Vẻ đẹp tâm hồn?
Ai cũng có thể nhìn thấy vẻ đẹp dung nhan, hình thể bên ngoài. Nhưng,
làm sao để nhận diện vẻ đẹp tâm hồn tiềm ẩn của con người?
Thường, người ta đánh giá con người qua dung mạo, tính cách. Điều đó
cũng không sai, có thể “tâm sinh tướng”. Tuy vậy, cửa sổ tâm hồn qua đôi mắt mơ
mộng dưới ánh đèn màu người ta có thể nhầm lẫn…
Đùa thôi (cười) vì đó là câu chuyện cảm xúc riêng tư tươi trẻ…
Sự khác nhau: Cái đẹp của thể chất rồi cũng phai tàn, còn nét đẹp tâm
hồn có thể nuôi dưỡng xuân sắc theo thời gian. Sở dĩ, người ta ca ngợi vẻ đẹp
tâm hồn vì nó làm cho cuộc đời trong sáng, thăng hoa tươi đẹp hơn, dẫu tâm hồn
con người không hề có tính vật lý phát ra tiếng nói khoe khoang.
Theo tâm lý học, thì có thể nhận
ra tâm hồn một người, một xã hội qua tính cách văn hóa cư xử và đức tính thiện
lành. Cũng có thể nhận diện qua cảm xúc (nghệ thuật, văn chương), hoặc nhu cầu tự do đức tin (tâm linh).
Tâm hồn con người có thể trưởng thành hơn nhờ học vấn khai phóng và tấm lòng
hướng thiện (đức tin). Tuy vậy, không thể phủ nhận nhu cầu thể chất và hoàn
cảnh xã hội có tác động, trói buộc khi tâm hồn con người bị tổn thương, mất mát…
Tâm hồn và vật chất có mối liên hệ đặc biệt trong một bản thể. Nhưng, có
thể bị phân ly khi mất đi sự bình đẳng! Người có tư tưởng đề cao chủ nghĩa duy
vật, hoặc có xu hướng thần tượng hóa vật chất sẽ khó nhận ra tâm hồn con
người (?) Vì, khi “vật chất quyết định ý
thức” thì lương tâm sẽ thiếu hụt cảm xúc nhận thức…
Tâm hồn chân thật luôn nhận ra niềm vui, nỗi buồn của người khác. Cuối đời, rồi ai cũng sẽ cảm thấy sự quý giá của vẻ đẹp tâm hồn, để còn cơ hội bao dung
cho những hối tiếc muộn màng (cười)!.