Thứ Năm, 15 tháng 8, 2013

"Luật" hiếu thảo...?



“Luật” hiếu thảo…?
(Vu Lan, câu chuyện bè bạn …)

   Giả sử, nếu như không có khẩu hiệu và luật lệ bắt buộc? Thì lòng hiếu thảo vẫn hiện diện và tồn tại…vì đó là tình cảm đời sống tự nhiên của con người! Và đương nhiên, luôn được xem là giá trị đạo đức nhân sinh.
  
   Vừa rồi, ở Trung Quốc có ra luật (1/7/2013): “Con có thể bị kiện nếu không thăm cha mẹ”…?  Mới nghe qua, chắc có người gật gù hưởng ứng! Và cũng có người ngạc nhiên, thấy hơi…kì cục? Bởi lẽ, cái gì mà thuộc về tình cảm thì khó mà gượng ép?

   Phải chăng, hiện tượng trong xã hội đó…có tình trạng cha mẹ thường bị bỏ rơi? Và nếu như thế, thì nguyên nhân từ đâu? Do con cái không còn “xúc cảm lòng hiếu thảo”nữa? hay vì có lý do, hoàn cảnh nào đó nên lỡ…quên?

   Nhưng, dù lý do gì đi nữa…Thì cái luật đó cũng khiến người ta nghĩ: Chỉ là hình thức rêu rao, cao đạo (?). Vì, nó mơ hồ, khó xử và ái ngại…khi cha mẹ đi kiện tụng con cái, lôi chúng nó ra trước toà nhờ “kẻ khác” phân xử? Hic, hổng biết có bao nhiêu bậc làm cha mẹ đủ “can đảm”và lý do chính đáng, để buộc con cái vào cái thủ tục “thăm hỏi” (nhiều nghĩa), để huỷ hoại tình cảm, lu mờ đức hy sinh…làm mất danh dự đứa con mà họ đã từng “thương yêu” như thế?

  Kể cũng khó khăn và khổ sở cho hoàn cảnh của họ: Cha mẹ chỉ có quyền sinh 1 đứa! Và một đứa con đó (dù trai hay gái)…sau này phải chịu trách nhiệm chăm sóc lại cho 2 người già, nuôi gia đình con cái…chưa nói là thêm nghĩa vụ xã hội, công tác nghề nghiệp? Nghĩa là khi đã bước vào “chơi” với đời…người dân xứ đó phải gánh vác nặng nề nhiều trách nhiệm, ngoài bản thân họ…?

   Ngaỳ xưa, xứ Trung Hoa có triết lý phương đông, nằm trong quan niệm về phước-đức: Phước là được nhiều con cháu và ăn ở có đức độ, thì con cái sẽ chăm sóc phụng dưỡng khi về già! Và xét về lý giải gia đình nhiều con, thì cũng có nhiều cơ may chia sẻ được những  khó khăn hơn…

   Luật nào cũng có cái lý? Nhưng, cũng thât là bi đát cho điều “luật một con”…để vài chục năm sau, đành phải thêm cái luật “thăm hỏi”…cho tròn chữ hiếu? Thấy vậy, mới biết những quốc gia khác, người dân có điều kiện và quyền mưu cầu hạnh phúc hơn rất nhiều…

   Ai cũng từng làm con, rồi mới trở thành cha mẹ? Cái luật tạo hoá, nhân sinh luân chuyển trở thành qui trình sinh tồn ơn nghĩa…nó là một định luật tình thương, với hằng số hạnh phúc bất biến…(!)

   Những đứa trẻ sinh ra không có bố mẹ nuôi dưỡng là một bất hạnh lớn! Và người ta e ngại nhất với những đứa con thiếu tình thương cha mẹ…Bởi, do những khoảng trống thiếu thốn xây dựng tình cảm, ơn nghĩa mẫu tử-phụ tử! Điều đó, khó mà thay thế bằng giáo dục, hay luật pháp cưỡng vận, làm thay đổi được tình cảm, tâm tư con người đúng nghĩa?

   Tình thương dành con cái là tình cảm tiềm thức tự nhiên vốn có (không chỉ loài người). Riêng, lòng hiếu thảo…lại cần được vun đắp, trưởng thành từ nơi chốn tình thương sâu sắc của cha mẹ, cộng thêm cả ơn nghĩa! Nếu chỉ dùng luật…chỉ là mối quan hệ nghĩa vụ? Thì làm sao có thể gọi là tình cảm thiêng liêng, riêng tư của con người…

   Lòng hiếu thảo đôi khi được xây dựng và giáo dục…là còn có mục đích thêm nhắc nhở nghĩa vụ làm cha, làm mẹ nữa? Sự trao đổi tình cảm chân-thiện-mỹ luôn có mặt tích cực từ hai phía! Nó không phải là hành động đơn phương, điều kiện, hoàn cảnh, vật chất tính toán…

   Bất kỳ dân tộc, tôn giáo hoặc nhà nước nào cũng ca ngợi lòng hiếu thảo! Vì đơn giản nó là cội nguồn đạo đức, giá trị tình cảm, cùng với ý niệm “gia đình là tế bào của xã hội”! Nếu có cách hiểu khác nhau? Chỉ là khác nhau về lý luận, về cách thể hiện, quan điểm giáo dục riêng? Và cũng vì thế, không loại trừ có những học thuyết, giáo điều, luật lệ...có mục đích lạm dụng tình cảm của con người, để tạo ra những giá trị ảo và sách lược với ý đồ cho sự cực đoan, chinh phục, cai trị khác…

   Hạnh phúc của con người thường nhờ tác động từ gia đình…và gia đình luôn có mối liên kết từ xã hội! Xét cho cùng, nó bắt nguồn từ nghĩa yêu thương, hay nói cho có vẻ triết lý nhân sinh: Yêu thương là lý lẽ cuối cùng (!) Chỉ có điều…bất cứ tình yêu thương nào (kể cả lòng hiếu thảo) cũng có thể trở thành kẻ vị kỷ, hẹp hòi…nếu chúng ta có quyền cho rằng cuộc đời chỉ có vậy!?

   Thường, văn hoá hình thành của một xã hội là do luật lệ, hành pháp…còn tính cách cá nhân phần lớn là do gia đình, hoàn cảnh tạo nên. Văn hoá ứng xử con người thường là do cách cư xử đối tượng tác động? Vì vậy, quan niệm của xã hội hoặc cá nhân rất dễ nhận diện qua lề lối, thói quen hành động…

   Sự đúng, mà nói…pháp luật chỉ nên làm cán cân công lý xã hội, điều hành mối quan hệ bình đẳng (nhân quyền) giữa người với người…hơn là tìm cách biến đổi tạo hoá, thay trời hành đạo, thay mặt diêm vương làm luật? Vì khi, chỉ biết dựa vào phép cộng trừ chắp vá sinh tồn, quyền lực cai quản xã hội…mà không dựa theo các nền tảng khoa học cộng hưởng dân sinh khác? Thì luôn gây biến động, xã hội không ổn định, con người sẽ mất trạng thái cân bằng…

   Lòng hiếu thảo không đơn giản là trách nhiệm, để buộc chúng ta phải ca ngợi? Mà thực ra, ta nên nghĩ đó là món quà sinh nhật cha mẹ tặng cho bạn từ khi ra đời nhận kiếp làm người…
  Và nhờ có lòng hiếu thảo, mà con người thấy được mình là ai? Hiểu được tình cảm chia ly và sum vầy, biết đến nhân nghĩa ước mơ và hạnh phúc.

Chủ Nhật, 11 tháng 8, 2013

Thi hay...bỏ thi?



Thi hay...bỏ thi?
  (Câu chuyện suy tư…)

   Đó, là câu hỏi liên quan đến vấn đề: Thi tốt nghiệp trung hoc phổ thông (THPT)…!

   Chuyện giáo dục đã trở thành truyện “dài tập” từ hàng chục năm qua. Và sự tranh luận hoặc bàn cãi liên quan đến giáo dục…là đề tài luôn được mọi người quan tâm?! Vì nó không những liên quan đến cuộc sống, tương lai con cái của họ…Mà còn là thước đo dùng đánh giá thành công hay thất bại của ngành giáo dục? Và đương nhiên, cũng sẽ làm cho các nhà xã hội học có cơ hội suy nghĩ, kiểm chứng quan điểm văn hoá phát biểu, ứng xử… cả về sự phát triển dân trí, lẽ phải đang ở chặn đường nào?

         - Bỏ thi tốt nghiệp THPT với nhiều lý lẽ: Vì không giá trị thực tế (gần như 100% đều tốt nghiệp), tạo áp lực, thêm thời gian nặng nề cho học sinh, tốn kém ngân sách…

   - Không thể bỏ thi…vì: “Bỏ thi chất lượng giáo dục đi xuống”, bỏ thi tốt nghiệp “giáo duc VN sẽ tan rã”, bỏ thi với đồng nghĩa “chạy” điểm…

  Theo dõi những ý kiến “bình luận” của hai quan điểm trên! Người ta nhận thấy người hưởng ứng bỏ thi nhiều hơn. Đây, cũng là thực tế giáo dục mà người ta đang cảm nhận, được so sánh từ kết quả kỳ thi tốt nghiệp…và hầu như đều cho rằng không đem lại giá trị gì trong thực tiễn! Nó giống như thủ tục “cấp bằng” hời hợt, tốn kém…

   Còn nếu như bỏ thi…thì 12 năm học phổ thông? Vô hình chung lại thiếu nghiêm túc kiểm tra, xem nhẹ kiến thức phổ thông (cấp 3) ? Và nếu như chỉ sử dụng chứng chỉ học trình (học bạ) thì ai đủ bảo đảm là học sinh không bị “đè nặng”(hoặc hời hợt) khi còn đang ngồi trên ghế nhà trường? Và làm sao đủ lòng tin “trí tuệ công bằng” khi mà vấn nạn: Học “trước”, “chạy” điểm…một loại thói hư phát xuất từ “triết lý đối phó” học vẹt quan điểm xã hội vẫn còn tồn tại (không riêng ngành giáo dục)..?

    Nếu vậy, thì “Thi hay không thi?” Không phải là vấn đề cần bàn bạc…mà nguyên nhân cần kiểm tra ở chỗ: Giá trị giáo trình, phương pháp sư phạm và trung thực thi cử? Nghĩa là căn cơ của chúng chính là: Kiến thức và sự trung thực của ngành giáo dục…!

   Đầu tư vào giáo dục là đầu tư tất cả: Tiền bạc, kiến thức, tâm huyết và nhất là sự công minh…với mục đích thu lãi từ nhân cách trưởng thành nơi con người, giá trị hiệu ích chất xám! Đó là nền tảng cơ bản mưu cầu hạnh phúc và phát triển xã hội cao hơn! Vì vậy, đầu tư càng lớn, càng nghiêm túc thì sẽ thu hoạch lợi nhuận nhân sinh cho gia đình, xã hội càng nhiều…Nếu không? Sẽ lỗ vốn nặng nề về tài sản quốc gia, xã hội và hỗn loạn nhân cách, gia đình…

   Dù đứng ở quan điểm nào? Thì ai cũng nhận ra giáo dục là nền tảng tương lai của xã hội đó! Và khi vấn đề giáo dục còn đang bàn cãi là đang có sai lầm? Có lẽ… do không có triết lý giáo dục nên dễ mắc lỗi về khoa học giáo trình, thiếu lý luận tư cách sư phạm, không có sách lược dài hạn…hoặc mục đích  giáo dục không rõ ràng, không luận cứ? Và sai lầm đó chắc chắn là đành phải dành lại sự độc quyền cho thượng tầng quan chức ngành giáo dục chịu  trách  nhiệm “trăn trở” … (!)


   Thi và bỏ thi? Chắc là… có thể, chỉ là thông tin thăm dò dư luận, hoặc đơn giản là câu chuyện nói cho có vẻ “suy tư”, “dân chủ hoá” tham gia giáo dục? Chứ thật ra: Nguyên tắc tổ chức, sư phạm giáo dục và phương pháp đào tạo thuộc về lĩnh vực chuyên môn, kiến thức tổng hợp khoa học nhân văn-xã hội, luật lệ…Thì lẽ nào? Chỉ là câu chuyện đời thuờng về sở thích cá nhân, kinh nghiệm riêng tư, sự cực đoan tư tưởng, phiến diện thực trạng…qua vài ý kiến cá nhân, hay một số đông, nhóm người quyền lực nào đó?
  
   Khi đã có công bằng trong giáo dục, học vấn, thi cử! Thì khi ấy: Thi hay không thi? Chỉ là chuyện giữa thầy và trò tự suy ngẫm…?