Trịnh Công Sơn “một cõi đi về”…
(Một
chút tâm tình tưởng niệm… )
Ngày 01 tháng 04 năm 2013 là lần giỗ thứ 12 của nhạc sĩ Trịnh Công sơn…
Trong 12 năm trôi qua, năm nào người ta cũng nhắc nhở tên tuổi và tổ chức nhiều
chương trình để tưởng niệm về ông.
Nhiều người và bạn bè đã nói, viết…kể chuyện, ca ngợi rất nhiều về cuộc đời và hoàn cảnh ra đời tác phẩm, của một người tài hoa “rong chơi qua trần gian” nhạc sĩ họ Trịnh…mang đậm dấu ấn lịch sử, bóng dáng nhân vật tình yêu trong mỗi ca khúc…vừa hiện thực vừa mơ hồ như huyền thoại.
Nhưng cũng có vài người và bạn bè của ông đứng hai phía của dòng sông vận mệnh, hai kẻ thù chính trị…cũng đều phê phán tính cách, tư tưởng, lối sống “trôi nổi”, lững lơ của ông giữa hai dòng lịch sử….
Rất nhiều người đã so sánh, lý giải, mỗ xẻ ca từ, âm nhạc Trịnh…tưởng như đã hình thành nên một tư tưởng triết lý nhân sinh, tâm thiền Phật giáo…
Riêng tôi, thì ông chỉ mang tư tưởng hiện sinh, nỗi niềm thân phận…Vì vậy, tất cả những điều bình luận, rêu rao trên đều không quan trọng! Mà đơn giản, chỉ là hồn nhiên phiêu lưu, tìm kiếm cảm nhận vào nơi thâm sâu mà hé lộ…ý nghĩa mạch lạc từ trong ngôn từ của những tác phẩm lồng vào âm nhạc đó…
Những ca khúc…đã được để “gió cuốn đi”thảnh thơi, lận đận và cả hoang mang (Tiến thối lưỡng nan) đem lại cho đời một chút thăng hoa, thưởng thức với bao nổi niềm, tâm tình…mang theo “dấu chân địa đàng” mà ông gom góp suy tư tự chiêm nghiệm lãng du qua …
Hay nghe giọng trần tình của Khánh ly với “ca khúc da vàng” , để xót xa thân phận nhược tiểu, nhận diện rõ bức tranh bi thương chiến tranh đem lại, ý thức “reo buồn những hạt chuông” (Du mục)thức tỉnh tâm tưởng cho con người, dân tộc mơ ước điều gì?
Tôi không ca ngợi theo kiểu mổ xẻ ca từ và càng không thể mượn những từ ngữ của chính tác giả để minh chứng cho sự tri ngộ, hạnh ngộ…hay phù thuỷ thêm “kinh cầu” giá trị nhân văn quá đổi sâu xa. Mà tôi chỉ ngồi một góc bình yên nhìn một đời người, “một cõi đi về” đầy minh triết thi vị xôn xao và tĩnh lặng…
Trong những nhạc sĩ Việt Nam…ca khúc của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn là một mảng đề tài lớn và nhiều tác phẩm! Nên đã trở thành riêng một dòng nhạc: “nhạc Trịnh”…
Với cảm nhận của riêng mình, thì thi sĩ họ Hàn và nhạc sĩ họ Trịnh đã đạt đến đỉnh cao văn chương sáng tạo nghệ thuật nói và diễn đạt hình tượng, soi xét tâm hồn người trong ngôn ngữ Việt…
Và từ đó…tên tuổi của một xứ sở, con người nhân gian được tồn tại yêu mến dài lâu …bởi nơi ấy đã phảng phất tâm tư hương hoa của con người, đời sống…có sâu sắc hơn, cũng chỉ đơn giản là mộng bình thường, dung dị…
Ca khúc của Trịnh Công sơn là những đề tài hiện sinh về tình yêu, thân phận và chiến tranh. Và nếu như “ Thân phận là hữu hạn, tình yêu là vô cùng” thì chiến tranh buộc người ta phải suy tư…chỉ có vậy thôi!
Dù thế nào đi nữa…may mắn thay! Trịnh Công sơn vẫn là một nhạc sĩ tài hoa, có được xưa nay hiếm!