Thứ Bảy, 26 tháng 11, 2016

"Bí quyết" tập đàn guitar (phần 2)

“Bí quyết” tập đàn guitar (Phần 2)

“Bí quyết” 2: (Lựa chọn bài hát, dòng nhạc và tiết điệu):

   Có một sự thật: Bạn có thể làm quen với bất kỳ nhạc cụ nào trong vòng 1 tháng! Nhưng, con đường cảm xúc âm nhạc là do bạn lựa chọn xa hay gần? Nó theo lối "nghề nghiệp", hoặc chỉ đơn giản thú vui bạn bè, làm nghệ sĩ cho tình cảm, tâm hồn mình (một dạng mưu cầu hạnh phúc đời sống)…

   Hình như cái gì cũng có “định mệnh”? Những người chuyên nghiệp, học trường lớp bài bản cũng thường bị “nhiễm” định kiến học thuật, thích phê bình quan điểm, quan tâm so sánh trình độ kỹ thuật (độ khó âm nhạc)…Nhưng, thực tế hiệu quả của âm nhạc chỉ có mục đích cuối cùng là phiêu du len lõi tìm đường vào cảm xúc trái tim. Nên khi quá cầu kỳ trong âm nhạc, hoặc khoe khoang kỹ thuật biểu diễn chưa hẵn đã làm thăng hoa tâm hồn người…

   Nếu có hệ thống giáo trình nghiêm túc …mỗi dụng cụ âm nhạc, người ta đều biên soạn từ dễ đến khó (đơn giản đến phức tạp). Vì, do cấu tạo tính chất kỹ thuật mỗi nhạc cụ nên vẫn có những xu hướng, lợi thế ưu tiên thanh âm nhạc cảm: Piano chơi hay về trường phái cổ điển, điệu valse, nhạc thính phòng; nhịp nhạc tango tuyệt vời cho accordeon (phong cầm); organ du dương nhạc thánh ca; Acmonica sống động nhịp nhàng cho paso; Sáo trúc vi vu thanh thoát, thiết tha trầm mặc: Lòng mẹ, con thuyền không bến…

   Riêng, guitar thì rất đa dạng, nhưng thường phiêu lưu nhịp nhàng với các dòng nhạc country, pop, rock…hoặc diễn cảm tâm sự ballad (trữ tình) đương đại. Dù rất phóng khoáng, guitar cũng tạo nhiều trường phái (phong cách) khác nhau: Classic, flamenco, solo và đệm hát. Chính vì vậy, những người mới làm quen với âm nhạc với đàn guitar dễ lúng túng, chưa rõ phương hướng sở trường, sở đoản… nên thường bị lệ thuộc vào quan niệm thưởng thức của người xung quanh (phong trào) hay thói quen (kỹ năng riêng) của người dạy đàn…

   + Những bài nhạc ngoại quốc nổi tiểng (kinh điển) đều đa dạng, đáp ứng được yêu cầu kỹ thuật âm nhạc! Nhưng, cũng có thể là xa lạ với hiện thực đời sống văn hóa, tâm hồn của bạn (năng khiếu cần sự cảm thông)!  Do tính năng sử dụng và tác động kỹ thuật vật lý nhạc cụ guitar…những người mới tập chơi, ban đầu nên chọn những bài hát nhạc Việt khá phổ biến đã qua thời gian chọn lọc…

   + Chúng ta cũng có một thời vàng son hòa nhập với nền âm nhạc đương đại thế giới. Nhưng vẫn mang theo bản sắc riêng, đánh dấu được giá trị sở trường âm nhạc Việt ! Trong đó, có rất nhiều tác phẩm tình khúc diễn đạt thành công tâm tình về đời sống nhân sinh, tình yêuthân phận con người của các tác giả có tên tuổi như: Trịnh Công Sơn, Lê Uyên Phương, Vũ Thành An, Ngô Thụy Miên, Từ Công Phụng, …có nhạc điệu khá nhiều biến tấu (slow, pop, rock, ballad…), hoặc từ bolero căn bản thập niên 1960 (rumba, chachacha, tango, ballde…) viết đa dạng về văn hóa, tình cảm nhân gian phát triển dân ca theo âm hưởng tân nhạc hiện đại: Văn Cao, Phạm Duy, Phạm Đình Chương, Hoàng Thi Thơ, Trịnh Lâm Ngân, Lam Phương, Trần Thiện Thanh…
    Tại sao phải lựa chọn? Bởi, hiện nay có rất nhiều bài hát chỉ mang tính giải trí, thu hút  sự kiện…thường ít chau chuốt ca từ, phối âm giao hưởng đơn điệu! Nên muốn thành công cơ bản, đạt giá trị âm nhạc là phải thỏa mãn đi tìm những bản nhạc “kinh điển” bền lâu…chứ không phí hoài thời gian cho những bài hát vu vơ “tạm thời” (?)

   Có thể, có người không thích âm nhạc? Nhưng, khó tưởng tưởng một thế giới vắng lặng âm nhạc…Nghĩa là âm nhạc có tác động đến thực tại tâm hồn và suy nghĩ! Nên, hãy khôn ngoan lựa chọn, tránh các bản nhạc rời rạc mệt mỏi hoang mang, hay quá đơn điệu gây ồn ào. Vì, với âm thanh bi ai hoặc háo thắng thù hận sẽ khó nâng đỡ trái tim con người…

    + Bước đầu tiên tập đàn, hãy chọn các nhạc điệu chậm vừa: Slow, boston, bolero, slow surf…và sử dụng tiết tấu đơn giản, nhưng mạch lạc bằng ngón tay gảy rãi nốt (ngón cái cho 3 dây trên) và móc (phân công thuận chiều 3 ngón cho 3 dây dưới)…

    + Sau khi đã quen thuộc sử dụng ngón đúng nhịp, khuôn (đều tempo), bạn có thể chuyển qua tập đánh điệu nhạc bằng hợp âm kiểu “quạt chả” Bepop, dicco, Surf…thực tế, cách đánh “quạt chả” là cách đánh nguyên hợp âm một cách nhịp nhàng, nhưng nhờ thay đổi âm tiết (mạnh nhẹ, câm và vang) bằng tay trái (nhả bấm) và tay phải đánh lên-xuống (hoặc chặn âm) đều nhịp, sẽ làm thay đổi âm sắc (thanh, trầm, lúc gần lúc xa) nghe như sự hòa âm đa dạng biến tấu cường độ thanh âm…một sự lợi thế đặc biệt của nhạc cụ guitar!


(Còn tiếp…)

Thứ Năm, 24 tháng 11, 2016

"Bí quyết" tập chơi đàn guitar (phần 1)

“Bí quyết” tập chơi đàn guitar (Phần 1)

Phần 1: Cách lựa chọn đàn guitar
Phần 2: Lựa chọn bài hát, dòng nhạc và tiết điệu
Phần 3: Lựa chọn hợp âm thuận lợi của đàn guitar


   Thật ngạc nhiên, khi bài viết “Học nhạc với đàn guitar” trong blog này (khá khép kín) mà nhận được cả ngàn lượt xem trong một thời gian ngắn…Nghĩa là có khá nhiều bạn tò mò tìm hiểu về một “hệ quy chiếu” (cách nhìn) về quy luật âm nhạc và học chơi đàn guitar! Điều đó, cũng khiến tôi cảm động (hic) vui vẻ, nhiệt tình hơn và sẽ tìm cách mở rộng, dần đưa ra thêm những “bí quyết” (cười)  …

   Những gì liên quan nghệ thuật, người ta hay nói đến năng khiếu…Có lẽ, chỉ là câu chuyện mang sắc màu “ngụ ngôn” về khả năng hiện tượng đặc biệt từ một cá nhân! Thực tế, sự thành công không thể thiếu sở thích, điều kiện và sự gian nan để thực hiện đam mê “năng khiếu” đó…

    Còn khi nói về nhạc cụ? Xin hãy có “tư duy” xem đó là một phương tiện chuyển tải âm nhạc: Sự thành thạo sử dụng và cảm âm thính giác sẽ là cơ hội làm nên cảm xúc! Nghĩa là khi đã có thói quen thuận tay và phân biệt được cung bậc thanh âm, nhịp điệu…thì có thể điều khiển nó dễ dàng theo quán tính…

   Muốn tập sử dụng một nhạc cụ? Chúng ta cần hiểu tính chất cấu tạo, lợi thế âm thanh và thuận lợi nghiêng nhiều về phong cách, dòng nhạc nào đó… để dễ hòa âm phối khí nhạc điệu, độc tấu, đệm hát, chuyển tải ca từ? Vậy, “Bí quyết” tập đàn guitar đầu tiên là nhờ vào chất lượng kỹ thuật và phương pháp sử dụng nhạc cụ..

   Có lẽ, cần nói thêm rằng: “Bí quyết” có thể được hiểu là kinh nghiệm trưởng thành từ sở thích, thu nhận kiến thức rồi mới tự tạo cơ hội phát triển cho riêng mình! Nhưng, cũng có những quy trình ngược: Tự tạo cơ hội, xây dựng kiến thức, rồi mới tìm ra sở thích.
   Cuộc đời (le lưỡi), đôi khi…cứ thử hồn nhiên đơn giản hóa công việc hiện thực cho vài lựa chọn..
 
“Bí quyết” 1 (chọn lựa mua đàn guitar):

    Với một cây đàn guitar nào đó (phương tiện âm nhạc) đáp ứng được yêu cầu kỹ thuật sẽ cho ra âm thanh chính xác (note, tone), đem lại hứng thú, truyền đạt được cảm xúc âm nhạc…

    Trước khi tuyển chọn, bạn phải (yêu cầu) lên âm chuẩn (có máy cảm âm điện tử) vài ba cây đàn để so sánh. Nếu dây lên quá căng sẽ có âm thanh không mềm mại ngân vang, làm đau tay (nhất là khi bạn có ngón tay mềm, yếu…) khó bấm,  khiến ta lười thao tác, dễ nản chí trong tập luyện ( Dĩ nhiên, sau thời gian ngắn tập luyện đầu ngón tay cũng sẽ dày lên, khỏe hơn)…

   Về kỹ thuật và cấu tạo sản xuất đàn guitar thường phân biệt 2 loại: classic guitar và Acoustic guitar! Trên lý thuyết ta cần có chút kiến thức nhìn bên ngoài (hình thức) để tiện ứng dụng thực tiễn:

   - Đàn classic (chơi nhạc cổ điển) có cấu tạo thùng hình tròn (âm thanh vang, trầm ấm hơn), cần ngắn (khoảng 12-14 phím) bản rộng và thường sử dụng 3 dây dưới (sol, sí, mí) bằng ni lông, để hòa đều hơn với thanh âm 3 dây trên…

   - Đàn Acoustic (chơi nhạc pop, rock, đệm hát…) thường cấu tạo thùng khuyết (để solo âm vực quãng 8 cao), có ít nhất 14 phím trở lên, bản hẹp…nên dây đàn ít căng cứng hơn! Ngoài ra, về mặt kỹ thuật có khác nhau về cách phân chia khoảng cách (các dấu chấm trên cần đàn) là để thuận tiện xác định nhanh vị trí solo (chạy nốt), bấm hợp âm các quãng 8 khác nhau…
    Đàn thùng chỉ có ba quãng 8(âm vực), còn đàn điện cấu tạo bốn quãng 8 nên sợi (dây) đàn dài bấm nhẹ nhàng hơn…

   Thông thường chất lượng đi đôi với giá cả. Và, thị trường cũng sản xuất theo nhu cầu tâm lý khách hàng mua sắm. Với “khẩu hiệu tiết kiệm dành cho người “không chuyên”…người ta khuyên người mới tập chơi: Chỉ nên mua loại giá trên dưới 1 triệu đồng?

   Riêng tôi, rất muốn bạn…cần cố gắng chọn chất lượng giá cao hơn gấp đôi (không kèm thiết bị điện tử) ít nhất là tạm đủ đáp ứng yêu cầu kỹ thuật, để có âm thanh hỗ trợ chính xác tạo thêm say mê cảm xúc, dễ nhận thức nghệ thuật hơn!

   Ngoài ra, dây đàn là thành phần rất quan trọng ít ai để ý? Hiện tại trên thị trường đã có dây đàn made in USA có cấu tạo kỹ thuật khá đặc biệt (hình khối đường dây, lượn sóng vòng quấn) nên âm thanh vang hơn, bấm êm tay, khi vuốt rất mượt mà, chậm rét rỉ và bền (giá khoảng 450K)…
  
   “Nếu bạn có sở thích, đủ kiên nhẫn và lợi thế luyện ngón khỏe, nhanh để phối hợp hòa âm (độc tấu) theo kiểu classic (phối đồng bộ các nốt đơn âm) mạch lạc, hay phong cách flamenco (pha hợp âm rộn ràng) thì bạn cần có thầy dạy kinh nghiệm hướng dẫn chi tiết (thường có soạn nhạc riêng)…Còn nếu như bạn chỉ cần sử dụng nhạc cụ để solo và đệm nhạc theo phong cách modern (hiện đại) với các dòng nhạc Pop, rock, ballde…thì chúng ta có thể tự học theo hướng phổ thông nhạc lý bằng cách lắng nghe, quan sát và tự do sáng tạo cảm xúc…”
(Còn tiếp…)