Chủ Nhật, 23 tháng 2, 2014

Khôn và dại...



Khôn và dại…
(Tản mạn chuyện đời…)


  Ở các xứ sở đông á…người ta (cả những nhà hiền triết) hay bàn luận về khôndại? Thậm chí người ta còn cho rằng thắng hay thua là ở chỗ khôn hay dại (?).  Có lẽ, từ đó mà thói thường con người ở đời chia ra 2 hạng người: Khôn ngoan hay khờ dại….để rồi có hiện tượng đua tranh “khôn sống mống chết”, tạo ra tập tính thiên hạ vô tình phân biệt, chấp nhận: Ai khôn thì thắng, ai dại thì thua?
   Sống kiểu bị quán tính như thế sẽ sinh ra tư duy, quan niệm về “khôn dại sinh tồn”(!) Nó trở thành những triết lý dạy đời khôn ngoan ngỡ như “đắc nhân tâm” hay “nghệ thuật sống”?
    Thế nhưng sự đời, thói người…thì luôn có những nghịch lý nên mới có điều để luận bàn! Và chuyện dại khôn trong thực thế cuộc sống không phải bao giờ cũng dễ hiểu và dễ thực hiện. Dưới đây là những bài thơ có triết lý về: Nên khôn hay dại? 

    DẠI KHÔN
Thế sự đua nhau nói dại khôn
Biết ai là dại biết ai khôn ?
Khôn nghề cờ bạc là khôn dại
Dại chốn văn chương ấy dại khôn
Này kẻ nên khôn đều có dại
Làm người có dại mới nên khôn
Cái khôn ai cũng khôn là thế
Mới biết trần gian kẻ dại khôn
                                      (Trần Tế Xương)

   DẠI KHÔN
Ở đời có dại mới nên khôn
Chớ dại ngu si, chớ quá khôn
Khôn được ích mình đừng để dại
Dại thì giữ phận, chớ tranh khôn
Khôn mà hiểm độc là khôn dại
Dại ấy hiền lành, ấy dại khôn
Chớ cậy mình khôn cười kẻ dại
Gặp thời dại cũng hoá nên khôn .
                                 (Nguyễn Bỉnh Khiêm)

   Ông Nguyễn Công Trứ cũng có mấy câu:            
Thế sự đua nhau nói dại khôn
Biết ai là dại biết ai khôn
…………………………
Mấy kẻ quá khôn thường giả dại
Mấy người còn dại cứ làm khôn.

   Có lẽ, các tác giả trên cùng có một hoàn cảnh, thế thời nào đó nằm trong chính sự dại khôn…nên mới có nhận thức triết lý tư tưởng: “Khôn chết- dại chết - biết sống”? Câu đó: Có người thì bảo của Nguyễn Bỉnh Khiêm, có nơi ghi là của Khổng Tử hoặc Trang Tử(đúng là nhiễu loạn). Theo tôi (@TN)…thì câu nói trên của ai không quan trọng! Vì người  bình thường cũng “diễn cảm” được câu nói đó (cần gì nhà hiền triết?). Điều quan trọng là làm sao hiểu đúng lý luận thế cuộc nào là: Khôn, Dại, Biết…và có đủ điều kiện, hoàn cảnh và bản lĩnh để thực hiện được như thế hay không? Mới là chuyện đáng nói…
   Nhưng, nếu nó là kiến thức, “bí kíp” hơn thua…thì chắc chắn đâu chỉ dành vốn liếng riêng cho người có thiện tâm, mà trong đó có cả những kẻ lọc lừa gian xảo cũng “biết” nữa. Thực ra, khi cái gì thuộc về quyền lợi “triết lý nhân sinh” thì nơi đó có cả ánh sáng chân lý lương tâm và cả bóng tối ma mị…

   Dẫu sao đó cũng là suy luận “chân lý”, kinh nghiệm từ cá nhân về “thế thái nhân tình” hoàn cảnh thế sự, bối cảnh lịch sử, chế độ. Và từ cái triết lý “khôn, dại, biết” cũng đã tự nó lộ diện ra cái mặt trái ê chề của xã hội đó…đang nằm trong hiện trạng “Thắng thua là còn nhờ cậy vào lọc lừa, khôn lõi”. Nó vô tình (hay hữu ý) tự đề cao sự “thành đạt” dựa vào quyền thế, liều lĩnh, gian manh hơn là tài năng, bình đẳng, thiện tâm…

   Nói về khôn dại trong lịch sử loài người…thì thiếu gì chuyện đáng hổ thẹn lương tâm nhân loại vì không phân biệt được thiện ác?! Hãy nhìn lại quá khứ lịch sử tàn độc trong các cuộc chiến tranh thế giới: Thiên hạ luôn bị cuốn theo niềm tin cực đoan (quyền lợi cá nhân, chủng tộc, chủ thuyết)…lấp lững khôn dại điên rồ, hò hét mơ hồ chạy hụt hơi theo mấy ông “thiên tài”, ca bài “chủ nghĩa” để rồi tự tạo, tưởng tượng ra kẻ thù khắp nơi, lao vào (trực tiếp hay gián tiếp) tranh giành chém giết, khiến hận thù triền miên…tiếp nối tham-sân-si đến mức chuyện đã qua mà đến nay, ngay cả trong lòng một dân tộc còn chưa “hoà giải” chân thật cho tương lai thiện cảm được một câu “xin lỗi”…nói chi dại hay khôn?

   Muốn hiểu biết Dại Khôn thì phải còn suy ra: Thuộc về cá nhân, đảng phái hay cho dân tộc, nhân loại? Vì thật ra, chuyện Dại Khôn là thường nói về mưu lược chính trị, sự đời tranh giành, cướp đoạt quyền lợi trong một xã hội dễ nhũng nhiễu, có giả dối! Chứ với người trong gia đình, bạn bè, tình yêu…ai lại so đo khôn dại làm chi cho nó phi nghĩa? Ai lại lấy khối óc hơn thua ra khoe mẽ với tình cảm con tim…cho hạnh phúc bị thấp thỏm “ương ương dở dở”, lòng ngập ngừng, bước hoang mang (cười). Với lại…ai ngu ngốc gì đến mức đi khen sự khôn thắng thua và chê sự dại thật thà yêu thương…?!

3 nhận xét:

  1. Khôn chết _ dại chết _ biết càng chết sớm... @ thenhan à!

    Trả lờiXóa
  2. Xa hội không phát triển được lý do chính là coi trọng khôn ngoan hơn tài giỏi...thực chất khôn ngoan thường sống ký sinh trên sức lao động của người khác tài giỏi mới sống và làm việc chân chính trên chính sức lao động và sáng tạo của bản thân mình

    Trả lờiXóa