Thứ Ba, 9 tháng 3, 2021

Lừa...

 

LỪA…

(Chuyện đời...)

  Gần đây, nghe nói "người ta lừa nhau nhiều quá…"

  Nên lục lọi tra tự điển thử (cười): Lừa là loại động vật bốn chân, nó có thể làm cha của con la nếu vợ nó là con ngựa. Nếu ngược lại thì đứa con sẽ có tên là lừa la

   Có phần ghi chú: Lừa là con vật thường bị gắn mác "ngu, hèn hạ và cứng đầu như lừa". Nhưng, lừa cũng được tượng trưng cao cả trong tôn giáo: “Chúa cỡi lừa có hàm ý Chúa Jesus là Vua Hòa Bình hay Vua Bình An”. Về chính trị thì đảng dân chủ Mỹ (từ năm 1828) cũng lấy lừa làm biểu tượng “Bền bỉ trung thành”…dù nông dân mặc định  con vật vụng về, chậm chạp và cứng đầu...

   Hic! Chỉ cần có dụng ý…người ta đã tạo ra các quan niệm, lòng tin và ý nghĩa khác nhau từ đặc điểm đơn điệu của một con vật.

    Nhưng, đó chỉ là danh từ chung (tiếng Việt) tên một loài động vật! Còn chữ lừa…theo “lý sự” của động-tính từ thường được ghép ý nghĩa tùy mức độ tình huống: Lừa thế, lừa lọc, lừa phỉnh, lừa dối, lừa đảo, lừa gạt

   Tuy vậy, theo quan niệm nhân gian(?) Sẽ là điều tốt đẹp: Nếu “lừa dối” thuộc về nhu cầu văn hóa tế nhị lịch thiệp, nghệ thuật giáo dục hay đạo đức nhân sinh…

   Xét về tự nhiên, bằng hình thức nguyên sơ nào đó(!) Động-thực vật đã biết cách lọc lựa để phát triển sinh tồn. Có lẽ, sự dối trá, giả dối, lừa lọc, gian xảo... là một phần bản năng con người (?) Nó chỉ khác nhau về giá trị mục đích: Xấu hay tốt, hèn mọn hay chí lớn, “lừa gạt” được vài người hay “lừa phỉnh”cả thiên hạ…

   Trong tâm lý người đời: “nói dối chỉ được vài người tin, nhưng đồn thổi có thể lừa được nhiều người”. Nghĩa là lừa đám đông dễ hơn lừa một người...nhất là lừa hy vọng tương lai xa vời, mù mịt sau cả sự sống lẫn cái chết! Khổ nỗi...sự đời luôn có trắng đen lẫn lộn (nguồn cơn sự giả dối), nhưng không ít người nghĩ ai có khiếu “lừa lọc” là nhờ khôn khéo, thông minh.

   Thực hư...có mấy ai phân biệt bị lừa dối hay tự dối lừa? Vì: Tình, tiền, danh vọng và niềm tin vốn là lẽ sống nuôi dưỡng mơ ước, khiến ta háo hức lừa đam mê, mộng tham vọng. Sự lãng mạn đôi khi cũng vượt mức ảo tưởng…

   Những người biết tôn trọng sự công bằng, sống đời hiện thực và có kiến thức lịch sử chính trị, tôn giáo, khoa học xã hội, nhân sinh…thì sẽ khó bị lừa(?) Tuy vậy, cuộc đời là trò chơi lớn mà cá nhân mỗi người đều phải ngụp lặn trong dòng sống đó, khó thoát được vòng lẩn quẩn bi hài giữa xu thế đám đông, quyền lực…

   Tui cũng là người trần thế (@thenhan) nên đôi khi cũng lao đao thế cuộc…chỉ sợ bị lừa tình (le lưỡi)!