ bình thường! Thực tế, chúng ta khó chối cãi trong một xã hội kém phát triển khoa học kỹ thuật thì luôn đồng nghĩa với sự lạc hậu về chính trị, kinh tế, văn hóa…và là nguyên nhân của nhiều hội chứng vĩ cuồng khác nhau, nhất là những người nắm quyền lực xã hội, giàu có tiền bạc, thành đạt nghề nghiệp, thành công trong giới nghệ thuật giải trí…

  Khi xã hội thiếu triết lý giáo dục, thì người ta vay mượn giáo điều chủ thuyết, mày mò sáo ngữ ra giảng dạy hơn là luận chứng vấn đáp khoa học! Chúng ta sẽ không ngạc nhiên khi ai đó còn nghiên cứu “động cơ vĩnh cữu”? Dù không đủ năng lực luyện kim để sản xuất một chiếc xe đạp có giá trị…vẫn mơ “sáng chế” máy bay, tàu ngầm (thứ mà người ta đã “thịnh hành”sản xuất hàng loạt từ thế kỷ trước), hoặc bất chấp “định luật bảo toàn năng lượng” cứ quãng bá phô trương rao bán “thiết bị” tiết kiệm điện, xăng…

   Sự vĩ cuồng cũng lấp ló trong những kẻ ngạo mạn sách vở thuộc lòng, tưởng rằng sẽ trở thành “thầy”thiên hạ khi viết sách giáo dục dạy người, hay ghi băng đĩa thuyết pháp dạy đời, dù người hay đời họ chỉ lẫn quẩn trong phạm vi hẹp, chưa một lần thực sự va chạm và đi qua gian nan (?) Những kẻ ảo tưởng, hoặc mưu toan ảo tưởng luôn nghĩ có thuốc chữa “bách bệnh”, hoạt họa “tâm linh”, phô trương “ngoại cảm”…có thể do bị dị biệt kiến thức khoa học, hoặc cố tình nhiễu loạn xã hội, trí óc ảo tưởng...

   Nhưng, phần lớn chứng vĩ cuồng cũng thường xuất hiện từ nỗi sợ hãi, thất vọng, lo âu…Những tượng đài đồ sộ, chùa chiền đền thờ, nhà tổ lăng tẩm hoành tráng…dù ý nghĩa thế nào thì trong đó vẫn có bóng dáng của kẻ vĩ cuồng (!) Thần linh và ma quái thường phô diễn lòng tìn bằng bia mộ…

   Khổ thay, chứng vĩ cuồng không được xem là tội phạm trong một xã hội dung nạp độc quyền, phủ nhận ý thức cộng đồng…nên đôi khi chúng ta đành chấp nhận nó như một loại bệnh tâm thần "xã hội khải huyền". Hy vọng, vẫn còn lại đâu đó bao nhiêu người cầu thị, trông chờ một nền giáo dục trung thực bằng kiến thức, trí tuệ cảm xúc và lòng tự trọng (?)

2 nhận xét: