Thứ Bảy, 1 tháng 2, 2014

Tiễn bạn...(về chốn thiên thu)



Tiễn bạn…
( Viết đưa tiễn a.Nguyễn Xuân-chồng yêu thương Bích Ngọc về chốn thiên thu)



Xuân từ tạ, xuân đời đưa tiễn …
Đợi giao thừa giã biệt trần gian
Mệnh nhân thế thiên đàng ai biết
Hương hoa dành vận kết ly tan

Trời đưa đón vô thường định khúc
Người ra đi trả lại nắng mưa
Thương con cái yêu tình cô phụ
Lòng bạn bè hụt hẫng xa xưa…

Mùa tiếc nhớ vay ngày cõi tạm
Xuân ngại ngùng tựa gió mây bay
Về nơi chốn đong đầy dĩ vãng
Gom cuộc tình nhân nghĩa sum vầy

Anh lặng lẽ về nơi xa lắc
Ngủ yên bình gối mộng thời gian
Tôi ngồi đây nghe đời xa vắng
Nặng hành trang kỷ niệm ngỡ ngàng…
                                              (02-02-2014)
                                    Thế Nhân



Duyên và mệnh

“Lời người đưa tiễn”(Tặng Nguyễn Xuân):

Mùa xuân mới tiễn anh đi…
Lên trời xa tít những vì sao đưa
Gởi lại đây đoá hoa xưa
Ngồi ôm kỷ niệm mấy mùa tóc tơ

Thương nhau đâu phải tình cờ
Chia ly sao nỡ bất ngờ xót xa
Tình chưa đủ mộng chưa qua
Anh đi hụt hẫng duyên nhoà khói hương

Biết rằng đời lắm đoạn trường
Mà sao mắt lệ vẫn tuôn mặn nồng
Người siêu thoát mệnh hư không
Dấu yêu niệm khúc thương lòng tiễn đưa…

“Lời kẻ ra đi”(Tặng Bích Ngọc):
Đường nhân thế định đời ai biết ?
Xuân đến rồi xuân cũng ra đi!
Niềm xa xót nỗi chia ly
Cũng là khúc định những vì sao rơi.

Duyên vừa đủ tình đời chắc nợ (?)
Nhưng mộng lòng có trả đành vay
Em về gom góp đong đầy
Chắt chiu ký ức gởi ngày tóc xanh

Còn đâu đó hiếu lòng con cái
Gói nỗi niềm bạn hữu tiễn đưa
Hành trang tri kỷ thêu thùa
Khung trời Đâu-suất xuân xưa gọi tình…
                                             (05-02-2014)
                                               Thế Nhân

 Lời cuối

Em đưa tiễn người mình yêu qua phố
Bằng xe tang tuyệt vọng lắm tình ơi!
Chở hoa nhạc đem xuân đời dang dỡ
Cùng hành trang hụt hẫng lệ chơi vơi

Sao anh đợi mùa xưa về ly biệt
Lấy khói hương làm bằng chứng yêu em?
Bao nhiêu năm cuộc tình trần ta biết…
Tình vĩnh hằng là tình cuối cho mình!
                                         (07-02-2014)
                                            Thế Nhân

Thứ Ba, 28 tháng 1, 2014

Đời Táo...



Đời Táo…
(Vác bút giang hồ…)


    Tết đến…đôi khi tếu táo một chút sắc màu cho đời nhẹ tênh...!?
   Thường, cứ đến 23 tháng chạp là thiên hạ phải cúng đưa Táo quân về trời. Nhưng, từ trước đến nay, Tui chưa cúng bao giờ, nên cũng hay bị “nhà tui” cằn nhằn:
   - Anh là chủ nhà mà không biết cúng kiến gì hết trơn…
    Lạ thiệt, tự dưng ông chủ phải biến thành thần dân để cầu xin “bếp núc” là seo ta? Với lại…nghe nói gia đình thánh Táo này có “2 ông 1 bà” nên cũng hơi “bất tín nhiệm” tí xíu...chẳng qua là tự ái dùm thân phận "nam nhi chi chí" chồng lớn, chồng bé mà thôi. Mà đó là chưa nói… nàng của Tui(ẹ) cái gì cũng tin thiệt! Nếu kể lại cái sự tích tình duyên Táo nhà mình…lỡ “em iu” (ớn) có cớ bắt chước bà “Táo Idol” đèo bồng, thì xui cho đời trai “một cõi giang san” tung hoành của mình (le lưỡi)
    Thật ra, Tui cũng có ý nghi ngờ tác giả là của “bà mụ”nghịch ngợm nào đó…ghét lão Khổng Tử nên chọt chẹt cho dzui, hoặc cố tình minh chứng dùm cho cái ông Ngọc Hoàng…là vô tư, công bằng, không phân biệt nam nữ. Nên dù nàng (Thổ kỳ) có 2 chồng (Thổ công, thổ địa) mà vẫn đáng iu…à, đáng khen! Nên cũng được phong thần thánh…

   Về tình cảm mà nói…Tui cũng rất thích không gian nghi lễ cổ truyền, tập quán xưa! Vì ít nhất là được phút giây tĩnh tâm, lắng đọng nhìn về cội nguồn quá khứ, thanh thản với sắc màu tâm linh, đầm ấm gần gũi thiên-địa-nhân, hân hoan thêm lòng người, tạo cảm giác công bằng nuôi hy vọng…
   Nên vừa qua…@TN cũng sắm sửa lễ vật đưa tiễn ông Táo! Đang thắp nhan chưa biết khấn điều gì? Bỗng có tiếng la lẻng kẻng như xoong nối hoà âm:
   - Ê, “cha”… @TN kia, keo kiệt vừa thôi chứ? Thắp có 1 cây nhan hả…
   Nghe cũng giật mình, dựng tóc gáy…nhưng bị chạm tự ái vì dám chê mình bủn xỉn, nên nổi khùng làm nên can đảm:
   - Hơ… “cha nội”xí xọn nào đó, thắp nhiều cho ngộp thở à?
   - Vua bếp…ta đây chứ ai?
   Ái chà, ở xó bếp chật hẹp mà cũng có vua?
   - Hello you…ở trần gian văn minh rùi, làm gì có loại chế độ giai cấp thống trị hay vua chúa nữa? Gọi bằng Táo cho dễ thương, gần gũi? À…mà đây là Táo lớn hay Táo bé? Bà Táo vẫn phẻ re…chứ hả?
   - Then-kìu…cái sự thăm hỏi tò mò quá đáng! Hic, bộ nhìn tướng gằm xừ như cột nhà cháy, mà hổng biết lớn, bé a?
   Chời, làm chồng ké mà cũng tự tin gớm!
   - Hơ…có thấy gì đâu? Tui đâu phải “nhà ngoại cảm”…
   Nhưng, suy nghĩ lại…mình cũng vốn là “nhà trừu tượng” nên cũng chẳng khó khăn gì khi phiêu linh vẽ chân dung Táo:
   - A, thấy rùi! Trời…tưởng ông đen thui, ai dè cũng sạch sẽ gúm
   - Ủa, ai nói táo nào cũng đen nhẻm?
   À…thì ra cũng có nhiều loại táo khác nhau: Bếp điện, ga và than củi, rơm rạ …
   - Chà ăn mặc cũng quan cách, oai phong ha?
   - Đồ cúng thiếu gì? Ủa…vậy ra ông đang mượn cái máy “mò mu rùa” của lão tiến sĩ gì gì…đó nên thấy Táo hả?
   Hơ…cũng biết mỉa mai hả “cha nội”? Hỗng lẽ, Táo cũng có xương…(chắc xương cá chép) hay sao mà máy “nhà tiến sĩ” dò thấy được ta? Tui thử nguỵ biện;
   - Nè…Các nhà khoa học chế tạo được máy ra-đa là nhờ nghiên cứu sóng âm của loài dơi. Từ đó, mấy gã “pha” học cũng “nội suy” ra máy “mê tìm xương” giúng cái mũi con chó…Táo hổng tin ha?
   - Đó là chuyện “1001 đêm” xứ sở thích thần kỳ! Cái này, mà báo cáo với Ngọc Hoàng…chắc thiên lôi cho một búa, vì tưởng ta là Táo ma-cô, lăng-xê tin vịt.
   Nói đến đây, Táo cười phừng phựt, khinh khỉnh nghe bắt ghét…Tui cũng dọ dẫm phiêu lưu chốn quan trường:
   - À…năm nay Táo về trời dâng sớ chém đầu ai?
   Táo thở phì phò lúng túng:
   - Hơ…tớ có phải là ngài thánh văn như Chu Văn An đâu mà dám “thất trảm sớ”đòi chém đầu nịnh thần.
   Ủa, hổng lẽ đó chỉ là bữa tiệc hội họp phê bình, hình thức? Nghe xong Tui cũng bực, nổi điên:
   - Vậy thì dâng sớ báo cáo chi cho uổng công? Phí…nhang đèn của “thảo dân” này?
   Nghe tiếng thở dài xì xẹt:  
   - Đời Táo…nó vậy! Hic, làm “vua” gì mà nghèo…đen nhẻm? May lắm, một năm mới nhận bố thí được con cá chép bé tẹo, cưỡi dzìa trời làm chảnh đó “ông chủ” à…
   Tui giả bộ tiếc của, cự nự:
   - Hổng dám bố thí đâu…của hối lộ nhân gian đó ông Táo?
   - Cúng…mà bảo là của hối lộ à?
   Tui cười hì hì:
   - “Hối lộ” cũng có nhiều thuật ngữ nằm trong nhóm từ: Cúng, lì xì, thăm hỏi, quà biếu, có qua có lại…đó “cha nội”!
   Giọng Táo nghe thấm đòn phiêu lãng:
   - Thói quen hay cơ chế miền hạ giới xứ ông ai thèm hiểu? Riêng, Táo tui: Cá chép rẻ rề…mà cầu xin quá trời! Đòi hỏi thần thánh phục vụ quá xá, hic…
   Nghe cái kiểu chắt lưỡi, trề môi chấm biếm, Tui thấy cũng có lý, vội an ủi:
   - Người ta nói đến “Đời thừa”, “sống mòn” (Nam Cao), hay “Đời chị Dậu” (NgôTất Tố), “Đói”của Thạch Lam…mới bi ai đời người. Chứ, Táo là vua bếp…khi cần thò tay bốc, ngửi…thì đói sao được mà bi hận, than vãn dữ…
   Táo thở dài phù du:
   - Làm táo quân cho Ngọc Hoàng là giúp cho nhân gian có chuyện hài vui tết. Rút cuộc Táo này cũng chỉ là tôi tớ, diễn viên văn nghệ thôi hà…
   - Nhưng, không thất nghiệp là may rùi! Làm quan (tôi tớ) thì cũng được Ngọc Hoàng trả lương…
   Táo so sánh lách tách:
   - Mấy ông làm “nhà nước” mấy chục năm…về hưu ngồi chơi lĩnh lương nhờ “thảo dân”đóng thuế. chứ Táo làm gì có hưu? Nghỉ việc…ai cúng?
   - Vậy thì cố gắng mà phấn đấu…sau này ứng cử chức Ngọc Hoàng, làm thượng đế cỡi mây cho phẻ…khỏi cúi lom khom, ôm cổ cá chép cũng sợ té...
   Táo thở phì phò, xì khói:
   - Hừ…cái giai cấp độc quyền thuộc kiểu như trời, có mà mơ hão? Táo chỉ nuốn như @TN nhà ngươi…làm ma nhát thiên hạ! Ngồi chát chít, rong chơi trên mạng ngắm nghía “like” mấy nường (ực) cho đỡ thèm, quên thân phận mách lẻo nhân gian. Hic, mỗi năm hết ba trăm mấy chục ngày chỉ thấy bà Táo với Táo bé tí tởn…chán!
   Ờ…thiệt là quá tội, quá đau khổ lun (hu hu). Tui lấy giọng chua xót niệm kinh phiêu du:  
   - Táo không nghe: Đời-người-cũng-là-bể-khổ ha?
   Táo xua tay phành phạch, rồi bổng nổi khói bụi đời, táo tợn:
   - Kệ pà nó…thà một “chút” huy hoàng rồi chợt tắt, còn hơn buồn le lói suốt đời đời, kiếp kiếp…
  Cũng có lý à nha: Xui kiếp này còn chờ hên kiếp khác! Chứ mà cứ kiếp kiếp an phận đời đời cũng buồn hiu và chẳng có gì mà mơ ước? Tui mần phước giới thiệu để Táo tìm phôi pha:
   - Thấy chương trình “gặp nhau cuối năm” cũng có nói chút sự thật về "công lý" đó chứ…
   - Công Lý là diễn viên hài! Còn đời Táo cũng chỉ là…tếu táo!
 Tui đang lớ ngớ, ngẩn tò te…thì Táo đã sụt sịt, eo xèo tạm biệt:
   - Vậy là ông không biết thiên hạ đặt họ “Tếu”cho Táo rùi? Bai-ơ…nhen “ông chủ” yêu dấu!
   Hic, nghe “iu dấu”muốn nổi da gà? Nếu thật họ tên là “Tếu Táo”…thì cũng có ý nghĩa cho năm mới quá chớ ẹ! (hì hì).

Chủ Nhật, 26 tháng 1, 2014

Bài tình thơ số 3 (Tình mùa đông)



 
Bài tình thơ thứ 3
(Tình mùa đông)

   Ở đây, @TN cũng có ý muốn trao đổi thêm một vài suy nghĩ về thơ ca với bè bạn! Vì cũng có người hỏi về “quan điểm thơ ca của @TN?”. Thật tình, tôi không hề đứng ở vị trí quan điểm thuộc bất kỳ lĩnh vực nào…Dù ai cũng có quan niệm của riêng mình ?!
   Trong 2 bài tình thơ trước…@TN có đề cập đến 2 cái khó của thơ Đường ( khó của “đối” và “luận”) thì sẽ nói thêm một điều nữa, mà ai cũng dễ (đành) mắc lỗi : Trùng thanh(dấu) trong câu ở chữ thứ 2, 7 (Phong yêu) và chữ thứ 4, 7 (Hạc tất), hoặc trùng vận (âm) chữ thứ 4 và 7…
   Thật là khó khi đáp ứng được một bài Đường luật hoàn thiện phải không? Vì rất nhiều quy định “khắc nghiệt” khác nữa mà ta khó mà theo đúng luật. Nên thường người ta chỉ lấy niêm luật và đối xứng từ, ý …là đủ thoả mãn “thanh vận” cho một bài Đường thi.
   @TN cũng đã đọc đâu đó có người so sánh rằng: Ngay cả xứ Trung Quốc kia, mà hàng vạn bài thơ Đường đến nay cũng chẳng có bao nhiêu bài tồn tại. Không bằng một tác phẩm của Ngô Thừa Ân (Tây du ký)?
    Theo thiển ý cá nhân (@TN): Nói như thế…là sợ hơi vội vàng, cực đoan(cười). Vì chẳng ai đi cộng trừ, để rồi so sánh giá trị khi khác nhau về đơn vị tính thưởng thức. Nếu ta không tìm cách “thưởng thức”thơ cổ điển thì sẽ phí hoài, bị hụt khoảng trống lịch sử và khó mà hiểu được lý do sự sáng tạo ra nguyên tắc Đường luật (dùng thi cữ). Ít nhất, nó làm cho ta trở thành một người giàu có (học) chữ nghĩa, kiến thức giao lưu lý luận? Khi ấy! Ta sẽ nhìn thấy được nguyên nhân sự kết cấu nên một giai điệu nghệ thuật thi ca, mà vẫn tồn tại hàng ngàn năm. Hiểu được…thì ta có thể tự tin hơn khi sáng tạo ra “định luật” mới, giọng thơ cho riêng mình. Với lại, cũng đừng quên rằng Ngô Thừa Ân cũng là nhà thơ!?
   Theo tài liệu, thì nước Nhật là nơi đầu tiên Á châu cải cách thơ theo lối tây phương. Quan niệm (phong cách, tình cảm) thơ của họ (Tây phương)…căn bản là tu từ (trừu tượng nghệ thuật, ví von, nhân cách hoá) và thanh vận (âm ngữ, nhạc thi). Nên…ai ngộ nhận đó là “thơ tự do” là sai lầm! Thật ra, nói cho đúng là “tự do” (có ngoặc kép) chỉ so với thơ có nguyên tắc câu cú, vần điệu cho loại luật thơ riêng nào  đó…(giống như ngày nay người ta không còn dùng từ “thơ mới”(1930) nữa)…chứ không phải viết kiểu văn xuôi “xếp hàng” mà gọi là thơ?  Vì đơn giản thơ là sự hữu lý bởi ngôn ngữ văn chương: Có tu từ cảm xúc suy tư, đọc có thanh vận âm tiết, dễ nhớ…cũng như âm nhạc có định luật nốt nhạc và hợp âm. Còn biến tấu giai điệu (thanh vận) chính là sự mở rộng riêng theo cảm quan, tâm tình mỗi người.
   Suy cho cùng, làm thơ hoặc chơi thơ…cho có ý tứ, hay ho (cười) là vui vẻ rồi!?

   Sau đây là bài tình thơ số 3 “Tình mùa đông”…có 8 khổ thơ dưới @TN sử dụng theo giai điệu (thanh vận) tựa như “Hai sắc hoa tigôn” của T.T.K.H:
  
  
Tình mùa đông  


Xa rồi phố nhỏ một mùa đông
Ngõ dốc xôn xao má ửng hồng
Gió lộng vô tình trêu vạt áo
Người về chạnh nhớ níu đời trông
Hoang đàng ta gởi lòng phiêu bạt
Thánh thiện nàng trao giấc mộng lòng
Thuở ấy lao đao tình trót dại
Bây giờ nuối tiếc gọi thinh không
Từ ấy mùa đông trong mắt tôi
Đường xưa ngõ vắng bước chơi vơi
Chờ tim buốt lạnh hoàng hôn xuống
Tìm bóng sao khuya lạc cuối trời…

Người ấy yêu lời ca thánh buồn
Mộng thường lắp lánh bụi hơi sương
Tinh khôi quyện gió tà áo trắng
Gót nhỏ thanh cao phía giáo đường

Đôi má thơm nồng em rất ngoan
Yêu thương giữ vẹn nét đoan trang
Thẹn thùng lúng túng cầu thiên chúa
Tha thứ hồn anh lỡ vội vàng…

Chỉ thế mà thôi chỉ thế thôi…
Đời trôi hai lối nợ hai nơi
Sầu đông năm ấy mùa chưa cạn
Không hẹn chia ly đã mất rồi…

Tôi tưởng tình đời luôn thế mà…
Mặn mà người đẹp sẽ sang sông
Yêu đương lấp lững quên tình nhớ
Hạnh phúc vui duyên phận với chồng

Nhưng có ngờ đâu lời nguyện xưa:  
“Lỡ trời chia cắt mộng em đưa…
Tình ai em mượn lời ru thánh
Tội chứng em mang mãi duyên thừa”.

Trời hỡi! làm sao tôi biết là…
Lời thề như gió tựa sương sa
Mà nay chắt chiu duyên người cũ
Thống hối người ơi! trắng nhạt nhoà…

Dĩ vãng xa rồi chiều gió đông
Đưa người không đón được sang sông
Vĩnh hằng tôi nợ đời dang dỡ
Hụt hẫng tội đồ khóc mùa đông…
                                             
                                           Thế Nhân

P/s: “ Đây chưa hẵn là một chuyện tình. Chẳng qua là mối tình của người con gái sâu xa, nặng thuỷ chung, quá thánh thiện...đã làm tôi có cảm giác hụt hẫng đời vì gieo vào lòng người để rồi vay nợ một mối tình quyến luyến, ngẩn ngơ không trả nổi...Nàng đẹp như trăng sao xa xăm quá! ôm ấp tình yêu của mình lặng lẽ, kiêu hãnh đến thương đau..”. (Có lẽ, nợ tình chỉ trả được bằng thơ…hic!)