Chủ Nhật, 1 tháng 3, 2020

Cuộc Chiến Virus...


Cuộc chiến virus…


   
   Virus không còn là cái tên xa lạ với mọi người?
   Và, thường người ta có thể chia làm 3 “môi trường” sống: Virus động vật, virus thực vật, virus tin học (tất nhiên mỗi “nhóm” có hàng triệu virus khác nhau)
    Sở dĩ, gọi là virus vì có đặc điểm chung “có thể sinh sản bằng cách tạo ra rất nhiều bản sao của chính chúng bằng cách tự lắp ráp” và cần phải “ có một tế bào chủ để tạo ra cá thể mới”
   Ở đây chúng ta chỉ tìm hiểu về virus sinh học:

   Theo lịch sử y học: Chỉ có virus động vật mới có khả năng tương thích, biến thể, tiến hóa để ký sinh nơi tế bào con người bằng hình thức thụ động. Từ "tác nhân gây bệnh truyền nhiễm" lần đầu vào năm 1728 để hơn trăm năm sau người ta mới phát hiện “mầm bệnh” là một loài virus (1892)! Tuy vậy, mãi đến 1931 khi phát minh ra kính hiển vi điện tử con người mới thấy được hình hài của chúng…

   Cuộc chiến chống virus khó khăn hơn vi khuẩn nhiều lần? Thực tế, trong thời gian qua với nền y học tiến bộ, con người chỉ cần vài mươi năm (1950-1980) phần lớn đã chiến thắng được vài bệnh truyền nhiễm “nan y” nguy hiểm do vi khuẩn bằng các thuốc kháng khuẩn (Dịch hạch, uốn ván, thương hàn, giang mai, phong cùi, tả, lao…)
  
   Nhưng, theo mô tả: Loài Virus có thể nhỏ hơn vi khuẩn cả ngàn lần, chúng không có “cấu trúc tế bào” để “phân chia tế bào sự sống” như vi khuẩn(?) Vì vậy, nghiên cứu hiệu quả nhất là sử dụng vaccine tăng cường sự miễn dịch (ngăn ngừa) hoặc thuốc kháng virus (thành phần nuôi DNA) để đánh lừa khiến virus nhầm lẫn tích hợp làm vòng đời  dừng lại, bất hoạt…

    Những đại dịch hàng triệu người chết do virus được ghi nhận 1492 (đậu mùa) ở Nam Mỹ (70% dân số bản địa), dịch cúm A năm 1918 (5% dân số toàn cầu) và virus HIV (phát hiện 1981) tấn công hệ miễn dịch đến nay đã giết chết hơn 30 triệu người vẫn chưa có vaccine, chỉ dùng thuốc kháng (retrovirrus) giảm tử vong và bệnh tật…

      Trong lịch sử Việt Nam (Đại Nam thực lục)  cũng có ghi chép về 70 trận dịch lớn nhỏ liên tục cuối thế kỷ 19 (1820-1895) làm chết rất nhiều người. Thời kỳ đó! Y học nước ta vẫn còn lạc hậu, quan niệm bệnh dịch là do trời nên không ghi rõ dịch bệnh gì? Nhưng qua một vài ghi chép mô tả người ta đoán đến có 3 dịch bệnh lớn: Dịch tả, dịch đậu mùadịch hạch

   Y học thế giới đã phát hiện nhiều bệnh gây ra bởi virus như: Cảm lạnh, cúm, bệnh dại, sởi, nhiều dạng tiêu chảy, viêm gan, sốt vàng da, sốt xuất huyết, bại liệt, bệnh đậu mùa, HIV/AIDS và ngay cả các loại ung thư cũng có 15% liên quan đến virus...Và, con người đến nay ít nhất cũng thành công trong việc tạo ra vaccine, kháng virus cho: Bệnh dại, bại liệt, viêm gan (B,C) và đã tiêu diệt hoàn toàn dịch đậu mùa (1979).

  Tuy nhiên, khi điều chế được vaccine cho chủng virus biến thể (mới) không hề dễ dàng và cần thời gian thử nghiệm. Có lẽ, tốt nhất nên phòng bệnh…nghĩa là nên tránh tiếp xúc từ những yếu tố có thể lây nhiễm virus động vật sang con người (trong tế bào người thì virus có thể tiến hóa biến thể để lây nhiễm người khác), hoặc qua vector (vật trung gian truyền bệnh). Sự lây nhiễm giữa người và người thường qua: Mắt, mũi, miệng, máu và tình dục…

   Tất cả, câu chuyện trên là đọc thông tin từ  y học và các nhà nghiên cứu virus dịch tễ học!

   Bây giờ, chúng ta thử quan tâm “cuộc chiến đối đầu virus” có tác động gì đến tư tưởng, văn hóa, xã hội tương lai? Và, có vẻ như từ khi phát hiện thêm loài virus...đã củng cố thêm học thuyết nguồn gốc sự sống từ những phân tử hữu cơ tự lắp ráp(!) Chắc sẽ phần nào thay đổi tư duy con người về: Quan niệm tôn giáo thần thánh, lãng mạn tâm linh, thuật suy đoán y học cổ truyền, phong tục tập quán lạc hậu và có thể cần có một nền tảng chính trị xã hội minh bạch phù hợp với cuộc chiến sinh tồn mới!

   Nhân loại sẽ khống chế, chiến đấu với virus thế nào: Khi thời tiết khí hậu môi trường thay đổi, nạn nhân mãn, thế giới nhu cầu phát triển liên kết giao thương đi lại khiến cho biên độ lây nhiễm mở rộng làm trầm trọng thêm dịch bệnh…Đó là chưa nói ý thức người dân và hệ thống cơ chế bảo thủ chính trị còn đâu đó, thiếu kiến thức tạo cơ hội cho virus hoành hành (?)

   Khác với chiến tranh…người ta cần lợi ích quần thể, gắn kết nhau nhờ phe phái. Còn dịch bệnh khi lây lan thường làm “cách ly” mọi quan hệ, tinh thần lo âu cộng đồng chia rẽ, đố kỵ. Do vậy, cuộc chiến Virus không chỉ làm đời sống kinh tế sụp đổ mà còn khiến cho các giá trị niềm tin đạo đức, văn hóa, chính trị và tôn giáo đều bị khủng hoảng…

   Với các nhà khoa học dịch tễ…thì cuộc chiến virus là sự rủi ro vì khác cơ chế sinh học tự nhiên! Nhưng, với chúng ta? Chắc hẵng chẳng ai muốn làm vật chủ hoặc nạn nhân từ một số loài virus vô tình nghiệt ngã