Thứ Bảy, 18 tháng 12, 2021

Điên trong cõi thi nhân

 

Điên trong cõi thi nhân
  (câu chuyện thơ ca…)
 

    Nếu ở Trung Hoa có thiên tài thi thơ Lý Bạch(701-762)  thì ở Việt Namthi sĩ thơ ca uyên bác Bùi Giáng (1927-1998). Họ là người được trọng vọng, làm thầy thiên hạ không qua trường lớp, bằng cấp…Và, cuộc đời họ là những giai thoại huyễn hoặc lạ lùng…

   Bùi Giáng được xem là nhà thơ, dịch giả, nhà nghiên cứu văn học Việt Nam nổi bật nhất thế kỷ 20, mà người đời vẫn thường gọi là thi sĩ điên (!) Nhưng, các học giả đều xem ông là bậc kỳ nhân ngôn ngữ và giàu có thi ca. Tốc độ viết sách như phép thuật thần thoại, phù thủy sáng tác đến mức dị thường.

   Người ta thường nói con đường thơ ca dễ dẫn đến cuồng thơ. Nhưng, dẫu sao người cuồng thơ sáng tác được thơ, còn cuồng bóng đá không đá được bóng (cười)… Có lẽ, phần đông chúng ta chỉ yêu thơ ca mà không cuồng vọng, nên không chắc sẽ hiểu hết được họ...

   Hãy nghe thi sĩ điên (Bùi Giáng) tự thú:
                                   “Ông điên từ bữa hôm qua
                                        Tới hôm nay nữa gọi là ba hôm…” (Ông Điên)

   Giơ thử tay ra đếm thử...chỉ có hai ngón? Tuy vậy, thực tế chúng ta cũng thừa nhận chỉ có hôm quahôm nay là thời gian vốn được xác định! Còn quá khứ (ngày kia), tương lai (ngày mai) là vô định…nhưng, cũng không biết ông có 'ngủ quên" ngày ở giữa không?
   Trong bài thơ “Chào Nguyên Xuân” có đoạn cũng gây choáng váng, nhưng có muốn đảo mệnh đề cũng chẳng thấy thay đổi, mò mẫm được gì…
 
“Xin chào nhau giữa bàn tay
Có năm ngón nhỏ phơi bày ngón con
Thưa rằng những ngón thon thon
Chào nhau một bận sẽ còn nhớ nhau”

   Chúng ta thực sự không thể biết đó là "giả bệnh" hay "tâm bệnh", khi một kẻ tâm thần lại ném được chữ nghĩa thơ ca một cách có tính toán siêu thực? Nhà thơ Trần Đới thì cho rằng Bùi Giáng không điên, chỉ là đang “sống trong cõi văn nghệ lúy túy càng khôn” (?)
   Nếu vậy, không lẽ ở nhà trường? Mọi thứ mà thầy trò cặm cụi, cố công bình giảng, phân tích trong sách vở văn học chỉ là những bài thơ có những câu từ, ngữ nghĩa phổ thông mà ai cũng có thể hiểu được! Có lẽ vậy, vì thế giới thơ ca mênh mông hơn ta học hành...
    Chế Lan Viên cũng là “thi sĩ kỳ dị” khi viết tựa cho tập thơ Điêu Tàn: “Làm thơ là làm sự phi thường. Thi sĩ không phải là Người. Nó là Người Mơ, Người Say, Người Điên. Nó thoát Hiện tại. Nó xối trộn Dĩ vãng. Nó ôm trùm Tương lai. Người ta không hiểu được nó vì nó nói những cái vô nghĩa, tuy rằng những cái vô nghĩa hợp lý...”
   Hàn Mặc Tử cũng được cho là “nhà thơ điên”…nhưng có thể giải thích: Do trong tập thơ Đau Thương có những nỗi đau tuôn ra cùng cực, từ thể xác đến tâm hồn (máu, thịt) của sự thất vọng vì bệnh tật…nên lời thơ dù trong trẻo, bay bỗng vẫn có pha lẫn ngôn ngữ đớn đau khó hiểu, hồn phách kinh dị…

   Riêng, cuộc đời đầy giai thoại của Bùi Giáng với khối lượng thơ ca khổng lồ và sự uyên bác ngôn ngữ miên man… “Bùi Giáng được văn giới, không phân biệt không gian thời gian, yêu mến trọng vọng. Ông là một người tự học và học rất trễ, tuy nhiên khả năng tinh thông nhiều ngôn ngữ của ông, kể cả những ngôn ngữ khó như chữ Hán và tiếng Đức, làm kinh ngạc mọi người trong văn giới.”
   “Thi sĩ đười ươi” Bùi Giáng không tuổi tác và đáng yêu như gã hiền triết phiêu bồng trên nẻo đường trần, rong chơi hè phố dạo đời dẫu phi thường hay dị thường? Chắc hẵn, dự đoán luôn còn ẩn hiện mãi về sau:

 Em về mấy thế kỷ sau
Nhìn trăng có thấy nguyên màu ấy không
Ta đi còn gửi đôi giòng
Lá rơi có dội ở trong sương mù?(Mai sau em về)

    Chúng ta có 2 loại thể thơ Lục bátSong thất lục bát . Thể lục bát thường dùng để kể chuyện (thao thao bất tuyệt) hoặc dùng cho ca dao thuần túy (vần nhớ), còn thể song thất dùng cho chính luận, văn tế, cung oán, tự tình…”. Nhưng, với Bùi Giáng ta có cảm giác lục bát không hề bị thể thơ (âm giai) giới hạn làm khó:
Bỏ trăng gió lại cho đời
Bỏ ngang ngửa sóng giữa lời hẹn hoa
Bỏ người yêu bỏ bóng ma
Bỏ hình hài của tiên nga trên trời
Bây giờ riêng đối diện tôi
Còn hai con mắt khóc người một con” (mắt buồn)

   Theo lời nữ nghệ sĩ Kim Cương thì Bùi Giáng yêu người không ràng buộc, không vướng bận “ Dù giàu, dù nghèo, dù lớn, dù nhỏ, dù điên, dù tỉnh vẫn cần có một cuộc tình để sống…”. Nghe lời này, chắc nhiều người thở phào…
   Và, thơ 8 chữ (bát ngôn) cũng là thơ Việt. Thênh thang diễn đạt, nhưng sẽ khó hay nếu thiếu sáng tạo ngôn ngữ, chắt chiu ý tưởng…
   Ở đây, ta sẽ thấy Bùi Giáng rất manly, mạnh mẽ:
 
“Tôi chấp thuận trăm lần trong thổn thức
Tôi bàng hoàng hốt hoảng những đêm đêm
Tôi xin chịu cuồng si để sáng suốt
Tôi đui mù cho thoả dạ yêu em”
 
Xin yêu mãi yêu và yêu nhau mãi
Trần gian ôi! cánh bướm cánh chuồn chuồn
Con kiến bé cùng hoa hoang cỏ dại
Con vi trùng cùng sâu bọ cũng yêu luôn…”

    Ông ra đi, lìa đời một kiếp thơ ca…để lại trần gian nhiều bối rối! Bối rối, vì không biết người đời tỉnh hay điên khi lỡ đọc thơ Bùi Giáng? Ông sống thoát tục nhưng không hề xem đâu là cõi tạm hay thiên đàng
 
“Ngày sẽ hết tôi sẽ không ở lại
Tôi sẽ đi và chưa biết đi đâu
Tôi sẽ tiếc thương trần gian mãi mãi
Vì nơi đây tôi sống đủ vui sầu…” (Phụng Hiến)

  Nhưng, chắc chắn người ta không bao giờ ngừng nghĩ khi nói về Bùi Giáng. Người “thi sĩ điên” để lại nhân thế những giai thoại kỳ vĩ cõi thi nhân, trùng trùng thơ ca sóng dội mãi ngàn năm sau nữa

Thứ Ba, 14 tháng 12, 2021

Thơ và Nhạc "Em ơi! Hà Nội phố"...

 

Thơ và nhạc “Em ơi! Hà Nội Phố”…

(Hoài niệm thi sĩ Phan Vũ và nhạc sĩ Phú Quang)

 

   “Em ơi! Hà Nội phố” của nhạc sĩ Phú Quang phát hành 1987 do nhà xuất bản Dihavina với giọng hát Lệ Thu…
   Nhưng, mãi đến 1990 Tôi mới nghe lần đầu qua Video Cassette (VHS) ca sĩ Khánh Ly trình diễn, và phải “tua” nhiều lần để nghe lại! Ngạc nhiên, bởi nhạc và ca từ với cả tên tác giả Phú Quang rất xa lạ!?
   Thời ấy, thông tin khá hạn chế! Mùa thu, năm 1995 lần đầu ra Hà Nội, vô tình mới biết nhạc sĩ Phú Quang là ai. Nhưng, mãi đến sau này những thắc mắc, vướng bận ca từ trở nên sáng tỏ hơn khi biết được bài thơ “Hà Nội phố” của Phan Vũ đã có từ 1972…  
   Một bài thơ dài với 24 chương…đầy gian nan, lận đận đi qua gần nửa thế kỷ mới xuất bản (2009). Tác giả là người có quê cha Đà Nẵng, sinh ra ở Hải Phòng, lớn lên ở Hà Nội, thường trú Sài Gòn. Có lẽ, quê hương không phải "mỗi người chỉ một" mà chốn quê nhà của Phan Vũ “chỉ có một con đường” gian truân, nên cho đến cuối đời tác phẩm “Hà Nội phố” mới thực sự trở về chính nơi “chôn nhau cắt rốn” của tác phẩm.   

  Tất nhiên, không thể phủ nhận tài hoa của nhạc sĩ Phú Quang! Từ những điệp ngữ trong ý nghĩa “Ta còn em…” đã gộp lại thành một cụm từ bao quát với đề tựa rất thân tình gần gũi “Em ơi! Hà Nội phố…”
   - Rì rào cơn mưa nhỏ, ai đừng chờ ai tóc xõa vai mềm…
“Rì rào cơn lốc nhỏ
Gót chân ai qua mùa lá đổ?
Tóc cắt ngang xoã xoã bờ vai...” (Phan Vũ)
   Hay:
   - Người nghệ sĩ lang thang hoài trên phố, Bỗng thấy mình chẳng nhớ nổi một con đường…
“Người nghệ sĩ lang thang hè phố
Bơ vơ
Không nhớ nổi con đường.
Ngay trước cổng nhà mẹ cha” (Phan Vũ)
   Hoặc:
   - Tan lễ về, sao còn đọng tiếng chuông ngân…
“Chiều tan lễ,
Chuông nguyện còn mãi ngân nga...” (Phan Vũ)

   Bài hát "Em ơi! Hà nội phố" được soạn với đàn piano bằng giọt ngân vang quyện không gian chuông nguyện thanh thoát, với những ngôn từ đâu đó có chút khung cảnh trầm mặc, lặng lẽ, âu lo...

   Một nhà thơ dùng ngôn ngữ để vẽ tranh thành bức họa ưu tư, vẫn khác với một nhạc sĩ dùng ca từ viết cho một bản nhạc trữ tình…Chẳng qua, là khác nhau về cách sử dụng “phương tiện vận chuyển”? Tuy vậy, những người khó tính văn chương, nghiêm túc danh nghĩa, họ thường đánh giá cao ý tưởng ban đầu...
    Nhà thơ Phan Vũ có số phận long đong, hoặc là quá đa tài: Biên kịch, đạo diễn, làm phim, viết báo…đến 70 tuổi làm họa sĩ để cảm thấy “Tôi tự do. Không ai biên tập, chẳng hoạnh hoẹ”. Nên cũng có người nói ông là “Ngôi sao lẻ lạc vào căn xép nhỏ”…Một ngôi sao sáng cuối cùng thời "độc lập" tư tưởng đã giã biệt cõi tạm theo những ngôi sao sáng trước đó (1926- 2019).

    Và, giờ đây nhạc sĩ Phú Quang “Em ơi! Hà Nội phố” cũng từ tạ về chốn thiên đường (1949-2021).