Thứ Sáu, 1 tháng 10, 2021

Pleiku, còn đó nỗi buồn...

 

Pleiku, còn đó nỗi buồn…

   Tôi đến Pleiku như trôi theo dòng đời, nhưng không nghĩ mình ở lâu đến vậy! Nơi đây, không chỉ khói đá, mưa nguồn, gió núi mà còn có một khoảng không gian vĩnh hằng xao động của những chùm lá thông níu giữ sương mù, tóc rối hoang sơ, xanh trong hình bóng “má đỏ, môi hồng” nhờ khí trời se lạnh...

  Mùa thu Pleiku bao giờ cũng đến muộn, nắng hanh vàng đâu đó chỉ là một thoáng giao mùa mưa nắng mênh mông. Thời gian trôi nhanh hơn ta tưởng, rồi chẳng bao lâu nữa “đời mình cũng qua”…

    Khi một người qua đời? Người ta thường nghĩ điều gì còn ở lại và cái gì đành phôi phai…

 

  Trong trí nhớ xa xăm của tôi: Phi Nhung là một bé gái nhỏ đơn côi, siêu thực như ngỡ được sinh ra từ một ngôi chùa(?) Những đứa con lai thời ấy khiến ta chạnh lòng! Tôi cũng có người bạn thân “tây lai” ở xóm cà phê Dốc Đá “thị trấn sương mù” đó, không biết bố mẹ mình là ai? Nó rất dễ bị kích động bạo lực với người khác, nhưng lại nhẫn nhịn hy sinh vì bạn bè. Khi trở về sau mùa tao loạn…nghe đâu, nó đã chết ở một nơi nào đó chắc không người xót thương, đưa tiễn.

   Dù là định mệnh tình yêu, số phận chiến tranh hoặc trò đời phù phiếm…thì những đứa trẻ cũng không quyền lựa chọn nơi-chốn mình sinh ra? Trong tâm thức, đời sống trẻ mồ côi luôn hụt hẫng tình mẹ cha, thì lòng hiếu thảo cũng chẳng thể trả được như người đời vốn vay mượn…

  Chẳng ai có thể tự phụ, khi so sánh với người có ký ức tuổi thơ buồn đau(?) Những người phụ nữ mang vết xước tâm hồn thường mong manh trôi dạt, cay đắng vào đời như một thứ định mệnh bất hạnh có từ thuở hồng hoang…

  Nhưng, có lẽ ta sẽ cảm ơn khi xã hội biết thưởng thức âm nhạc…để hạt bụi bơ vơ giữa đời có cơ hội trở thành ngôi sao sáng! Người ta động lòng yêu mến những ngôi sao hơn mặt trời, vì nó nhỏ bé lấp lánh dịu dàng trong đêm tối. Nếu không khan hiếm, dễ đào tạo tìm kiếm thì đã không được người đời ngưỡng mộ…

  Giọng nói tự nhiên đặc thù (thường là thế hệ thứ hai) của người tha phương đến Pleiku. Giới chuyên môn thanh nhạc, chắc sẽ khó lấy học thuật ra mô tả giọng hát của C.s Phi Nhung. Đó là giọng ca đẹp (theo nghĩa của ngôn ngữ thuần túy chính tả) trữ tình của quê hương. Những chiếc ghe xuồng lênh đênh mang âm hưởng của miền tây nam bộ chỉ là âm thanh quá giang, vay mượn chuyển tải âm thầm cảm xúc khắc khoải, chứa đựng mật ngọt sâu xa về lại núi rừng! Phi Nhung là ca sĩ tài danh lặn lội đi qua số phận, thêm một lần trí tuệ cảm xúc (EQ) vượt qua học vấn đời thường của thế gian...

  Tháng mười, trời sang thu ngày ngắn đêm dài. Không có gió heo may, chỉ có vài lối dốc quạnh hiu quanh co cưu mang dĩ vãng(!) Có lẽ, người ta nên nhìn cuộc đời thật hơn là chỉ cậy nhờ vào đôi tai đôi lúc lơ đễnh. Vết thương tâm hồn bé gái Pleiku xưa chưa bao giờ lành lặn, may mà nỗi đau tâm lý đó đem lại kết quả tốt cho đời…

  Trong đôi mắt nhung buồn, long lanh thông minh đến mức hoang sơ. Nàng không mang trang sức vào đời, nên cũng không thấy lấp lánh xa hoa trên sân khấu lộng lẫy? Hẵn là luôn hoài cảm về một Pleiku xưa mưa bùn, gió bụi…

(Theo bài viết đăng trên BBC của nhà văn Đỗ Vẫn Trọn: Ca sĩ Phi Nhung tên thật là Lê Thị Tuyết Lan sinh ngày 10 tháng tư năm 1969)

 

Thứ Hai, 27 tháng 9, 2021

Ru đời nghệ sĩ...

 

Ru đời nghệ sĩ…

(Câu chuyện bạn bè…)

 


      Viết blog cũng chỉ là một cách phiêu du ý tưởng…

     Nghệ sĩ là ai? Tôi thích nhất đoạn lời ca (Em ơi! Hà Nội phố) của nhạc sĩ Phú Quang “Người nghệ sĩ lang thang hoài trên phố, bỗng thấy mình chẳng nhớ nổi một con đường”…

   Có lẽ, (cười) nghệ sĩ chỉ là “đứa trẻ” rất sành sõi mọi ngõ ngách, nhưng lại không để ý các nẻo đường vô tình dẫn họ tới đâu(?) Sâu sắc và hồn nhiên vốn là năng khiếu tự nhiên phiêu lãng của những người mãi mê đi tìm cảm xúc…

    Có nhiều người nghĩ Tâm hồn nghệ sĩ do nẩy mầm từ tính cách lãng mạn, nên đôi khi xa rời hiện thực. Nhưng, người ta cũng dễ có cảm tình với nghệ sĩ? Bởi, thấy ngoài đời thường có vẻ “bụi bặm”, không quyền lực và cũng chẳng ra vẻ gì trí thức…chỉ thấp thoáng lấp ló sự tự đắc tâm hồn(?)

    Nghệ sĩ, thường là tên gọi chung (*) cho những ai hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật (Kiến trúc & trang trí, điêu khắc, hội họa, âm nhạc, văn chương, sân khấu, điện ảnh)…Giá trị của nghệ thuật được xem là có ảnh hưởng trực tiếp đến tâm trạng, cảm xúc tâm hồn con người…

    Trước đây, người ta chỉ mặc định ca kịch cải lương (diễn ca) là nghệ sỹ. Ngày nay, người ta đã thừa nhận giới showbiz đều là những nghệ sỹ trình diễn! Vì, họ sáng tạo xây dựng cả một ê-kíp (equipe) hiện đại: Thiết kế sân khấu, kịch bản, trang phục, vũ đạo… biểu diễn nghệ thuật bao gồm cả thị giác, thính giác, không gian sắc màu. Sự kết hợp giữa giọt mồ hôi và trí tuệ cũng tăng thêm giá trị cảm xúc tác phẩm…

    Tuy nhiên, làm nghệ sỹ trình diễn hôm nay cũng không thoát được “kiếp cầm ca”…Họ vẫn bị ràng buộc bởi những người hâm mộ, định kiến xã hội và có thể cả đố kỵ tư tưởng văn hóa. Không chỉ bị dòng đời xô đẩy, mà còn lệ thuộc quan điểm “tài năng” bởi quyền lực show-biz thao túng…

    Đời thường, chẳng ai từng là nghệ sĩ muốn con cái họ tiếp nối nghiệp dĩ "đờn ca hát sướng”? Nghệ thuật vị nhân sinh chỉ khiến đời sống bấp bênh, rắc rối giữa biến cố cuộc đời không ngờ…và luôn bị yếu thế trước những điều thị phi ẩn kín nguồn cơn! Lối mòn năng khiếu thường dẫn đến định mệnh, người đam mê hạnh phúc cũng dễ chìm đắm trong đau khổ(?). Sau ánh đèn hoa lệ sân khấu với âm thanh mật ngọt…nếu trên lối về vắng vẻ cô đơn, tâm lý nghệ sĩ dễ bị tổn thương, cảm giác bội bạc.

   Nghệ sĩ sống vì (nhờ) khán giả, “người của công chúng” là mệnh đề thành bại nhiều cạm bẫy, “người nổi tiếng” thường rơi vào vòng lẩn quẩn trói buộc! Cảm xúc giao thời sôi nổi của tuổi trẻ có thể đưa thần tượng thành ngôi sao lấp lánh, thì cũng từ nông nổi đó khiến ngôi sao ấy vụng dại, mờ dần trong bóng tối lẽ loi.

  Nghệ thuật thì vô cùng, tài năng luôn có giới hạn…không thể cứu rỗi “tật xấu” hạn định khi người đời đã qui kết! Dẫu biết, sự thật của “lịch sử đám đông” thường đằng sau nó chỉ là nhóm người ít ỏi…

    Những nhà xã hội học, những thể chế chính trị tôn thờ quyền lực...luôn có định kiến bất an, rất không hài lòng với những hội chứng tôn thờ thần tượng theo hướng tiêu cực (?) Vì thế, những “ngôi sao rực rỡ” chỉ cần một đám mây đen nhỏ cũng đủ đưa vào thế cuộc lụi tàn…

   Người ta cũng sẽ nhận ra "vai trò" mượn danh nghệ sĩ? Vì, nghệ thuật có thể đánh thức tâm hồn người! Không ai phủ nhận người nghệ sĩ đã mang đến niềm vui, sức sống cho đời. Những lỗi lầm lớn của họ đôi khi có từ vài nhầm lẫn nhỏ vô tình của đám đông…

(*) Ở một số nơi (?)tiêu chuẩn được tách rời định danh: Nhạc công chơi đàn giỏi, sáng tạo người ta mới gọi là nhạc sĩ…họa sĩ thì phải có kỹ năng, năng lực sáng tác khác với thợ vẽ, hoặc nghề ca hát giải trí kiếm sống vẫn khác với danh hiệu ca sĩ…