Thứ Bảy, 17 tháng 7, 2021

Sài Gòn thao thức...

 

Sài Gòn thao thức… 

(Bức tường xấu xí trở thành tranh 3D ở Sài Gòn)

   Sài Gòn? Một cái tên khá đặc biệt từ âm thanh cho đến giọng nói…

   Tôi là người miền bắc(?) nếu xem nguồn cội ngăn cách từ vĩ tuyến 17. Còn như ảnh hưởng tập quán văn hóa? Thì tôi sinh ra ở xứ Huế, vượt đèo Hải Vân vào Đà Nẵng...rồi vô tư uống nước sông gạo chợ  Qui Nhơn để trưởng thành từ thời niên thiếu.

  Có thể là điều may mắn: Vì trước kia...tôi đã đặt chân đến Sài Gòn. Cho đến nay, vẫn ngạc nhiên khi lịch sử xã hội đã thay đổi hơn 40 năm(?) mà tính cách, tâm hồn người Sài Gòn dường như còn nguyên đó. Có một người phương tây yêu thích Sài Gòn cười như đùa với tôi rằng “ở đó có cả kẻ cướp và anh hùng” (there are both bandits and heroes). Người sài Gòn chấp nhận lỗi lầm để tha thứ, một chủ nghĩa cải lương ca kịch đầy lãng mạn...

   Có lẽ, ai đến Sài Gòn bằng suy tư hay hồn nhiên cũng đều nhận ra sự khác biệt! Không phải từ hình ảnh mảnh đất “hoa lệ”của một trung tâm năng động kinh tế văn hóa, thương mãi phồn hoa đô hội…mà là tính cách không gian gần gũi và sự bao dung của người Sài Gòn…

   Tôi nghĩ, nếu tích cực với cuộc sống? Ai cũng sẽ trở thành người Sài Gòn trong một sớm…Vì, người ta có cảm tưởng người dân nơi đây không bị chính trị, tôn giáo, chủng tộc hay giàu nghèo sang hèn làm giới hạn khoảng cách mưu sinh, so đo tình người. Có lẽ, sự tử tế đã ngự trị nơi này như một triết lý sống…hơn là nhờ kêu gọi lòng từ thiện hay rao giảng bố thí (?)

   Sài Gòn đang bệnh, dịch bùng phát mọi nơi! Họ lo lắng Sài Gòn không đủ sức cưu mang tất cả. Người ta sợ Sài Gòn đau yếu sẽ làm xói mòn niềm tin, nhụt chí lòng vị tha...

  Nhưng, tôi tự nhủ: Dịch bệnh là một phần tự nhiên, trò đùa định mệnh. Sài Gòn số phận vốn vẫn luôn vượt qua mọi thăng trầm của lịch sử…


 Sài Gòn Phố mưa

Mưa Sài Gòn
Mưa ngày cao ốc cô đơn
Mưa Sài Gòn
Mưa về phố vắng đêm buồn
Mưa chiều nào
Tình cờ góc phố mưa mau
Xin hẹn hò, trao đợi chờ
Mưa đời ướt áo tìm nhau
 
Mưa Sài Gòn
Mưa về cõng nắng chơi vơi
Mưa vội vàng
Hôn đùa má thắm không lời
Mưa lòng người
Vào đời sông nước long đong
Chân ngập ngừng,  tay ngại ngùng
Qua cầu tóc rối mây trời
 
Con đường trần đèn vàng soi bóng
Ánh điện màu hoa lệ phố loang
Khúc nhạc tình một thời mê mãi
Bên dòng người hấp hối thời gian
 
Mưa Sài gòn
Ai về ngập lối mê man
Mưa lạnh lùng
Hàng me rũ lá dỗi hờn  
Mưa chạnh lòng
Mịt mờ ghế đá công viên
Xa hẹn hò, quên đợi chờ
Phố đời mưa nắng cũng đành…

Thứ Tư, 14 tháng 7, 2021

Cuộc chiến SARS-CoV-2…

 

Cuộc chiến SARS-CoV-2…

(câu chuyện dịch bệnh…)

 

  Đại dịch covid-19 đã hoành hành khắp thế giới…

   Tuy nguyên nhân dịch bệnh chưa được xác định(!) Nhưng danh tính gã virut có tên SARS-CoV-2 đã được các nhà dịch tễ học tìm ra nguồn gốc. Nghe nói hắn ta thuộc dòng dõi coronaviruts biến thể…lang thang tấn công con người khắp các lục địa, bằng cách lây nhiễm từ người sang người. Và, có thể tùy theo cộng đồng dân tộc, cơ địa cá thể mà đôi khi kẻ khủng bố virut “đa chủng tộc” mặc nhiên tự biến chủng mới…

   Bệnh truyền nhiễm qua hơi thở thường tạo ra nhiều tác nhân, gây hoang mang khó khăn khi phòng chống dịch bệnh. Người ta phải cách ly xã hội, phong tỏa với qui mô lớn toàn thành phố, khu vực…làm khủng khoảng tâm lý, cản trở nhu cầu thiết yếu đời sống con người. Đó là chưa nói dự đoán hậu dịch bệnh covid-19 còn tác động đến giáo dục, kinh tế xã hội lâu dài. Và, đôi khi còn ảnh hưởng chính trị, tôn giáo, đố kị bài ngoại, phân biệt chủng tộc…

   May thay, nhờ ngành y học phát triển chỉ sau một năm đại dịch…lần đầu tiên các nhà khoa học dịch tễ đã nhanh chóng bào chế được vacxin cơ bản chống virut SARS-CoV-2. Tuy vậy, ít nhất sẽ còn vài năm nữa sự miễn dịch cộng đồng mới thành công? Cuộc chiến mới chỉ tạm đình chiến, người dân các xứ châu Mỹ, châu Âu…đang phải học cách sống chung “hòa bình”với loài coronavirruts dại dột...

   Chiến đấu với loài viruts là cuộc chiến dành cho trí tuệ khoa học. Các nhà dịch tế học, các trung tâm y tế cộng đồng mới là những người tiên phong. Chính họ mới có những quyết sách phù hợp nghề nghiệp và phương án xã hội hóa tiêu trừ dịch bệnh hữu hiệu...

  Phòng chống viruts không giống như cách "tiêu diệt" vi khuẩn ? Vì, không chỉ tìm cách nghiên cứu chữa bệnh nhân, mà còn hướng đến phương pháp miễn dịch cộng đồng nữa! Căn bản là hướng dẫn và tạo điều kiện để người dân tự phòng chống bệnh cho chính mình hơn là cực đoan pháp lý (!)

   Bởi, với dịch bệnh? Ngoài cái chết thì người ta sợ nhất là suy giảm kinh tế và khủng hoảng xã hội…vì con người luôn khao khát sống và nỗi sợ hãi khi bị cô lập.

   Đời sống con người? Chắc chắn sẽ không tránh được những biến cố bi thương! Nhưng, hy vọng giá trị sinh tồn luôn cần ý nghĩa nhân văn xã hội và tính đạo đức nhân sinh cũng phải được tồn tại…