Thứ Bảy, 24 tháng 7, 2021

Những người khốn khổ...

Những người khốn khổ…
(Câu chuyện xã hội…)


  “Những người khốn khổ” có tựa đề gốc Les Misérablesmột tiểu thuyết nổi tiếng thế giới (xuất bản 1862) của nhà đại văn hào Victor Hugo. Các học sinh trung học cũng đã biết (học) qua sách văn học…

    Bản dịch đầu tiên tại Việt Nam đã xuất bản từ năm 1926 với tên gọi "Những kẻ khốn nạn"…của Nguyễn Văn Vĩnh là học giả nổi tiếng, nhà dịch thuật, ông tổ của làng báo, người phát triển quốc ngữ…

   Có lẽ, “những người khốn khổ” hay “những kẻ khốn nạn” cũng đồng nghĩa? Chỉ khác nhau chút ý tưởng: Khổ mà gặp thêm điều khốn khó, vấn nạn chính trị xã hội (!)

    Nội dung: Là câu chuyện về cuộc đời của Jean Valjean (Giăng Van-giăng). Một thanh niên nghèo chỉ vì dại dột (với luật pháp) ăn cắp một mẫu bánh mì cho con của người chị gái mà bị tù khổ sai, đến 19 năm sau mới được thả kèm mẫu “giấy thông hành” tội phạm…thì Valjean gần như không có nơi nương tựa, cơ hội làm việc kiếm sống một cách lương thiện. May thay, đến khi bị bắt vì trộm cắp những đồ dùng có giá trị bằng bạc…thì vị linh mục Myriel đã cứu thoát khi nói với cảnh sát rằng đó là đồ ông tặng cho Valjean. Và sau này, nhờ lời khuyên của vị linh mục tốt bụng, Valjean đã trở thành người thiện tâm, trung thực dù khi đã giàu có và trở thành thị trưởng…

   Đó là câu chuyện “nhân quả tâm lý” của cái thiện chinh phục cái ác bên trong nội tâm của Jean Valjean. Và,  đó cũng là sự “xung đột lương tâm” trong suy nghĩ của thanh tra Javert...đã tự tử vì sự dằn co giữa luật pháp và đạo lý con người(?) Một cái thời mà chuyên chế chính trị xã hội nước Pháp nửa đầu thế kỷ 19 bằng các luật pháp cực đoan khiến tư duy cái tốt, cái xấu lẫn lộn như để thống trị…

    Luật pháp thời ấy…có lẽ, chỉ nhằm bảo vệ cho chính quyền và tầng lớp quý tộc? Còn những “giai cấp” nghèo khó thường được xem là tầng lớp hạ đẳng, nên những khung hình phạt: Trộm cắp vặt, ăn quỵt (vì đói) cũng trở nên quá nặng nề đến mức thiếu nhân đạo, lòng bao dung! Nó gần như bản chất tận cùng của thứ luật pháp “tiêu diệt” đề cao hơn giá trị nhân phẩm con người…

   Ngày nay, chắc hẵn với thế giới văn minh? Người ta phải biết rằng: Ngoài hoàn cảnh mưu sinh, thì tính nhân văn hay đức dục của người giàu và kẻ nghèo chẳng có gì khác nhau? Câu chuyện đối xử với “những người khốn khổ” hay “những kẻ không may” (Misérables) …có lẽ nào vẫn còn tồn tại chỉ vì một ổ bánh mì?

  Chiến tranh, tai họa từ thiên nhiên hay dịch bệnh…cũng từ rất lâu đã là một phần bấp bênh số phận đời sống nhân loại. Đừng bàn cãi cuộc đời khi cái chết mới là sự thật cuối cùng! Con người vốn vượt qua đau thương trong quá khứ là nhờ sự đồng cảm và không bị đói…

    Thế nên, dù pháp lý lấy lẽ phải từ đâu? Nhưng, bỏ qua ý nghĩa tình người sợ sẽ dẫn đến một kịch bản xã hội sai lầm, tăm tối…