Thứ Sáu, 31 tháng 12, 2021

Đi tìm Hạnh Phúc...

 

Đi tìm hạnh phúc
( Câu chuyện xã hội…)
 

   Con người đang chuẩn bị đón một mùa xuân mới của đất trời. Năm mới, thường mang theo hy vọng mới…
   Sau hai năm dịch bệnh (Covid-19) không gian bị thu hẹp, thời gian sống gần như bị giảm thọ và vẫn còn đó bao điều bất trắc, âu lo…
  
  Sự âu lo của thế giới là biến động chiến tranh, bởi cạnh tranh quyền lực của các nước lớn! Trong khi, đời sống xã hội đang vội vã chuyển sang một thời đại mới đầy bất trắc được thống trị bởi công nghệ điện tử AI (trí tuệ nhân tạo)…nên buộc các nền kinh tế mưu sinh lại phải cần thay đổi phương thức theo “cuộc chơi” kinh tế xã hội toàn cầu.
 
  Tiến trình lịch sử nhanh không tưởng (!) và kèm theo cả tai họa thiên nhiên, dịch bệnh? Những nước kém phát triển khoa học, chính trị dân sinh sẽ không tránh được số phận khủng hoảng niềm tin(?) Thiếu kiến thức, bảo thủ chính trị, nghèo đói...cũng gây bất hòa, thường tạo ra lo lắng sợ hãi, nghi ngờ lương tâm và dẫn đến lạm dụng quyền lực, thách đố đạo đức nhân sinh…
 
   Với một nền văn minh mới? Có lẽ, nên lựa chọn khoa học làm nền tảng chính trị để luật pháp bình đẳng không phân biệt kẻ thù…Vì, sự thực lịch sử loài người đã chứng minh các “triều đại chính trị” chưa bao giờ làm tốt được điều đó, ngoài tham vọng ưu tiên quyền lực, nhân danh công lao để cai trị. Và, với thiên tai - dịch bệnh…chỉ có tư duy khoa họcnăng lực kỹ trị nhân văn xã hội, mới có thể giảm thiểu nỗi đau tai họa từ thiên nhiên.  
 
   Lẽ thường, “hạnh phúc” liên quan đến đời sống cá nhân (!) Nên, thường được định nghĩa theo tâm lý người đời “Hạnh phúc thuộc về quan niệm mỗi người”…
   Ở khía cạnh nhu cầu, sở thích cá nhân thì không sai? Nhưng, khi chung sống hòa đồng với gia đình, bạn bè, cộng đồng xã hội…thì quan niệm đó đôi khi trở nên quán tính hủ lậu, ích kỷ… thậm chí nó trái ngược với ý niệm triết lý cộng hưởng “ngôn từ ghép” vốn có của nhân nghĩa Hạnh và Phúc!
 
  Tất nhiên, mỗi người có quyền đi tìm hạnh phúc riêng của mình. Như tôi, dẫu cuối đời (cười) vẫn cứ mộng mơ ước, miễn là không làm phiền lòng hoặc đánh cắp hạnh phúc của người khác…

Đi tìm mùa xuân                          
Tôi đi tìm mùa xuân
Một mùa hoa trái thơm tho
Thênh thang đời hồn nhiên
Tìm miền yêu mến chân thành
Tôi đi tìm quê hương
Mộng hoài mơ giấc thanh bình
Nhưng đường về xa lắc
Rong đời thắp nắng ngày trôi
Con tim buồn trống vắng
Mùa xuân vẫn thế đi tìm…
Đi tìm đợi niềm vui
Đi tìm một mùa chơi vơi
 
Tôi đi tìm tình em
Cuộc tình thôi hết âu lo
Lao xao từ đời cha
Lời thề đâu đó thật thà
Tôi đi tìm lời ru
Mẹ ơi ru mãi phận người
Sông buồn hờn mưa lũ
Bến bờ nước lở về đâu
Xa xôi lòng hấp hối
Mùa xuân tiếc nuối đi tìm
Xin chờ gọi mùa sang
Đi tìm gian nan một đời…



Thứ Bảy, 18 tháng 12, 2021

Điên trong cõi thi nhân

 

Điên trong cõi thi nhân
  (câu chuyện thơ ca…)
 

    Nếu ở Trung Hoa có thiên tài thi thơ Lý Bạch(701-762)  thì ở Việt Namthi sĩ thơ ca uyên bác Bùi Giáng (1927-1998). Họ là người được trọng vọng, làm thầy thiên hạ không qua trường lớp, bằng cấp…Và, cuộc đời họ là những giai thoại huyễn hoặc lạ lùng…

   Bùi Giáng được xem là nhà thơ, dịch giả, nhà nghiên cứu văn học Việt Nam nổi bật nhất thế kỷ 20, mà người đời vẫn thường gọi là thi sĩ điên (!) Nhưng, các học giả đều xem ông là bậc kỳ nhân ngôn ngữ và giàu có thi ca. Tốc độ viết sách như phép thuật thần thoại, phù thủy sáng tác đến mức dị thường.

   Người ta thường nói con đường thơ ca dễ dẫn đến cuồng thơ. Nhưng, dẫu sao người cuồng thơ sáng tác được thơ, còn cuồng bóng đá không đá được bóng (cười)… Có lẽ, phần đông chúng ta chỉ yêu thơ ca mà không cuồng vọng, nên không chắc sẽ hiểu hết được họ...

   Hãy nghe thi sĩ điên (Bùi Giáng) tự thú:
                                   “Ông điên từ bữa hôm qua
                                        Tới hôm nay nữa gọi là ba hôm…” (Ông Điên)

   Giơ thử tay ra đếm thử...chỉ có hai ngón? Tuy vậy, thực tế chúng ta cũng thừa nhận chỉ có hôm quahôm nay là thời gian vốn được xác định! Còn quá khứ (ngày kia), tương lai (ngày mai) là vô định…nhưng, cũng không biết ông có 'ngủ quên" ngày ở giữa không?
   Trong bài thơ “Chào Nguyên Xuân” có đoạn cũng gây choáng váng, nhưng có muốn đảo mệnh đề cũng chẳng thấy thay đổi, mò mẫm được gì…
 
“Xin chào nhau giữa bàn tay
Có năm ngón nhỏ phơi bày ngón con
Thưa rằng những ngón thon thon
Chào nhau một bận sẽ còn nhớ nhau”

   Chúng ta thực sự không thể biết đó là "giả bệnh" hay "tâm bệnh", khi một kẻ tâm thần lại ném được chữ nghĩa thơ ca một cách có tính toán siêu thực? Nhà thơ Trần Đới thì cho rằng Bùi Giáng không điên, chỉ là đang “sống trong cõi văn nghệ lúy túy càng khôn” (?)
   Nếu vậy, không lẽ ở nhà trường? Mọi thứ mà thầy trò cặm cụi, cố công bình giảng, phân tích trong sách vở văn học chỉ là những bài thơ có những câu từ, ngữ nghĩa phổ thông mà ai cũng có thể hiểu được! Có lẽ vậy, vì thế giới thơ ca mênh mông hơn ta học hành...
    Chế Lan Viên cũng là “thi sĩ kỳ dị” khi viết tựa cho tập thơ Điêu Tàn: “Làm thơ là làm sự phi thường. Thi sĩ không phải là Người. Nó là Người Mơ, Người Say, Người Điên. Nó thoát Hiện tại. Nó xối trộn Dĩ vãng. Nó ôm trùm Tương lai. Người ta không hiểu được nó vì nó nói những cái vô nghĩa, tuy rằng những cái vô nghĩa hợp lý...”
   Hàn Mặc Tử cũng được cho là “nhà thơ điên”…nhưng có thể giải thích: Do trong tập thơ Đau Thương có những nỗi đau tuôn ra cùng cực, từ thể xác đến tâm hồn (máu, thịt) của sự thất vọng vì bệnh tật…nên lời thơ dù trong trẻo, bay bỗng vẫn có pha lẫn ngôn ngữ đớn đau khó hiểu, hồn phách kinh dị…

   Riêng, cuộc đời đầy giai thoại của Bùi Giáng với khối lượng thơ ca khổng lồ và sự uyên bác ngôn ngữ miên man… “Bùi Giáng được văn giới, không phân biệt không gian thời gian, yêu mến trọng vọng. Ông là một người tự học và học rất trễ, tuy nhiên khả năng tinh thông nhiều ngôn ngữ của ông, kể cả những ngôn ngữ khó như chữ Hán và tiếng Đức, làm kinh ngạc mọi người trong văn giới.”
   “Thi sĩ đười ươi” Bùi Giáng không tuổi tác và đáng yêu như gã hiền triết phiêu bồng trên nẻo đường trần, rong chơi hè phố dạo đời dẫu phi thường hay dị thường? Chắc hẵn, dự đoán luôn còn ẩn hiện mãi về sau:

 Em về mấy thế kỷ sau
Nhìn trăng có thấy nguyên màu ấy không
Ta đi còn gửi đôi giòng
Lá rơi có dội ở trong sương mù?(Mai sau em về)

    Chúng ta có 2 loại thể thơ Lục bátSong thất lục bát . Thể lục bát thường dùng để kể chuyện (thao thao bất tuyệt) hoặc dùng cho ca dao thuần túy (vần nhớ), còn thể song thất dùng cho chính luận, văn tế, cung oán, tự tình…”. Nhưng, với Bùi Giáng ta có cảm giác lục bát không hề bị thể thơ (âm giai) giới hạn làm khó:
Bỏ trăng gió lại cho đời
Bỏ ngang ngửa sóng giữa lời hẹn hoa
Bỏ người yêu bỏ bóng ma
Bỏ hình hài của tiên nga trên trời
Bây giờ riêng đối diện tôi
Còn hai con mắt khóc người một con” (mắt buồn)

   Theo lời nữ nghệ sĩ Kim Cương thì Bùi Giáng yêu người không ràng buộc, không vướng bận “ Dù giàu, dù nghèo, dù lớn, dù nhỏ, dù điên, dù tỉnh vẫn cần có một cuộc tình để sống…”. Nghe lời này, chắc nhiều người thở phào…
   Và, thơ 8 chữ (bát ngôn) cũng là thơ Việt. Thênh thang diễn đạt, nhưng sẽ khó hay nếu thiếu sáng tạo ngôn ngữ, chắt chiu ý tưởng…
   Ở đây, ta sẽ thấy Bùi Giáng rất manly, mạnh mẽ:
 
“Tôi chấp thuận trăm lần trong thổn thức
Tôi bàng hoàng hốt hoảng những đêm đêm
Tôi xin chịu cuồng si để sáng suốt
Tôi đui mù cho thoả dạ yêu em”
 
Xin yêu mãi yêu và yêu nhau mãi
Trần gian ôi! cánh bướm cánh chuồn chuồn
Con kiến bé cùng hoa hoang cỏ dại
Con vi trùng cùng sâu bọ cũng yêu luôn…”

    Ông ra đi, lìa đời một kiếp thơ ca…để lại trần gian nhiều bối rối! Bối rối, vì không biết người đời tỉnh hay điên khi lỡ đọc thơ Bùi Giáng? Ông sống thoát tục nhưng không hề xem đâu là cõi tạm hay thiên đàng
 
“Ngày sẽ hết tôi sẽ không ở lại
Tôi sẽ đi và chưa biết đi đâu
Tôi sẽ tiếc thương trần gian mãi mãi
Vì nơi đây tôi sống đủ vui sầu…” (Phụng Hiến)

  Nhưng, chắc chắn người ta không bao giờ ngừng nghĩ khi nói về Bùi Giáng. Người “thi sĩ điên” để lại nhân thế những giai thoại kỳ vĩ cõi thi nhân, trùng trùng thơ ca sóng dội mãi ngàn năm sau nữa

Thứ Ba, 14 tháng 12, 2021

Thơ và Nhạc "Em ơi! Hà Nội phố"...

 

Thơ và nhạc “Em ơi! Hà Nội Phố”…

(Hoài niệm thi sĩ Phan Vũ và nhạc sĩ Phú Quang)

 

   “Em ơi! Hà Nội phố” của nhạc sĩ Phú Quang phát hành 1987 do nhà xuất bản Dihavina với giọng hát Lệ Thu…
   Nhưng, mãi đến 1990 Tôi mới nghe lần đầu qua Video Cassette (VHS) ca sĩ Khánh Ly trình diễn, và phải “tua” nhiều lần để nghe lại! Ngạc nhiên, bởi nhạc và ca từ với cả tên tác giả Phú Quang rất xa lạ!?
   Thời ấy, thông tin khá hạn chế! Mùa thu, năm 1995 lần đầu ra Hà Nội, vô tình mới biết nhạc sĩ Phú Quang là ai. Nhưng, mãi đến sau này những thắc mắc, vướng bận ca từ trở nên sáng tỏ hơn khi biết được bài thơ “Hà Nội phố” của Phan Vũ đã có từ 1972…  
   Một bài thơ dài với 24 chương…đầy gian nan, lận đận đi qua gần nửa thế kỷ mới xuất bản (2009). Tác giả là người có quê cha Đà Nẵng, sinh ra ở Hải Phòng, lớn lên ở Hà Nội, thường trú Sài Gòn. Có lẽ, quê hương không phải "mỗi người chỉ một" mà chốn quê nhà của Phan Vũ “chỉ có một con đường” gian truân, nên cho đến cuối đời tác phẩm “Hà Nội phố” mới thực sự trở về chính nơi “chôn nhau cắt rốn” của tác phẩm.   

  Tất nhiên, không thể phủ nhận tài hoa của nhạc sĩ Phú Quang! Từ những điệp ngữ trong ý nghĩa “Ta còn em…” đã gộp lại thành một cụm từ bao quát với đề tựa rất thân tình gần gũi “Em ơi! Hà Nội phố…”
   - Rì rào cơn mưa nhỏ, ai đừng chờ ai tóc xõa vai mềm…
“Rì rào cơn lốc nhỏ
Gót chân ai qua mùa lá đổ?
Tóc cắt ngang xoã xoã bờ vai...” (Phan Vũ)
   Hay:
   - Người nghệ sĩ lang thang hoài trên phố, Bỗng thấy mình chẳng nhớ nổi một con đường…
“Người nghệ sĩ lang thang hè phố
Bơ vơ
Không nhớ nổi con đường.
Ngay trước cổng nhà mẹ cha” (Phan Vũ)
   Hoặc:
   - Tan lễ về, sao còn đọng tiếng chuông ngân…
“Chiều tan lễ,
Chuông nguyện còn mãi ngân nga...” (Phan Vũ)

   Bài hát "Em ơi! Hà nội phố" được soạn với đàn piano bằng giọt ngân vang quyện không gian chuông nguyện thanh thoát, với những ngôn từ đâu đó có chút khung cảnh trầm mặc, lặng lẽ, âu lo...

   Một nhà thơ dùng ngôn ngữ để vẽ tranh thành bức họa ưu tư, vẫn khác với một nhạc sĩ dùng ca từ viết cho một bản nhạc trữ tình…Chẳng qua, là khác nhau về cách sử dụng “phương tiện vận chuyển”? Tuy vậy, những người khó tính văn chương, nghiêm túc danh nghĩa, họ thường đánh giá cao ý tưởng ban đầu...
    Nhà thơ Phan Vũ có số phận long đong, hoặc là quá đa tài: Biên kịch, đạo diễn, làm phim, viết báo…đến 70 tuổi làm họa sĩ để cảm thấy “Tôi tự do. Không ai biên tập, chẳng hoạnh hoẹ”. Nên cũng có người nói ông là “Ngôi sao lẻ lạc vào căn xép nhỏ”…Một ngôi sao sáng cuối cùng thời "độc lập" tư tưởng đã giã biệt cõi tạm theo những ngôi sao sáng trước đó (1926- 2019).

    Và, giờ đây nhạc sĩ Phú Quang “Em ơi! Hà Nội phố” cũng từ tạ về chốn thiên đường (1949-2021).

Thứ Năm, 9 tháng 12, 2021

Hai sắc hoa tigon...

 

Hai sắc hoa tigon
(Câu chuyện thơ ca…)
 
   “… Hoa leo ti gôn sắc đỏ, sắc hồng, sắc trắng năm nào cũng vậy, một mùa tàn lại một mùa nở. Nó chẳng giống lòng bất trắc của con người…” KHÁI HƯNG (Gánh hàng hoa)
 “ Hoa ti gôn hình quả tim vỡ làm mấy mảnh, màu hồng dịu như nhuốm máu đào. Rồi người ta phải tự hỏi thầm: “Tại sao họa sư Lê lại thích chơi cái thứ hoa trông như giấy ấy, để trong phòng quá một ngày đã rụng rồi?” (Thanh Châu- Truyện hai sắc hoa Ti gôn)

 

   Câu chuyện bài thơ “Hai sắc hoa ti-gôn” đăng trên tờ tiểu thuyết thứ Bảy (23/11/1937) tưởng đã chìm vào dĩ vãng nghi vấn về tác giả (T.T.KH) là ai? nam hay nữ…
   Có thể, xem đây là câu chuyện còn mãi bí ẩn trong lịch sử văn chương chưa từng có (?) Vì, bài thơ rất hiếm hoi, được xem như “kỷ vật” thơ ca xuất sắc, cảm động kéo dài gần thế kỷ vẫn chưa nguôi…
 
 Một mùa thu trước, mỗi hoàng hôn
Nhặt cánh hoa rơi chẳng thấy buồn,
Nhuộm ánh nắng tà qua mái tóc,
Tôi chờ người đến với yêu đương.

Người ấy thường hay ngắm lạnh lùng
Dải đường xa vút bóng chiều phong,
Và phương trời thẳm mờ sương, cát,
Tay vít dây hoa trắng chạnh lòng.

Người ấy thường hay vuốt tóc tôi,
Thở dài trong lúc thấy tôi vui,
Bảo rằng: “Hoa, dáng như tim vỡ,
Anh sợ tình ta cũng vỡ thôi!”

Thuở ấy, nào tôi đã hiểu gì
Cánh hoa tan tác của sinh ly,
Cho nên cười đáp: “Màu hoa trắng
Là chút lòng trong chẳng biến suy”
 
Đâu biết lần đi một lỡ làng,
Dưới trời đau khổ chết yêu đương.
Người xa xăm quá! - Tôi buồn lắm,
Trong một ngày vui pháo nhuộm đường...
 
Từ đấy, thu rồi, thu lại thu,
Lòng tôi còn giá đến bao giờ
Chồng tôi vẫn biết tôi thương nhớ...
Người ấy, cho nên vẫn hững hờ.
 
Tôi vẫn đi bên cạnh cuộc đời
Ái ân lạt lẽo của chồng tôi,
Mà từng thu chết, từng thu chết,
Vẫn giấu trong tim bóng “một người”.
 
Buồn quá! hôm nay xem tiểu thuyết
Thấy ai cũng ví cánh hoa xưa
Nhưng hồng tựa trái tim tan vỡ.
Và đỏ như màu máu thắm pha!
 
Tôi nhớ lời người đã bảo tôi
Một mùa thu trước rất xa xôi...
Đến nay tôi hiểu thì tôi đã,
Làm lỡ tình duyên cũ mất rồi!
 
Tôi sợ chiều thu phớt nắng mờ,
Chiều thu, hoa đỏ rụng chiều thu
Gió về lạnh lẽo chân mây vắng,
Người ấy sang sông đứng ngóng đò.
 
Nếu biết rằng tôi đã lấy chồng,
Trời ơi! Người ấy có buồn không?
Có thầm nghĩ tới loài hoa... vỡ
Tựa trái tim phai, tựa máu hồng?

Nguồn: 
1. Tiểu thuyết thứ bảy, số 179, 30-10-1937 

 
   Nhưng nay, trên vài trang thông tin mạng vẫn khơi lại, nhằm đưa ra những giả thuyết “xuất xứ bài thơ và tác giả” mới…như cố tạo thêm huyền thoại ly kỳ quyến rũ người đọc. Tiếc thay, những tên tuổi của những “tác giả” bài viết đó? Chẳng biết họ là ai...
 
   Khảo sát lại các bài viết, báo chí thời ấy (thế kỷ 20): Khi bài thơ ra đời, đã gây choáng váng cho giới văn chương(!) Người ta “nghi vấn” nhiều về các thi sĩ nỗi danh thời ấy: Thâm Tâm, Nguyễn Bính, Trần Huyền Trân (nam giới)…Trong đó, có “luận án” (qua lời kể Nguyễn Vỹ) về tâm sự riêng của thi sĩ Thâm Tâm có người yêu (hay chỉ yêu người) mang tên Trần Thị Khánh (?) Nhưng, mãi cuối đời Thâm Tâm cũng chưa bao giờ xác nhận chính thức với công luận, nên vẫn mãi là nghi vấn, bí ẩn...
 
  Thực ra, tất cả chỉ là dư luận! Vì, trong giới thơ ca? Văn phong thi thơ của những người nổi tiếng luôn là ngôn ngữ khó mà giả mạo, “đạo thơ” được. Chỉ xét về cách sử dụng phương ngữ, chữ nghĩa…cũng có thể đoán tính cách tâm lý, thói quen lối nói (ngôn ngữ văn phong). Ở đây, chỉ xét về nguồn gốc nghiêng về “chân quê” và “đài các” trong thơ…
   Trên lý thuyết ngôn từ “văn hóa địa hạt” có nhiều điểm rất khác nhau! Văn là Người...giữa “cựu” và “tân” không thể là một người. Và, ngay cả Xuân Diệu và Huy Cận “hiện đại” hơn trong sử dụng từ ngữ đa phương, cũng không hẵn tương đồng ngôn ngữ “quốc học” (Văn ngữ đại chúng, qui phạm tiếng Việt) như T.T.KH (?)
 
   Riêng tôi, xin lựa chọn khả năng T.T.KH là một nữ sĩ khuê các Hà Thành có kiến thức “tây học” nên gần gũi với hoa ti-gôn, thích đọc tiểu thuyết…nên câu truyện Hoa Ti-gôn của Thanh Châu (chuyện tình cô gái khuê các với chàng họa sĩ nghèo) đã làm nàng cảm xúc, mượn chuyện tình nói tâm sự của mình, hoặc đâu đó nỗi lòng chung duyên phận…
   Như định mệnh thơ ca, cũng có sự “tương đồng” dễ thừa nhận T.T.KH cũng có (quen) biết với Thâm Tâm nên mới viết trả lời:
 
“Anh hỡi tháng ngày xa quá nhỉ
Một mùa thu cũ một lòng đau
Ba năm ví biết anh còn nhớ…
Em đã câm lời có nói đâu” (Bài thơ cuối cùng)
 
   Có thể vì nho phong, lễ giáo (yên ấm chồng con)…Từ đó, trên thi đàn mất hẵn dấu vết, bóng dáng tình thơ T.T.Kh. Thực ra, trong văn chương nghệ thuật? Với cuộc cách mạng thành công của “thơ mới” (thoát thơ Hán văn) Tôi không chắc, ai dám mạo muội so sánh giữa nữ sĩ Mai Đình với Hàn Mặc Tử khi họ cùng xướng họa, công bố sau 60 năm (1999) khi Mai Đình đã mất…
 Rồi buổi chiều kia em tới thăm
Thăm người thi sĩ chốn xa xăm.
Mà vần "thơ mới" làm rung động
Xa gọi hồn em mau tới gần...

Còn anh, em đã gặp đâu
Chỉ cảm thấy thơ có những câu.
Âu yếm say sưa đầy cả mộng
Xui lòng tưởng nhớ lúc đêm thâu.
                                  Mai Đình

Chưa gặp nhau mà đã biệt ly
Hồn anh theo dõi bóng em đi.
Hồn anh sẽ nhập trong luồng gió
Lưu luyến bên em chẳng nói gì

Thơ em cũng giống lòng em vậy,
Nghĩa là thơm tho như ánh trăng
Mềm mại như lời tơ liễu rũ
Âm thầm trong áng gió băn khoăn.

Anh đã ngâm và đã thuộc làu,
Cả người rung chuyển bởi thương đau.
Bởi vì mê mẩn vì khoan khoái
Anh cắn lời thơ để máu trào.
                                Hàn Mặc Tử “Lưu luyến”

   Thực tế đã qua hơn 80 năm, bài thơ “Hai sắc hoa Ti-Gôn” vẫn là giai phẩm nối tiếng. Và, dù nhiều nhạc sĩ tài danh cố công sáng tác vẫn không thể nào đáp ứng thỏa mãn người yêu thơ mang đậm chất ngôn ngữ thi ca...

   Tôi nghĩ? Có lẽ, khi đạt đến ngưỡng cửa thi thơ thì chất liệu âm nhạc đã sẵn có rồi! Dù rằng, ta biết: Thơ, nhạc và toán học đều có định luật riêng (không phải "luật định"). Tuy vậy, “khoa học & nghệ thuật” không thể tách rời (!)

   P/s: Mới đây trên youtube:  https://www.youtube.com/watch?v=je2EcAw_J2o
   Có phân tích TTKh là nữ sĩ Vân Chung(?) Thanh Châu sau này cũng xác nhận Vân Chung là người yêu xưa, nhưng lại không xác nhận Vân Chung là TTKh...
   Nữ Sĩ Vân Chung từ lâu đã xuất bản rất nhiều tập thơ. Nhưng thật lòng...tôi vẫn không hề tìm đâu bút pháp, thể thơ, tâm hồn của TTKh...

Thứ Hai, 6 tháng 12, 2021

Mùa đông...

 

Mùa đông…
(Tìm vui bè bạn...)
 

   Có lẽ, khí hậu và không gian cũng thường tác động đến tâm trạng và hoài niệm… 
   Mùa đông thường không có nhiều không gian ảo ảnh, cảnh vật man mác buồn lãng mạn như mùa thu...nên tâm trang con người có thể u hoài cô đọng, đơn côi nhiều hơn(?)
  Nhưng, không sao cả…vì N/s Trần Thiện Thanh đã từng viết:
   - Có phải tình băng giá là tình đẹp trên thế gian (Mùa đông của anh)
   - Ôi! Những câu chuyện lòng, từ lâu vẫn như mùa đông (Trên đỉnh mùa đông).
 
   Lời như thơ và hát như mơ. Nhưng, sự “băng giá” hay “câu chuyện lòng” cũng có nghĩa là không còn nồng ấm nữa, chuyện như đã xa xưa…Tuy vậy, nếu còn kí ức kỷ niệm là còn hạnh phúc, dẫu đó là hạnh phúc buồn
    Nên, những ai sợ đời mình rong rêu, hãy đem tình ra phơi nắng (cười)...
 
P/s: Người ta viết qua hay, nên @thenhan viết để ru tinh…(Chống chỉ định: Những người tim đập qua nhanh)
 
Tình của mùa đông
 
Một ngày qua phố vắng   
Ta nghe lời cơn gió nói
Yêu nhau mà xa cách mãi
Nên mùa đông về…
 
Về lại nơi chốn cũ
Xin ai còn hấp hối tiếc
Đem phơi tình trên dốc nắng
Cây đời vẫn đợi…
 
Mùa đông đến đơn côi
Đợi ai đó thơm môi  
Đưa tình hong nỗi nhớ
Cho người xót xa người…
 
Mùa đông sẽ đi qua
Gọi mưa nắng phôi pha
Quên hờn ghen phai dấu
Yêu người ôm thật thà…
 
Dù tình còn hay mất
Xanh xao mùa đông cũng tới
Yêu thương đừng nên bối rối
Tim người mỏi mòn…
 
Chạm vào tìm hơi ấm
Xoa tay đường đời khuất lấp
Nâng niu từng sợi tóc ngắn
Vuốt tình khóc òa…
 
                                             Thế Nhân

Thứ Sáu, 3 tháng 12, 2021

Xử án Thuỷ Tinh.



Xử ánThuỷ Tinh.
(Vác bút giang hồ…)


  Một hôm đang  phiêu linh ngồi mổ bàn phím chát-chít” với những ních-nêm: Gấu, Mèo, Nhỏ…Bổng phone kêu tít tít? @thenhan bắt máy ngáp ơ hờ:
   - Ha lô… “cô hàng xóm” nèo đó? (le lưỡi)
   Bên kia có giọng nói như trời gầm:
   - Trời…đây!!!
   - Ủa, “nàng” tên gì lạ vậy?
   Giọng “chả” nổi khùng:
   -  Hừ…Ta là “Ngọc hoàng thượng đế” đây! Ngươi có phải là người đang mang cái tên “trần tục”(Thế Nhân) không?
   Tui hơi ngạc nhiên:
   - Yet-sờ…có chuyện chi hông?
   Lão tưởng làm Trời là to, giọng  kẻ cả nghiêm trọng:
   - Ta đang chuẩn bị xử án bị cáo Thuỷ Tinh đây! Ngươi có thể đại diện “người thế gian” tham gia bồi thẩm đoàn được không?
   - Hơ…chuyện trờingười khác nhau, liên quan gì ta?
   - Sao không liên quan? Ta đây (trời), cũng có mắt-mũi-miệng như ngươi mà…
   Tui từ chối bằng cách giải trình tâm sinh lý:
   - Sorry, thượng đế: Ông cỡi mây, Tui cỡi xe! Tui mê gái, Ông không biết ngắm đường cong phiêu du (bĩu môi) Khác quắc, giống nhau thế nào được?
   Ổng cười lấp lững "hi-five" (đâu có bà trời), chứng minh kiểu phong trào mơ hồ:
   - Khi nào dưới nhân gian còn tin“ngoại cảm” là còn có liên quan ma-quỷ-trời-người… à nha?
   Tui bực bội:
   - Mấy “tên” đó là Thầy bói, thầy phù thuỷ, đồng bóng, mị dân…chứ ngoại-nội-cảm gì “cha nội”? Tin có ông “trời” để khi có chuyện xấu, tầm bậy thì đổ thừa đó mà (hề hề)…
   Ổng xuê xoa xí xóa, vỗ về dzụ nai hotboy tui (ẹ):
   - Kệ, thôi lên đây phù du một chuyến cõi trời (làm thơ). Trên này cũng có nhiều người (tiên nữ) hot-girl
   - Ực…dạ, lên ngay đây ạ!
   Thế là @ Tui vù “thăng thiên” như sao xẹt gặp ông Trời, ổng nháy mắt chào hỏi rất chi là lịch sự kiểu ăng-lê:
   - Hello…Thế Nhân! Ngươi tưởng người nhân gian mới biết “thèm”(yêu) hả? Hai thần Sơn Tinh và Thuỷ Tinh cũng mê gái (Mị Nương)…uýnh nhau đến mấy ngàn năm chưa hạ hồi phân giải, khiến cho dân gian bị vạ lây. Hic, chiện này Ta cũng rất xấu hổ, xin tạ lỗi...
   Tui thông cảm thói (giả dối) lịch sự, nhưng tò mò ngạc nhiên:
   - Ủa, bà hàng xóm (Mỵ Nương) đó bi chừ già rùi…có còn như “cô láng giềng” ngày xưa? (dành dựt chi ta?)
    Ông Trời mộng mị rờ cằm ngu ngơ, suy tư:
   - Ừa…quá là khó hiểu? Chắc là ngày xưa  (theo truyền thuyết) vua Hùng  yêu cầu sính lễ không công bằng! Thèng hot-boy Thủy Tinh sống dưới nước làm chi có “Voi 9 ngà, gà chín cựa, ngựa chín hồng mao” mà ứng thí? Chắc, thua bất công nên nổi điên, phá phách dài lâu…
   Tui gật gù gợi ý thay cho đề nghị:
   - Chuyện giành dựt gái, ông Trời can dự làm chi?
   - Hic, tại mấy ông “thần” mà thiên hạ đỗ thừa cho Trời mới tức nè…
   Tui chợt thấy ngứa tai nên gãi đầu:
   - Kiện Trời? Thì như “Con kiến kiện củ khoai” thôi hà...
    Hình như ổng tự ái mấy câu truyện cổ tích:
   - “Con Cóc kiện Trời” cũng được chớ mậy?
   Tui nói kiểu xuôi dòng bọt bèo tình đời:
   - Vậy, kỳ này ai kiện Thuỷ Tinh?
   - Thằng Sơn Tinh chứ ai?
   Tui mụ mị lỏn lẻn cười cười :
   - Ủa, gã Thuỷ Tinh rủ rê được bà (Sơn Tinh)  hàng xóm rầu hả? Huề cả làng nhe! Hết lũ lụt
   Ổng Trời lắc đầu:
   - Bậy bạ…người dương thế như nhà ngươi luôn méo mó “cơm” với “phở”khác nhau? Sơn Tinh nó kiện mấy "cái động" Thuỷ Điện xả lũ làm con cháu Mỵ Nương mặc váy ngắn cũng đành phải leo nóc nhà selfie (đăng facebook) mới khỏi bị ướt, tìm đường thoát nạn…
   Hic, tan hoang vườn tược, con người, súc vật cũng bị “xuất hồn” nổi bồng bềnh hổng lo, lo ướt váy ngắn...
   Tui xót cũng xa, nhưng cũng lơ mơ:
   - Nhưng…Thuỷ Điện có liên quan gì đến Thuỷ Tinh ta?
Lão Trời phán như chuyện “trời định”:
   - Cũng cùng mang họ “Thuỷ” là liên quan rùi! Thằng Thuỷ Điện ở nhân gian thì ta đâu có quyền nhúng tay, nhưng thằng Sơn Tinh ta truy cứu trách nhiệm hình sự là O.K…
   - Vậy ổng (Thuỷ Tinh)…nhận tội chưa?
     Trời lắc đầu bó tay.com:
   - Hừ, ta thẩm vấn…hắn bảo "Thuỷ Tinh tui chỉ làm phép ra nước dâng cao, gây lụt! Còn lũ là do Sơn Tinh chịu trách nhiệm…"
Tui ngạc nhiên:
   - Hơ, thèng Sơn Tinh nói sao?
   - Sơn Tinh lại đổ thừa là do  làm thuỷ điện...nên bọn “đầu tư”xứ ông có cớ vặt trụi rừng, đành chịu. Lỗi của ông Thuỷ Điện từ a đến z…
   Thấy ổng lắc đầu bối rối! Bực, Tui nhát ma:
   - Ở dưới nhân gian họ đổ thừa là do ông “trời” làm mưa nên mới có lũ đó nhen!
   Lão Trời bức râu (ủa làm gì có râu) quắc mắt:
   - Ai dám…
   - Mấy ông Thuỷ Điện chứ ai...
   - Hừ, vô duyên thúi! Không cho mưa thì than, cho mưa lại đỗ thừa? Làm như chỉ có xứ ông làm thuỷ điện...
   Tui đắn đo, dò dẫm:
    - Hay là do “quy trình” xả lũ không đúng…
    Lão bểu môi thấy ghét:
   - “Quy trình” cái mốc xì! Nước dâng quá “mực nước an toàn” thì xả…có gì mà dùng thuật ngữ cho pha học? Nghe bắt gúm...
   Tui gật gù:
   - Đơn giản quá he? Ủa…vậy, lỗi ở đâu?
   Lão nhìn Tui ra vẻ thương hại, nhẹ nhàng phủ dụ:
   - Nhiều công trình trên một dòng sông, hoặc nhiều hồ chứa…cùng xả trên một lưu vực về hạ du, thì thằng Thuỷ Tinh nhà ta có phép thuật cũng đành ngộp thở, chết đuối…
   Giải trình luận chứng kinh điển đến đó, ổng thắc mắc quay sang Tui:
   - Ủa, mấy nhà khoa học-kỹ thuật dày dạn học hàm, học vị  xứ sở của ông đi đâu hết à?
   Tui lúng túng nói bừa:
   - Chắc là…nhập viện nghiên cứu tiềm năng con người” hết rùi?
   Nghe vậy, lão cười hềnh hệch, ngún nguẩy méo mó:
   - Trời, Ta “nắn”(tạo) ra loài người mà ta cũng không hiểu ta nữa là đoán mò! À...có ai kiện chưa? Ai chịu trách nhiệm?
   Hic, Tui than trời:
  - Ông Trời có 01 tên Thuỷ Tinh mà xử không được…dưới đó hàng đống ông Thuỷ Điện biết ai mà xử?
   Ổng giận dỗi, nhưng cũng biện bạch (giống y người đời):
   - Hơ...người nào làm người nấy chịu. Mấy “cha” không xử Thuỷ Điện…tao lấy nhân chứng, vật chứng nào để kết tội thằng Thuỷ Tinh? Thôi thì thôi (nhé)...cứ nói "rút kinh nghiệm" là xong đời "chị Dậu”, phù...
   Hừ, bực bội...phủi một cái, thổi “tắt đèn” cái rụp! Đúng là Trời, đi mây về gió? Tui nổi khùng:
   - Ê…lần sau đừng “hẹn hò”lên đây nữa nhen!
   - Sao dzẫy?
   - Ông là Trời mà cũng nói chiện trớt quớt…
  

Thứ Hai, 29 tháng 11, 2021

Nàng thơ...

 

Nàng Thơ
(Câu chuyện bạn bè thơ ca…)
 
   Đây là bài viết dành tưởng niệm cho “người tình thi thơ” thay cho lời từ tạ…
   Cũng có thể viết, để cho lòng mình đỡ hoang mang trước cuộc đời vạn biến!
  Với những nàng thơ? Người tình không chân dung, chỉ có thể trừu tượng những gì xao động nơi tâm hồn của họ. Tuy có sự tương đồng giữa âm nhạc và thơ ca, nhưng vẫn khác nhau rẽ lối đi vào trái tim bằng âm thanh hay hình tượng chữ nghĩa…mà có lẽ, tượng hình chữ nghĩa diễn cảm sâu xa hơn ta nghĩ (?)
 
   Sở dĩ, gọi Mỹ Uyên (Blog N2Y) là “nàng thơ”…vì giữa chúng tôi có giao ước chỉ nói chuyện với nhau bằng thơ ca: 
   - “Nơi em ở, hai mùa gió lộng…
   Gió Nồm Nam khi thổi đem mưa
Gió chướng Tây kéo về lại nắng
Ai hẹn hò vo mãi tròn chưa?” (N2Y) 
   - Nơi anh ở, đông về còn bỡ ngỡ
   Lanh giao mùa thương nhớ cũng dở dang
   Ngày qua ngày chân xuống phố lang thang
   Bước đếm bước xua nắng về bên ấy…”(@TN) 
   - Nơi anh ở đông vừa tới ngõ
Gió chuyển mùa nhớ khoác áo thêm
Đừng lang thang xuống phố về đêm
Xua chi nắng phía em đang nóng?(N2Y) 
   - Nơi em ở có hai mùa anh thấy…
Mưa nắng đầy phố chợ gót lao xao
Lỡ gió đùa đừng khoác áo chiêm bao
Nhớ nhé em chớ “vo tròn lời hứa”!(@TN)
 
 Tôi thích thơ của Mỹ Uyên (N2Y)…vì lời thơ rất tự nhiên. Ngôn từ sáng tạo, chân thật sống động bằng ngữ điệu bao dung, liên kết đều mạch ý tưởng. Không chau chuốt nhưng lại kiêu sa, không vọng tưởng nhưng hình tượng (tu từ) sống động, quá đỗi nguyên sơ và duyên dáng…
   Nàng đang mơ mộng:
   - Lưng chừng phố em ngồi mơ mộng
Chạnh thương người cõng nắng bên song
Bụm chút gió mùa đông thắp lửa
Thả trời nam man mác nhẹ lòng
   Em rải thơ theo chiều gió lộng
Lời tung bay về phía người thơ
Xếp vần yêu trọn nét đợi chờ
Em ngờ nghệch, ngẩn ngơ, ngơ ngẩn…(N2Y)
   Qua thơ, tôi đoán ở chung cư nào đó (lưng chừng phố) và “cõng nắng bên song” (say nắng bên thềm) tôi hiểu nàng đã có chồng…
   - Từng giọt lạnh chạnh lòng em tựa cửa
Cõng nắng về anh tạt rớt bên song
Bên thềm hoa hong nóng cả mừa đông
Nồng hơi ấm tình ngàn năm không mỏi
   Dẫu thi ca lẫn rong rêu đá sỏi
Liễu cũng hờn lấp ló bến sông trăng
Khi vần iêu se sắt mộng băn khoăn
Là câu thơ ngẩn ngơ tình sương khói (@TN)

   Đôi khi nàng làm tôi lúng túng, do dự lần mò quá khứ:
   - Phố xưa, chiều chủ nhật
Em. Áo trắng mây vương!
Tóc dài, ai ngây ngất
Xuân xanh gieo mộng thường… 
   Có chàng chân vướng nắng
Theo sau bỏ bóng chùng
Bài thơ tình nằng nặng
Từng mơ chuyện riêng chung 
   Giữa dòng xe tủn mủn
Chàng kẹt ngã tư đường
Nàng lên xe lúng túng
Đường về ai vấn vương? 
   Phố chiều nay đi bộ
Kể chuyện tình bóng mây
Có phải chàng nhặt nắng
Bỏ phố xưa mưa đầy?(N2Y)
 
   Tôi nghĩ nàng đang ở trung tâm Sài Gòn nơi địa chỉ “vụn vỡ lá me bay” và gần phố đi bộ, tôi sẽ đến đó…nàng có vẻ e ngại và tôi đành lãng quên, viết vội vã trong mơ hồ:
   - Phố xưa? Chiều thuở ấy…
Tóc gió cuốn hương bay!
Chạm bến đời sóng dậy
Mơ áo trắng vơi đầy 
   Có môi cười thả nắng
Vẫn nụ hồng lênh đênh
Anh. Nghiêng đời nhặt bóng
Trượt chân tiếc môi mềm… 
   Thương cuộc tình hao hụt
Chậm mất ngõ xuân xanh
Lối xưa ngăn đèn đỏ
Vỡ tan giấc mộng lành 
   Chuyến xe “người đi bộ”?
Về đâu áo trắng mây…
Ta về đong thương nhớ!
Hấp hối tình mưa bay…(@TN)
 
  Tôi yêu quí những người hồn nhiên với cuộc đời của họ. Với phụ nữ, tôi thường nhìn vào đôi mắt…còn hình thể thì dành ưu tiên cho những ai trừu tượng đam mê hội họa (cười), nhưng với Mỹ Uyên đến nay, vẫn còn đó những dấu hỏi lớn (?)
   Trích đoạn trong bài “Thơ say”, lần đầu tiên tôi thấy nàng cũng thích bỡn cợt…
    - Tuổi có cao nhưng dáng em chưa yếu
Còn “mi nhon” và cũng lắm điệu đà
Quần jean bó áo phong nón rộng
Giày thể thao chân nhảy sáo anh nha… (hihihi)
   Em pha rượu cho thơ em nhấm nháp
Nàng thơ say còn em tỉnh rụi hà
Em sống qua bao cảnh đời bát nháo
Cũng nhờ thơ tu tạo đấy anh ơi!
 
   Túi thơ tôi đã gần cạn, hoặc vì chuyện gia đình cuối đời bộn bề lễ nghĩa. Để những bốn năm sau đó (2019) tôi mới có bài viết nhận xét về thơ của Mỹ Uyên…bỗng thấy nàng xuất hiện:
    - @TN: Luôn làm N2Y cảm động!Thanks nhá! Nhất là câu: “…Chẳng bao giờ nàng lấp đầy khoảng trống của trái tim còn nhịp đập, đong đầy tình yêu chưa bao giờ hao hụt…” Ai mà hiểu tui dzữ vậy ta!?Đúng vậy, “lần yêu nào cũng dại như lần đầu tiên” mà @TN ui… (cười xấu hổ). @TN có khỏe không?
 
  Hic, tôi luôn bị “mê muội” bởi nàng thơ này…
   - Từ độ dáng xưa buồn khép cửa
Hoàng hôn về lốm đốm bạc thời gian
Nắng bên thêm chút nhạt màu thắp lửa
Đợi trăng thề tìm chiếc lá thu tàn…
    (Chúc sức khỏe N2Y)
   - Từ lúc đưa chồng sang cõi khác
Cảm xúc chia xa bỗng vỡ òa
Quấn vành khăn trắng quanh tóc trắng
Chịu đựng riêng mình khóc riêng ta
   Hai năm nghe tiếng ve mùa hạ
Gom từng chiếc lá vá buồng tim
Trả xong bổn phận lòng thanh thản
Trở lại cùng thơ thăm bạn hiền.
  (N2Y cảm ơn TN.Giờ khỏe lắm!)
   - Đời qua một thoáng khói, hương, hoa
Bến cũ thuyền xưa bóng nhạt nhòa
Một nửa vầng trăng còn nguyên đó
Gió đùa sóng vội khuất thuyền xa…
   Thời gian mấy hạ cũng hai xuân
Người đi xanh biếc cỏ trong ngần
Thì thôi một chuyến đời đưa tiễn
Nhặt lại vần thơ đón cuộc trần…(@TN)
 
  Xưa kia, tôi hay “tự kỷ ám thị” đời mình là những chuyến xe rời bến, rồi cứ ngỡ chỉ có người ra đi là mang theo bui bậm hành lý vương sầu…mà không nghĩ được rằng người ở lại sân ga mới thực sự chịu trĩu nặng u buồn.
  Thời gian vụt trôi, sau hai năm tôi mới về ghé thăm “nhà” blog của nàng. Cửa vẫn mở toang, người đâu khuất bóng! Tôi nghe thấy đâu đó tiếng gọi, nhưng không gian vẫn lặng thinh, dài vô tận…
  Tôi đã cố xem lại hàng trăm bài thơ cuối cùng, biết đâu tìm hiểu một chút chuyện gì đã sảy ra. Và, tôi đã nghĩ nàng chạnh lòng ra đi miên viễn về một miền xa lắm, nơi đó không còn đau khổ lẫn yêu đương…(thơ trích đoạn):
   - “Phố ngăn mùa dịch bệnh
Chút thưa vắng để yêu
Tình nhân dìu lặng lẽ
Ta se chân quấn chiều
   Trẻ hẹn hò ngầm hiểu
Tránh gặp lúc muộn màng
Ôm nhau càng thấy thiếu
Nụ hôn ngoài khẩu trang…”  (Phố vào Mùa Dịch Bệnh)
 
   - “Ngày tình nhân hôm qua
Ta vào bệnh viện nhận món quà
Nhìn chai nước biển màu vàng nhạt
Nhỏ từng giọt nhỏ xuống tim ta…
Không có hoa hồng
Chẳng gấu bông
Mơ chi sô-cô-la ngọt với rượu nồng
Bên ta bác sĩ cười giấu mặt
Chỉ con đôi mắt xót xa trông…” (Cho Ngày 15/02/2020)
 
   Tôi không chắc có thể khắc họa được chân dung đầy đủ, nhưng có thể viết lại cuộc đời của nàng qua tưởng tượng nhờ lắp ghép rời rạc từ những bài thơ ẩn kín. Dù hé lộ đam mê tha thiết yêu đương nhưng vẫn cố vẹn thủy chung. Từ duyên phận đã có một đời “hồng nhan bạc mệnh”…Tôi thừa nhận rằng mình cũng sa vào một hồn thơ diễm lệ, đầy mộng tưởng của một người phụ nữ trí thức nhưng tình lận đận nên gọi phong ba tuông trào qua “thơ tình lãng mạn”.
   Ai rồi cũng sẽ ra đi. Nhưng ra đi trong cô đơn là điều khiến ta xót xa, giận dỗi…
   - “Ai có còn hiểu ta
Bạn bè blog ảo
Lời ngọt ân cần trao
Đến đi cũng chỉ là…
   Còn có ai hiểu ta
Chiếc lá rơi đầu mộ
Lấp linh hồn xuống chỗ
…………………….
Mai rồi đời cũng qua…” (Mai Rồi Đời Cũng Qua)
 
   - “Chiều nay mưa phố eo ơi nhớ!
Dẫu biết vấn vương chỉ để buồn
Để lòng sầu muộn tình dang dở
Mưa tạnh giao mùa âm giọt buông…” (Mưa Giao Mùa)

SỐNG MỘT MÌNH
 Chủ nhật tôi đi chơi
Đến nhỏ Hân hắn bảo
Mầy chờ tao chút với
Tắm cháu ngoại đã nào...
.   Qua nhà Quỳnh nghe than
Chồng tao đau mấy bữa
Lu bu chăm sóc chàng
Đâu rảnh ngồi "tám" nữa
.   Ghé nhỏ Xuyến ế chồng
Hy vọng ả ở không
Ngờ đâu nàng cũng bận
Cùng lão bồ chơi rong...
.   Chán quá tạt nhỏ Nga
Gặp lúc bả ở nhà
Hỏi huyên thuyên đủ chuyện
Dạo này mày ốm nha!
.   Giờ sống với ai hả
Chăm lo bởi đứa nào
Rồi những ngày ốm đau
Một mình làm sao xuể!?
.   Tôi ở về một phía
Phía không người xẻ chia
Không vì ai để sống
Ngày tháng trôi lặc lè...
....
N2Y
 
   Có thể, cõi đời là đau thương, nhưng sự thương đau của một người phụ nữ không quyền được yêu đương theo trái tim của mình, khiến ta ái ngại…
   Tôi không nói về nước mắt vì sợ nhầm lẫn với “bể khổ”…
   Nhưng, khi quá cẩn thận muốn biết rõ điều gì trong đời cũng thường là quá muộn(?) Tôi là kẻ tự phụ trong công việc, nhưng lại là người khá nhu mì (thiếu quyết đoán) trong các mối quan hệ vì sợ xúc phạm, lầm lỡ. Thời gian không đợi? Điều đó cũng tự gây ra khá nhiều rắc rối và cũng làm đời mình khó lãng quên, thao thức muộn phiền…
   Và giờ đây, tôi nợ Nàng Thơ một lời xin lỗi muộn màng:
  
TN
Ngày xưa nàng đi bộ
Khoe áo lộng đong mùa
Tình ta theo qua phố
Nhặt nắng thả đời mơ..

Rồi một chiều xa vắng
Lóng ngóng mất bài thơ
Em lên xe tình lặng
Bỏ mình anh trong mưa…
                               
N2Y:
Ngày xưa thời con gái
Áo em lộng gió bay
Chiều cuối tuần ra phố
Ước mơ xanh tháng ngày...
....
Có chàng trai nhặt nắng
Thơ lẻo đẻo theo sau
Rồi một chiều xa vắng
Anh về trong mưa mau...
 
TN:
Anh về sầu sâu mắt
Vạt áo chiều gió bay
Mơ nửa mùa xa lắc
Người tình còn đâu đây…
 
Người tình còn ở đấy!
Có chắc vẫn xa xưa?
Bên dòng đời sóng dậy
Trăm năm cuộc tình thừa…
          
N2Y:
Biển Qui Nhơn còn đấy
Người năm xưa nghìn trùng
Thời gian dòng nước chảy
Làm sao giữ tình chung?
.....
Mưa bóng mây rơi vụn
Mây tan rồi thì thôi...
Muốn về nhanh em phải
Đi một mình anh ơi!
Ừ thôi! Em cứ đi…
Biển một mình xô sóng
Đưa người tình trong mộng
Lạc dấu về lối xưa
Nhưng giờ đây có lẽ…
Em gối mộng trăm năm
Anh bây giờ chắc sẽ…
Vẽ người tinh xa xăm?
                                                              THẾ NHÂN (29-11-2021)