Thứ Năm, 29 tháng 8, 2019

Làm ca sỹ...

Làm ca sĩ…
(Câu chuyện về quan niệm…)
  


   Bạn thích làm ca sỹ không? Vì ai cũng có thể là người hát hay…

   Ở xứ mình (VN) hiện tại…hình như nghề ca sĩ “bỗng dưng” biến thành ước mơ của nhiều người. Và ai cũng muốn mình hát hay! Nhưng, hát hay lại không dễ bằng hay hát (cười)…

   Ngày xưa, “đờn ca hát xướng” được xem là tầng lớp thấp nhất của xã hội. Vì thời ấy…người ta thường đem những người nô lệ ra làm thú tiêu khiển, giải trí cho tầng lớp quan chức, quí tộc và để đáp ứng nhu cầu mua vui của quần chúng! Có lẽ, người ta không ngờ rằng từ trong bóng tối của kiếp đời nô dịch nghèo hèn, tăm tối đó…đã tự sản sinh ra nghệ thuật quyến rũ để dần trở thành nhu cầu văn hóa, giải phóng tư duy, thức tỉnh sâu xa tâm hồn cao thượng ẩn chứa nơi con người …

   Ngày nay, ca hát đã trở thành trào lưu văn hóa không thể thiếu trong tất cả mọi hình thức sinh hoạt xã hội: Chính trị, quân sự, kinh tế, tôn giáo …có nghĩa là nó tác động đến những gì liên quan đời sống con người. Ca sỹ là người trực tiếp chuyển hóa ngôn ngữ trong giai điệu âm nhạc. Và, ít ai ngờ rằng “nghề” hát hò cũng trở thành thần tượng của đám đông và là người của công chúng

   Một ca sỹ thành công với một bài hát…là nhờ giọng hát và phát âm thanh đúng với tình cảm, thể loại, giai điệu. Tuy nhiên, chúng ta đang bước vào giai đoạn “khủng khoảng” thanh nhạc. Sở dĩ, có chuyện so đo, tranh cãi là vì cách phát âm thanh nhạc hiện có 2 trường phái cùng tồn tại trên một sân khấu ca nhạc (giọng opera cổ điển và giọng thanh bạch đương đại). Sự thật, những quan niệm và nhận thức khác nhau về cảm xúc thanh nhạc là do “đối sách” văn hóa của hai nền chính trị khác nhau đã từng “bị” chia rẽ quan điểm, sở thích…

   Về chuyên môn nghệ thuật? Không cần dùng thuật ngữ chi tiết, cầu kỳ âm nhạc…ai cũng có thể hiểu qua khái niệm trường phái: Opera là cách hát mang tính chất cách điệu ngôn ngữ bằng giọng “hợp âm vang” dùng biểu diễn sân khấu ca kịch (xứ Châu Âu xưa) …còn giọng thanh bạch là cách hát nhã từ biểu diễn nội dung ca khúc đương đại được các nhạc cụ hòa âm, phối khí tiết tấu giai điệu! 

   Thính giả bình thường sẽ không quan tâm nhiều đến lý tính giọng hát, nên ít khi phân tích giá trị trường phái. Tuy nhiên, về cảm tính họ cũng sẽ nhận ra một giọng ca phù hợp (cảm nhạc) cho một bài hát nào đó! Vì, đơn giản...hiện thực cách ngôn ngữ phát âm và mục đích với nội dung tâm tình khiến tự nó hình thành (phù hợp) cho nhiều dòng nhạc (thể loại ca khúc) khác nhau (!)

    Mới đây, cũng còn có canhạc sĩ nào đó phát biểu trên truyền thông báo chí rằng: “Opera mới là đỉnh cao của âm nhạc”…cho ta thấy sự hạn chế kiến thức (thói quen) thiếu cẩn trọng khiêm tốn khi vội vàng lấy một bộ môn ca kịch cổ điển (giới hạn nghệ thuật) mà bao trùm lên cả giá trị đa dạng, phát triển (kỹ thuật) thiên về âm nhạc đại chúng. “Quyền lực show biz” chưa hẵn là người đủ năng lực, kiến thức…nếu mơ hồ đưa ra những thuật ngữ, nhận định chuyên môn không chính xác sẽ tùy tiện gây ngộ nhận: Làm “mới” âm nhạc (thay đổi tác phẩm), quyền tư duy “thẩm mỹ cá nhân” (cá tính ca sỹ)…mà không hiểu chiều dài giá trị nghệ thuật, thực tế chỉ thừa nhận sở hữu trí tuệ tác phẩm cá nhân và năng lực trình diễn cảm xúc đại chúng

   Dù là ai: Nhạc sĩ, ca sĩ, nhà báo hay là người bình thường…đều có khả năng cảm thụ! Trình độ kỹ thuật âm nhạc đôi khi chẳng có ý nghĩa gì trong thưởng thức tác phẩm ca nhạc nếu ít vốn sống, thiếu khả năng nhạy cảm đời sống tâm hồn hoặc kiến thức ngôn ngữ, ca từ…

   Mỗi người đều có chất giọng âm nhạc…cũng giống như âm thanh mỗi nhạc cụ đều có đặc thù nhạc tính và tình cảm âm vực khác nhau. Điều quan trọng là sử dụng cho những bài hát nào phù hợp! Sự chủ quan, đánh giá thấp tính văn hóa tha nhân (cũng là kiến thức nghệ thuật) của ca sĩ…là khi quá thể hiện cái “tôi” mà bất chấp cảm xúc người khác, hoặc “học vẹt” (bắt chước) làm bản sao lối hát của ai đó một cách máy móc…

   Người ta (nhạc sĩ hòa âm) cũng có thể (chỉ) thay đổi tiết tấu, tốc độ một bản nhạc…là khi cần thiết theo điều kiện không gian nhạc cảm (thính phòng hay sân khấu ngoài trời), vì sự giới hạn công cụ nhạc đệm, hoặc là mượn thêm kỹ thuật, sáng tạo để trình diễn hình thức ca kịch, hoạt cảnh…

   Nếu có sự giao thoa của hai luồng tư tưởng văn hóa? Thì định kiến bao giờ cũng thuộc quá khứ của tương lai. Quan niệm định hướng nghệ thuật thường chỉ là kịch bản dành cho kỷ niệm!  Nếu bạn muốn làm ca sỹ của nền âm nhạc đương đại: Khi bạn trình bày một ca khúc tâm tình (bằng lời) Việt…thì (nguyên lý) dù theo lối kỹ thuật thanh nhạc nào, bạn cũng phải phát âm rõ ràng được chữ quốc ngữ theo âm giọng tiếng Việt một cách hài hòa, trong sáng (vì kỹ thuật không phải trò chơi bí ẩn). Giá trị giọng hát của một ca sỹ là khi chuyển tải được nội dung và tạo ra cảm xúc tâm hồn đồng điệu với âm nhạc (nghệ thuật nhân văn)…

   Trong lịch sử âm nhạc ca hát…chưa thấy ai thay thế nghệ thuât bằng tham vọng cá nhân, nếu thiếu yếu tố hồn nhiên(!) Nghệ thuật tâm tình ca khúc luôn là sự chừng mực. Khi bạn để cái “tôi” vượt qua sự khiêm tốn thì khó trở thành ngôi sao của đại chúng, bởi đó là giá trị duy nhất và cũng là sự giới hạn (điểm đích) của một ca sỹ…