Thứ Bảy, 2 tháng 2, 2013

Một mùa xuân lạ...



 Một mùa xuân lạ…


Xuân về hong nắng giữ ngày trôi
Tìm cánh hoa yêu lạc cuối trời…
Cuộn tóc mây chiều thôi thả gió
Phai môi sương sớm vội buông lơi
Tìm quên? Quyến luyến lòng chưa cạn
Gợi nhớ! phôi pha 
phận đầy vơi
Mùa đến tình phai thay sắc áo
Người đi duyên lỡ 
mộng xa vời

Ngày xưa ấy! Một mùa xuân lạ…
Sợi tơ lòng ta buộc bàn chân
Đời buông tay vịn tình trần
Hư hao một thuở bâng khuâng một thời

Thời con gái trời ghen nổi gió
Thổi áo dài trắng dỗi mong manh
Hồn nhiên khoe nắng xuân xanh
Lao đao nỗi nhớ long lanh mắt người

Ngày chẳng hẹn đêm không từ tạ
Ngõ em về dấu ái xôn xao
Tương tư phố đợi ngọt ngào
Đèn đường chứng dám soi trao cuộc tình

Mộng thường đó dòng đời trắc trở
Cuộc tình buồn rẽ lối phân ly
Duyên đành tiễn biệt người đi
Bên đồi dốc mộng tình si ngỡ ngàng

Xuân vẫn thế mai vàng khoe sắc
Dựa chiều phai níu bóng hoàng hôn
Xuân xưa áo lụa mây hờn
Xuân nay lạ lẫm gió buồn lẽ loi…

                                        @thenhan
                                        (02-02-2013)


Thứ Sáu, 1 tháng 2, 2013

Lòng tốt...



Lòng tốt...
 (chuyện “tám”… )

   Hơ hơ…Mùa xuân người ta thích nói chuyện vui, tránh nói chuyện buồn! Thiên hạ chúc nhau may mắn, không lẽ kể chuyện âu lo…

   Còn Tui …chỉ thích đùa chơi! Nhưng khi nói đùa nghiêm túc, thì sợ mất lòng người khác, bày chuyện khôi hài thì tưởng kẻ khinh bạc…còn tưng tửng hài hước khán giả ngỡ mình có tài thâm sâu. Nên đây, chỉ nói chuyện bâng quơ, vu vơ về “Lòng tốt” thui…(nhiều chiện quá!).

  Không phải khoe khoang, chứ…từ khi ngớ ngẩn ra chơi trần gian, Tui đã có lòng tốt theo bản năng rùi…Chẳng hạn, sau khi khóc oe oe thách thức đời, Tui đã vội nhanh chóng tìm vú để…bú (sữa)! Khi biết đi chập chững thì đã biết vòi vĩnh đủ thứ cho riêng mình…và lò dò bước chân vào tiểu học Tui đã thấy tiền là rất ư quan trọng…vì, thực tế ngày nào cũng cần có tiền (!), nó thay mặt con người xử lý, điều nghiêng rất nhiều chuyện về “lòng tốt” (?)

    Rồi lớn một chút tui thấy mình có lòng tốt với…gái (cấm méc), ai yêu Tui cũng nhận lời như là bổn phận (le lưỡi ). Lúc tự lập, nơi nào có quyền lợi thì tui luôn xung phong trần tình lòng tốt, phô trương không dè xẻn…(ha ha).

   Nhưng rồi, một hôm tui vấp phải cục đá cuộc đời! Thấy sao loé sáng mọc giữa ban ngày, thấy "tâm linh" lựợn lờ hiện diện khắp nơi…và nghe thông tin giáo huấn ra rả bổn phận làm người: Phải có lòng tốt với gia đình, xã hội và…thần thánh!

   Lòng tốt cho mình thì không cần ai dạy (bản năng sinh tồn), nhưng đem lòng tốt tặng cho thiên hạ cho đi không lấy lại…quá khó! Nên tui phải hỏi cặn kẻ:

    Hỏi vị Linh mục: - Đó là tính bác ái…
    Hỏi một nhà sư : - Đó là tâm từ bi…
    Hỏi một nhà chính trị: - Đó là lòng trung thành
    Hỏi một nhà giáo dục: - Đó là sự trung thực
   Tui hân hoan vội hỏi:
   - Làm thế nào để có được cái: Tính, Tâm, Lòng và Sựđó?
   Họ im lặng …chỉ có nhà giáo là còn mô phạm rục rịch share:
   - Thì đừng dấu dốt nát…
   - Mần seo khỏi bị dốt…?
   - Phải học cho tốt…à.
   - Làm cách nào để học tốt…D?
   - Phải trung thực…à nghen!

   À! Là phải đi…vòng tròn (tui gật gù). Nhưng, lắc đầu (xuống) theo quán tính vâng lời vậy thôi! chứ tui muốn tới bến lun…có điểm đích, chứ lẩn quẩn cái “vô thuỷ, vô chung” không điểm đầu điểm cuối…đi lòng vòng tui hay bị chóng mặt, tàn cuộc chơi (đời) không biết về đâu…Bởi, tui cũng không muốn xuống địa ngục hay lên thiên đàng…vì nếu có thuyết luân hồi thật! thì chắc chắn Tui có vu hồi thì cũng lọt vào…cõi tình, trả nợ muôn kiếp(hi hi), chắc gì hết nghiệp…(hic).

   Chưa bỏ cuộc, quyết tìm cho ra thế nào là lòng tốt…

   Hỏi nhà kinh doanh: - Uy tín…
   Hỏi người nông dân: - Cần cù…
   Hỏi đàn ông (chồng): - Cao thượng…
   Hỏi đàn bà (vợ): - Chung thuỷ…
   Hỏi trẻ con: - Vâng lời..
   Hỏi người giàu: - Từ thiện…
   Hỏi người nghèo: - Nhẫn nại…

   Đến đây tui phát hiện ra…sự ẩn chứa mục đích các lòng tốt đó phần lớn chỉ có lợi cho chính họ... Mà tui thì muốn biết lòng tốt nào không cần báo đáp lợi lộc, không ơn nghĩa đèo bồng…

  Tui nghĩ, nếu hỏi những ngành nghề khác chắc cũng na ná…nên tìm một nghệ sĩ để có vẽ thăng hoa hơn. Quả thật, anh ta nói về lòng tốt rất siêu thực và hay nhất là anh ta ngân nga:

   - Sống…trong đời sống cần có một tấm lòng…để làm gì em (?) biết không? để gió cuốn đi…
   Tui hỏi ngu ngốc:
   - Lỡ…hổng có gió…
   Anh ta bực mình gắt:
   - Thì ông mở quạt máy …
   Oải…thấy “người của công chúng”nổi nóng, Tui đành lang thang mãi từ nhà ra trường học, đến chùa chiền, nhà thờ, thư viện, phố xá…ghé qua quán nhậu:
   - Xin chào… “Lòng” tốt là như thế nào ông anh?
   - Ực! Lòng…lợn, mới ngon…
   Chậc…nếu vào nhà thương điên…chắc chúng nó bảo mình điên(cũng phải)…
    Lêu lõng, lạc bước đến công viên thì thấy đôi tình nhân đang…chu mỏ hôn nhau, tui quấy rối:
   - Ê…lòng tốt ở đâu hả?
   Không biết vì sợ hãi hay đang…phiêu diêu, cả hai đắm đuối trả lời:
  - Là…dâng hiến ạ…
   Mốc-xì, giả nai…nhưng, cách nói này! Thấy lòng tốt có gì đó hẳn bình đẳng, cũng hay…(thèm!)

   Đi ngoài ánh sáng chắc khó tìm được chân lý, tui lò dò len lõi trong hẻm tối…bổng gặp một tên cướp…trấn lột cả tiền trong túi và điện thoại. Khi đưa hết cho nó, tui vẫn cười hề hề hỏi:

   - Ê …lòng tốt ở đâu? anh bạn…
   Ngạc nhiên một chút, Hắn cười khẹt khẹt (kiểu nguyên thuỷ)…nhét tiền vào túi và đưa lại cái “dế mèn” đã mờ số…
   - Là sự bố thí…theo nhu cầu.
   Khi “Đi một ngày đàng, mà không học được sàng khôn”thì đành quay về với…vợ già (nghe được toi đời):
   - Hi… cưng có lòng tốt không?
   - Có đấy!...khi nào anh không còn nghĩ “Con là nợ, vợ là oan gia” …

   Ghét…tui bắt thang lên hỏi ông trời…tưởng ổng mừng vì có đệ tử “độc nhất vô nhị”, ai dè ổng nhăn nhó:

  - Thôi cha nội…thế gian mà có lòng tốt hết, thì tao bị cô đơn à…ai kêu (Trời ơi!) nữa…

   Mệt, Hết… bin.

Thứ Tư, 30 tháng 1, 2013

Phạm Duy "Còn đó nỗi buồn"....



Phạm Duy “còn đó nỗi buồn”…
(Tư duy cá nhân….thay cho lời đưa tiễn.)

  Đó...là tựa đề của tác giả Tạ Tỵ mà tôi đọc cách đây 38 năm viết về Phạm Duy…Nhưng, nỗi buồn trong cuốn sách Tạ Tỵ chỉ nói về tính cách, cuộc sống và trên con đường hào phóng đến với âm nhạc của ông(!)

   Hôm nay tôi cũng lấy tựa “Phạm Duy còn đó nỗi buồn” để có vài dòng nghiêng cảm nhận của mình về người nhạc sĩ cả đời “mưu cầu hạnh phúc” từ âm nhạc…

   Nhiều người đã nhìn thấy rõ ông là cây đại thụ đồ sộ giữa làng ca nhạc VN…vì ông là một N/s hiếm hoi sáng tác với nhiều thể loại, nhiều phong cách…nhưng tỏ rõ tính cách một Phạm Duy VN không nhầm lẫn…

  Điều quan trọng ông là nhạc sĩ đã đưa nguồn nhạc Việt (dân ca) thênh thang đi vào giữa dòng nhạc thế giới đương đại một cách tự hào, yêu kiều, mạch lạc…Sự tài hoa và tâm thức cũng như khả năng nghiên cứu âm nhạc, đã tự cho phép người nhạc sĩ hiên ngang nầy làm được những điều tạo nên giá trị nhân văn,  ý nghĩa to lớn đó…

   Dù đi bốn phương trời… trong lời ca tiếng nhạc của ông vẫn ngời sáng tâm hồn Việt…Và dù quan điểm chính trị của ông có thế nào đi nữa thì tình yêu quê hương của ông đến với đại chúng cũng đã là rõ ràng, chân lý bất  diệt …(?).

   Nhạc của Phạm Duy trong trẻo cao sang, trầm hùng ngạo nghễ… nhưng giản dị gần gũi dân dã với “bà mẹ quê”: đồng lúa, con trâu, mảnh áo nâu xòng; Những ca từ lã lơi, thăng hoa, đam mê trong tình yêu: “Con đường tình ta đi”, “Nha Trang ngày về”; Những lời ca thân phận nhân sinh, thế cuộc: “Nghìn trùng xa cách”, “thà như giọt mưa”; Những ngôn từ hạnh phúc dễ thương, duyên dáng trong “tuổi ngọc”: Lạy chào mẹ cha…với hình ảnh chiếc áo dài, chiếc xe đạp xinh xinh…và tất cả ca từ đó đều nằm trong trường ca tâm tình “Mẹ Việt Nam” dạt dào.. đã hoá thành Đạo ca, Tình ca “Tôi yêu tiếng nước tôi” rồi!

   Nhưng…nỗi buồn Phạm Duy vẫn còn đó! Còn ngụp lặng, còn hờ hững giữa đôi dòng lịch sử nhiều bạc đãi muộn phiền, dù đã thuộc về quá khứ…Vì trong cả ngàn ca khúc âm nhạc chỉ mới được phổ biến khoảng 100 bài! Một gia tài âm nhạc to lớn vẫn đang rơi vãi, chưa hội ngộ theo nỗi lòng tâm thức về với đất Việt…

Thứ Ba, 29 tháng 1, 2013

Stress...



  Stress…
( Viết để cho qua stress…)
   Các nhà y học giải thích (khái niệm) về bệnh lý như sau:
   “Bệnh stress là bệnh thường gặp về tâm lý, tâm trạng bị sa sút trầm trọng, tư duy và hành động đều có thay đổi…”
   Vậy thì xác định (định nghĩa)về hiện tượng bệnh stress không khó…Vì nó là trạng thái  ức chế tinh thần, gây khủng hoảng thần kinh…dẫn đến trầm cảm hay cuồng loạn được thể hiện ra cách hành xử, lối sống của bệnh nhân...(Cũng có vài tài liệu khảo sát hiện trạng hiện nay (2012) có 40% dân số VN có vấn đề về thần kinh…?)
   Do đâu, nguyên nhân nào gây bệnh stress? Nếu theo chẩn đoán bệnh lý như trên, thì phần nhiều là do tác động từ bên ngoài đưa vào. Hẳn nhiên là do hoàn cảnh, môi trường xã hội và cả bản lĩnh cá nhân hoá giải stress nữa…?
   Có nghĩa bệnh stress không chỉ do cá tính chính mình tạo ra tình trạng căng thẳng, mệt mỏi, suy kiệt…mà còn do tác động bên ngoài xã hội tạo nên từ những cách “văn hoá”hành xử với nhau, từ hiện trạng kinh tế xã hội, chán nản, bất đồng chính kiến…
   Và cuối cùng người bị stress cảm thấy mệt mỏi, mất lòng tin, thiệt thòi, cô độc…
   Nguyên nhân và hiện tượng?
   Khảo sát hoàn cảnh lịch sử…cho thấy xã hội chúng ta đã thay đổi quá nhanh về môi trường sống và nhịp sống…
   Vì với thời gian khoảng 50 năm ngắn ngủi…mà chúng ta đã  sống với 2 nền chính trị khác nhau với 3 chế độ (cơ chế) kinh tế xã hội thay đổi, chỉ cách nhau trong vòng 10-15 năm… Và như định mệnh thí nghiệm, ta vẫn phải bước qua 4 giai đoạn không hề có qui trình được thông báo trước: Chế độ tự do kiếm sống theo năng lực (miền nam trước 1975), Chế độ bao cấp phân phát (1975-1985), Chế độ “tự thu tự chi” (1986-2000) và Chế độ thị trường “kiểm soát” (2000-2012). Và mỗi lần chuyển đổi “cơ cấu” như thế “Cờ đến tay ai người nấy phất”…khiến cho nhiều người dễ rơi rớt, hụt hẫng hoặc phải mất nhiều thời gian để xoay chuyển, làm lại từ đầu…mọi người như con rối may rủi giữa cuộc sống chưa thể ổn định, pha trộn giữa nền kinh tế hỗn mang đầy cạm bẫy…
  Ai cũng biết! Đời sống con người: Hạnh phúc xã hội, gia đình, cá nhân… phần lớn đều phụ thuộc vào chế độ (cơ chế kinh tế) xã hội. Do đó…khi mà chúng ta chấp nhận một sự việc không thông qua quá trình đào tạo, tiếp cận để thích nghi, thì sẽ gây ra nhiều lầm lỗi. Giống như một hệ thống kỹ thuật mới với nền công nghiệp hoá đột ngột, thì bao giờ cũng bị đi đôi với cả 2 kết quả chấp vá: Thành công lẫn thất bại trả giá…
   Thật ra…nhận thức, năng lực và thói quen con người thường không dễ dàng học hỏi và có đủ phong cách sống phù hợp như người ta xuề xoà, đơn giản nghĩ. Sự khác nhau giữa cuộc sống “cơn lốc” hiện thực và tư tưởng “ù lì”qui trình…cũng đã là hội chứng “xung khắc”công việc, giữa người với người và chính cả trong mỗi một con người.
  Rất khó mà thích ứng kịp đời sống tâm tư, việc làm bởi một thời gian quá ngắn, trong một đời người với những đổi thay dang dỡ…Và cơ hội bình đẳng khó đến với người chỉ dùng kinh nghiệm và lòng kiên nhẫn…thay vào đó là dành cho những kẻ cơ hội, có lối sống “trúng mánh”, may rủi…Trong khi đó, lệ thuộc tính nguyên tắc nghề nghiệp ta vẫn kẹt lại ở thì quá khứ triết lý, thói quen lý tưởng chưa bứt ra được…
   Hiện trạng kinh tế-chính trị cũng chính là sự thể hiện văn hoá, hành động tự nó lộ rõ ra quan điểm sống, tư duy stress: Sự níu kéo quyền lợi khiến người ta lỳ lợm. Sự thiếu thốn khiến người ta tranh thủ chụp giựt. Sự vội vàng do hoàn cảnh làm lòng người hời hợt. Sự rãnh rỗi dư tiền hay thất nghiệp luôn hình thành thói ngông nghênh hoặc liều lĩnh. Sự bận rộn, lo lắng, bức xúc…điều khiển cung cách trở nên cực đoan, cáu gắt, chửi rủa...Và cuối cùng là người ta đành bỏ lòng tự trọng để sống kiểu bon chen, hơn thua không khoan nhượng (?).
   Bệnh stress không hề bị lây nhiễm…mà chính là hiện tượng phản ứng dây chuyền dội ngược bực bội, bế tắc từ những nhu cầu, mong ước đời thường:  Do phi lý, thiếu logic cuộc sống có liên quan đến xã hội, gia đình, học đường, nghề nghiệp…từ hệ quả mất bình đẳng, thiếu cơ hội, lối thoát.
   - Bệnh stress đến từ khi lòng người mất niềm tin, trong khi đó người khác vẫn nói điều nguỵ biện…
   - Bệnh stress tạo nên hành động hoặc bị đối xử: Ăn nói lỗ mảng, cư xử thô thiển, chen lấn đường phố, quyền lực phi pháp, nghề nghiệp chèn ép…
   - Bệnh stress cũng dành cho người quá tham lam: Ham làm, ham học, ham danh vọng…một cách ỷ lại, ích kỷ, thiếu khoa học, thiếu tự chủ…
   - Bệnh stress cũng lẫn quẩn ở với những người thậm nhu nhược, đớn hèn…viện dẫn chữ “nhẫn”, chữ “tâm” như câu kinh siêu thoát…
    - Bệnh stress cũng chẳng tha thứ cho kẻ tự phụ là người đầy đủ, thông minh, thành đạt…khi xung quanh nhiều người thiếu thốn, bất hạnh, đói nghèo…
    - Bệnh stress thường ghé thăm những người kém bản lĩnh, ít nhận thức thực tế và đua đòi cách sống hình thức, giả tạm…
   Khi biết được điều này! chúng ta đã hoá giải stress rồi…
   Nhưng, nếu chỉ nghĩ đến nguyên nhân? Thì ta khó thoát khỏi stress…

Thứ Hai, 28 tháng 1, 2013

Bản lĩnh...



Bản lĩnh và  sự rèn luyện…
( Chỉ là ý tưởng…)

    Theo tôi nghĩ: Bản lĩnh của một người chính là nhờ nhận thức một cách đúng đắn khả năng của mình… là sự tự tin đúng mực, không phô trương, tôn trọng sự thật…nhờ kiên nhẫn, sức chịu đựng. Và con người đã đi tìm bản lĩnh như thế nào?
   -   Có những qui luật trình tự diễn biến như một định chế trong một cá tính hay thành quả về con người và sự việc…Đó là hệ quả hết sức thuyết phục từ trong ca dao, tục ngữ, thành ngữ, ngụ ngôn, châm ngôn, danh ngôn…Nhưng đó mới chỉ là kiến thức sơ đẳng về kinh nghiệm của con người.
   - Tìm hiểu những quan điểm của các học thuyết cơ bản khoa học và tôn giáo về nhân sinh quan vũ trụ - con người, tâm lý xã hội, lịch sử văn học nghệ thuật và những kiến thức khoa học thực nghiệm liên quan đến toán học, vật lý, hoá học…là tích luỹ kiến thức tổng hợp.
   - Luyện tập và thực hành kỹ thuật thực dụng để tạo nên thói quen có kỹ năng tự nhiên về tất cả những gì mà ta phải đối diện với đời sống thật ở ngày mai luôn sảy ra trong cuộc đời nhiều tai ương, cạnh tranh…để có cơ hội tồn tại bằng năng lực.
   -  Ngoài công thức phản ứng nhanh đã được sắp đặt để xử lý theo tình thế của mỗi tình huống công việc, nghề nghiệp , đời sống…thì cũng phải biết quan sát, sử dụng “phương pháp luận” sự việc (phân tích dữ kiện) để tìm sự thật cơ bản (hình thức hoặc ẩn dấu) hợp lý những điều chưa biết…thì mới tạo phát triển tiềm năng của trí tuệ.
    Đi tìm bản lĩnh hoặc luyện tập bản lĩnh…Ngoài hiểu biết về bản chất cuộc sống, sự đời…thì điều quan trọng phải hiểu được chính mình và phải chiến thắng được cái Tôi :Tự cao, tự kỷ, tư ái…để khắc phục khuyết điểm của con người ai cũng có.
   Có bản lĩnh là biết chiến thắng và cũng biết từ bỏ…đều là sự thành công. Vì một người bản lĩnh có hai đức tính tự tin và khiêm tốn trong mọi hoàn cảnh và đối tượng trong cuộc sống…
   Cái Hạnh là nền tảng của bản lĩnh, cái Đức để nuôi dưỡng và Kiến thức để giữ trí tuệ và năng lực cho thực lực liên  tục của bản lĩnh…
   Nhưng hãy nhớ, một đời người chỉ có ba đoạn đường thời gian cho rèn luyện bản lĩnh phù hợp tố chất con người: Thói quen thực hành năng lực, phân tích, tích luỹ kiến thức thời tuổi trẻ. Kinh nghiệm sáng tao thời trung niên và bình tâm thanh thản ở tuổi già…đó là quan điểm bản lĩnh làm người thảnh thơi…
   Còn quan điểm bản lĩnh nghề nghiệp là quan điểm chuyên môn hoá. Sự thành công hay thất bại vẫn phụ thuộc vào yếu tố khách quan, đôi khi phải bỏ quên chính mình. Vì vậy đây không phải là bản lĩnh…mà là đua ganh theo giòng sống, lý tưởng hoá…(nhờ tham vọng)
   Chẳng hạn giúp một ai đó, thì đừng nghĩ đến sự trả ơn…thành công một điều gì đó!thì cảm ơn đời. Gặp sự ai oán thì hãy xem đây là điều vụng dại. Đó mới thực sự là bản lĩnh sống ở đời...
    Con người cần tự xây dựng bản lĩnh, để nhận thức số phận con người, định mệnh nhân sinh và để biết tìm kiếm hạnh phúc trong cuộc đời thực của chính mình trong mọi hoàn cảnh và không đem đến tai hoạ cho người khác.
   Có nhiều người đi tìm hạnh phúc bằng sự hồn nhiên trong tâm hồn…cho dẫu đời có nhiều gian khó, ngược đãi. Điều này cần phải có bản lĩnh thật sự…

Chủ Nhật, 27 tháng 1, 2013

Trí khôn loài người...?



Trí khôn loài người…?
  (thật như …đùa)
  Có người hỏi tôi “Thông minh và khôn ngoan khác nhau thế nào?”…
   Thật ra, xét về mặt ngôn ngữ dùng cho ý tứ? Thì khác nhau xa lắc...(theo ý tôi):
   - Thông minh là từ để biểu diễn khả năng “nhìn thấy” cả những điều bị che chắn, khuất lấp và suy luận được cả những điều chưa từng trãi nghiệm…
   - Khôn ngoan…thường là lời khen cho những người nhanh trí thực dụng trong cách cư xử và làm việc. Vì vậy từ “Khôn” cũng bị ghép nhiều hiện trạng tính cách: Khôn lanh, khôn lõi, khôn vặt, khôn…v…v…
   Nói chung nghe nói trí khôn con người thì nhiều kiểu mô phạm, diễn giải vô cùng....mời các bạn đọc thử nhe:
   Ha..ha…chúng ta, ai cũng từng đọc và biết nhiều những câu: Danh ngôn, ca dao , tục ngữ hay những câu truyện ngụ ngôn, cổ tích…Trong số đó, có nhiều người bắt gặp được những tư tưởng, quan điểm đúng theo ý của mình...thì đều cho là hay và đúng cả…(Hic..) Nhưng …hãy bình tĩnh nghe những câu chuyện sau đây:
   Câu chuyện thứ nhất:  “Trí khôn của loài người”. Đây là chuyện trong truyện cổ tích việt nam ,tôi đã ngạc nhiên đọc được cách đây 10 năm, vì thấy tựa đề hơi…tự phụ.
    Truyện kể: Ngày xửa, ngày xưa…Có một con Hổ (Cọp) chúa sơn lâm nghe nói về trí khôn loài người nên muốn xem cho biết. Hổ đến đến gặp một nông dân và doạ nếu không lấy trí khôn ra xem “…thì sẽ bị ăn thịt”…Người nông dân bình tỉnh bảo: “Nếu muốn xem trí khôn…”thì  phải chịu trói lại, nếu không sợ bị…đánh cắp”. Nó đồng ý…nhưng khi buộc Hổ vào cây xong, chúa sơn lâm đã bị con người chất củi đốt chết và  tự hào bảo rằng: “Đây, trí thông minh của loài người đây!..”  
   Câu chuyện thứ hai:  Đây là, thông tin trên một tờ báo tôi đọc được (lâu rồi). Một câu chuyện  có thật(?)...hơi nghịch lý:
   Chuyện tường thuật từ đầu thế kỷ trước: Tại châu âu có một nhạc sĩ nổi tiếng chơi đàn piano rất điêu luyện mà mọi người ai cũng biết tên và ngưỡng mộ. Một hôm, ông đến Paris thủ đô nước Pháp tổ chức một đêm hoà nhạc đặc biệt. Và tất nhiên, đêm đó không những các thành phần quí tộc mà cả các quan chức hàng đầu thành phố cũng đến tham dự, chật cả trung tâm hội trường nhà hát lớn, được mệnh danh là thủ đô của ánh sáng
   Trên sân khấu lớn, không có nhac công nào cả, chỉ có nhac sĩ và cây đàn piano…Sau khi trân trọng chào khán thính giả xong, ông ngồi xuống và bắt đầu chơi đàn…Nhưng bật diệu thủ đó, ra vẻ chơi đàn…không có âm thanh, hội trường im phăng phắc…
   Sau  hai giờ đồng hồ biểu diễn…khán giả kiên nhẫn lắng nghe trong im lặng(?). Nguời  nhạc sĩ đứng dậy cúi đầu chào, để báo hiệu đêm hoà nhạc đã kết thúc. Sau vài giây im lặng…một người nào đó vỗ tay….rồi vài người…rồi tiếng vỗ tay “ầm” lên tán thưởng cả hội trường.
   Sáng hôm sau, trên một tờ báo lớn…trên trang chính, có một tít chữ lớn : “Bây giờ, tôi mới biết! cái ngu của loài người là…vô tận..”    
   Câu chuyện thứ ba: Dưới đây, là truyện ngụ ngôn ở phương tây của ai đó, Nó có vẻ minh triết:
   Đại khái là: Có một con Nhím thấy một bàn chải nằm ngữa, tưởng là đồng loại, vội đến nằm gần…nhưng sau đó, nhận ra không phải…tẻn tò bỏ đi, vừa lẩm bẩm: “Mình là loài vật mà còn bị nhầm nữa là…con người!”   
  Có lẽ:
   Câu chuyện thứ nhất: Chắc không phải chuyện cổ tích Việt Nam đâu…Vì, hồi còn bé.  Mẹ tôi hay kể chuyện cổ tích , cũng là câu chuyện như vậy nhưng nhằm để giải thích nguyên nhân các vết lằn đen trên lưng con Cọp (Hổ). Và khi người nông dân đốt lửa cháy đứt dây, Cọp hoảng hốt bỏ chạy...và nguyên nhân vết cháy lưng cọp vẫn còn in hằn cho đến ngày nay…(chứ làm gì con người chơi hèn...độc ác vậy?). Chuyện Tấm Cám hay một số chuyện cổ tích ngày nay cũng bị thay đổi thành “thói trả thù tàn nhẫn phi nhân nghĩa” rồi…(buồn).
   Câu chuyện thứ hai: Hi…Nghệ thuật gì? Đã gọi âm nhạc mà không có âm thanh…(Chắc khán giả khiếm thính…)
   Câu chuyện thứ ba:  Hê hê…Có lẽ, đây là anh chàng nhím nào đó…(Bé cái nhầm…)