Thứ Hai, 27 tháng 9, 2021

Ru đời nghệ sĩ...

 

Ru đời nghệ sĩ…

(Câu chuyện bạn bè…)

 


      Viết blog cũng chỉ là một cách phiêu du ý tưởng…

     Nghệ sĩ là ai? Tôi thích nhất đoạn lời ca (Em ơi! Hà Nội phố) của nhạc sĩ Phú Quang “Người nghệ sĩ lang thang hoài trên phố, bỗng thấy mình chẳng nhớ nổi một con đường”…

   Có lẽ, (cười) nghệ sĩ chỉ là “đứa trẻ” rất sành sõi mọi ngõ ngách, nhưng lại không để ý các nẻo đường vô tình dẫn họ tới đâu(?) Sâu sắc và hồn nhiên vốn là năng khiếu tự nhiên phiêu lãng của những người mãi mê đi tìm cảm xúc…

    Có nhiều người nghĩ Tâm hồn nghệ sĩ do nẩy mầm từ tính cách lãng mạn, nên đôi khi xa rời hiện thực. Nhưng, người ta cũng dễ có cảm tình với nghệ sĩ? Bởi, thấy ngoài đời thường có vẻ “bụi bặm”, không quyền lực và cũng chẳng ra vẻ gì trí thức…chỉ thấp thoáng lấp ló sự tự đắc tâm hồn(?)

    Nghệ sĩ, thường là tên gọi chung (*) cho những ai hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật (Kiến trúc & trang trí, điêu khắc, hội họa, âm nhạc, văn chương, sân khấu, điện ảnh)…Giá trị của nghệ thuật được xem là có ảnh hưởng trực tiếp đến tâm trạng, cảm xúc tâm hồn con người…

    Trước đây, người ta chỉ mặc định ca kịch cải lương (diễn ca) là nghệ sỹ. Ngày nay, người ta đã thừa nhận giới showbiz đều là những nghệ sỹ trình diễn! Vì, họ sáng tạo xây dựng cả một ê-kíp (equipe) hiện đại: Thiết kế sân khấu, kịch bản, trang phục, vũ đạo… biểu diễn nghệ thuật bao gồm cả thị giác, thính giác, không gian sắc màu. Sự kết hợp giữa giọt mồ hôi và trí tuệ cũng tăng thêm giá trị cảm xúc tác phẩm…

    Tuy nhiên, làm nghệ sỹ trình diễn hôm nay cũng không thoát được “kiếp cầm ca”…Họ vẫn bị ràng buộc bởi những người hâm mộ, định kiến xã hội và có thể cả đố kỵ tư tưởng văn hóa. Không chỉ bị dòng đời xô đẩy, mà còn lệ thuộc quan điểm “tài năng” bởi quyền lực show-biz thao túng…

    Đời thường, chẳng ai từng là nghệ sĩ muốn con cái họ tiếp nối nghiệp dĩ "đờn ca hát sướng”? Nghệ thuật vị nhân sinh chỉ khiến đời sống bấp bênh, rắc rối giữa biến cố cuộc đời không ngờ…và luôn bị yếu thế trước những điều thị phi ẩn kín nguồn cơn! Lối mòn năng khiếu thường dẫn đến định mệnh, người đam mê hạnh phúc cũng dễ chìm đắm trong đau khổ(?). Sau ánh đèn hoa lệ sân khấu với âm thanh mật ngọt…nếu trên lối về vắng vẻ cô đơn, tâm lý nghệ sĩ dễ bị tổn thương, cảm giác bội bạc.

   Nghệ sĩ sống vì (nhờ) khán giả, “người của công chúng” là mệnh đề thành bại nhiều cạm bẫy, “người nổi tiếng” thường rơi vào vòng lẩn quẩn trói buộc! Cảm xúc giao thời sôi nổi của tuổi trẻ có thể đưa thần tượng thành ngôi sao lấp lánh, thì cũng từ nông nổi đó khiến ngôi sao ấy vụng dại, mờ dần trong bóng tối lẽ loi.

  Nghệ thuật thì vô cùng, tài năng luôn có giới hạn…không thể cứu rỗi “tật xấu” hạn định khi người đời đã qui kết! Dẫu biết, sự thật của “lịch sử đám đông” thường đằng sau nó chỉ là nhóm người ít ỏi…

    Những nhà xã hội học, những thể chế chính trị tôn thờ quyền lực...luôn có định kiến bất an, rất không hài lòng với những hội chứng tôn thờ thần tượng theo hướng tiêu cực (?) Vì thế, những “ngôi sao rực rỡ” chỉ cần một đám mây đen nhỏ cũng đủ đưa vào thế cuộc lụi tàn…

   Người ta cũng sẽ nhận ra "vai trò" mượn danh nghệ sĩ? Vì, nghệ thuật có thể đánh thức tâm hồn người! Không ai phủ nhận người nghệ sĩ đã mang đến niềm vui, sức sống cho đời. Những lỗi lầm lớn của họ đôi khi có từ vài nhầm lẫn nhỏ vô tình của đám đông…

(*) Ở một số nơi (?)tiêu chuẩn được tách rời định danh: Nhạc công chơi đàn giỏi, sáng tạo người ta mới gọi là nhạc sĩ…họa sĩ thì phải có kỹ năng, năng lực sáng tác khác với thợ vẽ, hoặc nghề ca hát giải trí kiếm sống vẫn khác với danh hiệu ca sĩ…


 



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét