Thứ Hai, 22 tháng 2, 2021

Người đàn bà đi nhặt mặt trời...

 

Người đàn bà đi nhặt mặt trời…

(Câu chuyện âm nhạc…)

 

   “Người đàn bà đi nhặt mặt trời” là tựa đề một bài hát của Đức Tiến. Một nhạc sĩ không quá nổi tiếng…

   Mặc dù hơn 10 năm trước, khi nghe ca từ qua giọng hát ca sĩ Thiên Kim, tôi đã có ấn tượng mạnh! Nhưng, đó là tác phẩm mang ý tưởng nghệ thuật trừu tượng cao? Nên, vẫn cần thời gian có thông tin đáng tin cậy…

   Vì, ngày nay không hiếm những lời nhạc bị thay đổi ca từ so với bản gốc. Chỉ cần thay đổi một ngôn từ…thì các giá trị (ý niệm và nghệ thuật) gần như bị méo mó. May thay, phong cách âm nhạc cũng giống như văn chương rất khó mà cắp nhặt, thay thế (giả dạng) được.

   Hãy nghe lời bài hát, mà ít ai nghĩ có từ một tác giả mới ngoài 20 tuổi:

Người đàn bà đi nhặt mặt trời
Trên đống bỏ hoang của loài người
Màn đêm che lối
Tưởng rằng nắng tươi
Sương đọng trên lá
Ngỡ giọt nắng rơi
Quên hết vì đâu
Đời mình nên tội

Người đàn bà đi nhặt cuộc tình
Không nhớ người quen bỏ mặc mình
Tuổi xanh khát nắng
Giữa đời cháy da
Đưa mặt lên khóc
Thương tình xót xa
Hay khóc người xưa
Lệ nào cho vừa

Người đàn bà đi nhặt đời mình
Trên đống bỏ hoang đầy tội tình
Cỏ cây như đứa
Mơ hồ biết đâu
Con đường đêm vắng
Côn trùng dối nhau
Chia chác niềm đau
Đời người phai màu

Người đàn bà đi nhặt mặt trời
Hong ấm tình yêu của loài người
Buồn thương nơi ấy
Có người hóa điên
Quen mùi chăn gối
Nhưng chẳng nhớ tên
Trên đống bỏ hoang mà lầm thiên đàng
Trên đống bỏ hoang mà lòng thiên đàng
 

  Đây là ca khúc rất kén chọn giọng hát. Thiên Kim là một trong ít người “trí thức” làm ca sĩ. Cô ấy có chất giọng âm khàn giống Khánh Ly, Lê Uyên nhưng cách phát âm gọn gàng ấm áp, cuốn hút tự tình sâu lắng ở mức tự nhiên nhẹ nhàng và đằm thắm

   Giờ đây, chúng ta đều biết “Người đàn bà đi nhặt mặt trời” đã đoạt giải nhất cuộc thi sáng tác mới từ năm 2008 do AISA và STBN bình chọn…Với các nhạc sĩ tên tuổi: Tuấn Khanh (giới thiệu); Nhật Ngân, Trúc Hồ, Diệu Hương (giám khảo).

  Đây là bài hát chỉ bốn phiên khúc, không có điệp khúc. Theo như lời tác giả (Đức Tiến) “sau gần một năm rưỡi vẫn không tìm được kết cấu thêm điệp khúc” nên đành để nó ra đời! Tuy vậy, khi nghe bài hát này chúng ta sẽ không còn quan tâm đến điệp khúc nữa…Vì, sau một phiên khúc có phần nhạc “dạo”chuyển hướng cho mỗi phận đời riêng của “người đàn bà”…

    Mặt trời tượng trưng cho sinh tồn, xóa tan màn đêm tăm tối…và những người đàn bà đi nhặt mặt trời trong sáng tác của Đức Tiến từ cái nhìn xót xa hoàn cảnh mưu sinh của những mảnh đời chật vật, mỏi mòn nhặt nhạnh kiếm tìm hạnh phúc mà: Tưởng (màn đêm che lối tưởng rằng nắng tươi), ngỡ (sương đọng trên lá ngỡ giọt nắng tươi)lầm khi “Cỏ cây mơ hồ...côn trùng dối nhau” thiên đàng như điều mộng mị. Bởi, tất cả đều bị “bỏ”: Bỏ hoang, bỏ mặc...trong từng phiên khúc sự tình!

     Hãy nghe lời tự sự của Đức Tiến:“Tôi đã bắt gặp hình ảnh của những người phụ nữ với ánh mắt mỏi mòn tại nhà chờ xe buýt, những cô gái trong bóng đêm, những người đàn bà nhặt rác. Lúc đó, tôi cảm thấy mình phải chia sẻ với họ. Và bài hát Người đàn bà đi nhặt mặt trời là một sự chia sẻ. Mặt trời chính là hạnh phúc. Và những người phụ nữ tôi gặp đã bất hạnh không có được hạnh phúc. Họ phải đi nhặt nhạnh hạnh phúc của người khác vương vãi. Không ít người trong họ tự đánh mất hạnh phúc của mình. Họ từng sống với những ước mơ. Chính những ước mơ viễn vông như là “tuổi xanh khát nắng” nhưng “đời cháy da” đã thiêu chết họ. Người phụ nữ như đứng “trên đống bỏ hoang mà lầm thiên đàng”.”

   Mặc dù, tác phẩm ra đời gần 20 năm…“Người đàn bà đi nhặt mặt trời” vẫn lận đận, trầm ngâm lạc loài với sân chơi háo hức sôi động và khó bước vào nơi showbiz hào nhoáng sang chảnh! Sẽ càng vắng bóng hơn trong các chương trình dùng ca ngợi cuộc sống, học thuyết xã hội, triết lý nhân sinh nào đó. Và, ngay cả dòng bolero nức nở “duyên phận”cũng hờ hững? Có lẽ, những ”người đàn bà” nhặt nhạnh mưu sinh chỉ có thể tỏ tường trên sân khấu âm nhạc suy tư, hay khiêm tốn ở một vài nơi đâu đó có người còn cảm xúc, rộng tính bao dung…

    Nhưng, chắc chắn một điều ”Người đàn bà đi nhặt mặt trời” sẽ còn sống mãi…ít nhất là theo cái nghĩa hồn nhiên với nghệ thuật hiện sinh.