Thứ Bảy, 26 tháng 2, 2022

Cuộc chiến phù du...

 

Cuộc chiến phù du
(Nỗi buồn chiến tranh…)


   Tất cả các cuộc chiến xảy ra trong xã hội loài người, tưởng như gần đúng với học thuyết “đấu tranh sinh tồn”? Nhưng khi lựa chọn trách nhiệm lương tâm, ý thức điều tử tế thì không ít người xem đó là bản chất tham lam, tệ nạn tranh đoạt quyền lực…
   Cuộc chiến quyền lực? Đôi khi xảy ra cùng một dân tộc, chung nền văn hóa và vũ khi giết người cũng chỉ một chủng loại…
  
   Nguồn gốc quyền lực có thể được bao biện với nhiều lý lẽ qui ước cộng đồng, quyền năng giáo phái, luật lệ chính quyền hay nhân danh điều gì đó vĩ đại để bảo vệ những giá trị mơ hồ nghe cũng rất kiêu hãnh: Thuần phong mỹ tục, luân thường đạo lý, đạo đức xã hội, kỷ cương phép nước…
  Tuy vậy, thực tế “quyền lực” thường bị lạm dụng theo bản chất tranh quyền đoạt lợi, như thói đời cạn tình ỷ mạnh hiếp yếu: Đàn ông hiếp đáp đàn bà, người lớn ức hiếp trẻ con, quyền thế lộng hành, lấy tiền bạc thao túng thị trường…
 
  Để tránh lạm dụng quyền lực người ta cũng xây dựng pháp chế. Nhưng, các học thuyết chính trị xã hội đều có sắc màu mơ mộng, tô hồng “học thuyết chiến tranh” với mục đích sắp xếp não bộ thiên hạ lệ thuộc vào chủ nghĩa dân tộctập trung quyền lực hay xu thế độc tài...
 
   Sau đệ nhị thế chiến (1945) quyền lực thế giới đã hình thành thế “chân vạc” (Mỹ, Nga, Trung Quốc) phân chia để “cai trị” các nước nhược tiểu, yếu thế hơn. Nhưng, đằng sau các vụ xung đột lớn đều có những cánh tay dài thòng, ngoằn ngèo cạnh tranh của ba đế quốc đó phá phách, chọc ghẹo…
  Chỉ có ba gã khổng lồ nằm ba nơi. Thì, họ chẳng dại gì đánh nhau đến mức tan nát? Vì chẳng ai muốn bên nào đó bị xụp đổ, thiếu mất vây cánh “lưỡng toàn thế cuộc” cai quản thế giới…
  Vì vậy, có xích mích trong tranh giành quyền lực, khi mệt mỏi, hụt hơi muốn hạ hồi phân giải thì “mượn” Hội đồng bảo an Liên Hiệp quốc (LHQ) cùng nhau xuê xoa, thỏa thuận để không bên nào quá thua thiệt…hẵn nhiên, cũng tạm xem đó là biện pháp hòa bình duy lý(?)
 
   Mặc dù “xâm lăng” là một định nghĩa pháp lý rõ ràng! Nhưng, hành động xâm lấn của kẻ mạnh lại được rêu rao: “Giữ gìn hòa bình”, “chống khủng bố”, “giải giáp quân sự”, “dạy cho ai đó một bài học”…mặc cho thiên hạ vẫn hiểu đó là điều ngụy biện và phi pháp.
   Thời thế, những gã “anh hùng” núp bóng ngai vàng thường dùng quyền lực, xúi giục người khác đem máu xương ra chiến trường đổi lấy vinh quang phù du. Những kẻ đó, thường luôn vô tâm trước sự chết chóc tan thương và mặc cho dân lành ai oán(!)
 
   Nhưng, thế giới đang thay đổi (hy vọng) nhiều anh hùng tri thức đã trưởng thành nhiều hơn những kẻ võ biền. Lịch sử không còn dành cho những người hủ lậu về chính trị, quân sự ở tư duy thế kỷ trước…
  Không ít những nhân vật vĩ cuồng vẫn ngộ nhận liều lĩnh là anh hùng dân tộc, mà không biết chân dung của kẻ gây chiến luôn là biểu tượng tội đồ nguyền rủa của nhân loại…
 

Chủ Nhật, 20 tháng 2, 2022

Quy Nhơn, nỗi niềm thơ ca...

 

Quy Nhơn, nỗi niềm thơ ca... 

  Quy Nhơn, đã hình thành đô thị “đàng trong”  khoảng 400 năm, gối trên nền văn hóa Chăm Pa có từ thế kỷ XI. Nghĩa là về phương diện chính trị, kinh tế, văn hóa với tuổi đời thăng trầm, trần trãi qua thời gian mới có thể tồn tại nhiều di tích, vốn liếng di sản…
   Một vùng đất tưởng như “hao gầy”? Không chỉ là vùng đất hào khí võ thuật mà còn nổi tiếng hào phóng thi ca, nhạc họa…nên, rất nhiều người nổi tiếng cũng từng muốn một lần đặt chân đến nơi đây(!)

   Tôi vẫn nhớ, ngày ấy (1962) mới chỉ là chú bé con, luôn cố vượt qua những dãi cát vàng xa xa không dấu chân người, để được tự mình nhìn thấy biển sóng miên man xanh ngát vỗ về…
   Không gian, thời tiết vùng đất Quy Nhơn-Bình Định…có lẽ, không lãng mạn đến mức dễ kiếm tìm bóng dáng "mộng mơ" như Đà lạt, hay “má đỏ môi hồng” ở Pleiku (cười). Nhưng nơi đây, có đất đai địa hình đa dạng trong tầm mắt, phong cảnh chập chùng sơn thủy hữu tình sống động xen lẫn núi đồi, đồng ruộng, xóm làng, ao hồ, đầm phá…bềnh bãi cát vàng không gây chói nắng, lượn lờ theo triền sóng nhấp nhô, gió biển mênh mang ru êm với những mùa trăng sáng trong vắt, trãi mộng thanh bình…

   Thiên nhiên và con người gần như đồng hóa cùng tâm thức(?) Có lẽ vậy, mà Tôi cảm thấy không chỉ các tác phẩm sinh ra từ nguồn cội, mà cả những tác giả tha phương nổi tiếng siêu thực như: Xuân Diệu, Hàn Mặc Tử, Chế Lan Viên, Trịnh Công Sơn…cũng chỉ cho ra đời  những tác phẩm ở nơi đây thường mang kí ức “hoài mong triền miên”, hoặc “thênh thang kỷ niệm" dấu ái, hơn là trừu tượng nghiêng về sắc thái lao xao lãng mạn?

    Địa danh (tên gọi) “Quy-Nhơn” dường như muốn phủ dụ với bao ý nghĩa nhân văn đáng mơ ước(?) Tuy, từ lâu không kém gì chốn kinh kỳ phồn hoa đô hội(!) Ở đây cũng là vùng đất học vấn thực thể với nhiều ngôi trường nổi tiếng. Nhưng, người Qui Nhơn hình như phần nhiều thích cách sống khá thuần túy giản dị, né tránh văn hóa đua đòi, kiểu cách. Nên, không ngạc nhiên khi họ thường ưa chuộng lối văn chương hiện thực trên nền tảng thi ca, nhạc họa! Mảnh đất ngỡ “hao gầy” đầy ẩn dụ vẫn thấy luôn tồn tại, sinh sôi nhiều trang văn nghệ “trù phú” có từ trong nước cho đến hải ngoại...

  Trên quê hương viễn du xuyên Việt, Tôi đã đi qua khá nhiều vùng đất có tính chất mặc định(?) Ở đâu cũng có những sử thi, trang sách giai điệu ngọt ngào, yêu kiều, hoành tráng…nhưng, khi trở lại Qui Nhơn tôi vẫn không thấy mình lớn lên, hoặc nhỏ bé đi (cười)!

 
   Để chấm dứt câu chuyện không thể nào đầy đủ, khi vơi khi đầy? Tôi sẽ mượn tạm bài thơ “Kỷ Niệm” của tác giả Thục Nguyên (Nguyễn Văn Thức) người xứ Nẫu để nói về dĩ vãng, một phần của nỗi niềm hạnh phúc sống...
   Khi đọc bài thơ này, tôi vội vàng cợt đùa: Xuân Diệu không lý giải nghĩa “yêu”, mà anh lại dám định nghĩa được “kỷ niệm”à…hay thật!, Thục Nguyên chỉ cười vui…
 
KỶ NIỆM
Kỷ niệm không là gì
Khi thời gian bôi xoá
Nhưng lại là tất cả
Khi lòng ta muốn ghi…
 
Kỷ niệm là lối đi         (Kỷ niệm nên thơ đến mức đơn giản)
Em về chiều cuối hạ
Quên nói lời từ tạ
Dọc đường tiếc ngẩn ngơ
 
Kỷ niệm là bài thơ           (Kỷ niệm  những điều dấu ái) 
Viết xong rồi không gởi
Úa vàng hương chờ đợi
Tình phong kín trong ta
 
Kỷ niệm là bài ca             (Khi kỷ niệm là nỗi niềm ly biệt)
Chưa hát giờ tiễn biệt
Những lời yêu tha thiết
Đâu nói lúc chia xa…  
 
Kỷ niệm là chùm hoa        (Kỷ niệm bởi chia cách)
Không trao ngày tao ngộ
Bao thu dài cách trở
Tình ai vẫn mong manh
 
Kỷ niệm là màu xanh         (Kỷ niệm vì xót xa)
Nhuốm hồng làm tím trời
Kỷ niệm là chút đen
Thoắt bạc để xót đời
 
Kỷ niệm không đợi người  (Kỷ niệm từ ngẫu hứng đến vô thường)
Kỷ niệm không hẹn nơi
Khi ta vừa hướng đến
Kỷ niệm giăng đầy trời…
                  Thục Nguyên
P/s: Sở dĩ  các video-clip này đăng lại? Là dành cho anh chị, bạn bè mới gặp lại muộn! Có thể xem để hình dung một vài ki ức quen biết (nhóm gđpt Lộc Uyển-Qui Nhơn). Những hình ảnh trong video-clip là ghi lại hình ảnh hội ngộ: Anh, chị, bạn bè sau gần 40 năm (Ninh Hòa-Nha Trang và Quy Nhơn).



  Trong thời quá khứ...lịch sử chiến tranh tang tóc, biến động xã hội, gia đình ly tán, bạn bè cách xa và đâu đó những “người tình” lưu lạc tận mãi bến bờ…
                                           “Tên ai lỡ khắc bờ đá vắng
                                         Để sóng ngàn khơi vỗ bạc lòng…” (Thục Nguyên)
   Có người bên kia đại dương (Hawaii) gởi email cho tôi: “Dear B…chị rất nhớ Qui Nhơn! Kỷ niệm không nhạt nhòa, khi thời gian bôi xóa”…nên, tôi viết tặng cho chị ấy bản nhạc: Qui Nhơn Người Về…