Thứ Sáu, 25 tháng 1, 2013

Những lời khuyên...?



   Những lời khuyên…?
 (Phiêu lưu…)

    Chúng ta khi lớn lên bước vào chơi với đời…chắc ai cũng muốn thành công trong cuộc sống(!) Và cố đi tìm một sách lược, công thức, "kim chỉ nam" nào đó…cho công viêc, nghề nghiệp, tình yêu, và mối quan hệ…
   Nhưng rồi, Nghề nào nghiệp đó, luân lý nào nào định mệnh đó…đôi khi được cái này mất cái khác. Không tin hả? Bạn sẽ thấy sau đây, có những điều hay nghe rất hợp lý  lại đố kị lẫn nhau và cả những điều tốt chỗ này thành thói xấu ở chỗ kia:
    Dưới đây, thử khái quát lại những lời khuyên bảo, mà phần lớn đã trở thành châm ngôn, thành ngữ:
    - Các nhà giáo dục khuyên phải sống trung thực, biết vâng lời người lớn…
    - Các luật gia, các nhà xã hội khuyên nên: Sống theo hiến pháp và pháp luật.
   - Các chính trị gia thì cho rằng: Trình độ chính trị là yếu tố thành công
   - Các nhà sư khuyên: Nên có tâm niệm, việc làm có đức hạnh để tạo phúc về sau
   - Các linh mục khuyên: Hãy vâng lời thiên chúa để tạo ơn sống mãi đời đời.
   - Các bậc bố mẹ thì khuyên: Các con phải biết khôn ngoan ở đời
   - Các nhà kinh tế lại hay nói : Cuộc sống thì phải thành đạt
   - Các danh ngôn tình yêu thì: theo lời trái tim mách bảo.
   - Các nhà hiền triết, nhân sinh thì khuyên: Sống thì cần có  một tấm lòng
   - Các trò chơi thi thố tài năng, kiến thức thì bảo: Cần phải tự tin.
   - Các nhà khoa học thì khuyên phải sống có: Kiến thức
   - Các nhà mô phạm thì bảo: Học vấn là quan trọng
   - Các nhà y học thì bảo: Sức khoẻ là vàng.
   - Giới văn nghệ sĩ thì cho rằng văn hoá là biểu thị: Văn minh của con người
   - Tuổi trẻ thì sống hết mình và chơi hết mình..
   - Trung niên thì cần kiệm, tính toán.
   - Tuổi già thì chiêm nghiệm, triết lý cuộc đời
  ( Và có nhiều học giả cũng biên soạn nhiều loại sách “học thuật”dạy về: Đắc nhân tâm, thu phục lòng người, Tứ diệu đế, con đường đến thành đạt, nghệ thuật yêu, nghệ thuật kinh doanh, nghệ thuật chỉ huy…v…v…và nhiều lắm!)
    Tất cả các lời khuyên đều hay ho, đúng cả…Nhưng, nếu cộng lại theo kiểu tham lam “toán học” để làm tài sản chung, thì không được…vì khác “đơn vị tính”:
   + Khó trung thực khi làm nghề chính trị…
   + Muốn thành đạt thì khó có tư tưởng, lối sống bình đẳng…
   + Khôn ngoan ở đời và đạo đức thần thánh có chân lý, lý lẽ khác nhau
   + Làm theo trái tim mách bảo thì cần gì trí óc, kiến thức…
   + Không thể tự tin nếu không có học vấn.
   + Sống hết mình và chơi hết mình thì sức khoẻ không phải là vàng.
   + Cần kiệm, tính toán thì khó…có một tấm lòng?
   + Tuổi già xem sự văn minh xã hội không bằng chiêm nghiệm cuộc đời người…
   Vì vậy đừng học thuộc lòng làm gì…nó chỉ mang tính châm ngôn hoá nghề nghiệp, lý tưởng hoá nhân sinh…(?). Có một “tuyệt chiêu” đơn giản vào đời tốt hơn nhiều, không cầu kỳ thị phi, giả dối, hình sự hoá cuộc đời máy móc của bạn, để rồi một lúc nào đó hỏng hóc không biết từ nơi đâu.( do vô tình hay mệt mỏi…)
  
  Theo tôi, đơn giản Bạn chỉ cần có: lòng can đảm…thôi! Vì khi bạn là người có lòng can đảm thì:
   - Người can đảm luôn chấp nhận sự thật này! để sau đó tìm ra sự thật khác!
   - Người có lòng can đảm luôn tôn trọng sự thật của chính mình và người khác
   - Người can đảm họ dễ tìm hạnh phúc tình yêu đích thực không bị lầm lẫn.
   - Người can đảm họ chấp nhận số phận như chỉ là trò chơi định mệnh.
Và thường những người có lòng can đảm họ có dũng khí để đi tìm hiểu thưởng thức, đam mê cuộc sống nhiều hơn người khác.
   Nhưng bạn hãy nhớ lòng can đảm…khác với tính liều lĩnh. (Vì kẻ liều lĩnh họ đánh cược đỏ đen cuộc đời không phải bằng trí thông minh.)
  
   Bạn có thể kiểm tra xem mình có mức độ can đảm cỡ nào? bằng cách tự hỏi:
1) Có sợ ma không?
2) Gặp người có địa vị, giàu có, học thức, nhan sắc, tài năng  thì quá…khép nép không?
3) Gặp người nghèo khó, tàn tật, xấu xí, bất tài bạn có lo…né tránh không?
4) Bạn khúm núm, năn nỉ, nô lệ vì vật chất đến độ nào?
    Những người bị bệnh thiếu lòng can đảm (duy ý chí)) thì dễ bị mất tình yêu, sống ký sinh vào người khác, bị kẻ khác lợi dụng, nô lệ bản thân…
   Muốn có được lòng can đảm. Đơn giản nhất là hiểu được tâm sinh lý con người và định mệnh nhân sinh. Quan trọng nữa là bạn phải có bản lĩnh! (sẽ nói đề tài sau).

Thứ Năm, 24 tháng 1, 2013

Khuynh hướng và triết lý sống...



                                                      Những khuynh hướng và triết lý sống…
                                                                              (Chỉ là ý tưởng…)

  Trong cuộc sống bình thường, mỗi người điều có tư tưởng, hành động theo khuynh hướng và triết lý sống của cá nhân mình. Điều này bắt nguồn từ đâu?...Nhiều nhà khoa học xã hội, tâm lý, nhà văn, đạo diễn, chính trị, tu sĩ và cả thầy bói…Họ là người có thể phân tích một cách mạch lạc và hệ thống như một qui luật. Và số phận của mỗi người chính là định mệnh của triết lý sống đó! (ngoại trừ sự vô thường của cuộc đời). Đó là điều không có gì để nói…khuynh hướng và triết lý sống mọi người quan tâm ở đây! Chính là những quan điểm (giới hạn) đã hiểu sai (hoặc lợi dụng) về các học thuyết nhân sinh, xã hội, tôn giáo để tự tạo ra mâu thuẩn con người và xã hội…Cho những lý tưởng (hay tham vọng) quyền lực kinh tế, chính trị…

   Khuynh hướng và triết lý sống của con người, thường đôi khi bị ý thích sự đời vây hãm, ít khi thật sự thông qua lý luận và nhận thức. Vì đôi khi, Họ không có quan điểm sống! mà chỉ thích sống trong quan điểm. Bởi, người ta lệ thuộc vào môi trường sống, gia đình, dân tộc, xã hội-chủ thuyết và hoàn cảnh, học vấn, tâm sinh lý…Và khi người ta nói về chúng thì không hề có tư duy chung mà chỉ có định kiến tâm lý từ một học thuyết nào đó! có lẫn lộn những từ ngữ ngụy biện thực dụng…

   Những nhà chính trị…cho đến nay, thường sử dụng học thuyết như những công cụ, phương tiện để đạt đến mục đích của mình. Điều này, thật ra không có gì để bàn cãi…chẳng qua cái triết lý xã hội đó có cực đoan quá độc quyền không mà thôi! Vì nó ảnh hưởng đến quyền mưu cầu hạnh phúc và phát triển đơn thuần của xã hội con người…

   Thật ra, khuynh hướng và triết lý sống!...Nó chỉ là trào lưu, phong trào, nhu cầu, tâm lý của xã hội con người lúc đó mà thôi…chỉ tiếc là phương tiện khoa học tiến nhanh hơn tư duy, văn hoá của nhiều người, nhiều xã hội và cũng có một định lý tâm lý chính trị: “lừa nhiều người dễ hơn lừa một người…”(lừa ngôn ngữ). Vì vậy, đôi khi trở thành dị biến của…cõi đời.

   Hẵn nhiên, con người cần có hoài bão, ước mơ để làm việc và để...sống! Vì vậy, phải tìm cho mình một lý tưởng nào đó để phụng sự hoặc tranh đấu và cho đó là lẽ sống…Đây! cũng là lý lẽ đơn giản của con người. Nhưng nếu đó là triết lý sống của cá nhân thôi,Thì chỉ thể hiện khuynh hướng cá tính hoặc tâm hồn người đó!...Còn nếu như triết lý cấu tạo xã hội theo một học thuyết xã hội thì…tương lai trở nên phi lý.
   Nhưng, thường sự phi lý không thắng được hiện thực…vì theo nhu cầu thực dụng cao hơn…tình cảm của con người. Và người ta thường biện luận bởi…trí khôn của con người cho hoàn cảnh, dân tộc,luân lý thậm chí cả tương lai…xa lắc.

   Mọi điều trên có lẽ chỉ là sự…bình thường của khuynh hướng sống! Chỉ có sự không đơn giản ở chỗ: Người ta hay nói đến ngôn ngữ nào là: Triết lý, Học thuyết, Triết học…mà sao không nói đến…Minh triết nhỉ ? (cười).

Thứ Ba, 22 tháng 1, 2013

Phiếm luận hài...



Phiếm luận…hài
    (Sự thật, dễ mất lòng…Đọc entry của Tôi các bạn hãy xem như chuyện“đầu làng cuối xóm”, hồn nhiên như đất trời vốn có…)
-----oOo----
    Con người thường tự hào là…động vật đa dạng kỹ năng ngôn ngữ.(quá đúng).
    Có lẽ thế! nên ngoài lời hay, ý đẹp…người ta còn rất nhiều ngôn từ dùng để xì xào hoặc om sòm, he he…(cười dễ ghét)

   Hì…người ta hay nói “tám”(Sài Gòn) và cụm từ “buôn dưa lê”(Hà Nội) là dành riêng cho giới tính thích khoe “đường cong”. Nhưng chỉ là chuyện nhỏ xíu. Sở dĩ, xem là chuyện bé tẹo...Bởi vì, họ chỉ “giao lưu” làm chậm thời gian bằng cách rỉ rả truyện cõi trên, cõi dưới cùng lắm là “bật mí” ông chằng, bà chuột…(hơ hơ)

   Còn giới “đường thẳng”…mày râu, đấng trượng phu thì hay tranh luận cao siêu về lý luận, chân lý…Đôi khi, dễ trở thành chuyện lớn, dễ uýnh nhau và không chừng trở thành kẻ thù không ngồi chung bàn. Nhất là khi mấy “chả” say rượu hoặc say sưa lý tưởng

   Thật vậy sao? Có đấy..!
   Tui có quen vài người bạn…và ai cũng tự nhận mình là người trí thức. Đương nhiên, cũng phải công nhận điều đó: Bởi từ bằng cấp, học vị, nghề nghiệp…hoặc là theo nghĩa riêng của một mảng kiến thức, vai vế nào đó…

   Thế nên, mỗi khi có dịp thảnh thơi…hễ gặp nhau thì thường hay bàn luận đến cái thú nuôi: Chim, cá, chó…bon-sai, cây cảnh. Và nhất là thích nói về triết lý ngôn ngữ văn học, cho đến mọi phạm trù có liên quan về nghệ thuật…
   Lý do cảm thụ nghệ thuật thì rất dễ…xuê xoa:
   - Có tư duy…mới thưởng thức được nghệ thuật.( tất cả mĩm cười)
   - Cái gì thuộc về văn học, thì cái đó đã thuộc về nghệ thuật…( ai cũng gật gù)
     Nhưng…đụng đến tư tưởng là có cái “tôi” vĩ đại to đùng, võ đoán chắn lối cảm thông, ranh giới phe anh, phe tui bắt đầu lộ diện…
   Vì vậy, khi “phiêu linh” đến cái chổ:
   - Nghệ thuật vị nhân sinh…mới đúng là mục đích nghệ thuật!
   Thì bắt đầu có ranh giới “phản pháo”:
   - Nghệ thuật vị nghệ thuật…mới là nghệ thuật chân chính!

   Vậy là, từ cơ chế triết lý riêng của hai bên, bao nhiêu lý luận hay ho được miêu tả bằng mọi hình hài viễn tưởng, những lý lẽ xa xôi…làm bạn “hàng xóm”(Tui) phải quay qua, quay lại cố nghe biện luận bên này, phân tích ở bên kia…muốn đuối, ngất ngư đời.
   Híc, nhưng hổng hỉu gì cả…Vì nó có lối đi xoay vòng tròn trĩnh, chấm phẩy chổ nào, thì chổ ấy sẽ hợp lý hơn chỗ kia. Lúc nầy, ai mà để ý nghe “gió bay đi” mới “ngộ” ra: Nói chuyện trên trời dễ hơn nói chuyện dưới đất, nói chuyện với người chết dễ hơn nói với người sống…(hề hề).

   Và từ cái mớ chữ nghệ thuật hàn lâm ấy! nó liên quan, lan man đến…sân khấu hài:
   - Hài kịch, là trong hài phải có bi…đó mới là có triết lý, có đẳng cấp.
   - Hài kịch…chỉ có mục đích đơn giản là đem đến nụ cười cho khán giả. Không lẽ ngồi thiền xem kịch…?
   Đến đây, Tui bỗng ngờ ngợ…vì đâu đó có sự bất nhất, tự mâu thuẫn đảo lộn với chính tư duy bản thân họ: Vì ông “Nhân sinh” thì bảo cần có triết lý, đẳng cấp. Trong khi đó ông bên “Nghệ thuât”thì nói chỉ cần khán giả cười vui vẻ thì đã đủ giá trị nội dung hài kịch rùi...(trời ơi!).
   - Ê…Cậu thế nào…Tớ trình bày có đúng không? (hỏi Tui)
   - Ờ…! trình bày rất có Lý…
   - Còn mình nói thì sao?
   - Ừa…! nói cũng có Tình…

   Hic, tình lý hay lý tình…nghe quen quen đâu đó trong giới “võ lâm” nên buộc miệng.
   Hơ hơ…Mặc dù, ai cũng biết mỗi người, mỗi dân tộc…đều có những thói quen, tập tính, quan điểm khác nhau. Nhưng không có nghĩa là văn hoá xã hội giữa người với người lại không tìm ra được sự đồng thuận, mà vốn lẽ đương nhiên xã hội luôn có những nhu cầu chung được phổ cập…

   Đang tranh luận, thì mọi giá phải đi tìm bằng chứng, sự kiện. Thời thế…ma xui, quỷ hờn, bỗng nhiên tưởng tượng, hư cấu ra vùng miền, cá nhân:
   - Kịch hài gì mà chẳng có sâu sắc, chẳng có giáo dục, cứ cười hé hé…rỗng tuếch.
   - Còn hơn…Hài mà nói dông dài, nói tục. Đi xem giải trí mà còn bị dạy đời à…?xem chi…
   Trời đất! cẩn thận “vơ đũa cả nắm”à nhe! Coi bộ nguy hiểm à nha…Có lẽ, nó phụ thuộc về kịch bản. Chẳng hạn, như Hoài Linh (danh hài). Thế mà, khi tự biên, tự diễn ồ ạt…cũng nhiều khi làm bội thực nụ cười (Ặc). Đó là chưa nói ôm đồm quá nhiều thứ thông tục “đời thường” tống vào nghệ thuật chứa hộ..

   Ngày xửa, ngày xưa…
   Vua hề Sác lô (Charlie Chaplin) là một vai diễn(câm)hình tượng một anh thanh niên sống lang thang…ăn mặc thừa, thiếu “khố rách áo ôm” nhưng lại có tư cách và luôn cư xử như một quý ông. Với một bộ ria mép chải chuốt…Đã làm khán giả xem phim thường pha lẫn tiếng cười vỡ rạp và giọt nước mắt thương cảm, là sự khâm phục…

   Ngày nảy, ngày nay…
   Nhân vật hài Mr. Bean(Rowan Atkinson)…một kẻ gần như cô độc, từ trên trời rơi xuống…nên bất bình thường trong suy nghĩ, hành động: Giữa sự nghịch ngợm vừa thông minh, vừa ngu muội đan xen trong một nhân vật, đã tạo ra nhiều tình huống hài hước kỳ quái, ngộ nghĩnh đến phi lý lẫn lộn triết lý…

   Hai nhân vật trên (Charlot và Mr.Bean) là nhân vật nổi tiếng thế giới về tính hài hước, xét cả kỹ năng và nghệ thuật diễn xuất. Nhưng, ở đây…cũng có người thích cải tạo “văn hoá không phù hợp”, lấy tiêu chí giáo dục tư tưởng(?)…đã “nhởn nhơ” chê kịch bản Sac-Lô “không hiện thực” hoặc phê phán“tính xấu”của Mr.Bean…(thật ngỡ ngàng).

   Sự phân biệt nghệ sĩ chuyên nghiệp và quần chúng làm nghệ thuật…? Đôi khi, vẫn thường nhầm lẫn do…diều gặp gió. Nếu thích tranh luận. Thì phải có hệ qui chiếu theo nghĩa nhu cầu, mục đích …Chứ ai lại chạy thi maratho Idol chữ nghĩa (trời ạ…).
   Vì vậy, thật là khó hiểu và khó thông để cảm …Vì thiên hạ chẳng biết người ta tranh luận với mục đích gì…? Hỏng lẽ người ta thích chia đôi đất trời, phân định giang san, hơn thua chính nghĩa? hoặc chỉ để có chuyện biếm luận mà cãi nhau cho dzui, chia bè phái cho có lề, có thói …?(tối tăm quá chừng).

   Giới đàn ông hay chê chị em phụ nữ ngồi lê đôi mách thường bị “tai bay, vạ gió”…Nhưng hình như mấy người vợ nhân gian lại mắc cười muộn phiền, lắc đầu…sợ mấy gã đàn ông tranh cãi quan điểm bị chia rẽ…“gây nên chiến tranh”.
   Và mỗi khi lỡ nghe một cuộc tranh luận triền miên không “bến đỗ bình yên”…là đêm về không trăng sao: “ Nằm vắt tay lên trán. Ngồi bấm đốt ngón tay” hoạ may mới hiểu: Đâu là vai diễn hài…hỗn mang cả đời lận đận.
   (Lạ thiệt, muốn viết hài hước, không hiểu sao? từ đâu rơi xuống nỗi buồn vớ vẩn…).
  

Nhớ hoang vu...



 Nhớ hoang vu…

Tôi đã đến giữa quãng đời còn lại…
Đứng trên bờ vắng lặng của yêu thương.
Nghe tiếng hát buồn đong đưa tiếng khóc!
Tiếng khóc thênh thang dĩ vãng hao gầy.

 Hành trang đầy, chất đọng dậy xanh rêu…
Chợt tan vỡ từng mảnh đời rơi rụng.
Lời trăn trối mạch huyết chợt bâng khuâng,
Ôm khoảnh khắc thời gian trôi biền biệt..

 Sợi tóc nào trói buộc lòng tha thiết!
Chí lớn nào đong đáy mắt giai nhân.
Hoàng hôn vương vấn nắng chiều buông…
Tất cả đấy! là những gì xa vắng…
  
Nghe tiếng hát buồn đong đưa tiếng khóc…
Tiếng khóc ngàn năm chưa đẩm lệ đôi mi.
Như nàng sơn nữ theo bóng chiều lang bạt…
Dẳm lối về trên cọng cỏ buồn khô…

 Như ta giữa cuộc đời hoang dã.
Gió ru lời lên tóc rối hoang sơ…
Một đêm nao nghe trăng mờ thổn thức,
Rồi chiều nao nghe gió thở than van.

 Trăng có buồn khi mây về giăng lối
Gió còn thương lay rụng chiếc lá đêm.
Xin cho em thêm cuộc sống êm đềm.
Để ta mãi suốt một đời rong ruỗi…

                                           @thenhan

Chân lý là gì?



Chân lý là gì?
(rong chơi…)
  (Chuyện thật như…đùa. Nhưng tôi khuyên bạn đừng tin.(?))
  Hồi mới tòn ten lên trung học…tôi mới bắt đầu để ý đến những từ ngữ có vẻ cao siêu như: Lý tưởng, hoài bảo, chân lý, triết học v…v.. Bởi vì , thỉnh thoảng tôi nghe những người lớn, anh chị lớp trên và cả một vài đứa bạn…Họ sử dụng lúc tranh luận, hoặc họ tặng cho một lời khuyên bảo nào đó nghe rất có học vấn và trí thức. Tôi rất ái mộ và cố gắng tìm hiểu, sưu tầm và ghi nhớ rất cẩn thận…dùng đề phòng khi ăn nói dăm câu ba sợi, quăng ném ra vài từ…khỏi bị chê là  không có tư duy.(?)
   Nhưng mãi cho đến năm 20 tuổi tôi mới thật sự hiểu thế nào là chân lý… Chuyện như dzầy:
   Trong một đợt tập huấn giáo viên. Học viên chúng tôi được vinh dự nghe một vị giáo sư văn học tầm cỡ đến rao giảng về ngôn ngữ và cách giảng dạy làm sao cho khoa học, đúng đắn, dễ hiểu cho học sinh..
   Thật là tuyệt…Ông nói rất hay, thêm với cung cách đi lại trên bục giảng, cũng đã có sức thuyết phục rồi…mọi người đều ngước mắt ngưỡng mộ nhìn vần trán cao sáng chói của ông. Ông có giọng nói thanh tao (người ta nói), cách dùng từ rất…bác học (vì ông hay dùng từ này). Nhất là khi bình luận văn chương, thi phú…Ông có trí nhớ tuyệt vời: Từ những bài thơ Hán ngữ, Pháp ngữ khó đọc cho đến những bài thơ lãng mạn dài ngoằn…hoặc lặp đi, lặp lại gần giống nhau dễ lẫn lộn, mà cũng không hề vấp  váp. Quá  xuất  sắc, quá mượt mà…Nhất là khi ông phân tích thao thao bất tuyệt… nội dung, mục đích, tư tưởng, hàm ý, nghệ thuật của tác giả nghe rất mạch lạc làm sao…
   Trong giờ giải lao, tôi thấy từng nhóm thầy cô giáo, gật gù xuýt xoa công nhận và rất hãnh diện, may mắn được nghe ông giảng… Nó không giống như các giờ giải lao trước, các thầy cô giáo trẻ chỉ tranh thủ thăm hỏi, giao lưu, làm quen…nào là: ”Cô dạy ở đâu?” “Bạn có…ai chưa?” “Mình cũng…yêu hoa hồng lắm”…hay điệu đà ngắm trời, mây, hoa, lá…gì đó!
   Nhưng lần này thì khác, họ chỉ nói chuyện văn chương với nhau. Chẳng hạn:
     Thầy nói với Cô:(chắc chàng tán nàng )
        - “Cô” có biết vần thơ: “Tôi đợi người ấy! đến với yêu đương…” là của ai không?
     Cô nói với Thầy:(làm khó nhau)
       - “Thầy” thấy câu thơ: “Em cứ hẹn nhưng em đừng đến…nhá” có ý gì không?
   Đai khái vậy, vì tôi nghe thoảng theo gió…
   Nhưng khi Cô nói với Cô, Thầy nói với thầy thì nghe rõ ràng hơn:
      - Phải “dữ dội và dịu êm, ồn ào và lặng lẽ”…yêu vậy mới lý tưởng hoá, mới chân lý của phụ nữ chứ…
      - “Từ ấy trong tôi bừng nắng hạ…mặt trời chân lý chói qua tim”. “Thầy” có thấy! muốn có lý tưởng đúng! thì phải hiểu thế nào là chân lý…vấn đề này hẳn phải có tư duy lớn...
   Chà! Quá hay…bổng nhiên, tôi cũng muốn tìm ai đó, để nói với họ là tôi cũng thấy sáng dạ ra…
   Hết giờ giải lao, tất cả chúng tôi vào hội trường trật tự và nghiêm túc hơn mọi lần trước. Vị giáo sư bước vào không nhìn, khẽ đưa bàn tay chào, im lặng cúi đầu đếm bước, từ tốn đi qua, đi lại trên bục giảng, có vẻ suy tư nghiêm trọng ghê lắm!... Đột nhiên, ông ngẩng đầu lên quay lại hỏi cả hội trường:
    -  CHÂN LÝ là gì?...ai có thể giải thích được?..
   Chẳng biết ông có nghe các thầy cô nói chuyện trong giờ giải lao không? Nhưng phải nói đây là câu hỏi quá ư thông minh, sắc xảo…Nhưng, chẳng có ai trả lời cả,  mặc dù trước đó tôi thấy mọi người tự tin lắm…
   Thấy vậy, ông cầm viên phấn vừa viết lên bảng, vừa nói:     
    - Chân lý tiếng Anh gọi là…, tiếng Pháp gọi là…, tiếng Tây Ban Nha gọi là…tiếng Nga gọi là…
    Thật là thông thái…uyên thâm. Tôi hoa cả mắt! chẳng dám nhìn chữ gì nữa…(biết gì mà nhìn).
 Chưa hết…ông quay lại nhìn chúng tôi khắp lượt rồi hỏi:
   - Vậy ngôn ngữ chúng ta định nghĩa Chân lý là gì?...
   Hình như mọi người đêù chờ ông trả lời, tôi thì hồi hộp. Vì thật ra, từ trước đến giờ tôi chỉ nghĩ Chân lý là Chân lý! Chứ có nghĩa gì nữa…đúng là người có học hàm, học vị vẫn hơn…
   - Chân lý có nghĩa là : Sự thật….sự đúng…và…lẽ phải.. (ông nói chậm và kéo dài giọng).
   Ồ!...quá chí lý! Tôi thấy nhiều người gật gù…
   Cuối cùng ông kết luận:
  - Chân lý là một mệnh đề, phạm trù bao trùm  mọi qui phạm và không có phạm vi giới hạn…và ai không hiểu chân lý là gì…thì ngưòi đó không có chân lý
   Lần này thì…tôi ù cả tai. Theo triệu chứng của các bác sĩ nói: hoa mắt + ù tai  là triệu chứng có thể là huyết áp cao hoặc thấp…Nghĩa là khó xác định. Vì vậy, tôi sợ bị ngộ nhận…
   Vị giáo sư quăng viên phấn lên bàn, phủi tay hỏi lớn:
   - Tất cả đã hiểu chưa?...có ai không hiểu ?
   Trong khi mọi người im lặng, tôi lại buộc miệng:
    - Chưa…
   Vì đang suy nghĩ nên tôi không nén được…vài người ngồi gần nhìn tôi. Vị giáo sư nhìn thấy…hất cằm hỏi:
   - Anh không hiểu chỗ nào?..vừa rồi “thầy” có nghe tôi giảng không?
  Tôi cũng rất lúng túng…Nhưng đã…lỡ dại “leo lưng cọp”rồi…với lại, tuy văn thơ tôi có đọc nhiều, nhưng trí nhớ kém, không nhớ một bài nào, chỉ vài câu tình yêu vớ vẩn. Bù lại, tôi lại thích âm nhac. Tôi rất thuộc về nhiều bài hát từ những bài thiếu nhi, nhạc phật giáo, thánh ca cho đến những ca khúc đặc biệt về ca từ “triết lý” của các tác giả như:Trịnh công Sơn, Từ công phụng, Ngô Thụỵ Miên, Đoàn Chuẩn-Từ Linh…
    Lời họ Trịnh thì “Phù thuỷ” ngôn ngữ khỏi chê như: “Cọng buồn cỏ khô” hoặc lẽ đương nhiên như “Sỏi đá vẫn còn có nhau”…Từ Công Phụng khi bị bồ đá nhìn cái gì.. từ cây cỏ, nhà cửa và cả…cột điện cũng…cô đơn “Kể từ…em đem cô đơn mọc lên phố vắng..” hay ý tưởng độc đáo giải thích Nắng tình yêu “Tình yêu như nắng…(có)mưa vẫn mưa rơi, (và)mây vẫn trôi.”. Hoặc trời Sài gòn có nóng mấy cũng…mát(mắt)  không cần máy lạnh “…vì em mặc áo lụa hà đông”của Ngô Thuỵ Miên. Còn Đoàn Chuẩn- Từ Linh mà nói “gửi gió cho mây ngàn bay”về mùa thu  thì ngọc hoàng thượng đế cũng phải ngu ngơ….Còn nhiều nữa, những ngôn từ làm cho chúng ta phải mụ mị, thăng hoa…Tất nhiên ngôn ngữ chủ yếu là qui ước diễn đạt ý. Nhưng tôi có thể hiểu được …chứ đưa nguyên xi một giòng họ “Phạm”ra mà phân tích Chân lý từ cháu đến ông nội rồi quay về...ngoại, thì não trạng của tôi bị…bão hoà mất..(híc)
    Ổng đưa mấy ngón tay ngoắc ngoắc bảo tôi lên, i chang như học sinh tiểu học…
   - Tại sao? anh không hiểu…thì sao? mà làm nghề giáo được..
   Ông quay xuống dưới hỏi:
   - Có ai không hiểu nữa?…đứng dậy.! ( Im phăng phắt…)
   Nguy hiểm thật!. tôi đang bị cô độc giữa đám đông giới trí thức. Chắc phải ảo thuật chữ nghĩa để thoát thân thôi …
   - “Cậu” không hiểu ở chỗ nào?(hả…)_ Ổng thay đổi hệ kiểu xưng hô liên tục.
   Nếu là phụ nữ(cô) thì tôi phải cười duyên để người ta thông cảm dễ cho qua…nhưng là đàn ông(thầy) tôi đành phải mĩm cười bao hàm nhièu ý tứ- một nụ cười “triết học”…Lại gần, nói chỉ vừa đủ cho ông nghe:
   - Dạ thưa…không biết chữ Chân lý là từ ghép hay là trừu tượng ạ…
   Ông nhíu mày:
   - Thì đó là từ ghép…_ Ông có vẻ ngập ngừng.
   - Vậy có đảo ngữ được không? Chẳng hạn như: Mộng mơ-mơ mộng, mênh mông- mông mênh_ Tôi tung hoả mù..(hê hê..)
   - Đôi khi từ ngữ là  định lýqui ước và cũng có trừu tượng…(ông nói)
   Tôi thấy sắc mặt ông thư giản gật gù…thân thiện. Thấy vậy, tôi tranh thủ gật gù lia lịa nhanh còn hơn ông và kết luận một cách...thiên tài:
   - À! À hiểu rồi…Chân có nghĩa là cuối cùng. Phải, phải…Chân lý là cái lý cuối cùng của nó..
    Nói xong, không chờ cho phép tôi quay lưng đi về chỗ ngồi. Ông không nói gì, bước xuống bục giảng, xoa tay:
   - Được rồi, như vậy là anh đã hiểu rồi…
   Lúc này tôi mới thấy ông quả là người thông minh, thông thái…hơn tôi nghĩ. Và từ đây, tôi mới hiểu thế nào là Chân lý...he he!

Ngày ấy xa đưa...



Ngày ấy xa đưa…

Chàng quen nàng giữa rừng cây hoa nắng
Đường về chiều tràn ngập ước mơ xa
Lời trao nhau dặt dìu điệu thi ca
Trong mắt biếc ánh lên niềm lưu luyến…

Nàng đã đến giữa khung trời luyến ái
Trãi mông mênh nhung nhớ với trăng sao
Toả hương thơm nơi hoa lá ngọt ngào
Mà bao lần làm tim nàng thổn thức

Mọi cỏ cây đều giật mình thức giấc
Vì ở đây có tiếng nhạc yêu đương
Hơn một lần chim chóc ở ven đường
Đã trở hót khi chân chàng nhộn bước

Trên trời xanh trãi lụa dài tha thướt
Lượt gió xuân về suối biếc dậy reo
Ngàn cây cũng uyển chuyển hùa theo
Như đùa giỡn cùng không gian tình ái

Và tình yêu muôn đời là thơ dại
Là đam mê khắc khoải lẫn đau thương
Là hi vọng, bi ai chốn tình trường
Là gặp gỡ chia ly chờ hội ngộ
Yêu nhau đi! Cho đất trời bỡ ngỡ
Để thần tiên phải hoảng hốt bay xa
Cho nhân gian e lệ nét ngọc ngà
Để quỉ ma thụt lùi vào bóng tối
Và còn đây, còn đây muôn ngàn lối
chỉ đôi ta sánh bước sống thênh thang
Thì đôi ta luôn mãi được bình an
Ôm nhau giữa thế gian đầy hoang vắng…

Nhưng cuộc đời? nhân sinh đầy trĩu nặng!
Vạn  ước mơ đâu chỉ một đôi ta…
Chàng hoang mang lận đận kiếp phôi pha
Nàng lỡ hẹn chia xa đời hai lối…
Rồi từ đó tình xưa đành đứng đợi
Nhớ đường về nhưng lạc nẻo năm xưa
Để thời gian vần vũ cuốn xa đưa
Giữa  tinh tú có hai vì sao lạc…

Bến hồng trần cỏ cây đều ngơ ngác
Bơ vơ buồn chàng cất bước ra đi    
Và chao ơi! hoa lá, nhạc cầm thi
Đã vất hết giữa quãng đường điên dại
Nàng ngậm ngùi thương vay đời ân ái
Lời ru con ru phận gái thuyền quyên
Nợ cõi người cho quá khứ ngủ yên
Nợ quyến luyến sợ tình người chia rẽ

Có những đêm mưa sầu về quạnh quẻ
Hay chiều về gió thổi bóng chơi vơi
Chàng xót xa ảo mộng ánh sao trời
Nàng nuối tiếc hư hao tình đã mất…

                                                @thenhan

Chủ Nhật, 20 tháng 1, 2013

Xuân phai...


Xuân phai…

Tôi đi thơ thẩn chiều nhạt nắng
 Nhặt lại mùa xuân dấu tàn phai
Màu cánh hoa xưa tình thắp lửa
Mịt mờ sương khói bóng hình ai
   Mây trôi hờ hững xuân còn dáng
Mà vắng hồn xuân tận mãi đâu
Hàng cây hư hao buồn lá đổ
Lấp đầy kỷ niệm rớt rơi sầu…

Tôi mơ một lần đến đưa xuân
Đợi chuyến đò ngang bến phân vân
Che đôi mắt đỏ màu u uẩn
Hé miệng mĩm cười môi bâng khuâng
   Chỉ để mộng Người lấp gian truân
Đông về gối chiếc chớ ngại ngùng
Thu lạnh nôn nao bàn tay ấm
Mấy mùa sỏi đá nhẹ bàn chân…

Ước gì tôi đã đến tiễn em
Nhẹ gót tình phai bước qua thềm
Xác pháo vu quy che lối cũ
Hồng tô má thắm ngọt môi mềm
   Rồi đế ngày đi mùa lại qua
Trăm năm phai vết xuân nhạt nhoà
Lòng hoa vơi cánh tim đời cạn
Cho người tình lỡ quên tình xa…
                           
                                 @thenhan

Trí thức và tiền...


   Trí thức và tiền…
   Làm cách nào để được giàu có? cần có vốn liếng , ước mơ hay trí thức…?
   Có nhiều người (đang là sinh viên) nói với tôi về mộng ước làm giàu và khẳng định giá trị của đồng tiền hiện hữu trong cuộc sống sẽ tìm, mua được hạnh phúc…Phải, đó là định lý “phổ cập”của thành đạt. Vì nếu đồng tiền không quan trọng như vậy…thì làm sao? có thể nuôi con vào đại học, có chuyện lang thang làm dâu xứ người…và để đổi trắng, thay đen cuộc đời...
  Tôi cũng vậy! Đã là người bình thường thì…Con người ai cũng có “mộng giàu sang”, nói khiêm tốn là cuộc sống “cần phải có tiền”…Nhưng, cách thức làm giàu và kiếm tiền luôn phụ thuộc vào hoàn cảnh, điều kiện, năng lực và…đạo đức nhân sinh, xã hội của mỗi người nữa...
   Người bị nghèo thì có nhiều nguyên nhân lắm…Nhưng người phát giàu chỉ có hai loại: loại bất chính và loại hợp pháp…
  Tôi sẽ nói thẳng thắn với bạn:
  Chuyện “ngàn lẻ một đêm” là chuyện cổ tích về Tình yêu, chiến tranhphép thuật của vùng trung đông xưa kia…Đến nay, nền văn minh nhân loại đã vươn xa mà xã hội đó vẫn chậm chạp, còn đầy dẫy những đêm bất trắc nghìn lẽ hỗn mang, u uẩn …
   Chuyện tự sự 101 entry về phương cách thành công để thu nhập chênh lệch quá lớn của các “đại gia” ở xứ sở còn nghèo đói…chỉ là những lý giải mơ hồ, xây dựng truyền thuyết tiểu sử cho các doanh nhân giàu có …
   Chuyện nhân gian khoe khoang hư cấu bóng bẩy lên một chút là chuyện bình thường không có gì đáng nói…và tôi cũng sẽ thông cảm mà lặng im, nếu như người ta không rêu rao dạy đời thiên hạ, khuyên bảo các sinh viên trí thức đang chập chững bước vào đời, lẽ thường luôn mang theo cùng một tâm trạng kỳ vọng, ước mơ thành đạt…
   Điều phải nói và đáng âu lo ở đây là: Họ...!(những người giàu có) phần lớn đều nhấn mạnh sự “tự hào” đi từ “bàn tay trắng”, không cần có (nhờ) học thức và bằng cấp…
   Ở đời, trừ những người may mắn hiếm hoi “của trời cho”, thì chỉ có hai loại người có khả năng thành đạt chính đáng: Sự chuyên tâm và có cơ hội…nhưng đó là sự bền lâu cần thời gian và sức lực tích luỹ từ bao đời…
    Chuyện chúc may mắn! là không có bằng cấp nghề nghiệp mà vẫn có thể giàu…
    Chuyện chia buồn! là đồng tiền vốn vô tư đã bị những kẻ vô tình chi phối tri thức con người và sự trung thực, công bằng xã hội…
    Trở thành tỷ phú dựa vào phát minh, sản xuất các phương tiện khoa học kỹ thuật là điều hiển nhiên dễ hiểu…nhưng nếu nhờ vào kinh doanh mua bán, độc quyền khai thác tài nguyên khoáng sản mà thu được vốn liếng hàng trăm ngàn tỷ đồng trong vòng mươi, mười lăm năm từ…“không có gì”với cá nhân là một điều hết sức thần thoại.
   Nếu các bạn hỏi tôi: “Có bằng chứng gì mà suy nghĩ vậy?”Tôi sẽ trần tình lại với 2 entry như sau mà không cần phải tính toán bất kỳ học thuyết kinh tế cao siêu hay thâm trầm nào:
  Nếu các “đồng đạo” hỏi tôi tại sao người này nghèo người kia giàu? thì quả thật tôi cũng không biết vì sao?(Chắc do trời) Nhưng nếu “bằng hữu” hỏi về những đại gia nổi tiếng giàu có... nổi cộm nhất trong “giới giang hồ mà “nhân gian” thường xuyên nhắc đến! Thì tôi lại biết họ có “bí kíp võ công” giàu từ đâu...
   Nhưng giới “võ lâm” có biết thì cũng không thể bắt chước được...Bởi vì, chính họ cũng không biết “luyện công phu”từ đâu mà họ được giàu?(hay giữ bí mật) Vì khi được giới thị phi “giang hồ” phỏng vấn thì họ đều bảo họ đi từ hai bàn tay trắng, làm thuê, làm mướn...không được học hành “thư tịch” đến nơi đến chốn. Thi cử 3,4 lần vẫn trượt...lướt và nhờ vậy mà ...Giàu (?).(cấm học sinh đọc) rồi so sánh mình với ông “giáo chủ” bill gate...
   Có người thì bắt đầu từ một xưởng đóng bàn ghế học sinh nhỏ bé trong một cái làng hẻo lánh, người thì buôn bán bất động sản từ khi không có...tiền, người thì lầm than khổ cực trên rừng kiếm củi (gỗ)... để tìm “phương pháp luyện công”.
   Muốn làm giàu “đệ nhất thiên hạ” thì phải có hoài bão...Chẳng hạn từ lúc măc quần xà-lỏn chăn trâu ăn cỏ ở Bình định thì đã ước mơ có máy bay(?) trị giá 7 triệu Dola  "đường tuyệt kiếm"...trong khi các bằng hữu chỉ có ước mơ “phi thân” lên nóc nhà, cành cây như trong phim kiếm hiệp...hay chỉ được cắp “kiếm” đến trường học...
   Điều quan trọng: Là sau bao nhiêu năm mà họ lại có “võ công thượng thừa” giàu tiền như vậy? Vì thực ra, “thiên hạ” chúng ta mới thay đổi cơ cấu kinh tế từ thời bao cấp sang hạch toán kinh tế bắt đầu từ năm 1986. Nhưng mới chỉ là thời kỳ “môn phái” sơ khai: Bãi bỏ bao cấp một số “võ đường”đơn vị kinh doanh sang hạch toán kinh tế tự thu chi, cơ chế “luyện tập”kinh tế lao động theo phương thức khoán sản phẩm...
   Đến đầu thập niên 90 (từ 1990 trở đi) mới có những  khung pháp lý tuần tự “thượng võ” về hợp đồng kinh tế thực sự (có giới hạn) cho các “lò luyện công” cá nhân tham gia vào các “địa giới” xây dựng cơ bản; Giao thông, thuỷ lợi, xây dựng, khai thác, chế biến...v...v...
   Như vậy, xét cho cùng họ đi từ “sơ đẳng” bàn tay trắng đến “nội công thâm hậu”doanh thu hôm nay khoảng 1.200tỷ đồng “nội lưc thâm hậu” (số liệu nhân gian) chỉ trong khoảng trên dưới...10 năm(?).(Chắc trúng số độc đắc liên tiếp vài năm, hay đào trúng hầm vàng...nhưng họ dấu...)
   Tuyệt chiêu “thế võ” hàng sản xuất kinh doanh “chưởng lực” của họ là: Gỗ và đất đai. Gỗ là “thế tấn”mặt hàng không phải ai cũng được khai thác, mua bán được(nguyên khí)...và “môn phái” bất động sản,khoáng sản...thì luật đất đai (1993-2003)) đến nay vẫn độc quyền, còn nhiều sửa đổi...
   Nhưng họ mới chỉ là những đại gia “đứng không đổi họ, ngồi không đổi tên”. Còn rất nhiều đại gia “võ bí truyền” hoạt động phái Ninja, sử dụng bí danh mà “Đạt ma tổ sư” Google cũng chịu...đừng nói chi “tại hạ” đã dừng bước giang hồ từ lâu.
   Vì vậy, muốn thành đại gia nổi tiếng trong giang hồ, chốn võ lâm thì cũng phải biết xây dựng bí kíp huyền thoại...
   Các "bằng hữu" nào làm nổi không? “Tại hạ” cũng đành bái phục gác kiếm cho rỉ sét...tu thân trong hang động: Than-oi.com.the gioi...
   Đó là những người có võ công “thuỷ hử”…nếu bạn là người chỉ biết mài mực đèn sách, lấy trí thức học vấn vào đời, ôm mộng lý tưởng mưu cầu hạnh phúc xã hội nhân sinh thì phải làm sao để giàu đây? Thôi thì…Bạn chịu khó đọc một đoạn tâm sự của chúng tôi (entry Trôi theo dòng đời…)để hiểu được trình tự, diễn biến kinh tế xã hội vừa qua:
    Thời gian trôi đi…Người ta nhìn lại mình, nhìn lại xã hội, nhìn lại cuộc đời…để thử hỏi tại sao phải thế này! mà không phải là thế khác..?
   Phải chăng số mệnh là do môi trường, hoàn cảnh, cá tính của mỗi người tạo nên…Và nghề nghiệp cũng hình thành tính cách, khó thay đổi.
   Không có trường lớp nào đào tạo Nhạc sĩ và cũng chẳng có bằng cấp cho nghề Qui hoạch…nhưng. Khi làm việc, chúng tôi cũng đã quên mất chuyên môn của mình là gì…
   Chúng tôi sinh ra trong thời điểm đổi thay lịch sử, hoàn cảnh kinh tế xã hội còn khó khăn, ngành nghề trí thức chưa được coi trọng…thời bao cấp gian nan miếng cơm manh áo…Chỉ có cán bộ thuế vụ và…tài xế là những “siêu sao”mong ước của những nàng…hoặc những gia đình muốn gã con cho người giàu. Khiến chúng tôi thiếu niềm tin.
 Năm 1986 thay đổi cơ chế tiền lương hay khoán sản phẩm, chúng tôi vẫn chắt chiu từng đồng tiền eo hẹp…chưa nói là không có việc để làm. Chuyện hẹn hò, liên lạc thăm hỏi trở thành xa sỉ khó đảm đương nổi. Sự cách trở không gian chẳng lấy điều kiện gì để thu hẹp.
   Năm 1991 thế giới đôỉ thay, mở rộng kinh tế tư nhân. Đồng lương nghèo nàn của cán bộ kỹ thuật…tiết kiệm mới nuôi nổi mình, Có nghĩ đến việc lập gia đình, thì cũng không nuôi nổi vợ con nghèo khó. Sự lo lắng trách nhiệm cũng khiến người ta lùi bước…
   Năm 1995 Nhiều người giàu lên nhờ khai thác tài nguyên và các công trình xây dựng cơ bản. Nhưng hầu hết là họ không có nghề nghiệp rõ ràng, liều lĩnh, mánh lới…Còn chúng tôi chỉ là những người bị bệnh có học, đành phải có trách nhiệm nghề nghiệp và bổn phận trí thức xã hội…đâu đủ can đảm lấy danh dự, lương tâm để…đổi lấy tiền. Sự chân chính học vấn! cũng làm cho mình trở thành kẻ cao ngạo hoặc không thức thời…Chỉ có các thiết bị kỹ thuật số (Vi tính) là giảm bớt gánh nặng công việc.
   Bất cứ một sự giàu lên nhanh chóng nào đều không được bình thường. Nhất là sự giàu có nhanh của một xã hội (cá nhân) nào đó. Những người đã từng làm công tác qui hoạch, có nhận thức về khoa học kinh tế xã hội, hiểu chính sách đầu tư thì đều biết rõ nguyên nhân đó! Với nền sản xuất trong một xã hội chưa có ngành công nghiệp hoá đáng kể, thì không thể sản xuất nhanh, nghĩa là không có xuất khẩu trao đổỉ hàng hoá nào có giá trị. Như vậy chỉ có thể bán tài nguyên hay nguồn ngoại tệ từ bên ngoài đổ vào (có điều kiện…)
   Khi giàu quá nhanh, nghĩa là khai thác không có qui hoạch, qui trình tiến độ…Có lẽ, đồng tiền phần lớn lọt vào tay những người thiếu học vấn…đã làm méo mó xã hội một cách đáng buồn. Và cũng vì giàu quá nhanh, quá dễ, nên người ta tin vào số phận hoặc…thế lực. Họ ngẫu nhiên thường trở nên liều lĩnh, bất chấp luật pháp…một cuộc hành trình kinh tế xã hội còn nhiều hậu quả ẩn chứa…ngày mai.
   Chúng tôi không hoang mang trong nghề nghiệp. Bởi chúng tôi quá yêu nó rồi. Vì yêu, nên mê muội…Người ta chỉ xem những điều luận chứng chữ nghĩa chỉ là lời kinh cầu cổ lỗ…nên chẳng có ai thèm đọc. Người ta chỉ cần những bản vẽ thiết kế đơn lẽ và nhìn đồng tiền lời lãi to nhỏ thế nào thôi…người ta bất chấp sự đồng bộ các công trình kỹ thuật khác.
   Chúng tôi không phải là nhà kinh tế học hay chuyên gia kinh tế về một lĩnh vực nào cả. Chúng tôi chỉ nhìn trong toàn cảnh của người tham gia làm qui hoạch: Thích số liệu quá khứ, biết điều tra khảo sát hiện tại và suy luận được dự án tương lai…chứ không phải nhìn vào một nhóm ngươì giàu có, một nhà máy khổng lồ vừa mới mọc lên hoặc một chiếc xe hiện đại kỹ thuật số đang chạy trên đường phố…Nó cũng chẳng có ý nghĩa gì về kinh tế của một đất nước. Cùng lắm nó chỉ có ý nghĩa của sự hội nhập hàng hoá…
   Trong qui hoạch kinh tế xã hội một vùng nào đó, người ta phải dựa vào địa lý, môi trường và con người ở đó. Trong qui hoạch kinh tế xã hội một đất nước, người ta phải dựa vào nhu cầu thế giới, tiến trình phát triển khoa học và năng lực người dân để lập phương án, hình thành ra tổ chức, lộ trình tiến độ phù hợp…Trong đó ngành  giáo dục là quan trọng.(nhưng vẫn hãy chờ…)
   Đời sống kinh tế xã hội quá hỗn mang. Tìm lối sống thu lợi riêng cho mình thì hẹp hòi quá! Còn thiện tâm với xã hội thì chuốc lấy nổi hận…với vợ con. Đồng tiền đang mạnh dần lên thao túng lương tâm và cả tri thức nhân sinh con người…“Có tiền mua Tiên cũng được”…thì sao không đánh lừa được tình yêu, lương tâm? Đơn giản hơn…Khi một xã hội mà trong đó có sự chênh lệch giàu nghèo qúa lớn, thì đương nhiên con người phải lấy tài sản ra để đo đạc hạnh phúc. Chúng tôi chỉ trắc đạc được những vùng đất đai rộng lớn, biết cả tiềm ẩn tương lai…nhưng không thăm dò được đồng tiền nông sâu cuộc sống…
   Năm 1998 là năm”cách mạng” thực sự cho tiêu dùng xã hội đang chuyển dần qua nền kinh tế thị trường có kiểm soát. Nghĩa là có giới hạn đối tượng, sản phẩm nào đó. Và chúng tôi cũng nhận ra rằng: Mình chỉ là những kẻ làm thuê có giới hạn…quyết định. Dù là thông minh, trí thức…là kẻ  làm thuê, làm mướn thì không thể giàu. Nhưng, kẻ muốn giàu nổi tiếng lại cần chúng tôi. Đồng nghĩa chúng tôi cũng không nghèo quá! Chẳng qua, chỉ buồn khi thấy họ đa phần keo kiệt về đạo đức nhưng lại xa hoa về nhân cách. Trong khi bọn chúng tôi lại không thể thưởng thức nổi thức ăn làm dị ứng, xấu hổ nghề nghiệp, tâm hồn mình.
   Chúng tôi làm khoa học kỹ thuật thì không bao giờ lạc hậu,  dù tương lai có dài đến đâu. Nhưng lại nhút nhát, không đủ niềm tin về nhân tình thế thái, về sức mạnh đồng tiền, thì đành phải chấp nhận thua thiệt cả chuyện đời tình ái…xa xôi.
   Bước vào thế kỷ 21. Kinh tế thị trường có xu hướng phát triển mạnh (thời tiêu thụ). Người ta ca ngợi sự làm giàu. Những doanh nhân thường đi đôi với quyền lực. Họ làm chủ xã hội, hãnh diện xuất hiện trên báo, đài nhiều hơn…Họ xây dựng cá nhân huyền thoại làm nhiều người khâm phục, mơ mộng (trừ chúng tôi). Các từ ngữ kinh tế, quảng cáo khuyếch đại dày đặc...lôi mọi người đua chen chạy theo muốn hụt hơi...
   Bức tranh kinh tế rẽ sang trang mới…Siêu thị mọc lên, đường xá mở rộng ít gập ghềnh, vài ngôi biệt thự cầu kỳ…nhưng phố xá không gì thay đổi lớn, chỉ thay đổi các bảng hiệu kinh doanh…hoành tráng hơn: Hàng điện tử điện máy, điện thoại di động, internet…mua bán sửa chữa xe máy. Cũng lẫn quẩn mua đi bán lại, tiến thối lưỡng nan giữa nền kinh tế thị trường chưa qui hoạch định hình, xây dựng hạ tầng đô thị…sai đâu sửa đó, chắp vá như hình hoạt hoạ, thừa màu sắc thiếu chi tiết…
   Thu nhập (GDP) bình quân dân số thì tăng, nhưng khi vào nước thì dồn lại một số người tầm cỡ. Người giàu thì se xua mua sắm vớ vẩn, người nghèo chạy vạy kiếm việc sinh nhai…
   Nhiều người mê tín hơn, ru ngủ những điều huyễn hoặc bên kia thế giới…cho kẻ có lòng tin và kẻ lợi dụng để cùng rao giảng tư tưởng mộng mị xã hội và thiên đường…như một định mệnh của tri thức nhân sinh mù mịt…bi hài.
   Nhà máy công nghiệp mọc lên như nấm tuỳ tiện, để cho nông dân lao đao kiếm sống. Giá trị đất đai làm rối cả chuyện đời. Quỹ ủng hộ người nghèo nhiều năm…chưa đủ một cơn bão đi qua. Bóng đá vẫn là Vua, luôn dành nhiều thời lượng phát sóng nhất. Người ta lấy nó làm màu cờ sắc áo, lấy nó làm đại diện đất nước, lấy nó để ca ngợi người tài trợ giàu có…Những sĩ phu thì liệu cơm gắp mắm, những kẻ liều lĩnh thế thần thì có nhiều cơ hội…Nhiều người rời bỏ đất nước làm thuê, làm mướn, làm dâu xứ lạ…Nhưng hy vọng đây chỉ là sự giao thoa của bóng tối và ánh sáng ngày mai…
   Và chúng tôi…cũng không có quyền đứng nhìn, không bám theo…mà vẫn bị lôi cuốn không cách gì gượng lại. Bởi tất cả, chỉ là những mảnh đời bé nhỏ…xôn xao, hụt hẩng...trôi theo dòng đời.
   Người có học vấn, nghề nghiệp…là trí thức tự lập, thường không giàu và cũng không nghèo. nếu giàu cũng là hợp lý. nhưng phải cần có luỹ kế thời gian…Sự thật, các bạn sinh viên đang bước vào một giai đoạn “tự bơi”…và dù là học thức hay bằng cấp cao cỡ nào thì cũng hiển nhiên là cũng làm thuê…giữa thị trường còn hỗn mang chưa định hình thực tế…kể cả tiền lương và luật bảo trợ. Sự “thả nổi”thị trường lao động là có quá trình nguyên nhân mà phải tự mình tìm hiểu chính sách quản trị trong nước và tiến trình điều khoản WTO…
   Xã hội bình đẳng vẫn thừa nhận sự giàu có nhanh chóng của một cá nhân nào đó may mắn (thừa kế, trúng số…)hoặc tài năng có từ nghệ thuật, kỹ thuật sáng tạo các ngành giãi trí, nhu cầu tiêu dùng của công chúng…vì vậy, bạn không nên ngạc nhiên khi họ kiếm tiền nhanh hơn bạn. Chỉ có một điều để tự hào…nếu là họ thuê được bạn, nhưng không mua bán luôn tri thức của bạn…
  Là một trí thức chưa hẳn bạn có tài năng, có hạnh phúc riêng tư …nhưng tôi nghĩ muốn xây dựng nên xã hội công bằng văn minh thì chỉ có giới trí thức mới làm được…