Thứ Tư, 4 tháng 12, 2024

Làm giàu?

 

Làm giàu?
(Câu chuyện bè bạn…)
 

   Ai không muốn mình là người giàu có? Vì, nghe nói “có tiền mua tiên cũng được” (cười). Nhưng, người tế nhị  ít khi họ nói đến tiền bạc. Sự ca ngợi giàu có? Thường là trò đùa số phận…
 
  Một gã phiêu lãng như tôi thì không thể làm giàu được. Biết rõ điều đó! Nên không cần đi xem bói, quỳ lụy cầu xin thánh thần và cũng chẳng cần “có gan” lớn để mệt mỏi (?)
  Cả thời tuổi trẻ thì phiêu du rong chơi tư tưởng, tham gia đoàn thể xã hội. Sau này, làm công tác chuyên môn phải đi nhiều vùng đất, nơi chốn khác nhau…nên không mang theo két sắt đựng tiền được(cười). Gần mười năm lang thang khắp rừng núi tây nguyên chỉ với túi ba lô con cóc và hai bộ đồ…để khỏi bị mấy nàng sơn nữ nhẫm lẫn với chàng tặc-giăng (Tazzan) là được.
 
   Nhưng, đó không phải là nguyên nhân bị nghèo. Mặc dù, khá tham khảo toán học nhưng đếm tiền thì “chậm như rùa”, còn viết “luận chứng kinh tế kỹ thuật xã hội” thì không thể mượn nó làm quyết sách xây dựng đời mình. Đã vậy còn nhát cáy…vì sợ xui xẻo khi nhặt tiền trên trời rơi xuống, hoặc nhờ mưu mẹo trong các phiên chợ trai gái, rượu chè cờ bạc (hic)
 
   Tôi không tin vào số phận, nhưng thừa nhận cuộc đời có may rủi: May quá! ngoài ba mươi cũng có một nàng “em yêu” (ớn) liều lĩnh rủ rê về kết hôn. Rủi thay, khi có gia đình anh ta buộc phải biết cách chắt chiu xây dựng mái ấm, cửa kín then cài tránh bớt gió mưa sự đời (cười)
 
   Có lẽ, nhờ phong cách lãng du thời trẻ, nên tôi quen biết khá thân vài người được gọi là “giàu có” ở tỉnh lẻ khi còn áo vũ cơ hàn. Còn những đại gia “nổi tiếng” thì quen biết trong thời kỳ "bão tố" phát triển công tác xây dựng các công trình cơ bản. Và, tôi biết rõ họ làm giàu từ đâu. Ôi! Tiếc là không phải sở trường, "thiên chức" bổn phận nghề nghiệp của mình(!)
 
  Tôi thường quan sát tính cách qua tâm lý con người. Bề ngoài hào nhoáng, sang chảnh là vậy! Nhưng, công việc bận rộn khuyếch trương “hoành tráng” vây quanh, khiến thời gian của các “đại gia” hạn hẹp.  Nghiệp “sưu tầm” đồng tiền (danh giá hay quyền lực) đôi khi mơ hồ, vì tiền bạc luôn có hai mặt không quy định phải trái, lấp lánh ánh sáng là phải nhờ có chút bóng tối. Có đám đông vây quanh thì có lúc trống trãi cô đơn. Đồng tiền có luật “nhân quả” phức tạp hơn người ta nghĩ (?)
 
   Thường, họ là những người (đã quen biết) đều có tư chất khôn ngoan năng động, quyết định khá dứt khoát, tính cách đôi khi có chút kiểu văn hóa “trọc phú”. Vì hầu hết các tỷ phú hiện nay (!) chỉ là giới làm con buôn theo triết lý “vi thường bất phú”. Hầu hết họ không phải là thương gia đúng nghĩa, họ giàu là nhờ thế cuộc (tài nguyên rừng và bất động sản), nguồn đầu tư có thể từ dòng chảy (vay mượn) ngân hàng (?)
   Ai cũng có khuyết điểm! Nhưng, điểm yếu của họ (theo tôi) thường là thiếu kiến thức lịch sử, khoa học, giai đoạn (trình tự) luật pháp . Thói quen háo thắng phô trương sang giàu có lợi cho tính quyết đoán thời cuộc, nhưng sẽ lụi tàn khi thay đổi pháp chế, khi sách lược chính trị xã hội cần buộc chuyển đổi. Đáng lo là cái "nghèo” của người giàu đôi khi là tai họa cho cả người nghèo.
   Chân tình, tôi cũng có gợi ý. Nhưng, thế cuộc "giao lưu" dòng chẩy đồng tiền khó có thể dừng lại! Chiến tranh có thể tự nhận thất bại để "thua keo này bày keo khác", còn thương trường thì không...
   
    Mỗi thể chế xã hội sẽ có cách làm giàu khác biệt! “Thiên thời, địa lợi, nhân hòa” trong thực tế không hề dễ dàng dự báo. Một thế “quy hoạch” chính sách thay đổi là thời cuộc đổi thay! Chu kỳ kinh tế  thăng trầm thế giới đang cùng sinh tồn, thường có quy trình ngắn hạn, nền kinh tế “ăn rỗi ở thì” đã là quá khứ!
   Suy cho cùng (ý tưởng) cuộc đời mỗi người có những nỗi khổ riêng. Dẫu sao, quan niệm người giàu bị khổ vẫn “có còn hơn không” so với người nghèo khốn khó, một định luật sinh tồn không cần phải rao giảng, lý luận?!
   Có lẽ không nên quá giàu hoặc quá nghèo (cười) trừ khi bạn cảm thụ được cuộc sống vẫn có nơi chốn để hoan ca, mưu cầu hạnh phúc.