Thứ Ba, 14 tháng 12, 2021

Thơ và Nhạc "Em ơi! Hà Nội phố"...

 

Thơ và nhạc “Em ơi! Hà Nội Phố”…

(Hoài niệm thi sĩ Phan Vũ và nhạc sĩ Phú Quang)

 

   “Em ơi! Hà Nội phố” của nhạc sĩ Phú Quang phát hành 1987 do nhà xuất bản Dihavina với giọng hát Lệ Thu…
   Nhưng, mãi đến 1990 Tôi mới nghe lần đầu qua Video Cassette (VHS) ca sĩ Khánh Ly trình diễn, và phải “tua” nhiều lần để nghe lại! Ngạc nhiên, bởi nhạc và ca từ với cả tên tác giả Phú Quang rất xa lạ!?
   Thời ấy, thông tin khá hạn chế! Mùa thu, năm 1995 lần đầu ra Hà Nội, vô tình mới biết nhạc sĩ Phú Quang là ai. Nhưng, mãi đến sau này những thắc mắc, vướng bận ca từ trở nên sáng tỏ hơn khi biết được bài thơ “Hà Nội phố” của Phan Vũ đã có từ 1972…  
   Một bài thơ dài với 24 chương…đầy gian nan, lận đận đi qua gần nửa thế kỷ mới xuất bản (2009). Tác giả là người có quê cha Đà Nẵng, sinh ra ở Hải Phòng, lớn lên ở Hà Nội, thường trú Sài Gòn. Có lẽ, quê hương không phải "mỗi người chỉ một" mà chốn quê nhà của Phan Vũ “chỉ có một con đường” gian truân, nên cho đến cuối đời tác phẩm “Hà Nội phố” mới thực sự trở về chính nơi “chôn nhau cắt rốn” của tác phẩm.   

  Tất nhiên, không thể phủ nhận tài hoa của nhạc sĩ Phú Quang! Từ những điệp ngữ trong ý nghĩa “Ta còn em…” đã gộp lại thành một cụm từ bao quát với đề tựa rất thân tình gần gũi “Em ơi! Hà Nội phố…”
   - Rì rào cơn mưa nhỏ, ai đừng chờ ai tóc xõa vai mềm…
“Rì rào cơn lốc nhỏ
Gót chân ai qua mùa lá đổ?
Tóc cắt ngang xoã xoã bờ vai...” (Phan Vũ)
   Hay:
   - Người nghệ sĩ lang thang hoài trên phố, Bỗng thấy mình chẳng nhớ nổi một con đường…
“Người nghệ sĩ lang thang hè phố
Bơ vơ
Không nhớ nổi con đường.
Ngay trước cổng nhà mẹ cha” (Phan Vũ)
   Hoặc:
   - Tan lễ về, sao còn đọng tiếng chuông ngân…
“Chiều tan lễ,
Chuông nguyện còn mãi ngân nga...” (Phan Vũ)

   Bài hát "Em ơi! Hà nội phố" được soạn với đàn piano bằng giọt ngân vang quyện không gian chuông nguyện thanh thoát, với những ngôn từ đâu đó có chút khung cảnh trầm mặc, lặng lẽ, âu lo...

   Một nhà thơ dùng ngôn ngữ để vẽ tranh thành bức họa ưu tư, vẫn khác với một nhạc sĩ dùng ca từ viết cho một bản nhạc trữ tình…Chẳng qua, là khác nhau về cách sử dụng “phương tiện vận chuyển”? Tuy vậy, những người khó tính văn chương, nghiêm túc danh nghĩa, họ thường đánh giá cao ý tưởng ban đầu...
    Nhà thơ Phan Vũ có số phận long đong, hoặc là quá đa tài: Biên kịch, đạo diễn, làm phim, viết báo…đến 70 tuổi làm họa sĩ để cảm thấy “Tôi tự do. Không ai biên tập, chẳng hoạnh hoẹ”. Nên cũng có người nói ông là “Ngôi sao lẻ lạc vào căn xép nhỏ”…Một ngôi sao sáng cuối cùng thời "độc lập" tư tưởng đã giã biệt cõi tạm theo những ngôi sao sáng trước đó (1926- 2019).

    Và, giờ đây nhạc sĩ Phú Quang “Em ơi! Hà Nội phố” cũng từ tạ về chốn thiên đường (1949-2021).

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét