Chủ Nhật, 16 tháng 6, 2013

Nỗi buồn lòng tự trọng...



Nỗi buồn của lòng tự trọng…
(Suy tư…)
   Trong những năm gần đây, báo chí trong nước cũng đã có cố gắng đưa vài thông tin, nhằm ngụ ý khuyến cáo công dân của mình, tránh bớt những hành động tật xấu trong sinh hoạt, ăn uống, cư xử thiếu ý thức nơi công cộng…vì nó đã làm cho hình ảnh người Việt trở nên xấu xí dưới đôi mắt của người nước ngoài…
   Đây là hình ảnh chụp (của Yahoo đăng) những bảng “cảnh cáo” đang dán, treo những nơi công cộng trên đất nước Thái Lan và Nhật. Tất nhiên, là ai cũng hiểu là chữ Việt…chỉ dành cảnh cáo riêng cho đối tượng người Việt!


Khi đọc và nhìn những tấm bảng này chúng ta nghĩ gì? Hẳn, ai là người Việt cũng đều buồn và xấu hổ…
   Nhưng, xấu hổ cũng chẳng nghĩa lý gì? Khi mà nhiều người vẫn chậc lưỡi chống chế do hoàn cảnh, đổ thừa giới hạn cho vài cá nhân “con sâu làm rầu nồi canh”…Có người còn nói với tôi rằng họ thấy rất bức xúc và tự ái…dân tộc?
   Tự ái hoặc biện hộ không làm cho chúng ta trưởng thành và văn minh hơn. Tự ái, cũng chỉ là sự cảm xúc tức thời, phản ứng giữa ranh giới tốt và xấu. Còn biện hộ? Thường chỉ khiến chúng ta mãi luôn đi mò tìm những khẩu hiệu tự ca ngợi, khoả lấp, ru ngủ…
   Với tôi, thì đây là cách họ cư xử với những người không có lòng tự trọng…vậy, Lòng tự trọng là gì?
   Có một định nghĩa “Lòng tự trọng” có đầy trên trang mạng, gần như trở thành sách giáo khoa:
“ Tự trọng là tự yêu, tự thích chính mình. Nó không mang tính chất khoe khoang hay tự phụ,nhưng sự tự tin ở mình và ở những việc mình làm.”
   Mới nghe qua, có thể nhiều người gật gù theo? Nhưng , với tôi nó lại là một định nghĩa tồi tệ, nhầm lẫn…thiếu cả bút pháp văn chương với cả nghĩa từ chấp vá “tự yêu, tự thích, tự tin” rất tối nghĩa “ở những việc mình làm”??? Ấy vậy, có nhiều người đánh “dấu thích” (đúng) mới lạ…
   May thay, có một câu định nghĩa khác (ít người quan tâm):
 Tự trọng là tự biết tôn trọng mình, bằng cách không làm điều gì sai quấy để ai đó có thể dựa trên điều sai quấy đó mà xúc phạm đến danh dự hay bản thân mình.”
    Nhưng đây! Lại chính là câu định nghĩa chính xác gọn gàng cả ý tứ và hệ quả…
   Không phải vô tình, người ta nhắc đến hạnh phúc là thường kèm theo sự bình đẳng. Nghĩa là không tôn trọng lẫn nhau thì làm gì có bình đẳng? Và…một điều rất đơn giản là: Ai có thái độ, cư xử không tôn trọng người khác? Thì người đó cũng chẳng có tí xíu nào lòng tự trọng nơi họ…
   Một nền giáo dục nếu chỉ xem những đứa trẻ là cục đất xét, để uốn nặn hình hài, hành động…Thì chắc chắn chúng không thể kiến tạo suy nghĩ, không tự xúc cảm gầy dựng tâm hồn…và đương nhiên là không hiểu biết đến lòng tự trọng! Chúng hoạt động theo bản năng sinh tồn(!) 
   Trong mục đích giáo dục: Châm ngôn, mục đích “học nữa học mãi”, “vì lợi ích mười năm trồng cây, vì lợi ích trăm năm trồng người”…nghe rất hay ho cho một trường hợp, xu hướng, quan điểm nào đó! Nhưng, nếu ngôn ngữ sách vở sáo mòn, lấy giáo dục làm phương tiện lợi ích, mà không xem con người là cứu cánh tương lai?…thì nó luôn khiếm khuyết lòng tự trọng và nghèo nàn tư duy cao thượng (?).
   Chẳng ai tin tưởng xây dựng lòng tự trọng dưạ trên những điều tự hào, tự kỷ? Và cũng chẳng ai hãnh diện mình là kẻ được người khác xem là phương tiện cho bất kỳ lý tưởng nào? Và chắc chắn hơn nữa là không ai lấy làm vinh dự khi suốt đời chỉ làm học trò kẻ khác? (lạc hậu)
  
   Người ta tìm kiếm lòng tự trọng ở đâu và đem lại kết quả gì?
   Lòng tự trong không tồn tại trong môi trường giả dối, thiếu trung thực…
   Lòng tự trọng không vay mượn sức mạnh giai cấp, quyền lực …nhưng, nó lại xây dựng được nền móng văn minh, chứng minh lòng tin, tạo bình đẳng, hạnh phúc cho con người và xã hội...
   Lòng tự trọng luôn có trước những kẻ thông minh, anh hùng…bằng ý thức nhân sinh, thói quen tập tính văn hoá cộng đồng. Và tự nó mới đủ năng lực, điều hành kiến thức và đủ khôn ngoan của con người can đảm…
   Chỉ cần có lòng tự trọng…thì con người đã tự thể hiện nền văn minh xã hội bắt nguồn từ đạo đức cá nhân, mà không cần học thuyết luận điểm nào giáo huấn.
   Ở nơi đâu không có lòng tự trọng…thì chân lý, lẽ phải ở đó trở thành miếng giẻ rách…
   Nỗi buồn của lòng tự trọng rất rõ ràng…khi người ta không biết tôn trọng mình, tôn trọng những người xung quanh.(!)

6 nhận xét:

  1. Mấy hôm hè đi dạo quanh hồ
    Mép hồ: người ta bầy nồi niêu bếp núc, mé sat đường là bàn ghé, còn một chỗ thoáng ở giữa,nếu khác đông thì giải chiếu... không dám bước vào, đành xuống đường ven hồ thi hai bag già được ném cả vỏ ốc , vỏ dưa từ các nam thanh nữ tú ngồi trên bờ hồ quăng xuống... Thế là lại về nhà chạy bằng máy vậy.
    Chuyện này chả biết là những người xung quanh mình họ là ai. Tốt nhất tránh cho xa! Mọi chuyện tắc đường trobg giao thông, tham nhũng ... đều sẽ giảm , nếu con người ta biết tự trọng!

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Chắc họ (lũ trẻ) tưởng là 2 bà "tiên nữ bên hồ" nên chọc ghẹo...(cười buồn)
      Một xã hội văn minh và phát triển...khi con người trong xã hội đó dựa vào lòng tự trọng...
      Hic, có lẽ người ta đã nhầm lẫn nền tảng học vấn và tự do hoá hèn mọn (?)

      Xóa
  2. Cách đây nhiều năm, mình đi Thánh địa Mỹ Sơn. Khách nước ngoài đến đây khá nhiều. Gặp người Việt mình, họ đều cười chào vui vẻ. Còn dân mình nhiều người trơ mắt ếch ra nhìn lại. Uống xong một chai nước, ăn xong một vỏ kẹo, người nước ngoài mang đến tận thùng rác bỏ cẩn thận. Còn người Việt mình đi chơi tập thể, trải đồ ăn ngay trên mặt đất và khi đám người đó đứng lên thì cơ man nào là lon bia, lon nước ngọt, vỏ bánh kẹo, trái cây, lá gói chả, đồ ăn thừa vứt vung vãi. Thật xấu hổ!

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Nghe mà buồn nhỉ? Phải chi có thêm nhiều người biết xấu hổ…thì đỡ tủi!
      Đôi khi, chúng ta tự làm cho mình tổn thương mà không biết. Một hành động đơn giản cho cách cư xử lịch sự…mà cũng không làm được? Hic…

      Xóa
  3. cỏ thấy nếu vi phạm thì cứ phạt tiền như singapore...việt nam nên học tập nước bạn...chứ không nên chờ đợi ý thức của người dân ( có người hiểu lòng tự trọng có người lại tớ chả hiểu gì ?....xã hội tốt tự dưng con người sẽ tốt lên...như chị châu thanh thuỷ nói việc xã rác bừa bãi, thật ra cỏ thấy đó chính là yếu điểm rất lớn của người việt mình, vì hầu như việc xã rác bừa bãi đã là một thói quen của số đông...chú ui có nhớ chị tùng hôn ?

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Ừ…luật lệ là nên phải có!
      Hic...Nhưng,khổ là ở VN hễ cái gì có liên quan đến tiền là có chuyện "vi phạm" lòng tự trọng (hối lộ, tham nhũng).
      Đang nói chuyện xả rác...tự nhiên nói đến người đẹp Tùng Trang là seo? (Nhớ thí mồ...Ủa, hay là bán "Nhà"lên xe bông rùi? hic...)

      Xóa