Thứ Năm, 5 tháng 2, 2015

Lương tâm và mùa xuân...



Lương tâm và mùa xuân…


   Tựa “lương tâm và mùa xuân” có thể xem như lời vu vơ đâu đó có chút thơ ca, nhạc điệu (cười)!?

    Ai cũng nhận thấy: Con người sinh ra trong xã hội vốn đã có khoảng cách giàu nghèo, xấu đẹp, quan quyền hay dân mọn! Chỉ có lương tâm của chúng ta là không bị lệ thuộc những điều đó(?)
  
   Nhưng, điều quan trọng là chúng ta có tin vào lương tâm hay không?

   Sở dĩ, ai đó còn hoang mang là vì họ nghĩ rằng: Chẳng ai thấy được lương tâm của nhau…ngoài chính lương tri khuất lấp của mình. Nếu, bạn tin có lương tâm hiện diện thì đó là điều may mắn! Còn không? Thì tôi cũng thử cố năn nỉ (khuyên) bạn nên tin (dù mơ hồ) còn hơn là bám víu vào cõi thần-thánh-ma-quỷ hoặc cố nhồi nhét một thứ "chủ nghĩa" nào đó ngỡ là đỉnh cao trí tuệ...Vì, cảm giác tâm linh niềm tin hay cuồng tín xã hội chắc cũng chỉ là phần linh hồn, hình thái thể hiện lương tâm con người mà thôi(?)

    Chúng ta đều có thể suy luận, tự vấn: Phần lớn niềm tin của con người thường được kẻ khác gieo trồng, vun xới cậy nhờ vụ lợi trên mảnh đất lương tâm của chính mình. Vì thế, dù chúng ta có theo chủ thuyết duy tâm, duy vật hay tôn giáo nào…thì cũng không thoát khỏi lương tâm của con người! Trừ khi bạn ngộ nhận lương tâm là cách sống phải cố lựa chọn một lý tưởng (tư tưởng hay quan niệm)sách vở nào đó theo số phận để khỏi có cảm giác cô đơn, cô độc

   Vậy Lương tâm là gì? Trong một câu chuyện có nội dung như sau: Một hôm, Giêsu (còn gọi là chúa Giêsu kitô) gặp một người phụ nữ mắc tội ngoại tình. Theo luật (Môsê) là phải bị ném đá cho đến chết! Nhưng, sau khi được hỏi ý kiến, chúa Giêsu nói với họ: "Ai trong các ngươi sạch tội, hãy ném đá chị này trước đi". Nghe nói thế, họ rút lui từng người một…bắt đầu là những người nhiều tuổi nhất! Khi chỉ còn lại một mình, Giêsu bảo: "Ta cũng thế, Ta không kết tội chị. Vậy chị hãy đi, và từ nay đừng phạm tội nữa".

    Đó phải chăng…là câu chuyện ngụ ngôn khai trí, ý thức về lương tâm trên bình diện nhân sinh của một nhà hiền triết! Giả sử, nếu như đám đông đó vẫn bị kích động, hoặc mù quáng với luật lệ ném đá giết người? Thì, câu chuyện trên sẽ còn mãi là điều hoài nghi về lương tri con người… Nên, khi nói đến hiện thực xã hội và nhân cách? Người ta hay dùng đến hai chữ lương tâm hơn là áp đặt trường phái, chủ nghĩa nào đó về quan điểm đạo đức!
  
    Phải chăng? Người ta cần hiểu biết, tham khảo về lương tâm của con người hơn là đi biện hộ cho những truyền thống, tục lệ mơ hồ nào đó! Vả lại, tập quán thường là thói quen  bị hoàn cảnh chi phối, hoặc do con người (nhóm, cá nhân) áp đặt có tính chất phong trào, cưỡng chế…nên không tránh được hành động văn hoá cực đoan, thuộc loại định chế có mục đích cai quản, giáo dục trị …

      Lương tâm là kết quả tự nhiên thuộc về cảm giác lương tri con người…và trong đó sẽ có tri giác để tạo ra ý thức luận! Có một bậc tri túc, trí giả “Thiên thượng, thiên hạ duy ngã độc tôn” như Sĩ Đạt Đa (đức Phật Thích Ca) mà cũng phải thú nhận (khuyên)rằng: “Ta chỉ mặt trăng…hãy nhìn vào mặt trăng, đừng nhìn vào tay ta” và ai muốn giác ngộ giải thoát thì “Hãy tự thắp đuốc lên mà đi”. Phải chăng cũng có nghĩa là: Trí thức (hay nhận thức) của một người là do người đó có lĩnh hội được hay không? Chứ không phải đơn giản là cưỡng ép năng lực, hay học làu vấn đáp…

   Hai câu chuyện trên chứng tỏ  (về mặt lương tâm) không ai đủ quyền năng để dạy người khác theo ý muốn của mình! Và luật lệ xã hội chỉ là phương pháp giữ trật tự chứ không phải đố kỵ, kỳ thị xem người mắc lỗi là kẻ thù để tiêu diệt. Khoa học thần kinh (tâm thần) cũng đã xác định nhân cách lệch lạc của con người…thường do nguyên nhân sống trong một môi trường nhiễu nhương vô nguyên tắc, bạo lực độc đoán, với quyền hành giáo dục sử dụng tư tưởng “dạy người”(kể cả hành động và lời nói), chính là sự ngộ nhận quyền lực đẻ non lương tâm thiếu hụt…

   Có lẽ, nên có tư duy xã hội: Dạy nghề là truyền đạt kỹ năng, dạy học là hướng dẫn phương pháp, dạy con là cách học yêu thương!? Ở nơi nào cũng cần có lương tâm hiện diện! Thật là sai lầm về luân lý tình yêu, gia đình…khi ai đó nghĩ rằng mình có thể lợi dụng, lấn lướt. Tự phong chức “thầy”để dạy con, dạy vợ, dạy thiên hạ…theo quan niệm gia trưởng, lợi quyền cá nhân, nhân danh xã hội? Thì chắc ở nơi đó vẫn đang chờ lương tâm hoà bình mới hy vọng có “giáo án” về hạnh phúc!?

   Nếu nghĩ lương tâm là vật chất nguồn sống để khai hoá tâm hồn! Thì điều đó trở nên đơn giản hơn: Ta có thể chịu khó tha thứ một chút…khi đem ra tắm gội trong sạch lại như thuở ban đầu. Và mùa xuân luôn trở lại…

4 nhận xét:

  1. Lương tâm là kính chiếu yêu ...Một số kẻ làm gì có lương tâm . Bây giờ ý mà...

    Trả lờiXóa
  2. Lương tâm là giọng nói bên trong cảnh báo chúng ta rằng có thể có ai đó đang nhìn đấy.
    ( hhi Danh nhân nói rứa đó )

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Vậy là "lương tâm" này...đang len lén làm gì ta?(hic)

      Xóa