Thứ Sáu, 10 tháng 10, 2014

Giá trị của sự lãng mạn...



Giá trị của sự lãng mạn
(Câu chuyện bạn bè…)




   Người ta thường đánh tráo hai khái niệm tư tưởng “lãng mạn” là “phi hiện thực”? Trong thực tế, không hề có “tư tưởng”dành riêng cho ai…mà chỉ có tính cách, hoàn cảnh tạo ra suy nghĩ người đó!

   Lãng mạn là gì? Có nhiều bài viết nhằm mục đích tìm cách để “định nghĩa” hay “giải nghĩa”… dịch luận kiến thức ngôn ngữ, hoặc tự suy diễn gán ghép ra những mệnh đề “chủ nghĩa”to lớn… 

   Thực ra, khi đã có những danh từ trừu tượng, thì trước đó con người đã sẵn có cảm xúc lãng mạn rồi! Vì người ta muốn sáng tác hay thưởng thức nghe-đọc-nhìn: Văn thơ, âm nhạc hay các loại hình nghệ thuật khác, thì đầu tiên cũng phải cần óc nội suy trừu tượng. Đó là lý do các cung bậc “lãng mạn” đang có hầu hết trong mọi văn hóa đời sống và nghệ thuật dân sinh. Tất cả, đều được xây dưng trên tính chất lãng mạn ngôn ngữ và hình thức để trở thành “món ăn tinh thần” nhu cầu quan trọng cho đời sống con người!

   Văn hóa nghệ thuật…đúng nó, luôn là nền móng tạo dựng nên một xã hội văn minh! Thật khó mà hình dung một xã hội quá thực dụng thiếu tính văn hóa lãng mạn của con người? Vì…ít nhất văn hóa lãng mạn cũng đem lại những ngôn ngữ lịch sự, hình thức gợi cảm với thiên hướng xúc động tâm tư con người. Đó là chưa nói sự trừu tượng bay xa từ bộ óc con người không ít điều “lãng mạn”tưởng tượng phần lớn…lại là nguyên khởi “triết lý” đầu tiên cho ý nghĩ sáng tạo bước tiến khoa học(!)

   Vì vậy, đối với một xã hội nào đó! Khi mà con người không còn xem trọng “món ăn tinh thần” nữa (với nhiều lý do, hoàn cảnh) thì nơi ấy hạnh phúc có thể bị tổn thương nhiều hơn vì…quá trần trụi, thiếu thốn hay bừa bãi. Bởi, người ta hiểu rằng không thể nuôi dưỡng tình yêu thật sự khi thiếu hành động, tính từ lãng mạn. Và sự xa vắng tâm hồn lãng mạn cũng khiến cho những kẻ giàu có loay hoay ngồi “buồn vu vơ”…lấy tiền thừa ra mua tiếng tăm (tai tiếng), “mệt mỏi” với mưu đồ những thứ vật chất phù phiếm, khiếm nhã…

   Sự thật, những thứ dù thuộc về quan niệm vật chất hay tinh thần…nếu bị bệnh sùng bái hoặc hoang tưởng thường không tồn tại trong một tâm hồn lãng mạn. Vì ít nhất, sự lãng mạn phải được nuôi dưỡng và hình thành từ tập tính tha nhân, chứ không phải độc đoán…

   Thường, sự độc lập (không nô lệ) và tự do tư tưởng (không bị áp chế) mới có điều kiện đầy đủ cho con người thực sự tìm được giá trị lãng mạn! Và chúng ta sẽ không ngạc nhiên khi những thi sĩ, nhạc sĩ, văn sĩ và các nghệ sĩ đều lấy thiên nhiên hay tình yêu con người làm cứu cánh cho sự vĩnh hằng…

   Mọi người sinh ra đều biết lãng mạn! Chỉ có hoàn cảnh mới tự cướp đi sự lãng mạn? Chủ nghĩa hiện sinh cũng nằm trong tư duy hiện thực lãng mạn. Chỉ có chủ nghĩa thực dụng là con đẻ của chủ nghĩa duy vật. Vật chất là thực tế rất dễ gây mất bình đẳng và đánh tráo hoặc lừa đảo hạnh phúc của chúng ta ngay cả trong một gia đình thiếu tình yêu lãng mạn.

   Tuy vậy, sự lãng mạn chỉ là một phần của cuộc sống! Nó cũng có thể đưa bạn xa rời thực tế…nhưng thiếu nó bạn sẽ bị cô đơn (cười)!

Chủ Nhật, 5 tháng 10, 2014

Phố đời



Phố đời

Mây vừa qua phố
Phố bỗng rơi mưa
Nắng còn vương vấn
Hong nóng tình đùa
Gió lùa khe áo
Ru đời mộng mị
Cho chút hững hờ
Níu bóng tìm mơ

Xưa chiều xưa lắm
Phố cũng quên tên
Cột đèn chứng giám
Mưa nắng môi mềm
Lời yêu còn đó
Xin đời từ tạ
Áo ai qua cầu
Lộng gió bạc màu…

Phố đời vẫn thế
Son phấn tìm nhau
Tình gần xa cách
Nhung nhớ tình đầu
Phố đời vẫn thế
Chen đường lận đận
Đâu biết ngày mai
Nợ tình phôi phai

Ai buồn xuống phố
Phố cũng đong đưa
Niềm vui đây đó
Phố cũng dại khờ
Lối về ngõ tắt
Rêu rao tình tự
Vẫn đó hẹn hò
Phố xá tình cờ…

              THẾ NHÂN