Thứ Sáu, 26 tháng 12, 2014

Lễ giáng sinh



Lễ giáng sinh…
(Suy nghiệm...)
                                                                                                                                


   Lễ giáng sinh, Noel hay Chrístmas…thì cùng một ý nghĩa ngày lễ của các tín hữu Kitô giáo kỷ niệm mừng chúa Giêsu (con thiên chúa) ra đời (xuống trần).

   Thường tất cả các nước đều lấy ngày 25/12 hằng năm. Riêng chỉ có Nga, Jerusalem, Serbia, Gruzia, Ukraina lấy ngày 7/1 (Chính thống giáo)…tất nhiên, là do cách tính theo lịch cũ (Julius) hay mới (Gregorius). Sự lệch của vòng quay và chu kỳ xoay chung quanh mặt trời của trái đất trong năm là 365 ngày + 5 giờ và gần 57,3 phút…cũng khiến các “hệ phái” có sự lựa chọn khác nhau rồi (?).

   Lễ giáng sinh (hay Noel) không phải là ngày (nghĩ) lễ chính thức ở Việt nam. Và ở đây, người có đạo thiên chúa cũng không nhiều so với các tôn giáo khác. Đó là chưa nói phần lớn là văn hóa (hay tập tục) đến từ phương tây. Nhưng, mọi người (phần lớn là ngoại đạo) vẫn háo hức trông chờ ngày này để tràn xuống đường vui chơi, chào đón như một ngày lễ thực sự của họ?

   Tại sao Noel lại mang tính hòa nhập cộng đồng như vậy? Vì...thường sự khác nhau về quan điểm, ý thức hệ hay dân tộc, tôn giáo luôn là một khoảng cách có ít nhiều sự đố kị!  Chắc chắn không ít người có nhiều lý do để giải thích, hoặc biện hộ nghe chừng đều hợp lý, dù đó là sự tự nhiên ham vui hay thuộc ý nghĩa, kỷ niệm….

   Thật ra, cái hay và giá trị của cách thức mừng lễ giáng sinh chính là văn hóa hiện thực đạo “vào đời”. Từ một ngày lễ tôn giáo đã trở thành ngày vui chung của mọi người…vì được kết hợp đầy đủ mọi nhu cầu quan trọng trong đời sống từ người lớn đến trẻ em bao gồm cả tâm linh, gia đình, bạn bè và xã hội. Công việc của ông già Noel, trang trí cây thông, tiệc thân mật gia đình, bạn bè (kể cả người ngoại đao), nhiều loại hình vui chơi cộng đồng và lễ kinh mừng, tạ ơn trong không gian nhạc thánh ca thanh thoát “Bình an dưới thế cho người thiện tâm” …cũng đã nói nên toàn bộ những ý nghĩa đó!

   Vì vậy, ta không ngạc nhiên khi Noel gần như lễ quốc tế hóa! Vì lễ giáng sinh không chỉ dành riêng màu sắc tôn giáo…mà còn là biểu tượng luân lý ứng xử, tập tính văn hóa phổ cập, nhu cầu tình cảm, ước mơ sở thích hòa bình của con người…

   Mọi tôn giáo đều có giá trị riêng cho nhu cầu, thói quen, ý thức riêng mỗi người, mỗi quán tính dân tộc. Thường, những người thông minh (thực dụng) không tin vào tôn giáo (?). Nhưng, tôn giáo nào có giá trị văn hóa hiện thực đời sống, gần gũi với con người, đem lại thiện ý, tạo dựng lương tâm…thì luôn được những người có lý luận, đề cao đức tin (tin vào đạo đức) đều tôn trọng và kính mến!

Thứ Sáu, 19 tháng 12, 2014

Có phố Mùa Đông...



Phố Mùa Đông



Nơi đỉnh dốc đời
Có phố mùa đông
Trên đồi hoa cỏ
Mặt trời trôi êm
Hàng thông góc phố
Con đường nghiêng nghiêng
Sương chiều buông nhẹ
Có sầu không tên

Nhớ nhung những chiều
Khoác áo mùa đông
Em từng bước nhỏ
Một miền đong đưa
Nụ cười như nắng
Anh về hư hao
Ôm ngày vơi cạn
Gọi nắng ngọt ngào

Nhớ phố mùa đông
Có cuộc tình nồng
Hơ ngày hiu quạnh
Xóa đời long đong

Phố nhớ chiều êm
Có bàn tay mềm
Vịn hoài chân mỏi
Chút tình xin quên

Nơi có gió ngàn
Đếm bước hoàng hôn
Em đành không đợi
Sợ mùa cô đơn
Về qua ngõ phố
Anh chờ yêu đương
Sương mù đứng tựa
Trượt dốc tình dài…

                 Thế Nhân

P/s:
   Ở đây…@thenhan có  câu chuyện tản mạn với bạn bè. Tất nhiên, chỉ là cảm nhận riêng của cá nhân mình:
   Sáng tác giai điệu, ca khúc cho các địa phương (địa danh, thành phố) thường khó tìm ra chính xác âm hưởng, nhạc tính so với những thành phố như: Huế, Hà nội, Sài gòn, Đà Lạt, Nha Trang…vì các nơi đó đã hình thành một vài nét đặc trưng không gian và tính cách phổ thông xã hội đương đại
   Riêng Pleiku, có thể cũng giống như khung cảnh Đà lạt, Sa Pa, Buôn Mê…(phố núi, rừng thông) …nhưng, vẫn có rất nhiều khác biệt về phong thổ, khí hậu (biên độ nhiệt) và cả về không gian âm nhạc dân tộc.
   Pleiku phần lớn là người dân tộc Jrai (dân số lớn nhất Tây Nguyên) nên họ có chiều dài văn hóa rất riêng biệt! Có đặc thù âm nhạc cộng đồng (chiêng cồng). Nhưng, họ cũng có giai điệu (gần như duy nhất) thuộc thể loại tâm tình ca khúc, mà tôi cũng chẳng biết gọi tên tiết điệu đó là gì? Dù đã cùng chơi nhạc với họ vài năm…Vừa giống điệu Fox, Surf, Twist nhưng lại cộng hưởng thêm những nốt rải réo rắt…
   Tôi nghĩ âm nhạc cũng phát xuất từ văn hóa tâm hồn: Có chút gì đó như trầm mặc, âm thanh cao thấp lên xuống rất đều đặn như suối chảy, chỉ một ít kịch tính như lộng gió ngàn. Tôi luôn có trừu tượng như nhạc “thiền”…vì vẫn ngủ bình yên trong âm thanh tiếng chiêng cồng vang xa đó. Có lẽ, nhờ vậy mà họ chơi và nhảy múa suốt qua đêm tối…(?)
   Mặc dù có nhiều nét giống nhau giữa các sắc tộc ở tây nguyên. Tuy vây, họ vẫn có phong tục và quan điểm văn hóa rất khác nhau. Người Jrai có vẻ trầm tĩnh hơn. Sống với họ 3 năm trời nhưng không thấy họ to tiếng, hay cãi vả nhau kể cả khi bàn bạc hay tranh luận(!) Giọng nói, âm tiết vừa phải, dù tiếng hú rất vang xa giữa rừng núi khi gọi nhau. Ta có cảm giác đang ở trong một xã hội thu nhỏ  gần như công việc, bổn phận đã được mặc định lẽ phải…
   Người Jrai không thích kiểu cách hát hú, hét như những “sáng tác” (một vài nhạc sĩ) mà ta thường bắt gặp trình diễn. Mặc dù họ rất thích nhạc mạnh rock Mỹ (thanh niên) hay nhạc tình ca Pháp (giới có học). Nhưng họ vẫn yêu nhạc của họ hơn. Khi chơi nhạc  họ lắng chìm trong âm thanh một cách say sưa…nên cách nhảy múa thể hình di động uyển chuyển, rất nhịp nhàng rõ ràng…chứ không lã lướt, điệu đà hoặc mạnh mẽ  gây “bão” kịch tính như phần nhiều các dân tộc khác…! Sự gợi cảm, rung động của phụ nữ (múa) thường ở đôi mông trong nhịp bước dừng với sự lắc vai rung nhịp tự nhiên của họ, cùng với đôi bàn tay, đôi mắt nghệ thuật đa dạng trong diễn tả…
   Nhưng, thôi! (nói nhiều quá), nói một chặp là ra đến…bờ suối bi chừ (hì hì). Thế Nhân soạn nhạc bài hát này là để các bạn nghe thử, để biết…có đỡ lạnh một mùa đông không? (le lưỡi)!

Thứ Sáu, 12 tháng 12, 2014

Gió ru Mùa Đông



Gió ru mùa đông



Chiều nay gió về
Tìm lại mùa đông                  
Một mùa lỗi hẹn
Từ độ trăm năm

Lặng nghe gió hờn
Kỷ niệm đâu đây
Áo ai mắc nợ
Mặc tình gió vay

Gió về qua phố
Lộng áo thời gian
Lạnh mùa má thắm
Hương tóc muộn màng

Tìm trong hơi ấm
Da người quạnh quẻ
Bước ai bên lề
Lá rơi vỉa hè

Chiều nay lối về
Dỗi hờn đôi môi
Phố xưa nhắc nhẹ
Tình tạ chơi vơi

Mùa đông có là
Gió đời phôi pha
Loài người vẫn đợi
Cuộc tình không lời…

              Thế Nhân

P/s: (dành cho bạn bè thơ ca...)
   Đây là một chùm…À quên, đúng hơn là một “xâu” viết cho mùa đông ( Ở PleiKu lạnh lắm). Dưới đây,  @thenhan viết thêm nhạc để ru tình. Vì vậy, ai hay bị ngủ quên thì có cái chi đáng giá…niêm phong kĩ không bị “chôm” mất đó! (hì hì).
   Bị chú: Có thể hát ru cho người lớn lẫn trẻ con (Vì dễ ngủ)
   Chống chỉ định: Hát cho hàng xóm nghe (le lưỡi)


Thứ Bảy, 6 tháng 12, 2014

Sống giả...


Sống giả…
( Suy tư…)



  Người ta đã biết đến các tác phẩm “Sống mòn”, “Đời thừa”(sống thừa) của Nam Cao nói về những nhân vật có học thức, có lý tưởng cao thượng! Nhưng rồi…cuộc sống trở nên bi kịch vì hoàn cảnh khó khăn cơm áo, gạo tiền đã làm suy nhược tinh thần lẫn thể xác khiến nhiều lúc con người biến thành kẻ lợi dụng, nhỏ nhen, ích kỷ…

   Ta cũng đã đọc được chuyện “Tắt đèn”(Ngô Tất Tố) để thấy cuộc sống tối tăm không lối thoát, mang kiếp nghèo với thân phận nhỏ nhoi, nhục nhã của người nông dân trong cơn bỉ cực…của đời chị Dậu.

   Tất cả là do đói! Và “Đói” của Thạch Lam đã cho lương tâm loài người một phần thông cảm, thức tỉnh soi xét lại vì đâu mà người vợ nhu mì đành bán cái cần “chung thủy”của mình chỉ để mua nổi một bữa thức ăn “tình yêu” cho chồng qua cơn đói lã…

   Đôi khi, khó mà phân biệt được sự cao thượng hay hèn mọn!

   Ai có cuộc đời ở trong hoàn cảnh đó mới tìm được biện chứng, chứ không phải suy diễn, ca ngợi rêu rao từ những chủ nghĩa giáo điều, đạo đức khoe khoang mơ hồ? Sự cao thượng của người đời có được đâu phải sinh ra từ những kẻ thông minh, sang trọng, lịch lãm hoặc ảo tưởng nằm trên bàn thờ của các vị thánh thần, để bày biện nghi lể nhận của bố thí… để nhờ những thí chủ “giàu có” dậy lòng trắc ẩn? Nơi có một phần dư thừa trắc ẩn của lương tâm(!)

   Những tác phẩm văn học thời bấy giờ (trước 1945) thường rất thực tế, đều mang theo cái gì đó suy tư, lặng lẽ, u hoài nhân sinh thời cuộc. Nhưng, trong đó vẫn chứa đựng bản tính nhân văn, tình người (Vợ nhặt –Kim Lân). Nhiều người xảo biện khoa giáo sau này vẫn hay phân tích vụn vặt, gán ghép giới hạn rằng: Đó là lối văn chương “phê phán xã hội”…mà không nghĩ đến giá trị cao hơn là một cuộc cách mạng văn hóa ngôn ngữ (quốc ngữ) hiện thực tư duy riêng cho người Việt…để khai phóng dân trí vượt qua những định kiến lạc hậu “luân thường đạo lý” nho giáo (Đoạn Tuyệt của Khái Hưng-Nhất Linh) trói buộc dân quyền thân phận người, lấy hủ tục mê tín dị đoan để cứu rỗi tâm linh (Phan kế Bính). Những điều phi hiện thực chính trị, giả nhân nghĩa, nợ thánh thần khiến cho dân ta mãi đắm chìm trong thù hận, vỗ về nghèo nàn, an phận đói rách, lầm than...

   Ngày nay, xã hội có chút thay đổi. Nhưng…có lẽ, không muốn chọn cao thượng hay hèn mọn? Nên người ta chọn ra cách sống giả: Lấy học thuyết tế nhị làm biện chứng trong giao thiệp, lấy hợp pháp biện minh cho chính trị, giáo dục, kinh doanh …lấy quảng cáo làm nghệ thuật mua bán lũy kế lãi, lấy tương lai để an (mị) dân, lấy truyền thống xây rào cản tiến bộ, lấy hạnh phúc tôn giáo làm mơ ước và lấy cả kiếp sau để xoa dịu linh hồn…

   Sống giả thường được hùng biện thành phương tiện đạt đến mục đích! Và đôi khi hệ quả một thói quen người ta gọi là văn hóa cho có vẻ mỹ miều, uyên bác. Đối với những người có kỹ năng “sống giả”xem đó là triết lý sống! Còn với những người thật thà thì lại nghĩ đó là trò đời léo lận…

   Thật ra, sống giả là một phần mà nhiều người cho rằng (biện bạch) văn minh hơn (không trần trụi) nhưng không có nghĩa là hạnh phúc hơn? Thật khó mà an lạc, tịnh tâm khi xung quanh mình đều có sự giả dối, ngụy tạo!  Mặc dù kịch nghệ sân khấu là một phần của tư tưởng, nhưng dẫu sao cũng không phải là nội dung đích thực…

   Từ…sống mòn, sống thừa đến sống giả  không phải là cuộc cách mạng trá hình mà xã hội mong đợi. Vì điều đó là sự lẫn quẩn, nhẫn tâm của cái nghèo đói nhân cách khiến cho xã hội hỗn mang tư tưởng đời là vô nghĩa! Người không trọng người, ta cũng chẳng trọng ta…thì lấy đâu ra lòng tin yêu để làm cội nguồn của tự do và hạnh phúc?

   Có lẽ: “Con người sinh ra không phải để hạnh phúc, mà để chiến đấu với gian nan và để được nên người…”

Thứ Ba, 25 tháng 11, 2014

Tình của Mùa Đông



Tình của mùa đông


Một ngày qua phố vắng   
Ta nghe lời cơn gió nói
Yêu nhau mà xa cách mãi
Nên mùa đông về…

Về lại nơi chốn cũ
Xin ai còn hấp hối tiếc
Đem phơi tình trên dốc nắng
Cây đời vẫn đợi…

Mùa đông đến đơn côi
Đợi ai đó thơm môi  
Đưa tình hong nỗi nhớ
Cho người xót xa người…

Mùa đông sẽ đi qua
Gọi mưa nắng phôi pha
Quên hờn ghen phai dấu
Yêu người ôm thật thà…

Dù tình còn hay mất
Xanh xao mùa đông cũng tới
Yêu thương đừng nên bối rối
Tim người mỏi mòn…

Chạm vào tìm hơi ấm
Xoa tay đường đời khuất lấp
Nâng niu từng sợi tóc ngắn
Vuốt tình khóc òa…

                          Thế Nhân


Chủ Nhật, 16 tháng 11, 2014

Nỗi buồn "tôn sư trọng đạo"...



Nỗi buồn “Tôn sư trọng đạo”!
(Suy tư…)



    Có câu: Sự thật thường mất lòng người (!), còn lời nói dối lại dễ được tha thứ(?)

   Đương nhiên, khi nói ra sự thật thì phải hết sức tế nhị rồi! Nhưng, không trung thực trong giáo dục thì lòng tự trọng lấy đâu ra mà tha thứ?

   Nhiều người nói: Người Việt có tính đố kỵ nên thích thổi phồng, rình rang mọi việc!? Tôi nghĩ điều đó chỉ đúng với những kẻ tham phú quý nên bày lễ nghĩa, người thiếu thốn chữ nghĩa thích bám quyền lực…trong một hoàn cảnh xã hội còn bị nhiễu nhương văn hóa, hỗn mang pháp trị! Còn tâm hồn Việt? Thât ra, ai cũng có thể cảm nhận từ trong văn hóa nhân gian: Họ đều mơ ước một cuộc sống thanh bình với hạnh phúc thảnh thơi, bình dị…

   Mọi sự kiện và phương pháp lý luận đều có lý lẽ và hoàn cảnh đặc thù riêng của chúng! Nhưng sẽ  khác nhau về quan điểm giữa người  học đạo và người đi tìm đạo? Có lẽ, điều đơn giản là vì họ khác nhau ở chỗ đang ngủ trong niềm tin, hay thao thức cho tương lai…

   Lịch sử đã qua: Thời phong kiến…xã hội luôn lệ thuộc và bị tác động bởi quyền lực (quyền lợi) từ một tập đoàn thống trị nào đó (vua chúa, quan lại). Và, để có hệ thống chính trị…người ta ghép nối ý nghĩa của hai chữ “Quốc gia”hay “nhà nước” để kêu gọi người dân quy tụ thành những “thảo dân”nằm dưới một nền giáo dục đạo đức “luân lý”có nấc thang pháp chế cao thấp: Quân - sư - phụ (Vua, thầy rồi mới đến cha). Người “thầy” ở đây đương nhiên là những quan lại…

   Không riêng ở phương đông? Chức “Thầy” còn được dùng cho cả thầy tu ở phương tây và các vị giáo chủ ở vùng trung đông. Và, sách lược trị vì bằng lợi dụng tín đồ tôn giáo thay cho tư tưởng pháp chế “vi quân” cũng không hề khác nhau là bao…

   Riêng, học thuyết “quốc sách” trị nước, “tề gia” đến “bình thiên hạ” của Khổng Tử rất nổi tiếng và được vài nước phương đông (Nhật, Hàn) một thời súng sính cắp sách theo học. Dù ở góc khuất lý luận tiềm tàng đâu đó cũng có gật gù về giá trị dân chủ, thừa nhận “dân là gốc”, nhưng vẫn gọi là…“tiểu nhân”? Với lý lẽ có chút xíu áp đặt khiên cưỡng…vậy nên, chẳng phải vô tình ngộ nhận biến lễ giáo thành tôn giáo (nho giáo)? Để những giáo điều, luân lý đó…kéo dài mãi rồi cũng sẽ có ngày trở thành “truyền thống”cho đời sau: Tôn sư trọng đạo…

   Nhưng may thay…sự thật, trong lòng cội nguồn nhân tính vốn bình đẳng, thế gian thường có sẵn ân nghĩa và lòng bao dung lẽ phải! Nên không phải ai cũng đồng ý với hệ “tư tưởng”bảo thủ đặc quyền suy tôn giáo dục kiểu pháp chế dành riêng cho “môn đồ” như thế? Tâm tư nhân gian chỉ thường ca ngợi (khuyên nhủ) bằng những giá trị hạnh phúc có thực, gần gũi từ trong cuộc sống nhân ái: Lòng mẹ, tình yêu! Bởi, trong đó là đã đủ chứa đựng bao hàm nhiều ý nghĩa: Nguồn cội, tình cảm quê hương, bạn bè, xóm giềng …

  Phải chăng? “Tôn sư trọng đạo” chỉ là châm ngôn xuất phát từ quan hệ giáo phái: Sư phụ và môn đệ với lời thề đạo đức theo tôn chỉ hay nghiệp vận đạo và đời…chứ không phải khẩu hiệu dành riêng cho người dạy học trò (giáo viên) chữ nghĩa phổ thông như ngày nay. Vì, đối với khoa học giáo dục: Mục đích nhân văn hiện đại là hòa hợp dân sinh để kể thừa và khai phóng xã hội. Vì thế, không phải vô tình có câu “học thầy không tày học bạn”(!)

   Nếu chỉ đổ thừa cho quá khứ hoàn cảnh khó khăn kinh tế kéo dài, hoặc là do phương thức kinh tế thị trường hiện tại nhũng nhiễu…nên sự học không còn mặn mà so với “miếng cơm manh áo” là điều ngụy biện! Chẳng qua, sợ rằng…bị hụt hẫng kiến thức cao thượng nhân sinh, nên không hiểu “Trọng thầy mới được làm thầy” để rồi gây lục đục cho xã hội ưu tư “không thầy đố mày làm nên”

    Những ngữ điệu thường hào phóng lãng mạn, tạo ra chút thăng hoa khi ca ngợi: “Nghề cao quí nhất trong các nghề cao quí”, “kỹ sư tâm hồn”, “trồng người”. Đó là những lời hoa mỹ! Người ta chấp nhận những tu từ thơ ca…nhưng, không có nghĩa người ta thừa nhận những ví von phóng đại, cao ngạo đó là đặc quyền của bất cứ ngành nghề nào trong cuộc sống vốn bình đẳng, nương tựa tùy thuộc năng lực, vị trí mưu sinh và cống hiến…

   Ý nghĩa của những thành ngữ thường đơn thuần là lý giải tình cảm bằng hình tượng, vay mượn chữ nghĩa: “nhất tự vi sư bán tự vi sư” đôi khi chỉ là ý tứ của duyên với phận! Những ngọn gió “thuần phong”hát ru lòng người như thế thường có quan niệm “mỹ tục” bắt nguồn từ phong tục văn hóa tư tưởng xứ Trung Hoa xa xưa…So với hiện thực văn hóa quốc ngữ chơn chất thuần Việt phần lớn hiện nay lại là thứ ngôn ngữ lặp cập, cao siêu, bí ẩn và dị biệt?

   Giáo viên là nghề bút mực đã đưa văn chương vào đời duy nhất thường được tin tưởng và kính trọng! Vì ở đó, chỉ có giá trị thanh cao học vấn và nhân cách đã được mô phạm. Họ không nói lời bóng bẫy gió đưa, không gian tâm tư của họ là những niềm vui cùng đôi mắt trẻ thơ hồn nhiên cần ê a chia sẻ, dạy dỗ. Xã hôi yêu quí và nâng niu…vì nghiệp dĩ hạnh phúc của người thầy vốn lặng lẽ, thanh bạch tận tụy, cần mẫn ươm mầm đón đưa trẻ thơ nên người, hữu dụng! Chỉ uớc sao? Đừng để đồng tiền tiêu khiển, quan chức chỉ đạo nghề nghiệp, hoặc đến lai vãng nhuộm màu học vấn thói đời…

   Tình cảm của con người thuộc về nơi tử tế hơn là khoe khoang chốn hoa hòe hội chợ! Sự xói mòn lương tâm thường là do hình thức văn hóa kiểu cách đẩy trôi về một hướng vu vơ? Cũng như người ta dễ nhầm lẫn một cách cố tình đánh đồng khoa học duy vật thành vật chất phù phiếm là tiến bộ? Sự “tiến hóa”học thức thuộc về bước tiến khoa học chứ không phải tô son dung mạo con người, nghề nghiệp! Vì khi tâm sinh lý và bộ não khác nhau sẽ tạo ra gánh nặng nhân cách và hành vi bất thường oái ăm cho xã hội…

   Ngày nay, nhiều người hiểu rằng: Tình thầy trò thanh cao hơn là thứ ngôn từ ơn nghĩa gió bay, “làm ơn mắc oán”, khẩu hiệu, bằng khen. Vì đó…chỉ là dấu vết tao nhã tình cảm mà dòng đời tự nhiên xuôi mãi, được bắt nguồn từ trong tâm thức thông qua cả một thời niên thiếu hương hoa…Trong đó, chỉ chứa đựng kỷ niệm hồn nhiên và hoài bão tương lai trong sáng! Vì là, ở chốn bình yên nên đã có sẵn vốn liếng ân tình từ thuở có thầy và trò. Do đó! Nó không hề vay mượn ngôn ngữ kiêu sa hay hí ngôn “hiếu học” ru ngủ sự sùng bái, khiến thầy và trò phải ái ngại lương tâm, lục lọi lại giá trị,  gánh nợ kiến thức…

Chủ Nhật, 9 tháng 11, 2014

Trời và người...



Trời và người…



  Nhân gian tin rằng (tưởng tượng) cõi trời và xứ người vốn khác nhau, dù hình hài vẫn giống nhau! Bởi, khi “sáng chế” ra loài người thượng đế đã lấy hình dáng của ngài làm mẫu…
   Có lẽ, tuổi già thường (được) dỗ dành: Tiên giới an lạc hơn trần tục vì không sợ đói khát, bệnh tật và chiến tranh. Trong khi đó…khi còn trẻ, khỏe? Chắc chỉ thích ở cõi trần để mơ, hoặc làm tiên nữ…(hì hì).

   Ngày xưa (cổ tích) Cóc đi kiện trời, Từ Thức đi lạc vào cõi tiên…
   Ngày nay, Tui đang mơ màng, lang thang bỗng gặp…Trời!
   Định tránh mặt “kẻ cô đơn”cho khỏi phiền phức, ai dè bị ổng ngoắc lại “tám” chuyện:
   -  Ê! tên @, đố nhà ngươi…ai sinh ra ta?
   Hơ…trời mà cũng thích “đánh đu”? Dễ ẹt, đề văn “mở”…thì ai viết “cuội” không được! Tui mượn thuyết “nguồn gốc muôn loài” (Darwin) ra khoe kiến thức:
   -  Thì loài…“vượn” trời chứ ai?
   Ổng nhăn nhó, bực bội:
   - Nè…Ta chỉ tự nhận sáng tác “nguồn gốc”! Còn “tiến hóa” là do văn hóa, học thuyết các ngươi mày mò, suy diễn…
      Ai cũng biết, trời cũng có thời tiết chảnh chọe, đang nắng vội mưa? Sợ ướt áo…Tui xuê xoa, đu đưa:
    - Vậy, ngài thấy con người hôm nay khác với nguyên bản ngày xưa không?
   Lão rờ cằm trụi lủi, tròn trịa giọng châm biếm:
    - Khác chớ, ngày xưa các người chưa biết mắc cỡ nên chẳng hề điêu ngoa. Bi chừ, chắc mắt và mũi miêng có thể to hơn…
    Tui ngẫn tò te…
   - Ủa…nghĩa là seo?
   Ổng lẩm bẩm như đọc kinh kê:
   - Chắc là do tiến trình hơn thua, ăn gian nói dối nhiều và thích nhìn “lộ hàng”…
   Hơ…đúng “phương pháp luận” của trời! Tui cũng tự ái kiếp nhân sinh, nên cạnh khóe lại:
   - Chứ…không phải ông tự xưng là tác giả của sở hữu thế gian và tự phóng tác mọi “đường cong” à? Không có nguyên gốc sao có chứng lý..khà khà.
    Ổng phùng mang, trợn mắt cãi phăng:
   - Ta chỉ tạo ra hình hài…còn con người tự “đào tạo” bộ não!
   Tui chọt chẹt, mỉa mai lại:
   - Ờ, Nhìn tác phẩm mé đìu hiu “Eva” …thì @ tui đây cũng biết Ông Trời không phải là GAY rùi…
   Hơ hơ, lão nhíu mày:
   - Là seo?
   Tui “hùng biện”viễn vong:
   - Trời…thiệt có đầu óc lãng mạn: Tạo ra trái đất có đồi núi chập chùng, có đường cong parabol vô tận, bản đồ đất nước của Tui cũng có 3 vòng “đàn wuàng”…
   Lão cũng chẳng vừa…chắt lưỡi ra vẻ hối hận, phân bua:
   - Thế nên…cũng có nhiều người bảo “trời không có mắt”! Hồi ấy, ta chỉ nghĩ tạo ra địa hình quanh co để có mưa nắng thuận hòa, có EVa cho Adam khỏi sợ ma! Dè đâu…loài người “bóc hàng” ra thành phái đẹp. Tên @ thì lại viết ngu ngơ: Mắt ướt, môi ngoan nữa mới chết (chậc)
   Hơ, đúng là cái kiểu viết kiểm điểm, ăn năn của trời…
   - Hic…hóng đời, đón gió thôi mà!?
   “Chả” nháy mắt:
   - Người ta thường nhầm lẫn “Văn và Người” lém đóa!?
   Trời (chít pà)! Công nhận ổng ở trên cao nên thấy “mỏ ác”thiên hạ hết trơn. Chưa hết, lão còn phán một câu đúc kết số phận xanh rờn:
   - Mai mốt chân mỏi, gối chùng …có tiếc nuối tiền của, má đỏ môi hồng cũng phải đành chịu tử, vĩnh biệt lề thói văn chương. Những tên @ rồi cũng riu ríu xếp bút nghiên, dẹp bàn phím về chầu trời thui hà! Tiên nữ đẹp hơn mà…(giọng rủ rê)
   Ai thèm, Tui cắc cớ, cự nự:
   - Trong hình “Tây du ký”mấy nàng yêu tinh đẹp hơn tiên nữ nhìu! Tiên chỉ biết múa, mắt không có đuôi, hơ hơ...
   Ông trời nghe vậy buông hoàng hôn cho khỏi cải lộn:
   - Vậy, xuống địa ngục đi nha “cha nội”…
   Tui cũng liều cho xong chuyện cuối cùng của trời và người:
   - Cũng được! Miền địa ngục...chẳng ai mặc áo quần nên chẳng phân biệt được giàu nghèo hay quan chức, kakaka…

Chủ Nhật, 2 tháng 11, 2014

Thôi xót xa đời...



Thôi xót xa đời… 


Xin hãy yêu nhau
Một lần chạm bến thiên thu
Con tim hoang mang…
Gập ghềnh bóng tối mịt mù

Xin hãy thương nhau
Thật lòng thôi những xót xa
Quê hương miên man…
Ngại ngùng ánh sáng mù lòa

Đời như cơn gió
Cuốn mây lối đi thời gian
Buồn vui đây đó
Trái tim nhớ nhung ngỡ ngàng

Tình là mưa nắng
Mấy mùa  bóng soi hợp tan
Người đi sương khói
Người về dạo khúc thiên đàng

Xin hãy cho nhau
Nụ cười xóa dấu đơn côi
Em sẽ không quên…
Và anh thôi xót xa đời!
                        
                          Thế Nhân

    P/S:  Có người muốn hỏi (@TN): Làm sao để học nhanh được cách làm thơ và sáng tác nhạc?
   Thật ra, không có trường lớp, “thầy đồ” nào…dám tự tin dạy cho người ta trở thành thi sĩ hay nhạc sĩ !?

  Và nếu có…họ sẽ chỉ mất vài ngày để “truyền đạt” lại cho bạn về cách thức, qui ước, lý thuyết cơ bản là xong(!) Vì, trong thơ ca (hay âm nhạc) người ta đã tìm ra quy luật của chúng từ lâu…với “nhịp điệu” bằng trắc (bB - tT)) vần lối (kề hoặc cách)thuận âm đọc từ trong thơ, và với 7 nốt nhạc(chu kỳ), 6 qui tắc hợp âm cơ bản của âm thanh…

   Đương nhiên, không chỉ về nghệ thuật mà cả toán học (hệ số) thực dụng cũng vậy: Qui luật tự nhiên không phải là “qui tắc”(ý tứ riêng). Chính thế…ai cũng có thể dựa vào định luật âm- vần tạo ra nhiều thể loại, giai điệu riêng.

   Chẳng hạn “Thôi xót xa đời” là @TN cố tình tạo ra một qui tắc (thể loại): Có thể gọi là Tứ-lục (4và 6), cách vần …với lối thể hiện phong cách “xác định và trần tình”.
  
   Nhìn chung…thơ là thể loại ít được tạo mới cung bậc (giai điệu)! Có lẽ, thơ phụ thuộc nhiều về “ngôn ngữ hình ảnh”, cần thời gian chuyển tải, “thẩm thấu”. Và cũng có thể do thói quen (hay kỷ niệm) đã khiến người ta lưu luyến một thể loại (âm hưởng) nào đó lâu dài hơn? Thơ “tự do” cũng chỉ là một thuật ngữ văn vần sáng tạo riêng, nhưng không có nghĩa là “văn xuôi”...

   Nhiều người thích thơ hơn nhạc(cội nguồn của ca khúc). Và cũng có nhiều người không chỉ thích thơ về cảm xúc mà còn xem đó là trò chơi giải trí âm thanh, chữ nghĩa…Nhưng nếu thơ chẳng có”đong đưa” sáng tạo mới thì sợ cũng sẽ bị bão hòa, mai một đi…

   Nhưng, cũng không hề gì!? Sự hài hước…ít ra cũng tạo chút gì hạnh phúc hay bình yên. Nếu chúng ta chỉ nương tựa vào chút thơ thẫn(cười)để tâm tình cõi lòng, đời thường…để giao lưu đa đoan hay nhõng nhẽo thì cũng đã là “thơ ca”đáng iêu lắm rùi…(le lưỡi)

   ( Theo yêu cầu của nàng Nặc Danh (ních- nghe mất hồn)...@TN soạn nhạc hát ru cho "anh iu"(hay người xưa) ngủ quên luôn...)
 

Chủ Nhật, 26 tháng 10, 2014

Vác bút giang hồ...



Vác bút giang hồ…
(Tiếu ngạo…)


   Ngày xưa, người ta hay cưỡi ngựa, vác kiếm đi giang hồ. Nhưng, muốn hành hiệp, trợ nghĩa thì phải có kiếm thuật (quân tử Tầu) hay bắn súng giỏi (cowboy viễn Tây), nếu không là...toi đời! (hic)

   Ngày nay, trong thời đại công nghệ thông tin, đành mò mẫm cỡi con @ (Nich name), vác bàn phím (bút) đi giang hồ Internet. Vì bởi, nếu không đi qua miền tối sáng, rối ren thông tin cho dzui…sao lụm được chữ nghĩa làm kiến thức vào chơi với đời?(chậc)

   Chốn giang hồ của thông tin, hình ảnh, chữ nghĩa…cũng hải hồ phiêu bạt và liên lụy đến số phận não bộ không kém. Nếu muốn múa bút chém gió viễn vông thì phải có chút điệu nghệ, gọn gàng…không thì sẽ văng mực lem luốt tùm lum cho mình và người khác! Lúc mệt mỏi, nực nội...thì gõ bàn phím lần mò, ghé qua môn phái “gợi cảm” nghỉ ngơi cho mát…mắt! (le lưỡi)

   Đi giang hồ đường đời thì phải có bản lĩnh, dày dạn phong trần. Nhưng, muốn phiêu lưu trên mạng  internet, thì dễ thôi: Từ trẻ em mắt sáng trong veo cho đến các cụ gìa nheo mắt hấp háy vẫn “rong đời” được…

   Ở xứ sở chập chững, còm cõi phù phiếm này cũng có lắm chuyện hỗn mang, pha trộn…nên phải “Enter”cẩn thận! Đôi khi, sự ca ngợi quá mức cần thiết là chỉ để nổi như bèo phiêu du... từ“danh chính lề phải” cho đến “lề trái thủy hử”, hay tu tử “đạo đức thần thánh” cho đến ái môn “lộ hàng gợi cảm”. Ngoài ra, sự mê lộ của tin tức chữ (tối) nghĩa là do nhóm “cái bang” chống bút đi lục lọi hóng chuyện thiên hạ kêch cỡm, khoe từ cây tăm của lão giàu có, cho đến soi xét sợi tóc vàng úa của nàng “show biz”, rủ rê giải trí yêu đương, bóng đá…Thỉnh thoảng, lại gõ bàn phím (múa bút) ồn ào “giựt gân”, trần trụi, kinh hãi…để “câu view”tò mò, hay ru ngủ khối người còn ngây thơ, mộng mị…

   Đương nhiên, đây cũng là thế giới (thời kỳ) quyền lợi dành các giáo phái, chính trị, bán buôn…nên chắc cũng có nhiều bồi bút nghệch ngoạc tìm kiếm bí kíp, chiêu thức “vá áo túi cơm” nên liều mua ý thức, bán chữ nghĩa. Dù, tự ngàn xưa nhân sinh vốn kết luận rằng: Thời tiết vần vũ đời này làm gì có gió mơn man một hướng…

   Ngôn luận và thông tin trên mạng…phần lớn đều do giáo phái “chính thống”tung hoành ngang dọc và kiểm soát. Phạm “húy” cấm kỵ vùng kín đáo đặc quyền môn đệ, đảng phái cũng dễ ở tù, gác bút (?) Nhưng, so với truyện “Tiếu ngạo giang hồ”kiếm hiệp(Kim Dung) thì lý giải chuyện đời tâm lý cũng thế mà thôi? Vì, xưa nay…mặc áo quần đẹp“danh ngôn chính phái” là thường kín đáo che lấp được hình hài “ngụy quân tử”. Còn đạo đức thần thánh cũng chỉ là “câu kinh”mơ hồ của những kẻ mộng du bế tắt cõi trần, ý đồ phần lớn là muốn thế tục mông muội, ngủ quên với danh phận, áo cơm…để dễ bề thao túng đua đòi vay mượn, léo lận. Thế mới cần có hình thức hoành tráng bày biện tiêu xài, cúng bái xa hoa, vọng các…

   Giang hồ, là chuyện sông nước dòng đời tự trôi lang bạt, hồn nhiên…nó không hề dẫn dắt tư tưởng! Nhưng, ở thế giới này nó có thể tù mù mưu đồ sắp đặt, nặn ra cái “tư duy” điêu ngoa ảo tưởng cho con người vụng dại…

    Dân trí gây điên đảo, hay học vấn làm hỗn loạn tri thức? Trong truyện giang hồ hành đạo xưa nay…nếu không có người xứng đáng được giới võ lâm bầu làm minh chủ, thì thiên hạ sẽ đại loạn(!) Trong ngôn ngữ ngông cuồng, hiếu thắng thường là nguồn cơn của tật nguyền, dịch bệnh…

  Nhưng thôi…cuộc đời luôn cần hy vọng (dẫu mong manh), cần khai mở tâm tư để chứng minh sự chân thành, rộng lượng, bao dung(?) Có lẽ, cũng phải đành bước qua vũng lầy tăm tối thì mới cảm nhận được tạm ánh sáng miền bình yên! (phù)

Thứ Năm, 16 tháng 10, 2014

Tình mùa thu...



 Lời trần tình:
   Có người bạn hỏi: Anh xem trọng thơ hay nhạc hơn?
   Hic, thật ra…tôi đang thử “giao hòa” thơ trong nhạc (lời thơ ý nhạc) hơn là cố gắng để “phổ thơ”. Thường, thơ và nhạc có cách diễn tấu và thưởng thức khác nhau. Tuy vậy, đối với ca khúc! Điều quan trọng vẫn là lời hát kèm theo ý nhạc. Lẽ dĩ nhiên, ở đây chắc hẵn sẽ nghiêng nhiều hơn về thơ ca...
 
Tình mùa thu

Tự bao giờ ngày tháng có mùa thu
Hàng cây đứng bơ vơ chiều vắng đợi
Từng cơn gió đìu hiu sầu sẽ tới…
Ngày nhạt phai buồn chiếc lá thu xa

Từ thuở nào người vội đến trong ta
Tình yêu đó ru đời cơn nắng lạ
Lòng lưu luyến xanh xưa hình như đã...
Mùa rủ rê bao độ nuối lời thề

Mùa thu nắng hờn xanh tóc mượt
Dáng lụa là áo lượt bước chơi vơi
Và em, ghé tình buông gót  nhỏ
Để cho anh trượt chân níu mộng đời

Mùa thu gió đùa qua khung cửa
Cánh hoa vàng hờn lạnh ướt môi ngoan
Và mây, tiễn người xa phố thị
Rồi mùa đông có đứa héo tình gầy

Từ bao giờ tình đã lỡ chiêm bao
Mùa thu vẫn phiêu diêu người ở lại
Từ độ ấy đời bồng bềnh trôi mãi…
Tình vẫn xanh dẫu chiếc lá thu tàn.

                                      Thế Nhân