Thứ Ba, 25 tháng 12, 2018

Cuộc tình trần thế...


Cuộc tình trần thế…

  “Tôi là người ngoại đạo, trưởng thành trong triết lý phật học. Nhưng, mang nặng kiếp thơ ca (cười) nên tâm hồn cũng yêu thương luôn những tà áo trắng thanh cao, trong ngần thơ mộng mỗi buổi chúa nhật sương lạnh, chiều về tan lễ...
    Người ta sanh ra đời vốn đã mang nợ! Nợ ơn nghĩa sinh thành, non sông đất nước, nợ lòng người tình đời, nợ tiền nợ bạc, nợ cả đam mê? Ta đều có thể trả cách nầy hay cách khác! Chỉ có nợ ân tình cũ, nợ điều xưa quyến luyến làm sao trả nổi…”


Đêm thánh nhớ…

Đêm giá buốt chân rơi buồn nghiêng phố
Đỉnh dốc tình dài lạnh bước chơi vơi
Trái tim đau lăn trả lại cho người
Xoa kí  ức chia ly tìm hội ngộ…
  
Xưa hun hút ôm bài ca thánh nhớ   
Nhạc vang lừng níu tà áo em bay
Bờ môi cong chạm nhẹ má thơm say
Run ánh mắt vờ trông vì sao lạc…

Trời sâu thẳm rong tuổi đời ngơ ngác
Ngờ đâu rằng Thiên Chúa mấy nghìn năm
Thả thiên thần xuống trần thế xa xăm
Cho vay nợ nụ hôn tình quyến luyến!

Ta vụng dại! Người cho em thánh thiện
Lấp lối về yêu dấu suốt trăm năm
Gói nỗi đau gánh nuối tiếc âm thầm
Mang kỷ niệm đeo ai hoài tan vỡ…

 Này em hỡi! thiên đàng nào bỡ ngỡ
Có đường chiều giận dỗi gió mùa đông
 Để một thời áo lụa trắng mênh mông
Tung cơn gió khoe phong trần vô tội…

Ta ngoại đạo con tim buồn thống hối
Mộng thinh không chuông vang mãi dư âm
Chỉ một lần lỡ dại lén âm thầm
Chỉ lần một ru đời đời nỗi nhớ…

Này em hỡi! Con đường tình đau khổ
Vẫn còn đây ngõ dốc hẹn đón đưa
Vẫn nằm đây lặng lẽ nhặt sao thưa
Vẫn ở đấy! đêm mùa đông thánh nhớ...

                                                @thenhan
Mùa đông trần thế…

Mùa đông đến chưa em?
Sao nghe băng giá lênh đênh địa đàng
Mùa đông phố mê man
Con tim trần thế thiên đàng lối xưa
Bên kia đồi hoa nắng
Lối dốc đời trống vắng, mùa trôi…

Chiều nao biết quen nhau
Bâng khuâng áo trắng thương sâu mộng đời
Giờ đây đã chia phôi
Đêm mùa sao sáng nguyện lời thánh ca
Con đường tình đã mất
Lối dốc đời khuất lấp, tình tan…

Mùa đông…
Yêu dấu nào xa xôi
Má hồng hờn đôi môi
Ngoan hiền mắt ướt sao trời
Tìm nhau…
Chẳng biết tìm nơi đâu
Lỗi lầm chuyện mai sau
Yêu Người hát khúc kinh cầu

Mùa đông đến hư hao
Sương rơi rét buốt xanh xao muộn phiền
Mùa đông gió cô miên
Lang thang hè phố bên miền dấu yêu
Qua dòng người bối rối
Nghiêng dốc đời thống hối, tình tôi …

                              Thế Nhân



Thứ Hai, 19 tháng 11, 2018

Người trí thức?


Người trí thức?


   Thông thường, người ta vẫn xem người có bằng cấp (từ đại học trở lên) là nhóm người trí thức(!) Có thể,  quy ước thuộc danh từ (chỉ định) cho những ai có học vị xã hội…

  Thực ra, Trí-thức vốn là một tính từ ghép…được mô tả là người có học vấn và kiến thức sâu xa về một, hoặc nhiều lĩnh vực so với mặt bằng hiểu biết của xã hội. Chính vì vậy, trí thức không chỉ đơn thuần ở trong quan niệm trình độ văn hóa, lĩnh vực chuyên môn hay đẳng cấp nghề nghiệp danh xưng, mà còn mở rộng khái niệm chung cho những người có năng lực đủ nhân cách đại diện cho xã hội nữa…

  Hiểu theo nghĩa sâu xa giác ngộ! Người trí thức phải có tư duy phản biện, khoa học xã hội. Họ sẽ không hề thiên kiến, cảm tính đứng nghiêng về phía đảng phái chính trị, tôn giáo, chủng tộc, giòng họ…hay bất kỳ một chủ thuyết phân biệt nào? Bởi, đó là nguyên lý sở học xã hội  tự nhiên (kiến thức) với tư cách học vấn nhân bản (lương tâm).

  Có ai đó nhận định rằng: Trí thức là người không giàu, cũng không nghèo (?) Vì, lý tưởng hay “chí lớn” của một cá nhân chỉ là thứ triết lý thời cuộc hữu hạn, phát xuất từ tư tưởng ích kỷ thắng thua so với ý thức cao thượng, bao dung cộng đồng nhân sinh…

  Là một trí thức chưa hẳn họ có tài năng, có hạnh phúc riêng tư! Nhưng, trên tinh thần tự trọng, hệ quả giá trị ý thức …về mặt quản lý, điều hành xã hội thì lịch sử luôn chứng minh: Muốn xây dựng nên xã hội công bằng văn minh, phát triển khoa học thì chỉ có giới trí thức mới làm được …

  Giới trí thức hay nhân tố ý thức? Không tạo môi trường cho những “con mọt sách” khoe khoang học giỏi mà phải hiện thực tài năng vào đời, cống hiến tương lai (hành động trí thức). Nhân loại đã chứng kiến khá nhiều người không có bằng cấp (tự học) vẫn trở thành những nhà bác học lỗi lạc trong nhiều lĩnh vực phát triển xã hội, nhân sinh. Điều đó, đủ lý luận để chứng minh cần có một nền tảng giáo dục tự do học thuật mới khai phóng được trí thức…

  Trong ngôn ngữ trí thức? Người ta không vọng ngữ rao giảng đạo đức, quyền lực, tiền bạc…chỉ có hiện thực lương tâm và nhân sinh quan hạnh phúc!?
  Xã hội chúng ta hiện có, còn thực sự bao nhiêu người trí thức?

Thứ Năm, 4 tháng 10, 2018

Ngôn tình Sài Gòn...


Ngôn tình Sài Gòn
  
   “Một ký ức vốn đã xa xưa. Lần đầu tiên gặp gỡ “hòn ngọc viễn đông” tôi có nhiều cảm xúc lạ lẫm? Không phải vì ngơ ngác trước dung nhan đô thành yêu kiều tráng lệ, hay bị mê hoặc bởi ngôn từ dễ thương, ngữ âm gợi cảm của cô gái Sài Gòn quyến rũ…

   Khách tha hương thường rất cảm kích tính tình hào phóng với nụ cười bặt thiệp! Sài Gòn không kỳ thị sự khác biệt của ai đó? không hề khoa trương đẳng cấp, không chọn lựa bon chen thể hiện tính năng động. Dường như, mọi lời nói nhu mì, cư xử bao dung đều thuộc về giá trị triết lý tử tế…
  
   Nhưng, dòng đời luôn bận rộn, xô đẩy! Mãi đến 25 năm sau (2000) tôi mới có dịp trở về nơi chốn một thời xin hò hẹn. Thành phố đã đổi tên từ dạo lịch sử sang ngang…Nhưng, tôi vẫn mừng vui vì bóng dáng cuộc tình Sài Gòn vẫn còn đâu đó, dù nhịp điệu “Sài Gòn đẹp lắm” (Y Vân) đã có chút gì buông lơi hờ hững...

   Đến 2006, rồi tiếp những năm sau đó tôi vẫn lẩn quẩn tìm lại giấc mơ xưa. Nhưng, thời cuộc đổi thay hay đời người thay đổi? Sài gòn đã dần xa lạ…Phố phường chật chội khuất lấp sau những khối nhà cao ốc vây kín. “Con đường tình ta đi”(Phạm Duy) giờ đã tạ từ nhường bước thong dong cho dòng người chen vai hối hả. Từng khoảng cách được tính bằng thời gian chờ đợi,  xa nhau chút chậm trễ hẹn hò…

   Thôi cũng đành...bên hiên đời dĩ vãng giờ cũng đã ngập chìm dưới những cơn mưa chiều nặng hạt!”
 

Sài Gòn phố mưa
Mưa Sài gòn
Mưa ngày cao ốc cô đơn
Mưa Sài Gòn
Mưa về phố vắng đêm buồn
Mưa chiều nào
Tình cờ góc phố mưa mau
Xin hẹn hò, trao đợi chờ
Mưa đời ướt áo tìm nhau

Mưa Sài Gòn
Mưa về cõng nắng chơi vơi
Mưa vội vàng
Hôn đùa má thắm không lời
Mưa lòng người
Vào đời sông nước long đong
Chân ngập ngừng,  tay ngại ngùng
Qua cầu tóc rối mây trời

Con đường trần đèn vàng soi bóng
Ánh điện màu hoa lệ phố loang
Khúc nhạc tình một thời mê mãi
Bên dòng người hấp hối thời gian

Mưa Sài gòn
Ai về ngập lối mê man
Mưa lạnh lùng
Hàng me rũ lá dỗi hờn  
Mưa chạnh lòng
Mịt mờ ghế đá công viên
Xa hẹn hò, quên đợi chờ
Phố đời mưa nắng cũng đành…

                                  THẾ NHÂN



Thứ Năm, 27 tháng 9, 2018

Ngôn ngữ cái chết?



Ngôn ngữ cái chết?
 (Chuyện phù du...)

  Không có cái gì bất tử! Tất cả chúng ta rồi ai cũng sẽ đi vào cõi chết, bằng cánh cửa rủi ro chật hẹp, hay ngẫu nhiên thênh thang? Xét theo chủ thuyết “cõi tạm” sẽ có cuộc đời tiếc thương ngắn ngủi hoặc chỉ là thở dài lê thê…

   Nhưng, ngạc nhiên là từ “chết”…lại có ý nghĩa mô tả hơn một ngàn lẽ một (1001) cụm từ ẩn dụ, ngữ điệu khác nhau!

   Hãy thử thu dọn mọi điều nhân gian  diễn tả cảm tính sau cái chết:
    - Từ trần, tạ thế, băng hà…là vì tôn trọng. Còn trong tín ngưỡng, tôn giáo họ gần như đã mặc định có phủ dụ nơi chốn : Về nước Chúa, về miền cực lạc, hóa kiếp, mãn phần
   - Với thân phận con người? Thiên hạ có chút phiếm luận ngữ nghĩa: Lìa đời, tuyệt mạng, tới số hoặc “đi gặp ai đó…” (đi gặp ông bà tổ tiên, hoặc…cụ Các Mác- Lê Nin?)
   - Cũng có nhiều người thấy cuộc sống là cuộc chơi phù phiếm nên có chút phóng khoáng hài hước, mai mỉa cuộc đời: Toi mạng, tiêu đời, ngủm củ tỏi, lên bàn thờ “ngắm gà khỏa thân”…(hic)
   Nhưng, đối với y học lâm sàng thì đều bị quy về khoa ngữ “ tử vong học” (cười)!
  
   Có còn gì sau cõi chết? Các nhà tôn giáo thường rao giảng nhiều nơi chốn để đến và đi. Mấy nhà chính trị thường hành khúc mượn hình tạo bóng (?) Nhân gian thì lại có nhiều quan niệm vị kỷ về sự tồn tại, trú ngụ của tâm linh(!)

   Riêng, những người rong chơi văn chương thi ca nghệ thuật…hình như nhuốm tình lãng mạn triết lý khói sương, trừu tượng tìm nghĩa yêu thương làm hành trang về cõi vĩnh hằng.  “Một cõi đi về” của Trịnh Công Sơn cũng thấy “đi loanh quanh cho đời mỏi mệt” rồi thôi, tạ từ “con tim nhân gian chưa từng độ lượng”! Phạm Duy thì diễn tả “Nghìn trùng xa cách” như lao xao tiễn biệt thực tại, vĩnh biệt để chỉ “mời người lên xe về miền quá khứ”...

   Tôi chỉ là người đời (Thế Nhân) mộng mị, cũng hơi nhiều tội lỗi dụ dỗ, níu kéo yêu đương (le lưỡi) nên chẳng dám mơ danh nghĩa, lận đận chen chân đến thiên đàng hay niết bàn xa xôi. Chỉ thích âm thầm lặng lẽ, rón rén sang ngang hẹn hò “chốn thiên thu” về nơi cuối trời nhìn mây bay…khỏi mất công đưa tiễn kiếp phù du, tốn kém cõi người phù phiếm…

Chốn thiên thu…
Ngày thôi thả nắng
Gió buông về ngàn
Bàn chân ai đó
Phai dấu địa đàng
Có con đường không lối
Dắt nhau về khuất tháng ngày trôi
Có con thuyền không đáy
Đón đưa người xa bến buồn vui
Qua đời hiện thực
Đến miền hư vô...

Tình như đã khép
Nhớ nhung đợi chờ
Đợi về nơi chốn
Gối nhau hẹn hò
Có đêm dài yên ắng
Với trăng thề soi bóng mùa phai
Có khung trời sương khói
Cỏ lá về sỏi đá tìm vui
Bên bờ mộng mị
Bến đời thiên thu…
              Thế Nhân





Thứ Tư, 12 tháng 9, 2018

Ngôn ngữ học...là gì?


Ngôn ngữ học…là gì?
(Câu chuyện chữ nghĩa…)



  Có người hỏi tôi về khoa ngôn ngữ học? Và, Tôi hiểu bạn muốn biết môn học đó có từ bao giờ, nội dung cơ bản là gì?

   Tôi cũng lần mò lại tài liệu thấy ghi: Những hoạt động miêu tả ngôn ngữ sớm nhất biết tới, được cho là của Panini thế kỷ IV trước Công nguyên (khoảng 2500 ở Ấn độ), với những phân tích về tiếng Phạn (Sanskrit) trong cuốn Ashtadhyayi…

   Nội dung mục đích: Các nhà ngôn ngữ chuyên nghiên cứu âm ngữ (cách phát âm con người), suy luận phân tích âm vị (giao động âm thanh), tìm ra một vài định luật cơ bản nguyên âm, phụ âm để sáng tạo thay đổi, lắp ghép rút gọn mã hóa, quy ước biểu diễn ngữ học (các ký tự chữ viết). Trong đó, cũng bao gồm trình tự hệ thống cơ bản: Ngữ âm, âm vị, hình thái, cú pháp, ngữ nghĩa (giống như các quy luật cơ bản về âm nhạc, hội họa, thơ ca sau này)!

  Nhờ sự tiện lợi quy luật cơ bản âm ngữ nên hầu như tất cả tiếng nói con người trên trái đất cũng có thể sử dụng kí tự latin làm chữ viết! Và, tùy theo âm ngữ của họ mà sáng tạo thêm hình thái thêm bớt, hoặc điền dấu để phân biệt âm vị (không đồng âm, đồng nghĩa), những phụ âm kép (đôi) thường có ý biểu diễn khép lại hoặc tống âm ra…

    Nhưng, cũng như mọi tính chất “sách vở”! Về mặt lý thuyết nên thường sử dụng đến thuật ngữ, liên quan đến chuyên môn lý luận, nên thường có vẻ rắc rối hơn là thực dụng trong đời sống tự nhiên? Đó là chưa nói vài soạn giả (biên soạn lại) có quán tính thói quen ngôn ngữ bản địa…nên cũng phô trương những minh chứng bản sắc học thuật cá nhân, kiểu cách phô diễn đề cao lề lối văn chương cho hiện đại(?)

   Bạn có thể đọc, nhưng không cần phải học nó (Cũng như thưởng thức âm nhạc, thơ ca thì đâu cần hiểu luật định) Vì, chỉ cần ra đời một tuổi…tình yêu sẽ khiến bạn tập nói tiếng mẹ đẻ, đến 5 tuổi bạn có thể phiêu lưu tập viết, mày mò ráp chữ được rồi! Một phần nào đó tư duy đã tự hình thành “ngôn ngữ học” (ngữ âm, âm vị, hình thái) cho mình? Trừ khi bạn muốn làm nhà văn, nhà thơ (nghệ thuật) thì phải tự học hỏi năng khiếu, sáng tạo thêm cú pháp, ngữ nghĩa. Còn muốn phát âm đúng và hay ho…chắc phải học làm ca sĩ hoặc thử tập tành khóa thanh nhạc nào đó xem sao? (cười)…

   Tiếng nói của mỗi dân tộc (quốc gia) khi đã định hình cùng với chữ viết, thì trước đó họ đã có tư duy Ngôn ngữ học rồi! Lịch sử Việt Nam chúng ta trước đây thường dùng tạm chữ Nho (Hán). Nhưng sau này, cũng đã định hình được chữ viết với âm ngữ riêng: Chữ Nôm mô phỏng theo kiểu tượng hình (Hán ngữ) chính thức sử dụng qua triều đại nhà Hồ và Tây Sơn. Đến năm 1910 (thời Duy Tân) thì đã chính thức phổ thông dùng chữ Quốc Ngữ sử dụng theo bảng chữ cái Latin (luật âm ngữ)…

   Mặc dù, chữ phổ thông trãi đã qua hơn 100 năm không hề thay đổi chính tả. Và, đã hình thành tra cứu tự điển, công cụ chữ viết tiếng Việt nhiều nơi trên thế giới. Ngay cả các văn bản pháp luật, hành chính cũng sử dụng chữ quốc ngữ. Nhưng, trong hiến pháp nhà nước (CHXHCNVN) cho đến nay vẫn chưa thấy công nhận chữ quốc ngữ (Latin) dù đã thừa nhận tiếng Việt là quốc ngữ (?).

   Vì vậy, bạn đừng hỏi tôi về ngôn ngữ học tiếng Việt khi mà sở học chữ viết chưa chính thức thừa nhận hợp pháp? Những cải cách âm ngữ hay bộ giáo khoa thực nghiệm bập bẹ “Tiếng Việt” nào đó…chắc, chẳng liên quan gì đến kết cấu chữ nghĩa trong nền giáo dục hiện tại? Và, vì là khoảng trống học vấn vô chủ, nên thường có những trò đùa (đời) số phận...
  

Thứ Ba, 28 tháng 8, 2018

Ký tự và ngữ âm học?


Ký tựngữ âm học
(luận bàn…)

  

  “Chương trình sách Tiếng Việt công nghệ giáo dục” (Gs Hồ Ngọc Đại)…được ai đó suy ra là cách đánh vần theo ngữ âm học?

   Đôi khi người ta cũng “trào lộng” sáng tạo phô trương thuật ngữ khoa học làm xóa mờ các nếp nhăn não bộ? Ngữ âm học (âm thanh tiếng nói) dù có liên quan đến vật lý (cơ năng lưỡi, vòm họng) thì cũng chẳng có liên quan gì đến ý nghĩa phương pháp đánh (ráp) vần? Ngữ âm học chỉ là một chi nhánh nhỏ trong ngôn ngữ học, qua nghiên cứu sự phát thanh âm tiếng nói con người để tạo qui ước bằng các dãy mẫu tự cơ bản…

   Thực ra, tập đánh vần mới vào học chữ là phương pháp luyện tập trẻ thơ cách vận động (đọc) sự đa dạng khi kết hợp nhiều âm tiết! Vì, cuối cùng giá trị thực lại kết thúc chỉ một từ (âm) có nghĩa. Thực tế nó không quan trọng đến mức tranh luận, bàn cãi cách ráp vần nào là đúng nếu đơn giản hơn bằng sự thỏa thuận phương pháp(?) Với khoa giáo điều quan trọng là giáo trình đó (quy ước) có cần luận chứng sự hợp lý khi phân biệt ngữ âm với các mẫu tự (đơn, kép) hay không…

   Mục đích cách ghép các chữ cái mẫu tự (nguyên âm, phụ âm) là nhằm tạo ra một mặc định văn bản thay cho lời nói. Hay nói một cách khác là sử dụng kỹ thuật âm vị thay đổi vị trí một vài tập hợp ký tự khác nhau để diễn đạt ý nghĩa cho nhu cầu đa dạng ngôn ngữ. Và, thường là những qui ước hợp lý không trùng lặp (một định nghĩa phát âm không giống nhau)

   Cách phát âm tiếng Việt chúng ta do hiện trạng quá trình di chuyển lịch sử địa lý nên đa phương ngữ, nhiều chất (âm) giọng. Thực tế, chỉ có chút khác biệt theo khẩu âm thói quen vùng miền, địa phương (như các phụ âm: ch-tr; nh-d-gi; n-l; d-v; r-g…hoặc các nguyên âm: ơ-ây; au-âu; i-ê; u-a…). Chính sự lệch lạc vị âm, nghe không phải bao giờ cũng đồng âm và giống nhau, nên mới có quy định rạch ròi luật lệ chính tả (luật định phát âm đúng)…

   Điều ngạc nhiên là: Quan niệm bảo thủ “âm vị” ngữ học của vài người cố chấp bị thói quen phát âm ở nơi sinh trưởng? Và, có thể từ đó họ ngộ nhận (hoặc cố chấp) đánh đồng âm tiết dù có sự phân biệt khác nhau của các ký tự chữ viết…vô tình (hoặc cố ý) xóa mù giá trị thực tế đã trãi qua hành trình dài mặc định về ngữ âm học tiếng Việt, vốn thành qui ước thống nhất văn bản một hệ chính tả…

   Vì thế! Nếu chỉ mượn thuật ngữ “âm học” hạn chế (vùng miền, địa phương) làm cơ sở “âm luật” để đánh vần (c,k,qu hoặc ch-tr, z-gi-d) cũng giống nhau…là đã thiếu kỹ năng, kiến thức căn bản về hệ thống nhất ngữ âm học (phát âm) tiếng Việt (!) Những “sở đoản” hạn hẹp cá nhân sao lại có thể liều lĩnh, tùy tiện đưa vào môi trường đại chúng giáo dục phổ thông?

  Tại sao các học giả trước đây khi cấu tạo chữ quốc ngữ (latinh) không lựa chọn thêm những mẫu tự W, Z, J, F..thay thế qu, d, gi, ph? Hãy tin rằng điều đó có thể được xét kỹ về cấu trúc thuận lợi tạo hình chữ viết và cảm xúc chuẩn mực âm ngữ là quá thừa thải không cần thiết. Hoặc, những chữ đó còn để dành thay thế các dấu: sắc huyền, hỏi, ngã, nặng, ư, ơ (nghĩa là đã sử dụng hết mẫu tự latinh) trong công tác chuyển tín hiệu Morse thư điện tín chữ Việt (tương tự như kiểu gõ telex trên máy tính).

  Chúng ta hãy thử sử dụng phương pháp luận với câu hỏi: Cách phát âm có liên quan đến tượng hình chữ nghĩa hay không? Hay chữ nghĩa chỉ là quy ước về âm thanh, một tập hợp mượn ký tự đặt tên để phân biệt vài ngữ âm riêng của một dân tộc? Thật khó mà chứng minh hai thể loại ngôn ngữ âm nhạchội hoạ là giống nhau, dẫu cho chúng có cùng một ý đồ diễn đạt nghệ thuật…Thật khó để thành “ca sĩ” khi phát âm thiếu chuẩn xác cả về ngữ học lẫn thang âm (cười)!

   Những gì con người tự quy ước, tự đặt ra thì họ có thể thay đổi. Tuy vậy, nếu vẫn không thay đổi nỗi giá trị sự thật…thì chỉ là màu sắc khoa trương xả rác hoa hòe, chất đầy những vướng bận, tốn kém!?

Thứ Năm, 28 tháng 6, 2018

"Học thuyết" bóng đá...


“Học thuyết” bóng đá
(Trò chơi triết lý…)




  Giới chuyên môn, báo chí thể thao hay bàn luận đến học thuyết bóng đá Mourinho và El Cholo
  
  Vì huấn luyện viên Jose Mourinho đã tự hào rằng: “Tôi có một quyển bí kíp cho phép mình thích nghi với mọi đối thủ, và bất kỳ đội bóng nào tôi cũng có thể đem lại thành công với những con người sẵn có”…Còn huấn luyện viên Diego Simeone (biệt hiệu El Cholo) thì thích cải tạo mọi thứ thành tư tưởng, triết lý bóng đá như một hệ thống nhất (gia đình, đồng chí…)

   Hình như những gì liên quan đến cuộc đời (con người, xã hội) đều có những học thuyết! Mặc dù, ai cũng hiểu học thuyết chỉ là ý tưởng riêng được soạn thảo dựa vào lý luận (nguyên tắc). Nhưng, có thể  bi ai khi lý thuyết suông trở thành chủ thuyết rồi tạo ra mệnh đề chủ nghĩa (nhiễm lòng tin, sự cực đoan) bất chấp dữ kiện…

   “Học thuyết bóng đá” cùng lắm là phương pháp luyện tập kỹ năng, kỹ thuật đấu pháp hay tâm lý chiến thuật trong thi đấu(!) Và, đã đến 21 mùa World cup người ta cũng sẽ chẳng chứng minh được gì ngoài những bóng dáng tài năng thể thao cá nhân khi mờ khi tỏ. Thực tế, là người ta chỉ thấy vài đội bóng quốc gia thay nhau làm “vô địch”: Brazil, Argentina, Ý, Anh, Pháp, Đức, Tây Ban Nha…và có một vài điều đáng quan tâm về học thuật kỹ năng con người, chính trị xã hội hay nhân chủng học qua biểu hiện phong cách, cá tính trong văn hóa thi đấu…

  Thật khó mà gọi đó là định luật bởi có thêm những hệ số tâm lý, hên xui khi muốn áp đặt nó thành một đề tài khoa học. Ngay cả các “bình luận viên”muốn phô diễn kiến thức cũng chủ yếu là hoạt ngôn đấu pháp phòng thủ hay tấn công. Và, “tinh thần thi đấu” hay “màu cờ sắc áo” cũng chẳng thay đổi được giá trị gì khác, ngoài kết quả thắng hay thua…

   Học thuyết bóng đá cũng không thể bỏ qua năng lực cầu thủ, phụ thuộc luật thi đấu và cả cơ hội “tranh cãi” bởi trọng tài, trong một trò chơi thể thao không ít va chạm biến thành bạo lực, trí trá…Thực ra, cái triết lý mà con người hay ngộ nhận là ở chỗ giành dựt quyền lợi và giả định số đông người(?)

   Lịch sử của mọi học thuyết đã chứng minh đành phải đi qua thời gian để thụt lùi về quá khứ, đối với hiện thực hầu như hoàn toàn bị phá sản. Đương nhiên, muốn kế thừa thì đành lẫn quẩn tìm cách thay đổi (cải biên) và cố tìm ra một học thuyết loanh quanh mới (?) Các giáo chủ, thiên tài hay người vĩ đại luôn khiến cho thiên hạ (tín đồ) chạy hụt hơi để chỉ đến được bến bờ trừu tượng, khu vực phe phái, đặc khu đố kị…

   Thường, ai cũng có thể chứng minh, hùng biện về các học thuyết: Kinh tế, chính trị, tôn giáo, khoa học…Chỉ có học thuyết về tình yêu (sự tồn vong) là chẳng ai đủ thông minh liều lĩnh (kiên định) biên soạn, hay hí hửng tự tin để mà học (cười)?


Thứ Bảy, 9 tháng 6, 2018

Giá...


Giá…



  Nếu theo tự điển tiếng Việt của chúng ta, thì từ “giá” được dùng rất nhiều:
   - Danh từ: Gía chợ đen, giá cả, giá thành (thường bằng tiền); giá sách, giá gương, thánh giá (đồ vật); giá rét (trạng thái); giá (mầm đậu xanh)…
   - Liên từ: Giá như, giá mà
   - Tính từ: buốt giá (lạnh cóng)…
   Còn một số từ cũng liên quan đến “giá” như: Hộ giá (bảo vệ vua), bằng mọi giá (về một việc làm nào đó), giá áo túi cơm (tục ngữ).

   Nhưng, ở đây chúng ta mày mò (cười) thử liên kết một vài định ngữ  tạm gọi là trạng từ hoặc động từ ý niệm về giá bán buôn sản phẩm:
   Thực tế trong trao đổi mua bán người ta có vài thuật ngữ có tính qui ước:
   - Nếu có niêm yết bảng giá thì bạn hiểu đã là giá thành qui định, thì không trả giá…
   - Nếu người bán nói ra giá? Bạn có thể trả (giảm) giá khi mua…
   - Khi bạn đang ở trong một phiên đấu giá, người ta đưa giá ban đầu, nghĩa là sau đó phải trả giá cao hơn…

   Ngày nay, người ta thường nghe mòn tai ai đó đang rao giảng học thuyết kỹ năng mềm…một loại “nghệ thuật mua bán” marketing “chiến lược kinh doanh”(?). Dù có nâng tầm trí thức "đắc nhân tâm" thì yếu tố cơ bản vẫn là giá khuyến mãi…

   Nó là phương pháp treo giá, vì mức giá khuyến mãi giới hạn hoặc có thể thay đổi không giới hạn (tùy sản phẩm và thời gian). Thực ra, chỉ là thủ thuật chính trị trong kinh tế nhằm để quan sát, điều chỉnh tâm lý người tiêu dùng đi đến chỗ dễ dàng thỏa thuận…cùng lắm thay đổi chút ít định mức lợi nhuận, nhưng bù lỗ được thời gian, kích thích tiêu dùng, tăng số lượng mua bán (doanh thu)…

   Người tiêu dùng rất khó để kiểm chứng hư thực giá “khuyến mãi”. Thường, được đưa ra với những con số lẻ 99% hoặc 99 và 999…như đã giới hạn giá cuối cùng. Nhưng, thực ra chỉ nằm ở đơn vị tính cỏn con, tỉ lệ be bé kia sẽ chẳng có nghĩa gì so với hàng chục, hàng trăm nghìn…Điều ngộ nhận của nghệ thuật những con số lừa tâm lý hay ho đó khiến người ta dễ cảm thấy tự mãn, hoặc ngỡ như mua được giá hời, rẻ…

   Riêng, những món hàng có tài sản cố định, định mức giá trị cao, khó bán…Người ta sẽ định hướng (lừa) cho thiên hạ quan tâm, tranh cãi về thời gian sử dụng, bảo hành hay phương pháp thanh toán tiện lợi…khiến người ta mãi lo bàn bạc hiệu số thời gian, lựa chọn thanh toán…mà không để ý sự cộng dồn giá cả, lơ là kiểm tra giá trị thực dụng, hệ quả được mất?
  Thực ra, các điều kiện thông số co dãn tâm lý trên đã được họ tính toán. Miễn là khi bước vào thương lượng (thời gian) thì đã đạt thỏa thuận (giá cả) tiến hành mua bán được món hàng đó rồi…một sự ép giá được ví von trên đầu môi tô son nhã nhặn “thuận mua vừa bán”…

   Ở đời, những ai muốn làm giàu thường nghe câu “vi thương bất phú”. Vậy, bạn thích làm người mua hay người bán (cười)? Nhưng, dù là ai…người thông minh chỉ nên mua những gì cần thiết và đừng bán cái gì mà chúng ta không thể mua…

Thứ Ba, 5 tháng 6, 2018

Dòng máu tiên rồng


Dòng máu tiên rồng




  Lời trần tình…

  Nguồn gốc của người dân việt có một nền sử thi thật hào hùng! Sự hào hùng vì được nuôi dưỡng từ dòng máu quật cường…
   Có thể, chúng ta là đất nước nhược tiểu (nhỏ bé) nằm kề bên gã khổng lồ mang ý đồ vĩ đại luôn chất đầy tham vọng. Sự nhân nhượng (bạc nhược) hay khôn ngoan (mưu cầu lợi lộc) khó mà chống chọi được thói bạo tàn, nên chỉ có cách là hun đúc ý chí quật cường của một dân tộc, mới chính là chân lý của sự tồn tại…
  Con người có thể nô lệ bởi bạo quyền và tiền bạc. Nhưng, lịch sử đã chứng minh bạo quyền không  tồn tại lâu dài, thắng nổi ý chí số đông người. Và, chẳng ai mê muội nghĩ rằng sự giàu có sẽ bảo vệ được tự do, mua được hạnh phúc bền lâu…
   Thắng hay thua? Thực tế, điều đó không quan trọng bằng sự nguyên vẹn tư tưởng “tồn tại hay không tồn tại”(!) Vì vậy, giá trị của ý chí quật cường là vốn liếng đầu tiên và cuối cùng cho một dân tộc dám đi qua mọi thử thách sinh tồn, bất khuất với gian nan… 

Tự ngàn xưa…
Vào đời dòng máu Rồng Tiên
Nghìn năm  sau
Nuôi hoài ý chí quật cường
Vai sánh vai thệ nguyện
Chân bước về cội nguồn
Vòng tay lớn mãi…
Phá tan nô lệ xích xiềng
Xoá ngày nhọc nhằn
Xây mùa Lạc Hồng
Tình nhà nợ nước
Vẹn thề con cháu hùng anh!

Tình quê hương…
Biển trời  non nước  liền nhau
Là hồn thiêng
Nỗi niềm son sắt lòng người
Trong trái tim người Việt
Có mấy lần hẹn hò
Chờ đợi sông núi…
Vá lành nỗi đau tật nguyền
Bên tình đồng bào
Bao miền mộng thường
Cuộc đời nhân ái
Đấu tranh thân phận con người!

                              THẾ NHÂN


Chủ Nhật, 3 tháng 6, 2018

Văn và Người


Văn Người



   Thường, người ta hay nói: Văn  Người (!)

   Ý niệm đó không phải chỉ dành cho những người “mộ đạo” văn chương? Họ không chỉ xác nhận về năng lực, trình độ, nhân cách…mà còn nói đến sự tương quan giữa ngôn ngữ và vận mệnh!
  
     Hãy bỏ qua những lời nói cuồng trí, bệnh hoạn có tính chất giả dối, dung tục. Bởi, đẳng cấp ngôn ngữ chính thống con người đều luôn trung thực rõ ràng và có ý nghĩa trong sáng!

    Vì vậy, khi đánh đố chữ nghĩa hay trò chơi chữ…chỉ là cách xảo ngôn, đảo ngữ dùng để đùa chơi léo lận, hoặc để phiếm luận, phê phán thói đời thâm sâu chốn nhân gian. Cách vận động (lạm dụng) đánh tráo, bẻ cong ngữ nghĩa của những từ (vay mượn) có hai hoặc nhiều ý nghĩa khác nhau để gài bẫy thiên hạ, thường không ý nghĩa nhân văn, kém cõi tính  cao thượng…

   Trong lĩnh vực nghệ thuật văn chương người ta có thể Phù thủy ngôn ngữ (tu từ) là nghệ thuật sử dụng ngôn từ trừu tượng hóa biến tấu âm thanh, hình ảnh nhằm diễn đạt thăng hoa tâm hồn người. Do đó, ở một vài lĩnh vực văn chương đi tìm cảm xúc…đôi khi, họ chẳng cần qui tắc hay định nghĩa gì rõ ràng về giá trị sự giới hạn hay vô hạn (lãng mạn)…

  Tuy vậy, chẳng ai dám nói (viết) để gây ra ngôn từ lẫn lộn mà đọc giả không hiểu hoặc hiểu khác đi. Sự giảo hoạt, gán ghép xô đẩy từ ngữ khiến người trong xã hội không thể có cùng cảm nhận trị giá chung, sự ngộ nhận dễ dẫn đến hỗn loạn khinh nhờn, loạn luân chữ nghĩa…


   Vừa qua, chuyện cải cách chữ viết vừa tạm lắng…thì bây giờ ngữ nghĩa lại thị phi ồn ào (cười)! Và, những chuyện mơ hồ như vậy đáng lẽ để “gió cuốn đi”…Nhưng, đáng tiếc là vì nó bắt nguồn phát ngôn từ các vị có chức quyền, đơn vị hành pháp và cả những người “nổi tiếng” có học hàm, học vị mà ra…

   Hẵn nhiên, người ta có quyền đánh giá tư cách với những kẻ hí ngôn tùy tiện…có cơ sở để nghi ngờ cái cơ chế đã ngụy tạo ra những bằng cấp và tầm cỡ vị trí xã hội. Vì, sự học ngôn ngữ hay chữ nghĩa vốn đã là quy ước chung, đều có hệ thống gía trị văn bản từ vựng từ lâu. Người thực sự có học vấn, nhân cách họ luôn biết tôn trọng lịch sử để phát triển và sử dụng đúng chuẩn mực ý nghĩa của ngôn từ…

   Ví dụ: Người bán đưa ra giá (tiền) thì người mua phải đưa phí (tiền) để thực hiện trao đổi… Giá mới chỉ là dự toán (vì có thể thay đổi giá), trong khi phí đã thuộc về định mức thu chi. Vì vậy, mới hình thành chung những tên gọi: Viện phí, học phí, kinh phí…thuộc giá tri thanh toán và đều dành chung sự tương quan cho bên thu phíchi phí. Tổng giá cả thường có nguồn gốc xây dựng từ nhiều tham số, còn  phí mới là kết quả đáp số giá trị cuối cùng…

   Từ ngữ không chỉ có ý niệm nguồn gốc, nguyên lý (thuật ngữ) mà còn có tính cảm xúc nhớ và dễ hiểu (đại chúng). Sự tế nhị lịch sự văn minh khác với sự thô thiển áp đặt tùy tiện...Người ta chưa đảm nhận đừng vội bắt người ta phải bảo đảm (?) Cách đảo từ phụ thuộc vào vị trí đối đáp (!) Giá trị văn hóa lịch lãm có đầy đủ học thuật và lý luận chứ không đơn giản là bắt chước một vài trường hợp biểu đạt ý tưởng, hoặc phát biểu kiểu lộng quyền của một vài cá nhân ai đó…  

   Thế giới vẫn phát triển, người ta đã thêm rất nhiều ngôn từ văn hóa, khoa học kỹ thuật mới…Tại sao chúng ta mãi lận đận cãi lộn về cái cũ rích? Sự thật, ngôn ngữ chỉ phát triển (thêm) mới chứ không phải ngồi yên vị mày mò thay đổi (đổi mới, cải cách) bằng cách tô vẽ, xảo thuật lên  cái diện mạo vốn đã định hình hiển nhiên...