Thứ Năm, 9 tháng 12, 2021

Hai sắc hoa tigon...

 

Hai sắc hoa tigon
(Câu chuyện thơ ca…)
 
   “… Hoa leo ti gôn sắc đỏ, sắc hồng, sắc trắng năm nào cũng vậy, một mùa tàn lại một mùa nở. Nó chẳng giống lòng bất trắc của con người…” KHÁI HƯNG (Gánh hàng hoa)
 “ Hoa ti gôn hình quả tim vỡ làm mấy mảnh, màu hồng dịu như nhuốm máu đào. Rồi người ta phải tự hỏi thầm: “Tại sao họa sư Lê lại thích chơi cái thứ hoa trông như giấy ấy, để trong phòng quá một ngày đã rụng rồi?” (Thanh Châu- Truyện hai sắc hoa Ti gôn)

 

   Câu chuyện bài thơ “Hai sắc hoa ti-gôn” đăng trên tờ tiểu thuyết thứ Bảy (23/11/1937) tưởng đã chìm vào dĩ vãng nghi vấn về tác giả (T.T.KH) là ai? nam hay nữ…
   Có thể, xem đây là câu chuyện còn mãi bí ẩn trong lịch sử văn chương chưa từng có (?) Vì, bài thơ rất hiếm hoi, được xem như “kỷ vật” thơ ca xuất sắc, cảm động kéo dài gần thế kỷ vẫn chưa nguôi…
 
 Một mùa thu trước, mỗi hoàng hôn
Nhặt cánh hoa rơi chẳng thấy buồn,
Nhuộm ánh nắng tà qua mái tóc,
Tôi chờ người đến với yêu đương.

Người ấy thường hay ngắm lạnh lùng
Dải đường xa vút bóng chiều phong,
Và phương trời thẳm mờ sương, cát,
Tay vít dây hoa trắng chạnh lòng.

Người ấy thường hay vuốt tóc tôi,
Thở dài trong lúc thấy tôi vui,
Bảo rằng: “Hoa, dáng như tim vỡ,
Anh sợ tình ta cũng vỡ thôi!”

Thuở ấy, nào tôi đã hiểu gì
Cánh hoa tan tác của sinh ly,
Cho nên cười đáp: “Màu hoa trắng
Là chút lòng trong chẳng biến suy”
 
Đâu biết lần đi một lỡ làng,
Dưới trời đau khổ chết yêu đương.
Người xa xăm quá! - Tôi buồn lắm,
Trong một ngày vui pháo nhuộm đường...
 
Từ đấy, thu rồi, thu lại thu,
Lòng tôi còn giá đến bao giờ
Chồng tôi vẫn biết tôi thương nhớ...
Người ấy, cho nên vẫn hững hờ.
 
Tôi vẫn đi bên cạnh cuộc đời
Ái ân lạt lẽo của chồng tôi,
Mà từng thu chết, từng thu chết,
Vẫn giấu trong tim bóng “một người”.
 
Buồn quá! hôm nay xem tiểu thuyết
Thấy ai cũng ví cánh hoa xưa
Nhưng hồng tựa trái tim tan vỡ.
Và đỏ như màu máu thắm pha!
 
Tôi nhớ lời người đã bảo tôi
Một mùa thu trước rất xa xôi...
Đến nay tôi hiểu thì tôi đã,
Làm lỡ tình duyên cũ mất rồi!
 
Tôi sợ chiều thu phớt nắng mờ,
Chiều thu, hoa đỏ rụng chiều thu
Gió về lạnh lẽo chân mây vắng,
Người ấy sang sông đứng ngóng đò.
 
Nếu biết rằng tôi đã lấy chồng,
Trời ơi! Người ấy có buồn không?
Có thầm nghĩ tới loài hoa... vỡ
Tựa trái tim phai, tựa máu hồng?

Nguồn: 
1. Tiểu thuyết thứ bảy, số 179, 30-10-1937 

 
   Nhưng nay, trên vài trang thông tin mạng vẫn khơi lại, nhằm đưa ra những giả thuyết “xuất xứ bài thơ và tác giả” mới…như cố tạo thêm huyền thoại ly kỳ quyến rũ người đọc. Tiếc thay, những tên tuổi của những “tác giả” bài viết đó? Chẳng biết họ là ai...
 
   Khảo sát lại các bài viết, báo chí thời ấy (thế kỷ 20): Khi bài thơ ra đời, đã gây choáng váng cho giới văn chương(!) Người ta “nghi vấn” nhiều về các thi sĩ nỗi danh thời ấy: Thâm Tâm, Nguyễn Bính, Trần Huyền Trân (nam giới)…Trong đó, có “luận án” (qua lời kể Nguyễn Vỹ) về tâm sự riêng của thi sĩ Thâm Tâm có người yêu (hay chỉ yêu người) mang tên Trần Thị Khánh (?) Nhưng, mãi cuối đời Thâm Tâm cũng chưa bao giờ xác nhận chính thức với công luận, nên vẫn mãi là nghi vấn, bí ẩn...
 
  Thực ra, tất cả chỉ là dư luận! Vì, trong giới thơ ca? Văn phong thi thơ của những người nổi tiếng luôn là ngôn ngữ khó mà giả mạo, “đạo thơ” được. Chỉ xét về cách sử dụng phương ngữ, chữ nghĩa…cũng có thể đoán tính cách tâm lý, thói quen lối nói (ngôn ngữ văn phong). Ở đây, chỉ xét về nguồn gốc nghiêng về “chân quê” và “đài các” trong thơ…
   Trên lý thuyết ngôn từ “văn hóa địa hạt” có nhiều điểm rất khác nhau! Văn là Người...giữa “cựu” và “tân” không thể là một người. Và, ngay cả Xuân Diệu và Huy Cận “hiện đại” hơn trong sử dụng từ ngữ đa phương, cũng không hẵn tương đồng ngôn ngữ “quốc học” (Văn ngữ đại chúng, qui phạm tiếng Việt) như T.T.KH (?)
 
   Riêng tôi, xin lựa chọn khả năng T.T.KH là một nữ sĩ khuê các Hà Thành có kiến thức “tây học” nên gần gũi với hoa ti-gôn, thích đọc tiểu thuyết…nên câu truyện Hoa Ti-gôn của Thanh Châu (chuyện tình cô gái khuê các với chàng họa sĩ nghèo) đã làm nàng cảm xúc, mượn chuyện tình nói tâm sự của mình, hoặc đâu đó nỗi lòng chung duyên phận…
   Như định mệnh thơ ca, cũng có sự “tương đồng” dễ thừa nhận T.T.KH cũng có (quen) biết với Thâm Tâm nên mới viết trả lời:
 
“Anh hỡi tháng ngày xa quá nhỉ
Một mùa thu cũ một lòng đau
Ba năm ví biết anh còn nhớ…
Em đã câm lời có nói đâu” (Bài thơ cuối cùng)
 
   Có thể vì nho phong, lễ giáo (yên ấm chồng con)…Từ đó, trên thi đàn mất hẵn dấu vết, bóng dáng tình thơ T.T.Kh. Thực ra, trong văn chương nghệ thuật? Với cuộc cách mạng thành công của “thơ mới” (thoát thơ Hán văn) Tôi không chắc, ai dám mạo muội so sánh giữa nữ sĩ Mai Đình với Hàn Mặc Tử khi họ cùng xướng họa, công bố sau 60 năm (1999) khi Mai Đình đã mất…
 Rồi buổi chiều kia em tới thăm
Thăm người thi sĩ chốn xa xăm.
Mà vần "thơ mới" làm rung động
Xa gọi hồn em mau tới gần...

Còn anh, em đã gặp đâu
Chỉ cảm thấy thơ có những câu.
Âu yếm say sưa đầy cả mộng
Xui lòng tưởng nhớ lúc đêm thâu.
                                  Mai Đình

Chưa gặp nhau mà đã biệt ly
Hồn anh theo dõi bóng em đi.
Hồn anh sẽ nhập trong luồng gió
Lưu luyến bên em chẳng nói gì

Thơ em cũng giống lòng em vậy,
Nghĩa là thơm tho như ánh trăng
Mềm mại như lời tơ liễu rũ
Âm thầm trong áng gió băn khoăn.

Anh đã ngâm và đã thuộc làu,
Cả người rung chuyển bởi thương đau.
Bởi vì mê mẩn vì khoan khoái
Anh cắn lời thơ để máu trào.
                                Hàn Mặc Tử “Lưu luyến”

   Thực tế đã qua hơn 80 năm, bài thơ “Hai sắc hoa Ti-Gôn” vẫn là giai phẩm nối tiếng. Và, dù nhiều nhạc sĩ tài danh cố công sáng tác vẫn không thể nào đáp ứng thỏa mãn người yêu thơ mang đậm chất ngôn ngữ thi ca...

   Tôi nghĩ? Có lẽ, khi đạt đến ngưỡng cửa thi thơ thì chất liệu âm nhạc đã sẵn có rồi! Dù rằng, ta biết: Thơ, nhạc và toán học đều có định luật riêng (không phải "luật định"). Tuy vậy, “khoa học & nghệ thuật” không thể tách rời (!)

   P/s: Mới đây trên youtube:  https://www.youtube.com/watch?v=je2EcAw_J2o
   Có phân tích TTKh là nữ sĩ Vân Chung(?) Thanh Châu sau này cũng xác nhận Vân Chung là người yêu xưa, nhưng lại không xác nhận Vân Chung là TTKh...
   Nữ Sĩ Vân Chung từ lâu đã xuất bản rất nhiều tập thơ. Nhưng thật lòng...tôi vẫn không hề tìm đâu bút pháp, thể thơ, tâm hồn của TTKh...

Thứ Hai, 6 tháng 12, 2021

Mùa đông...

 

Mùa đông…
(Tìm vui bè bạn...)
 

   Có lẽ, khí hậu và không gian cũng thường tác động đến tâm trạng và hoài niệm… 
   Mùa đông thường không có nhiều không gian ảo ảnh, cảnh vật man mác buồn lãng mạn như mùa thu...nên tâm trang con người có thể u hoài cô đọng, đơn côi nhiều hơn(?)
  Nhưng, không sao cả…vì N/s Trần Thiện Thanh đã từng viết:
   - Có phải tình băng giá là tình đẹp trên thế gian (Mùa đông của anh)
   - Ôi! Những câu chuyện lòng, từ lâu vẫn như mùa đông (Trên đỉnh mùa đông).
 
   Lời như thơ và hát như mơ. Nhưng, sự “băng giá” hay “câu chuyện lòng” cũng có nghĩa là không còn nồng ấm nữa, chuyện như đã xa xưa…Tuy vậy, nếu còn kí ức kỷ niệm là còn hạnh phúc, dẫu đó là hạnh phúc buồn
    Nên, những ai sợ đời mình rong rêu, hãy đem tình ra phơi nắng (cười)...
 
P/s: Người ta viết qua hay, nên @thenhan viết để ru tinh…(Chống chỉ định: Những người tim đập qua nhanh)
 
Tình của mùa đông
 
Một ngày qua phố vắng   
Ta nghe lời cơn gió nói
Yêu nhau mà xa cách mãi
Nên mùa đông về…
 
Về lại nơi chốn cũ
Xin ai còn hấp hối tiếc
Đem phơi tình trên dốc nắng
Cây đời vẫn đợi…
 
Mùa đông đến đơn côi
Đợi ai đó thơm môi  
Đưa tình hong nỗi nhớ
Cho người xót xa người…
 
Mùa đông sẽ đi qua
Gọi mưa nắng phôi pha
Quên hờn ghen phai dấu
Yêu người ôm thật thà…
 
Dù tình còn hay mất
Xanh xao mùa đông cũng tới
Yêu thương đừng nên bối rối
Tim người mỏi mòn…
 
Chạm vào tìm hơi ấm
Xoa tay đường đời khuất lấp
Nâng niu từng sợi tóc ngắn
Vuốt tình khóc òa…
 
                                             Thế Nhân