Thứ Ba, 12 tháng 1, 2021

Chí Tài _ tay guitar thiện nghệ...

 

Chí Tài _ tay guitar thiện nghệ…

(Câu chuyện về nghệ sĩ…)

  


   Thường, công chúng biết nhiều đến cố nghệ sĩ Chí Tài qua kịch nghệ một danh hài..

   Còn các trung tâm ca nhạc, giới mộ điệu vốn biết Chí Tài là tay guitar điêu luyện và một ca nhạc sĩ có sở trường viết hòa âm phối khí…

   Những người có năng khiếu nghệ thuật (Kiến trúc và trang trí, điêu khắc, hội họa, âm nhạc, văn chương, sân khấu, điện ảnh) vẫn có sức cảm thụ tương quan lẫn nhau. Nhưng, tiến đến sự đa tài thì phải cần thêm tư duy sâu sắc, tính sáng tạo và đương nhiên cần cả tâm huyết lẫn thời gian…

   Chí Tài là nghệ sĩ trình diễn! Và, với “kiếp cầm ca”…lẽ thường cũng trôi theo dòng đời bất định. Đôi khi vì biến cố cuộc đời, thực tế đối diện hoàn cảnh, nhu cầu và điều kiện xã hội cũng vô tình tạo ra những nghiệp dĩ(?) Vì vậy, ở đây những luận điểm tranh cãi Nghệ thuật vị nghệ thuật hay nghệ thuật vị nhân sinh xét về mặt đam mê hay mưu sinh thì người ngoài cuộc như chúng ta chỉ là “kẻ ngoại đạo” (cười).

    Một thực tế: Trong các môn nghệ thuật thì âm nhạc có khả năng diễn tả nội tâm con người. Và, sở thích gần như có tính truyền thống. Điều lạ…là những người từng làm nghệ sĩ họ thường không muốn con cái lập nghiệp bằng nghề “đàn ca hát xướng”. Ngay cả Phạm Duy cũng tìm mọi cách ngăn cản (Duy Cường, Duy Quang) tiếp cận với nhạc cụ âm nhạc. Nhưng rồi! Cũng như người cha của Chí Tài…họ đành chấp nhận chí hướng đó, mà chính họ trước kia cũng không từ bỏ nỗi đam mê…

    Sự thật, nhu cầu giải trí hay mục đích nghệ thuật…xét chung với đại chúng chỉ là một! Dẫu biết rằng mặt trái cuộc đời (kể cả nghệ thuật) vẫn luôn âm thầm tồn tại một phần có vẻ bi hài! Vì, với sở thích văn nghệ, giải trí đơn thuần người ta thường quan tâm đến tên tuổi ca sĩ, nhạc sĩ (sáng tác ca khúc). Mà ít ai biết rằng phần hòa âm mới thực sự là “bà đỡ” cho nền tảng tác phẩm ra chơi với đời được phổ biến và hấp dẫn hơn.

   Trước đây công chúng Việt thưởng thức nhiều những ca khúc tân nhạc phổ thông được hòa âm kết hợp với nhiều nhạc cụ kim cổ (bán cổ điển) bởi Văn Phụng, Lê Văn Thiện, Duy Cường (Làng Văn, Giáng Ngọc, Diễm xưa). Sau 30 năm trở lại đây là của Trúc Hồ (Asia) Tùng Châu (Paris by night). Riêng, nhạc sĩ hòa âm Chí Tài lại có hướng hòa âm mới, rất trẻ trung sáng tạo từ nền tảng một tay đàn guitar điêu luyện…

   Guitar là loại đàn mang nhiều phong cách đa dạng, có thể xử lý hiện đại biến tấu âm thanh nhờ “phơ” (fuzz)điện tử, cung bậc chuyển (nối) âm rộng. Chính vì thế…nên muốn thành công với các sở trường (thể loại) guitar? Không chỉ nhờ vào cảm âm (thính giác), học thuật (nhạc lý), kỹ năng (điêu luyện)…mà còn phải vận dụng kỹ thuật âm thanh trình diễn cuốn hút, tạo cảm xúc giao tiếp từ nội tâm âm nhạc(!)

   Thật ra, ít người chơi được cả hai loại guitar đàn thùngđàn điện một cách vẹn toàn (Kỹ thuật, sở đoản và lợi thế  khác nhau).  Và, cũng ít ai không bị phân tâm khi vừa hát, vừa đàn…mà lại thiện nghệ cả accomp (đệm hát), solo (gối nốt) và lead (ngẫu hứng). Bởi, nó đòi hỏi sự tách rời một cách hài hòa. Dường như Chí Tài biết cách kết hợp chơi được cả phong cách Classic, flamenco, modern…



   
Có thể, Chí Tài sinh ra trong thập kỷ 60 – 70 thế kỷ trước, hậu duệ của “thời vàng son” âm nhạc còn vang vọng, để gần như đã lĩnh hội được từ cách chơi guitar nổi tiếng trên thế giới (Rock venture, Santana, Eagle…) và cũng ảnh hưởng mô típ (motif )dòng nhạc trẻ có xu hướng cách tân thời đại âm nhạc đại chúng…

   Tuy không thừa nhận mình là một ca sĩ? Vì, sau này Chí Tài chỉ thường thể hiện hát với tình thần văn nghệ pha chất giọng âm nhạc hơn làm ca sĩ biểu diễn. Đó cũng là lẽ tự nhiên của người nhạc sĩ theo lối đương đại, họ thường lấy cảm xúc âm nhạc và tâm ý ca từ…hơn là từ thói quen (quan niệm) thông thường của ca sĩ chỉ quan tâm đến nội dung, giai điệu…rồi cậy nhờ (phô trương) kỹ thuật thanh nhạc “cổ điển” đôi khi nhạt nhòa ngôn ngữ Việt. Sẽ không ngạc nhiên khi ca sĩ Phương Loan (vợ Chí Tài) sử dụng hai chất giọng âm nhạc: Opera cho thánh ca, thanh bạch cho ca khúc đương đại? Ngoài ra, chỉ có nhạc sĩ hòa âm mới có thể tự tin (hát) phối bè, với sức sáng tạo cộng hưởng âm giai phối ngẫu đến như vậy …

  Khi một nghệ sĩ qua đời! Được nhiều tầng lớp khán giả “cảm thán tiếc thương” và cách các đồng nghiệp đưa tiễn “trọn tình nghệ sĩ” là một điều không dễ có mấy ai(?) Nếu là “người của công chúng” thì thường nghệ sĩ so với các nhà chính trị hay lãnh đạo tôn giáo thì họ là người có tâm hồn khá lãng mạn, góp nhặt tình tha nhân và dĩ nhiên phải hồn nhiên, khiêm cung với cuộc đời hơn…

    Sự ái mộ về một nghệ sĩ? Rõ ràng không chỉ là tài năng mà còn tính cách và phẩm chất sống! Vì, đằng sau sự từ tốn là một phần tất yếu của trí tuệ. Nếu vậy, thật là may mắn…vì điều đó sẽ làm chúng ta (khán giả) sẽ ngưỡng mộ yêu mến nghệ thuật hơn! Một ý thức thưởng thức “món ăn tinh thần” có giá trị đến từ vô giá…

  Tôi viết entry này, đơn giản như dòng đời trôi nổi. Để tự cảm khái tiễn biệt người nghệ sĩ trình diễn tài hoa, một cung đàn đã đứt nhịp. Hoặc chỉ là lời ru phiêu bồng có chút khắc khoải cho một đời rong ruổi chắt chiu, bận rộn…rồi cũng đành “về lại nơi cuối trời làm mây trôi” (Phôi pha - Trịnh Công Sơn).