Ca kịch Cải lương
(Câu chuyện nghệ thuật)
Có thể nói: Ca kịch Cải lương là loại hình biểu diễn sân khấu thành công nhất (1960-2000)! Nhờ sự sáng tạo không ngừng về mọi mặt: Nội dung, ca từ và
nhất là cải tiến đạo cụ nghệ thuật nâng tầm âm nhạc…
Vào
thời niên thiếu (1962-1973) sống ở khu vực miền trung (Quy Nhơn). Tôi vẫn cảm
nhận được sự phát triển huy hoàng, đông đảo khán giả hâm mộ ca kịch cải lương…mặc dù, cùng song hành
trong một thời kỳ phát triển rộn ràng nhiều loại hình nghệ thuật văn chương, thi ca, hội họa, phim ảnh, đại
hội ca nhạc rất đa dạng.
Như lẽ thường, với tuổi trẻ (12 tuổi) bao
giờ cũng muốn khám phá thế giới mới! Tôi có sở thích chơi dòng nhạc hiện đại: Rock-venture
(Mỹ), nhạc tình lãng mạn (Pháp) và đôi khi, cũng xót xa thời cuộc với những Ca
Khúc Da Vàng (Trịnh Công Sơn) hay tĩnh lặng đêm mưa tí tách, boléro qua băng
cassete nghe hát tự tình cảm thán thân phận…
Tuy vậy, tôi vẫn ngac nhiên khi bị quyến rũ bởi
âm thanh ca vọng cổ qua máy đĩa nhựa, và cũng thường xem cải lương trên ti-vi mỗi tối thứ bảy (khoảng cuối thập
niên 60). Đến nỗi quen thuộc, phân biệt nhiều giọng ca của kép Thành Được, Minh Cảnh,
Minh Phụng, Minh Vương hay các đào Mỹ Châu, Lệ Thủy, Bạch tuyết, Út bạch Lan, Phượng Liên, Thanh Kim Huệ…
Và, cũng có đôi lần muốn tập chơi được đàn
vọng cổ? Nhưng, thành thật mà nói: Tôi chỉ có chút xíu “năng khiếu” học dựa vào lý thuyết,
qui luật…còn cái gì thuộc về qui tắc, công thức lại hay bị quên và mất kiên
nhẫn bởi thời gian. Với lại, tuy có sở thích đắm chìm, nhưng không hề có ý niệm gì
về con đường nghệ thuật! Chẳng qua, tôi yêu cái đẹp…(cười)!
Cho mãi sau này (đã già) tôi mới chừng mực hiểu rằng: Những cái gì thuộc
về giải trí, sở thích, đam mê chỉ là thời gian mặc định tâm lý nhất thời! Còn
những gì tồn tại tâm tư là bởi vướng bận về duy lý, cảm xúc tâm hồn tha nhân. Người
ta ái mộ nghệ sĩ cải lương không chỉ tài năng truyền kỳ mà còn dung nhan mỹ
lệ…
Ca cải lương-vọng cổ? Có lẽ, phù hợp với
chất giọng đặc trưng miền nam nhiều hơn (làn hơi trong êm ru, uyển chuyển, mượt mà…). Thật
đáng ngạc nhiên những bài "Vọng cổ" lại có tính phổ cập, rất dễ
học ca với văn chương cô đọng, mà không cần trải qua trường lớp. Thực tế: “có biết bao người không phải là nghệ sĩ
nhưng vẫn có thể ca hay như nghệ sĩ...”
Ở vùng Nam bộ (kể cả Sài Gòn) thời ấy! Chức
danh nghệ sĩ thường chỉ dùng cho
những người thực sự nổi tiếng ca kịch cải
lương, vì là thể loại đòi hỏi đa tài trong trình diễn nghệ thuật. Và, thực tế là sau này họ đã “lấn sân” qua rất nhiều lĩnh vực nghệ thuật hiện đại khác! Qua
thời gian, người ta thấy các nghệ sĩ “gạo cội” cải lương đến nay, đều có đời sống và
tính cách vừa phải, khá lưỡng toàn...
Phần nhiều các nghệ sĩ cải lương đều có tuổi thơ gian nan nghèo khó!
Họ bước vào đời tự lập khá sớm, học nghề khi tuổi đời còn rất trẻ và kéo dài rất nhiều năm. Trong
môi trường buộc phải thuộc làu ngôn ngữ thi ca, triết lý oan nghiệt, học thuật nhân
sinh…Nên, có thể đó là nền tảng kiến thức nghề chuyển tải thành công các sản phẩm văn
hóa nghệ thuật một cách tài hoa.
Khá huyền thoại, khi chỉ vì đam mê? Những kẻ “xướng ca vô loài” từ thôn xóm nhà tranh mái lá mãi miết lang thang kiếm sống,
lên tận chốn phồn hoa đô hội...rồi lộng lẫy lan tỏa phẩm giá về khắp các nẻo dân sinh.
Đó là
bi kịch cuộc đời hay sự hồn nhiên có từ sâu thẳm học thuyết hư vô? Nhưng, chắc
chắn những người nổi tiếng trong lĩnh vực nghệ thuật chỉ mộng đem lại niềm vui cho
đời! Nếu như thế, tên tuổi của họ sẽ tồn tại qua thời gian dài. Người nhân gian giàu tình cảm thường chỉ thần tượng những ai đem lại niềm vui, hòa bình...
Bản thể của tính nhân văn thường thông qua diễn
cảm văn hóa nghệ thuật. Những ca từ mộc mạc đời thường, hoà lẫn ngôn ngữ thi
thơ cải lương. Được thể hiện sâu lắng về lòng
hiếu thảo, của tình chồng vợ, nghĩa phu thê cõi nhân sinh…đôi khi,
giá trị hơn mục đích cải huấn răn dạy có tính giáo điều, kinh kệ phủ dụ…
Các “Tôn giáo” vùng nam bộ thường dựa vào
tâm linh, phát xuất từ lương tâm nên triết lý cải lương gắn liền với đời sống
hiện thực! Vì vây, cũng nhiều người minh triết xã hội liên tưởng đến “chủ nghĩa cải
lương”(hoàn lương), sự ưa chuộng văn hóa phóng khoáng, truyền kỳ chốn nhân
gian…khó mà chấp nhận các chủ nghĩa thần
quyền, hay các chủ nghĩa xã hội độc đoán khác!?
Nhưng, đã có huy hoàng rồi sẽ đến lúc suy tàn (kể cả nghệ thuật). Thời
gian nhanh hay chậm phụ thuộc vào tài năng kế thừa và nhu cầu xã hội thay đổi! Trãi qua 100 năm cho một bộ môn sáng tạo nghệ thuật được thênh
thang đi vào lòng dân tộc với hơi thở đại chúng, đã là sự thành công ngoài sức tưởng tưởng…
Nghệ
thuật cống hiến, giá trị nhân văn không bao giờ mất đi. Nhưng, xã hội con người
luôn đổi thay niềm vui, nỗi buồn! Dẫu ngậm ngùi kỷ niệm xưa cũ, thì mai kia vẫn thuộc về quá khứ...