Thứ Tư, 14 tháng 10, 2020

Cuộc đời "Thằng Bờm"...

                      Cuộc đời “Thằng Bờm”

(Câu chuyện chữ nghĩa…)


    Học chữ khó hay dễ?
   Thực sự, câu hỏi mà ít ai muốn trả lời! Vì, khó ai nhớ nỗi khi xưa học chữ (lớp một) nó khó hay dễ? Chỉ biết rằng cuối cùng đứa nào cũng tò tí te lên lớp và trưởng thành bằng nhiều cách…
    Các bậc phụ huynh cũng đừng vội lo. Vì, thiên tài như Einstein và leonardo Da Vinci thuở bé cũng bị rối loạn ngôn ngữ, chữ viết…nhưng thế giới chẳng ai dám nghi ngờ phẩm chất và năng lực của họ (cười). 
   Hãy nghĩ rằng: “Học mà chơi chơi mà học” vốn là thành ngữ ngụ ngôn nói về phương pháp dạy học, là giáo trình thong dong có giá trị nhân bản học và hành. Sự thật đơn giản triết lý giáo dục chỉ có vậy! Mọi thứ nhiễu nhương nằm ngoài sự thích thú, hấp dẫn gợi trí tò mò của học sinh…thì không thể gọi là khoa giáo dành cho học đường!
    Và dĩ nhiên, tôi viết bài (entry) này chỉ là phương pháp luận qua sự tồn tại từ văn học nhân gian…

  + Giá trị thực của ngụ ngôn?
   Thường, ai cũng quen biết “thằng Bờm” qua lối văn vần, viết theo thể thơ lục bát trong bài tập đọc (học thuộc lòng) trong sách lớp 1:

 Thằng Bờm có cái quạt mo
 Phú ông xin đổi ba bò, chín trâu
 Bờm rằng: Bờm chẳng lấy trâu
 Phú ông xin đổi một xâu cá mè
 Bờm rằng: Bờm chẳng lấy mè
 Phú ông xin đổi một bè gỗ lim
 Bờm rằng: Bờm chẳng lấy lim
 Phú ông xin đổi con chim đồi mồi
 Bờm rằng: Bờm chẳng lấy mồi 
 Phú ông xin đổi nắm xôi, Bờm cười…

    Đó là câu chuyện có nội dung hấp dẫn, gây tò mò, thú vị đến mức lạ lẫm…
    Thông thường, với hình thức kết quả sự việc trên thì sẽ có ý niệm: Thằng Bờm là đứa dại khờ, ngớ ngẩn vì cuối cùng nó chỉ đổi (Bờm cười) lấy nắm xôi mà không lấy các thứ trước có giá trị lớn hơn? Thật tình, bọn trẻ con (như tôi) lúc ấy cũng chỉ nghĩ đến vậy, nên đứa nào hơi hậu đậu cũng gọi là “bờm”… 

   - Nhưng khi lớn một chút (trung học) biết thêm một chút về nghệ thuật diễn đạt văn chương. Ai quan tâm về ý tưởng? Thì có thể suy luận để thành chuyện ngụ ngôn có giá trị về sự công bằng, hợp lý ở đời (cho cả phú ông và Bờm): Bờm là đứa trẻ hồn nhiên, hoặc là biết lẽ phải (thông minh). Lão phú ông có dụng ý gì đây khi "trả giá" thấp dần (nghịch lý)? Nhưng, rõ ràng rất tôn trọng, lịch sự “xin đổi” tuần tự những sản vật có giá trị…để thương lượng chỉ lấy một chiếc quạt mo cau không đáng giá?
  - Tuy vậy, cái sự đời không phải bao giờ cũng cho thằng Bờm được hồn nhiên? Và, lão phú ông ở đây sẽ trở thành kệch cỡm, kẻ khoe giàu? Khi mà não trạng ai đó lại có tư duy khác: “ xếp bài ca dao Thằng Bờm vào loại ca dao trào phúng chống phong kiến mang ý nghĩa như một truyện ngụ ngôn độc đáo…” rồi tự áp đặt hai cái bóng thi ca trình diễn thành kẻ thù giai cấp “Phú ông là bọn nhà giàu nứt đố đổ vách trong nông thôn ngày xưa. Thằng Bờm thuộc tầng lớp khố rách áo ôm trong xã hội cũ…”. Dù thực tế vào đời “văn hóa dân gian”chẳng có lời nào bảo người giàu là “bọn”…

   Để thấy rằng: Khi dùng tư tưởng tự tạo ra định mệnh thì nội dung cũng bị thay đổi, mặc cho chữ nghĩa vẫn rành rành…Sự thật, người ta chỉ cảm xúc giá trị với những câu chuyện ngụ ngôn có tính nhân văn, học thuật khiêm nhường để gợi mở năng lực đức dục, trí dục…

  + Nguyên lý của chữ nghĩa?
    Lịch sử đã cho biết loài người đã sáng tạo chữ viết từ lâu, nên đúc kết được nguyên lý cơ bản. Và, bất kỳ chữ của quốc gia nào chúng ta cũng đều học được, vì nó chỉ ghép nối một số kí hiệu qui ước. Sẽ là đơn giản, nhanh chóng hơn khi được sinh trưởng, giao tiếp phát âm và hiểu ngữ nghĩa ở nơi đó…          
  Điều rắc rối, khó khăn dẫn đến kém vui vẻ, thiếu tự tin? Khi sách giáo khoa soạn giáo án “đánh đố” không dùng trực tiếp (chính xác) ngôn từ phổ thông (quốc ngữ)...Vì, ngôn ngữ giao tiếp bên ngoài với xã hội thường tùy tiện, cảm tính: Ngữ điệu, thuật ngữ, tiếng lóng (phương ngữ xã hội), thói quen âm ngữ địa phương, vùng miền…khiến người lớn dày dạn phong trần đôi lúc cũng bị ngơ ngác, huống gì trẻ em đang mơ mù mờ như tờ giấy trắng…(Không nhẽ, các bé phải cần cù cõng nặng thêm vài cuốn từ điển “vùng miền” đi học, khi chưa biết đọc?)
 
   Chuyện học hành sẽ đơn giản nếu không có người thích chơi chữ và tự “suy ý ra nghĩa”. Nghe người ta nói: Bài học thuộc lòng “thằng Bờm” trên kia cũng có vài dị bản (?) Dưới đây là một bài “Thằng Bờm” trong sách Tiếng Việt 1 Công nghệ Giáo dục của NXB Giáo dục Việt Nam:


   Mặc cho dư luận dân gian không đồng ý vốn là “sản phẩm của văn học dân gian”…Nhưng, nhà xuất bản giáo dục Việt Nam vẫn quả quyết: “xét trên nguồn gốc các văn bản (dị bản) và logic (hình thức và nội dung) của bài, việc sử dụng các từ ngữ “ba bè gỗ lim”, “đôi chim đồi mồi” và “hòn xôi” trong sách Tiếng Việt 1 Công nghệ Giáo dục là hợp lý”.( https://zingnews.vn/tranh-cai-ve-tu-hon-xoi-trong-bai-tho-thang-bom-cua-sach-lop-mot-post947642.html)

   - Sự “hợp lý”trong văn học thường cho kết quả vô số nghiệm? Cuộc đời “Thằng Bờm” thật lận đận (cười)! Ra đời từ lâu lắm nhưng thiên hạ cứ mãi xem Bờm là trẻ con, lừa phỉnh sao cũng được (!) Trong khi Phú Ông lại trở nên ngớ ngẩn, lú lẫn…
   - Mặc dù đúng luật thơ…nhưng, không phải bài thơ lục bát nào sáng tác cũng dành cho ca dao, tục ngữ, hò, vè...(diễn ngâm vần điệu khác nhau). Chỉ cần thay đổi một từ nào đó “trắc” thành “bằng”, hoặc cùng vần “trắc” nhưng khác dấu như (sắc và nặng) là “thanh nhạc” đã biến tấu khác rồi!

    Người có lòng tự trọng nên cẩn thận…vì chuyện chữ nghĩa luôn kèm theo một thành ngữ muôn đời mà ai cũng từng nghe thấy để tự vấn đáp: “Xấu hay làm tốt, dốt hay nói chữ” (Ý nghĩa: người dung mạo không đẹp lại thích trang điểm, làm dáng, người không giỏi lại hay nói kiểu như mình giỏi).
    Câu thành ngữ này đã nhận thức hóa về phản ứng ngược ẩn kín bên trong so với hình thức bên ngoài. Nhưng, nếu  thuộc về tâm lý con người thì có cái để cảm thông! còn như “dốt mà thích sính chữ”hoặc "lừa đảo văn học" thì quả là tệ nạn…
   Ngoài ra, với văn hóa dân gian lâu đời người ta vẫn biết thuần thục: “Có thể che đậy sự giàu có, nhưng không thể che dấu điều dốt nát…”. Vì vậy, có học vị hay bằng cấp cỡ nào cũng không cứu rỗi được thực lực học vấn, nhân cách...dù có biện minh dưới bóng từ ngữ công nghệ, hay ngụy tạo hình thức hiện đại cũng là hư vô!

Thứ Năm, 9 tháng 7, 2020

Thực và ảo...


Thực và ảo…
(Câu chuyện chữ nghĩa …)

   Đời sống vốn bận rộn, nhưng đôi khi cũng cảm thấy trống vắng...Ý nghĩa cuộc đời lúc này chỉ còn lại những ngôn từ (cười)…
   Sự định hình chữ nghĩa (chính tả) là một quá trình lịch sử văn minh ngôn ngữ, nó đã cho ta sử dụng chính xác ý tưởng và dễ hiểu hơn so với văn nói (phát âm)…
   Và, khi từ ngữ được diễn đạt bằng văn chương thành ngữ, đối nghĩa, ghép từ…thì thường có bao hàm ý tứ sâu xa về một mệnh đề triết lý nào đó(?)
  Thực và ảo là một “hệ qui chiếu” khác với định đề thật-giả; trái-phải; đúng-sai;-không... Vì, “ảo” chưa phải là giả; “hiện thực” không hẳn đã là sự thật…nếu có thể, người ta chỉ liên tưởng đến “mặt trái của cuộc đời” như một phép ẩn dụ nhằm mô phỏng liên kết bên trong và bên ngoài vốn có của một chiếc áo, sẽ khác với qui ước hay định nghĩa?
   Thực tế, không ai muốn phiền lòng hay tự gây rắc rối cho não bộ khi đặt dấu hỏi về: Truyền thuyết lịch sử (sự thật?), cổ tích thần thoại (hư cấu?), văn chương thơ ca (trừu tượng?) hay yếu tố lãng mạn trong tình yêu?
   Tùy theo “lề lối” văn chương, nghệ thuật…người ta cũng sẽ dễ dàng tìm ra ý nghĩa, giá trị trong diễn cảm:

  + Thực và ảo trong văn chương, thơ ca…là mối liên hệ giữa hiện thựctrừu tượng. Người nghệ sỹ thường đem cảnh vật vào lòng người để diễn giải nỗi niềm tâm sự: “Đường dài hun hút cho mắt thêm sâu” (Diễm xưa-Trịnh công Sơn) có thể chỉ là “tỷ lệ thuận” của khoảng cách…nhưng, nếu khiến ta liên tưởng đường dài cuộc đời thì vẫn còn đó những ngày dài suy tư, thao thức. Hoặc nỗi buồn sẽ trống trãi, hụt hẫng khi nhận ra “Đời sao im vắng như đồng lúa gặt xong…”(Ru ta ngậm ngùi-Trịnh Công Sơn).
   Trong bài thơ “Khúc Thụy Du”của Du Tử Lê:
Như con chim bói cá
Trên cọc nhọn trăm năm
Tôi tìm đời đánh mất.
Trong vụng nước cuộc đời…
   Người ta đặt tên về loài chim “bói”cá như để hình dung về tâm trạng bất an đến từ may rủi! Sự trắc trở khi đứng “trên cọc nhọn trăm năm” để cố tìm kiếm quá khứ đời người (hạnh phúc) đánh mất. Nhưng, rõ ràng: Nếu là vì “vụng” nước cuộc đời… thì khó để tìm lại được?
   Có lẽ, ngôn ngữ văn chương luôn vay mượn phiêu lưu tìm cảm xúc. Thanh cao hay phong trần, kiểu cách hay chân tình cũng chỉ là phương tiện len qua hành trình lý lẽ. Ở đây, vốn sống chữ nghĩa chỉ còn lại vai phụ của ý tưởng, thực và ảo không còn là đề tài để tranh luận...

   + Thực và ảo qua đời sống văn hóa ăn nói, hình thức giao tiếp cũng là mối liên quan từ nhiều nguyên nhân! Trong “mạng” ảo được truyền tải bằng “mạng” thực trên internet...Nó sẽ thể hiện “mặt trái” tư tưởng khi xét về tâm sinh lý hoàn cảnh, hoặc đó chính là “mặt phải” của thuộc tính liên quan đến nhận thức. Đôi khi, chỉ qua trang facebook cá nhân người ta có thể hiểu hơn “cái tôi” của ai đó hơn là giao tiếp ngoài đời…

  + Niềm tin và kinh nghiệm? Đôi khi, cũng chỉ nằm giữa thực và ảo! Sự hên xui…không được đánh giá cao như người ta muốn nghĩ! Bởi, chẳng có nền tảng khoa học và nguyên tắc luật pháp nào lựa chọn: Kinh nghiệm cá nhân, chuyện đời truyền miệng, quảng cáo bán buôn…làm chứng cứ(?) Vì, hoàn cảnh và tâm lý nhân sinh: Thực tế cuộc sống đó - tạo niềm tin kia…vốn là công thức hóa nuôi niềm hy vọng.

   Thực và ảo không chỉ tồn tại tư tưởng “hệ nhị nguyên” về các mặt xã hội: văn hóa, giáo dục, y tế, chính trị, tôn giáo…mà ở ngay trong chính bản thân hòa hoãn của mỗi người. Chẳng qua, nó giới hạn đến đâu và có giá trị gì thực tế trong đời sống?
   Sự “tương đối” hòa thuận giữa thựcảo cũng thường đem đến trạng thái cân bằng, nhu cầu thiết yếu, hạnh phúc đời sống! Tuy vậy, cuộc đời vốn rất hiện hữu: Bằng cấp chuyên môn, văn hóa nhân sinhtư duy khoa học vẫn là giá trị nhân quả căn bản được xã hội tôn trọng, tin tưởng hơn…  
   Đời sống vốn có vui buồn, thói đời lẫn lộn trắng đen…như tạo hóa cần có ngày và đêm để vận chuyển cuộc sống thực hư đầy hấp dẫn!

Thứ Năm, 11 tháng 6, 2020

Tương lai...


Tương lai…

(Câu chuyện bạn bè…)

   Đã hơn “sáu mươi năm cuộc đời” mà còn đong đưa nói chuyện tương lai? Chắc, đang lục đục tháng ngày trông ngóng dáng hoàng hôn (cười)…

 Tương lai có thể là một điều gì đó xa vời với người không bận tâm, nhưng sẽ rất gần cho ai đó đang lo lắng ngày mai…

  Có lẽ, khi nói về “tương lai” chúng ta cần chút lạc quan và hài hước. Bởi, chỉ là khoảng cách thời gian mặc định của ngày mai(?) Còn đời người dài ngắn chắc hẵn phụ thuộc vào sự thảnh thơi hay bận rộn…

   Hãy thử một câu chuyện mang tính trừu tượng: Giả sử, trên con đường thong dong hoặc chật chội cùng đi đến tương lai? Nếu Bạn thấy mỗi người đều mang theo những gói hành trang trông có vẻ cồng kềnh hoặc gọn nhẹ như: Chiếc ghế quyền lực, trang sứctiền bạc, văn chương thơ ca, túi gạo, chai rượu, tờ vé số hay chỉ cầm bóng hình ai đó…Và, không biết bạn đành lựa chọn đồng hành cùng ai? Vì, khi mới vào đời Tôi cũng ngu ngơ, bối rối nhìn trời xanh thênh thang, mây trôi xa lắc…

   Thực ra, giữa dòng sống vốn luôn bấp bênh chuyện đời, phận người…với tâm tư đa đoan nên có rất nhiều lý do để người ta nghĩ rằng “con người có số phận”. Nhưng, số phận thuộc về định số hay vận mệnh là hai quan niệm sống rất khác nhau:

 - Những người tin vào định số thường nghiêng về tử vi, bói toán và tùy thuộc vào điều kiện hoàn cảnh mà có thái độ dửng dưng hay an phận! Bạn cứ thử tò mò xem mệnh trời đoán phận người? (dù trời chỉ bận rộn nắng mưa, người thì lo kiếm sống và yêu đương). Vẫn nên cẩn thận…cái gì thuộc về cõi người luôn có thói đời bon chen lẫn lộn: Sự xa xỉ lòng tin thường dễ bị bội bạc và sự hào phóng tâm linh có thể “tự kỷ ám thị” chính cuộc đời mình…

  - Những người tin vào vận mệnh thường chọn nhu cầu thực tế bằng cơ hội thực dụng: Điều kiện gia đình, năng lực, học vấn, tâm sinh lý và hoàn cảnh xã hội để lọc lựa tương lai (nghiệp vận). Nghe có vẻ như luận chứng rêu rao thành đạt “kỹ năng mềm” hay thuật “đắc nhân tâm” của người xưa? Nhưng, sự khôn ngoan cũng thường dẫn đến tham vọng rồi sinh ra ngạo mạn, kiểu cách, giả dối (hệ quả xấu). Với lại, sách lược vốn cầu kỳ, văn chương thường mô phạm triết lý thì học thuyết hiện sinh về nhân sinh quan hay xã hội học cũng tạm “lãng quên” chưa vội tính đến hệ số vô thường do: Chiến tranh, thiên tai dịch bệnh, trào lưu văn hóa, xu hướng xã hội hoặc đổi thay chính trị…

   Nhưng, chúng ta đều hiểu: Điều chưa đến, chưa xảy ra (tương lai) cũng chỉ là dự đoán! Những “công thức hóa” thân phận như trên, khiến ta đã cảm thấy cuộc đời gần như bị lẫn quẫn nô lệ cho số mệnh…nó còn khó hơn là phác thảo “nhân quả” dùm tương lai cho một người qua vài đặc điểm, tính cách (nghề nghiệp cũng tạo ra tính cách)…

    Dẫu sao, muốn niềm vui xôn xao cuộc sống? Đôi khi cũng phải tự vỗ về thỏa thuận với tình yêu sự nghiệp. Đơn giản hóa cuộc đời thì trong điều kiện hoàn cảnh nào? Con người cũng sẽ biết lạc quan để hiểu cả cách thưởng thức hạnh phúc buồn…

Chủ Nhật, 29 tháng 3, 2020

Câu chuyện dịch bệnh...


Câu chuyện dịch bệnh…
 (Tâm lý sinh tồn…)


   Dịch bệnh, là câu chuyện ít ai muốn nói đến? Sẽ cảm thấy rủi ro, bất lực trước “cuộc đấu tranh sinh tồn” với cơ thể của chính mình khi bị nhiễm! Dù có ý thức, con người cũng khó tránh được cuộc chiến “vô hình”, những kẻ thù (virus) tự nhiên mà chúng ta luôn bị bất ngờ và không thể nào biết hết về nó...

  Vì vậy, phòng chống dịch bệnh là cuộc chiến chung của toàn xã hội. Cơ chế hoạt động Virus và phương pháp dịch tễ học là “câu chuyện” của các nhà khoa học và chuyên gia!

   Về nguyên tắc (đạo lý) cộng đồng…chúng ta chỉ thu nhận kiến thức chung và làm theo hướng dẫn phòng dịch tùy theo mỗi quốc gia, khu vực. Bởi, các chính sách khả tín đều dựa trên bằng chứng khoa học, ngay cả những người lãnh đạo đáng kính của xã hội (chính trị, tôn giáo) cũng sẽ bắt buộc làm như vậy!

   Virus Corona hay các loài virus khác gây dịch cúm mùa người ta đã biết từ lâu, thường điều trị theo triệu chứng (không có thuốc chuyên trị). Vì, thực tế chúng luôn thay đổi (đột biến gien) không ngừng, nếu có điều chế được loại vacine hôm nay, cũng không chắc tác dụng ở tương lai. Thế nên, rất nhiều người (thường ở các nước phương tây) vẫn kỳ vọng vào sức đề kháng làm cơ hội miễn nhiễm tương lai…dù khá mạo hiểm! (nếu dịch bệnh lây nhanh và tỉ lệ tử vong cao).

   Để tránh bớt rủi ro: Phòng bệnh bằng cách tránh lây nhiễm (cộng đồng) là biện pháp khả dĩ tốt nhất! Trong nội dung dịch tễ học (xã hội) cũng đã đưa ra nhiều nguyên lý: Triết học y tế, sinh học và tâm lý họctùy theo cơ chế virus lây nhiễm, hoàn cảnh điều kiện môi trường, thói quen văn hóa và khả năng kháng thể miễn dịch mỗi quần thể mà người ta (chính quyền) đưa ra các phương án ưu tiên cho công tác (tiến trình) phòng chống (ngăn) dịch hợp lý…

   Sẽ không ngạc nhiên khi mỗi vùng (dân tộc), mỗi quốc gia có cách xử lý riêng của họ. Những số liệu lây nhiễm hay tử vong được đưa ra chưa hẵng là lý do “bị sai lầm” so với điều kiện, năng lực và những quan điểm y học tư duy khác(?) Nhưng, sự minh bạch là cơ hội xây dựng phương án cho thế giới nhanh chóng kiểm soát bệnh tật căn bản nhất! Vì, sự thiếu tin cậy với tâm trạng tâm lý sinh tồn bao gồm: Lo lắng, sợ hãi hay thực dụng khiến con người có thể phạm sai lầm, tạo ra khủng hoảng xã hội mất kiểm soát…làm trầm trọng thêm “mùa dịch”!
  
  Thật ra, trong quá khứ con người đã trãi qua nhiều dịch bệnh (cúm) nguy hiểm và bi thảm hơn nhiều! Nhưng, tại sao? Với dịch Covid-19 (virus SARS-CoV-2) thì cả thế giới dường như đang bị khủng hoảng…

  Có lẽ, thời “truyền thông corona” khác xa mười năm trước (dịch virus A/H1N1 2009) khi xã hội hóa công nghệ điện tử, các thiết bị phổ thông thông tin hầu như tiếp cận trong túi mọi người…
  Và, cũng có thể có những nguyên nhân chính: Thế giới đang ở vào xu thế thời đại toàn cầu hóa, phụ thuộc “lây nhiễm” kinh tế lẫn nhau: Sự hợp tác giao thương, dịch vụ hệ thống gia công sản xuất dây chuyền, công đoạn lắp ráp kế thừa xuyên biên giới, và nhất là nhu cầu kinh tế dân sinh du lịch khiến mọi sự “may rủi” dễ dàng trở thành định mệnh chung (?)

   Trong một thế giới như vậy, người ta hy vọng biện pháp sinh tồn cần phải dựa vào nhau? Nhưng…hình như lối mòn bảo thủ văn hóa nhân sinh (thói quen),  thể chế chính trị (tư tưởng) và cả chủ nghĩa dân tộc…khiến “toàn cầu hóa” chống dịch khá thờ ơ, lỏng lẻo chênh vênh. Sự đố kịthuyết âm mưu thường tạo nhầm lẫn, gây ngộ nhận làm tăng thêm bệnh phiêu diêu cho mùa “cúm dịch” (?)

  Với dòng lịch sử y học thì dịch bệnh như loại “thuyết tiến hóa” chưa bao giờ dừng lại! Còn các nhà khoa học thì luôn lo ngại môi trường thay đổi, tiềm ẩn hệ sinh thái mới có thể gây ra một định luật khắc nghiệt hơn của tạo hóa…

   Tuy nhiên, vì chiến đấu với kẻ “vô hình”! Tất cả chúng ta đều có thể trông cậy vào sự tiến bộ của khoa học, con người có thể tránh phạm sai lầm và sẽ giành chiến thắng dễ dàng hơn trong cuộc đại chiến với dịch bệnh ở tương lai... 

Thứ Ba, 17 tháng 3, 2020

Lòng bao dung...

Lòng bao dung…
(Dòng suy niệm…)


    Đôi khi...thật, không hề dễ dàng gì để tránh kỳ thị một nhóm người hoặc tha thứ lỗi lầm cho  ai đó (!) May ra, chỉ có thời gian…

  Thời gian là sự chuyển động vĩnh cửu của tạo hóa…nó đều đều gõ nhịp và ra đi không bao giờ trở lại với đời người! Tuy vậy, thời gian có thể chậm nhịp vì chờ đợi hoặc trôi qua mau khi bị  lãng quên. Thời gian có thể là liều thuốc chữa lành vết thương lòng và cũng có thể khiến tình người mãi xa cách…

   Nhưng, thời gian chỉ có ý nghĩa đơn phương, đơn vị tính của đời người! Điều quan trọng là giá trị của thời gian? Vạn vật có thể đổi thay, nhưng lòng yêu thương hoặc sự hận thù…khó mà thay đổi bởi thời gian, nếu người ta vẫn không hiểu thế nào là giá trị của lòng bao dung…

    Quá khứ luôn là một phần của hiện tại. Dù thời gian có xóa mờ đi bao thế hệ thì lịch sử vẫn còn đó. Vì dẫu sao? Sự chân thành của lịch sử không bằng sự thật thà của chiến tranh(!) Niềm vui có được trên nỗi buồn kẻ khác là điều không ai muốn? Chẳng ai hân hoan khuyến khích sự tự hào khi điều đó cố tình làm mù lòa đức tính khiêm tốn…

    Người ta không phủ nhận: Hạnh phúc thuộc về quan niệm mỗi người! Nghĩa là người ta vốn biết rằng cuộc đời này không chỉ của riêng ai. Chính suy nghĩ giản dị về tình người…mà thiên hạ biết cách dung nạp để chia sẻ và cùng nhau kiếm tìm bến bờ hạnh phúc!

   Trên con đường đi tìm hạnh phúc, hành trang của mỗi người có thể mang theo nhiều thứ cồng kềnh hoặc gọn nhẹ: Tài năng, học vấn, tiền bạc và đôi khi cả nhan sắc? Và ai đó…cũng có quyền nuôi dưỡng ý chí bằng những triết lý cao siêu hay chủ nghĩa vật chất! Nhưng,  tất cả cũng chưa chắc có giá trị và cơ hội gì…để tìm được hạnh phúc thật sự, nếu vẫn còn thiếu sự bao dung của cuộc đời!?

   Hạnh phúc chưa bao giờ phân biệt: Giàu nghèo, người tu hành hay kẻ trần tục, quan chức hay dân dã….vì hạnh phúc luôn cần có sự nương tựa! Nhưng, hạnh phúc có thể soi rọi và lìa xa đời thường của cái chí lớn lẫn khuất từ sự nông nổi. Vì, người thiếu lòng bao dung thường loanh quanh với quãng đời ích kỷ, chẳng đi đến tương lai. Họ luôn ngộ nhận “tư tưởng” là một thứ gì đó bóng bẩy, đỉnh cao của riêng mình, mà thật ra tư tưởng không có thật và cũng chưa hề tồn tại với thời gian…

   Bởi, người ta có mặt trong cuộc đời này! Chẳng ai có quyền lựa chọn: Bố mẹ, đất nước,  dân tộc, vùng miền hay một tôn giáo, chủ nghĩa xã hội nào đó…để mà tự sinh ra? Và ngay cả tình yêu, cũng không hẵn người ta có quyền được chọn lựa? Vì vậy, tư tưởng chẳng qua là một thói quen lẫn quẫn hoặc ngộ nhận “triết lý sinh tồn” được sinh ra từ hoàn cảnh thế cuộc nhân sinh nào đó…

   Người có lòng bao dung không đơn giản là sự khoan dung…không có xu hướng cá nhân cần được bảo vệ hoặc tích cóp cầu cạnh việc làm từ thiện, khơi dậy lòng trắc ẩn để thảnh thơi bố thí. Vì sự bao dung phải dựa vào học vấn ý thức, lý trí tình người hơn là cảm xúc đồng cảm, thương hại. Họ luôn tôn trọng sự khác biệt: phong tục tập quán, quan niệm sống, niềm tin, tôn giáo…

   Sự bao dung có thể không làm nên sự nghiệp, danh tiếng gì? Nhưng, nó là cách duy nhất làm cho người đời biết tha thứ, xã hội thân thiện, thế giới hòa bình hơn…  


Chủ Nhật, 1 tháng 3, 2020

Cuộc Chiến Virus...


Cuộc chiến virus…


   
   Virus không còn là cái tên xa lạ với mọi người?
   Và, thường người ta có thể chia làm 3 “môi trường” sống: Virus động vật, virus thực vật, virus tin học (tất nhiên mỗi “nhóm” có hàng triệu virus khác nhau)
    Sở dĩ, gọi là virus vì có đặc điểm chung “có thể sinh sản bằng cách tạo ra rất nhiều bản sao của chính chúng bằng cách tự lắp ráp” và cần phải “ có một tế bào chủ để tạo ra cá thể mới”
   Ở đây chúng ta chỉ tìm hiểu về virus sinh học:

   Theo lịch sử y học: Chỉ có virus động vật mới có khả năng tương thích, biến thể, tiến hóa để ký sinh nơi tế bào con người bằng hình thức thụ động. Từ "tác nhân gây bệnh truyền nhiễm" lần đầu vào năm 1728 để hơn trăm năm sau người ta mới phát hiện “mầm bệnh” là một loài virus (1892)! Tuy vậy, mãi đến 1931 khi phát minh ra kính hiển vi điện tử con người mới thấy được hình hài của chúng…

   Cuộc chiến chống virus khó khăn hơn vi khuẩn nhiều lần? Thực tế, trong thời gian qua với nền y học tiến bộ, con người chỉ cần vài mươi năm (1950-1980) phần lớn đã chiến thắng được vài bệnh truyền nhiễm “nan y” nguy hiểm do vi khuẩn bằng các thuốc kháng khuẩn (Dịch hạch, uốn ván, thương hàn, giang mai, phong cùi, tả, lao…)
  
   Nhưng, theo mô tả: Loài Virus có thể nhỏ hơn vi khuẩn cả ngàn lần, chúng không có “cấu trúc tế bào” để “phân chia tế bào sự sống” như vi khuẩn(?) Vì vậy, nghiên cứu hiệu quả nhất là sử dụng vaccine tăng cường sự miễn dịch (ngăn ngừa) hoặc thuốc kháng virus (thành phần nuôi DNA) để đánh lừa khiến virus nhầm lẫn tích hợp làm vòng đời  dừng lại, bất hoạt…

    Những đại dịch hàng triệu người chết do virus được ghi nhận 1492 (đậu mùa) ở Nam Mỹ (70% dân số bản địa), dịch cúm A năm 1918 (5% dân số toàn cầu) và virus HIV (phát hiện 1981) tấn công hệ miễn dịch đến nay đã giết chết hơn 30 triệu người vẫn chưa có vaccine, chỉ dùng thuốc kháng (retrovirrus) giảm tử vong và bệnh tật…

      Trong lịch sử Việt Nam (Đại Nam thực lục)  cũng có ghi chép về 70 trận dịch lớn nhỏ liên tục cuối thế kỷ 19 (1820-1895) làm chết rất nhiều người. Thời kỳ đó! Y học nước ta vẫn còn lạc hậu, quan niệm bệnh dịch là do trời nên không ghi rõ dịch bệnh gì? Nhưng qua một vài ghi chép mô tả người ta đoán đến có 3 dịch bệnh lớn: Dịch tả, dịch đậu mùadịch hạch

   Y học thế giới đã phát hiện nhiều bệnh gây ra bởi virus như: Cảm lạnh, cúm, bệnh dại, sởi, nhiều dạng tiêu chảy, viêm gan, sốt vàng da, sốt xuất huyết, bại liệt, bệnh đậu mùa, HIV/AIDS và ngay cả các loại ung thư cũng có 15% liên quan đến virus...Và, con người đến nay ít nhất cũng thành công trong việc tạo ra vaccine, kháng virus cho: Bệnh dại, bại liệt, viêm gan (B,C) và đã tiêu diệt hoàn toàn dịch đậu mùa (1979).

  Tuy nhiên, khi điều chế được vaccine cho chủng virus biến thể (mới) không hề dễ dàng và cần thời gian thử nghiệm. Có lẽ, tốt nhất nên phòng bệnh…nghĩa là nên tránh tiếp xúc từ những yếu tố có thể lây nhiễm virus động vật sang con người (trong tế bào người thì virus có thể tiến hóa biến thể để lây nhiễm người khác), hoặc qua vector (vật trung gian truyền bệnh). Sự lây nhiễm giữa người và người thường qua: Mắt, mũi, miệng, máu và tình dục…

   Tất cả, câu chuyện trên là đọc thông tin từ  y học và các nhà nghiên cứu virus dịch tễ học!

   Bây giờ, chúng ta thử quan tâm “cuộc chiến đối đầu virus” có tác động gì đến tư tưởng, văn hóa, xã hội tương lai? Và, có vẻ như từ khi phát hiện thêm loài virus...đã củng cố thêm học thuyết nguồn gốc sự sống từ những phân tử hữu cơ tự lắp ráp(!) Chắc sẽ phần nào thay đổi tư duy con người về: Quan niệm tôn giáo thần thánh, lãng mạn tâm linh, thuật suy đoán y học cổ truyền, phong tục tập quán lạc hậu và có thể cần có một nền tảng chính trị xã hội minh bạch phù hợp với cuộc chiến sinh tồn mới!

   Nhân loại sẽ khống chế, chiến đấu với virus thế nào: Khi thời tiết khí hậu môi trường thay đổi, nạn nhân mãn, thế giới nhu cầu phát triển liên kết giao thương đi lại khiến cho biên độ lây nhiễm mở rộng làm trầm trọng thêm dịch bệnh…Đó là chưa nói ý thức người dân và hệ thống cơ chế bảo thủ chính trị còn đâu đó, thiếu kiến thức tạo cơ hội cho virus hoành hành (?)

   Khác với chiến tranh…người ta cần lợi ích quần thể, gắn kết nhau nhờ phe phái. Còn dịch bệnh khi lây lan thường làm “cách ly” mọi quan hệ, tinh thần lo âu cộng đồng chia rẽ, đố kỵ. Do vậy, cuộc chiến Virus không chỉ làm đời sống kinh tế sụp đổ mà còn khiến cho các giá trị niềm tin đạo đức, văn hóa, chính trị và tôn giáo đều bị khủng hoảng…

   Với các nhà khoa học dịch tễ…thì cuộc chiến virus là sự rủi ro vì khác cơ chế sinh học tự nhiên! Nhưng, với chúng ta? Chắc hẵng chẳng ai muốn làm vật chủ hoặc nạn nhân từ một số loài virus vô tình nghiệt ngã