Thứ Hai, 4 tháng 12, 2017

Nghệ thuật chữ viết...

Nghệ thuật chữ viết
(câu chuyện chữ nghĩa…)



  Cũng như ngôn ngữ…chữ viết được hình thành cho nhu cầu liên lạc, giao tiếp trở thành quy ước. Nó thường phụ thuộc lịch sử, hoàn cảnh phát triển xã hội và theo điều kiện thói quen, cảm xúc của mỗi dân tộc…

   Đến nay, trên thế giới mặc dù rất nhiều ngôn ngữ, nhưng người ta thấy chủ yếu hình thành thông dụng bốn loại chữ viết dựa theo ý tưởng: Tượng hình, tượng ý, tượng thanh hoặc ký hiệu ước lệ âm ngữ…và mỗi loại chữ viết điều có giá trị nghệ thuật riêng. Vì thế, có thể khẳng định rằng: Sự hình thành các chữ viết thuộc lĩnh vực xã hội nhân văn, kỹ thuật sáng tạo của con người…

   Khoa học xã hội (khảo cứu) khác với khoa học tự nhiên (nghiên cứu)? Quá trình hình thành chữ viết cần trần trãi qua thời gian lịch sử lâu dài, vì phải dựa vào ngôn ngữ đại chúng đa dạng (phương ngữ, vùng miền phát âm khác nhau) rồi mới định hình, biên soạn theo hiện thực quy ước (thống nhất) và tính hợp lý (phổ quát). Vì vậy, có thể nói chữ viết là một công trình nghệ thuật thuộc về nhân loại, không ai dám lấy tư cách cá nhân hay một thế hệ, thời đại mà vội vàng khởi xướng là đã “phát minh” ra nguyên lý hoàn thiện...

   Từ lâu, người ta vốn đã nhận ra bất kỳ một công trình nhân văn (âm nhạc, hội họa, thơ ca văn chương…) đều có những quy trình, nguyên tắc và xu hướng luật định của nó! Những sáng tạo nghệ thuật cải tiến, cải biên, cải cách hay đổi mới thường là thuật ngữ dùng cho quan điểm riêng, sáng tạo sở thích nhất thời…nếu không thông qua thực tế phổ biến, bất chấp dữ kiện, định hình lâu dài thì sẽ tạo ra những lỗ hổng tùy tiện, chấp vá. Văn hóa con người tuy đơn giản và hay thay đổi lập trường? Nhưng, không có nghĩa là trò chơi chữ dùng để thí nghiệm(!)

   Theo tài liệu thì chữ quốc ngữ (tiếng Việt) có “thai nghén” từ 300 năm trước…Dù là ý tưởng đầu tiên của người ngoại quốc nhằm tìm hiểu văn hóa ngôn ngữ Việt! Nhưng, phải trãi qua hơn 200 năm kế tục từ trong tâm tình người Việt nghiên cứu học thuật, sáng tạo kỹ thuật quy luật âm tiết, thỏa mãn ngôn ngữ đại chúng, mới được định hình phổ cập khoảng 100 năm nay! Và, vì tránh nhầm lẫn cách phát âm hạn chế, sai lệch khác nhau của các vùng miền, nên chữ quốc ngữ đã có tiêu chuẩn thống nhất hệ “chính tả” văn bản viết…

   Tất nhiên, mọi sáng chế không phải bao giờ cũng hoàn thiện (văn hóa nhân gian) Thế nên, cũng có vài người vin vào quan điểm “sáng tạo” tìm cách cải tiến bằng cách mở rộng hay viết tắt (thêm hoặc thay bằng f, z, w, j...), đồng hóa hay lược bớt (i= y), hoặc các kí âm, thanh âm bằng chữ kết hợp, thay thế như cách sử dụng bảng mã Morse cho công dụng truyền tin, đánh điện tín. Thực tế, từ rất lâu trong nhu cầu công việc, những người viết “tốc ký” (ghi chép) cũng thường có lối viết tắt “sáng tạo” đa dạng, độc đáo rồi! Nhưng, đó chỉ là phụ giúp công việc tác nghiệp, thói quen, sở thích văn phạm sở hữu cá nhân…

   Ngày nay, khoa học công nghệ thông tin hiện đại đã phát triển nhanh hơn hiện trạng tư duy thời quá khứ, thế giới hòa nhập cộng hưởng văn hóa, người ta không nhất thiết phải phiên âm như trước nữa(!) Vì thế, khi cải tiến sang “hệ” mới có thể gây rườm rà, rối ren, xáo trộn…khiến ngôn ngữ đồng hóa tùy tiện, sai lệch phát âm khi ghép vần (nguyên âm lẫn phụ âm) dễ nhầm lẫn khi đọc nhanh, hoặc thiếu cảm xúc quán tính tượng hình ngôn ngữ ước lệ quen thuộc…

   Thực tế, chữ quốc ngữ (tiếng Việt) ngày nay cũng đã giao tiếp thế giới, nhiều quốc gia phương tây ít nhất đã thừa nhận học thuật và lưu trữ tài liệu. Xét về nghệ thuật chữ nghĩa…dù sử dụng chữ Latin, nhưng chữ Việt đã thuần hóa thêm các phụ âm kép (Tr, ch, nh, gh, ngh…) để mở rộng phân biệt ngữ nghĩa phát âm, và ngữ điệu sáng tạo kí âm (â, ă, ê, ơ…) cùng các dấu thanh điệu (sắc, huyền, hỏi, ngã, nặng) khiến nó dường như thể hiện tượng hình “tiết tấu” đúng với đa dạng âm ngữ người Việt…cũng có thể vì những cảm xúc kí hiệu đặc biệt đó nhiều người không muốn “cải tiến” theo xu hướng đồng âm hóa chữ Latin…

   Mục đích chữ nghĩa chỉ là sự qui ước thay cho ngôn ngữ muốn nói! Tuy vậy, trong chiều dài phát triển trừu tượng tâm tư chữ viết quen thuộc đã trở thành nghệ thuật biểu cảm, ý tứ diễn đạt ý nghĩa văn chương, văn bản qui phạm, triết lý phân tích thuận lợi, hệ thống chính xác hơn “văn bản nói”…Điều này: Các nhà văn, nhà thơ, bút họa, nghề nghiệp sử dụng văn tự và các đọc giả (đại chúng) từng yêu mến chữ nghĩa cảm nhận sâu sắc hơn rất nhiều (!)

  Sự “đổi mới” hay “cải cách” thêm bớt…khi mà chính nó (chữ viết) chẳng cần nhu cầu thay đổi, khi đã thông qua thênh thang một trăm năm thịnh hành, thì sợ đó chỉ là “sáng tạo” rãnh rỗi vô nghĩa? Sẽ khó mà thay đổi đẹp đẽ hơn “mẹ đẻ” bằng “dì ghẻ” có khuôn mặt lạ hoắc…trừ khi (nghi vấn) ai đó muốn vọng tưởng ngỡ thời đại đang bị nhiễu nhương, hoặc có tư tưởng thích phủ nhận lịch sử tự nhiên…

Thứ Hai, 25 tháng 9, 2017

"Nhà" tôi...

    Có anh bạn trẻ hỏi tôi về kinh nghiệm cuộc sống hôn nhân?
    Thành thật mà nói: Chẳng ai dám khuyên bạn điều gì? Vì, nó thuộc về quan niệm (số phận) hạnh phúc đâu đó từ tình yêu, điều kiện, hoàn cảnh của mỗi người, mỗi gia đình …
  Nhưng, Tôi rất thích về câu hỏi có tình ý “níu kéo”hạnh phúc của bạn! Hơn là tự buông thả, lạnh lùng hoặc hoang mang ra tòa ly dị. Nếu thế! Có thể chúng ta sẽ bước tiếp lại lối mòn cũ với người mới…
  Con người luôn có sự khác biệt nhu cầu tự nhiên (nam nữ), không hợp nhau (quan niệm sống)…đó là chưa nói hoàn cảnh xã hội chúng ta vẫn còn khá nhiều khoảng cách kiến thức, thói quen văn hóa, tôn giáo và cả những “chủ thuyết”chính trị len lõi vào trong gia đình gây cuộc“nội chiến” (?)
   Tuy nhiên,tôi nghĩ: Mối quan hệ vơ chồng thực sự phần nhiều thường phụ thuộc vào tâm sinh lý giới tính và chia xẻ trách nhiệm…Vì, sự đời (cuộc sống) có thể run rủi không như ý muốn. Nhưng, nếu chúng ta biết cách thông cảm nhìn qua lăng kính hài hước, biết đâu sẽ tìm ra lẽ phải hồn nhiên…
  Vì không biết nói gì! Nên đăng bài “Nhà tôi” (viết đã lâu). Nếu có thể, hãy đọc cho qua cơn phiền toái, bực bội (cười)...

    Nhà tôi…


Trời ơi…
    Nhan sắc có khi đẹp sáng lòa, khi thi xấu đui. Tính tình lúc hiền hòa, lúc quạu cọ thấy ớn! Nhà cửa lúc tinh tươm, lúc bừa bãi xả rác thấy ẹ!. Vậy mà, không hiểu tại sao? mấy thằng bạn kể chuyện về “nhà tôi” của chúng nó bao giờ cũng tàn là ngoan và tốt đẹp cả…
   Chẳng hạn, có thằng kia…lúc đột ngột đến nhà nó, thì thấy hắn chổng mông hì hục lau sàn nhà. Thấy mình, hắn đưa tay lên quệt mồ hôi vừa nói, vừa cười như mếu:
   - Ủa… “Cậu” không tranh thủ tập thể dục các ngày nghỉ à?
   Hừm, nó làm như người ta chỉ tập thể dục vào ngày chủ nhật vậy! Ghét, sock cho một câu:
   - Ủa, seo hổng tập hai người cho dzui dzẻ?
   - “Chỉ” mới làm xong, mình ráng thêm một chút xíu, đợi tí...
 Hic, công nhận là hắn lau nhà thiện nghệ thật. Cái này gọi là “anh hùng sợ mỹ nhân” thui

   Nhưng, Tui biết quá khứ đôi uyên ương này rất rõ…Ngày trước, có một nàng to con đậm đà duyên dáng, bị thằng “bé con”(lời của người hắn iu) mỗi khi chiều tan sở làm, cứ lẽo đẽo theo sau về đến tận nhà. Bị la mắng miết (à!) mà cái “thèng” vẫn lì thấy ghét thí mồ cố…

    Nhưng, duyên trời run rủi (cơ hội) ông trời đổ một trận mưa lớn “nó” ướt như “chuột lột”. Nàng thương vẻ…ngây thơ của “hắn”, cho vào nhà trú mưa. Và không hỉu nàng “người lớn” ngu ngơ, thờ ơ thế nào để bị đứa “bé con” chôm mất trái tim vàng. Chưa hết! “nó” còn vòi vĩnh cướp…nhiều thứ khác. Vì thương hại (theo hắn nói) nên hân hoan lên xe bông về chăm sóc hắn...

   Tui biết! hắn thường hay bị dạy dỗ (le lưỡi) và sai vặt…nhưng công bằng mà nói là: Được thương yêu, chìu chuộng hết mức từ: Ăn ngủ, áo quần tinh tươm nhất trong bọn, công ty không ai bằng “Kẻ diễm phúc” (hắn khoe vậy)!

   Thui cho rùi! Sợ “Chỉ” của hắn phiền lòng, nên tạm biệt hẹn tối gặp lại…Vội đến nhà thằng khác rủ đi uống cà phê sáng “chủ nhật tươi hồng” cho có bạn. Mới định gõ cửa..thì “R..ầ.. m” may mà kịp né…
   Đang ngac nhiên, thì “Em” của nó nhận ra mình vội cười gượng…méo mó, gật đầu chào, rồi lạnh lùng gọi “ổng” ra gặp mình. Kỳ thiệt? mọi hôm đon đả lắm mừ
   - Hê…mới ngủ dậy hả ?
   - Đâu có, từ…ba giờ sáng lận…
   - Ủa, chi dzậy?
   - À!... ừ, mới dậy…
   Thấy hắn thiếu ngủ mắt tèm nhem, lúng túng…tội quá! Chắc là cần thời gian năn nỉ, làm lành gì đó nên cho hắn out:
   - Tối  rảnh, uống cà fé nha…
   Nói xong, lớn tiếng chào từ giã quay ra…chả nghe “tên” nào hú hé một tiếng như mọi khi. Ủa, “Em” của nó lúc này sao hay nhăn nhó, già hom hem dữ ta? (chậc)

   Cặp này! Nghe “nhân gian” trong công ty kể lại cũng nhiều huyền thoại “hình sự” lém! Ngày đó em “yêu dấu” của hắn mới vào học cấp ba, lớp mười thui hà! Mặc dầu, chỉ có năng khiếu văn chương, ca hát, chẳng giỏi toán…nhưng lại dám xung phong kèm “bé yêu” học. Vậy mà (hic) phụ huynh học sinh (gia đình) cảm ơn rối rít…đâu biết, hành tội cả lũ, khiến tụi này phiền phức bị nhờ vả giải toán hộ,. Đã thế, qua nhà người ta bằng lối leo rào (may mà không có chó)!

   Đến ngày tốt nghiệp “em iu” không chịu đi thi vào đại học, bắt hắn phải đến đại nạp…Xong, cột chân “anh iu” để hờn giận, nhõng nhẽo suốt mấy năm, kèm theo hai đứa con gái cũng mè nheo giống mẹ (le lưỡi).

   Thỉnh thoảng, muốn thoát thân ham dzui, nhờ bạn bè nói dối hộ “làm việc ngoài giờ”! Nhưng, giúp sáp nhập với nhau thì được, chứ giúp chia đàn xẻ nghé thì…láng cháng “em yêu” của hắn thừa tính trẻ con đến trước cổng cơ quan, công ty nằm ăn vạ  như chơi trò “năm mười” trốn tìm thì chỉ có chít…
   Vậy mà vợ “trẻ con”là điều tự hào của nó mới khổ chứ! Hình như ngày nào nó cũng so sánh với mấy người đẹp trong công ty, làm cho họ phát cáu vì ngỡ bị chê già…nhưng dần dà cùng làm việc, quen tính nhau người ta thông cảm “trẻ ranh” nên không giận, xếp vào loại: Kẻ đam mê xem phim hoạt hình…  

   Thôi! ghé lại thằng thứ ba đây, xem thử. “Nàng” của nó xinh đẹp, nghe nói cũng ngoan lém! chắc chẳng có sự cố gì? Cửa mở sẵn, bước vô nhìn thấy người phụ nữ, vội gật đầu chào! Hắn bước lẹ tới bắt tay khách, bởi nó có thói quen lịch sự, kiểu cách ăng-lê…
   - Ê… “hai”, “gút-mo-nìn”…
   - Chào!...Bữa nay, mới thuê người ở…lau dọn nhà cửa hả?
   Hắn lắc đầu, ngạc nhiên:
   - Đâu có…đâu?
   - Mới thấy thấp thoáng đó mà…
   Tui nghiêng người nhìn xuống hành lang nhà bếp, hất cằm dò hỏi…
   Hắn vội liếc thấy, lấy tay kéo vai tui ngọng nghịu:
   - Thôi, “cha nội”! “Bả” đó…
   - Bà nào? “Nàng” của ông đâu rùi…?
   Vừa nói tới đó! Thì “bả” ở dưới bước lên, tóc tai rối bời, áo quần buông thả, nhăn nhúm sốc xếch…
   - Anh đến rồi hả? Ngồi đợi xíu! Em pha café cho…Uống chi ngoài quán cho tốn kém…
   Trời!...nếu không nghe giọng điệu đà, ngọt ngào quen thuộc “Nàng”xinh đẹp của hắn, chắc Tui cũng hổng nhận ra nủi.
   - Ồ...ra ngoài uống cho thoáng…
   Mới nói tới đó thằng bạn nháy mắt lắc đầu, xua tay lia lịa…hiểu ý, tôi đổi sở thích của mình qua 180 độ:
   - Ờ! nhưng uống ở nhà…hạnh phúc hơn nhìu…(ặc!)
   Hic…ra đời chẳng sợ ai. Vậy, mà sợ mất lòng vợ bạn…
   Ngồi một lát chẳng thấy gì…hắn chạy xuống nhà lục đục, leng keng một lát, lóng ngóng bưng hai ly café lên cười hề hề tạ lỗi, phân trần:
   - Thông cảm, nàng đang “méc-cắp”dung nhan…
   Ngồi uống café ở nhà, chả hay ho gì cả: Không nhạc, không có nụ cười chào hỏi người quen và nhất là không được ngắm những “bông hồng” xa lạ để thèm…(chít pà).

   Ở đây, hai thằng chỉ hỏi thăm chuyện nhà, chuyện cửa…đâu nói được chuyện công việc cơ quan, công ty hay bí mật riêng tư, kể cả chuyện so sánh “lãng mạn”. Sợ “Bả” nghe thấy thì…xui xẻo cho hắn!
   Hai thằng đang quờ quạng nói chuyện chẳng hấp dẫn, vô duyên đến cả tiếng đồng hồ, thì mới thấy “Nàng” của hắn lộng lẫy bước ra…thiệt là: Đẹp “ác liệt”. Thấy vậy, mới hỉu được dung nhan của các  ca sĩ, diễn viên, người mẫu khi không trang điểm…xấu cỡ nào.

   Tui đoán là thằng này! (bạn tui) ban ngày ra đường dạo chơi phố thị với ‘nàng” rất hãnh diện, hạnh phúc. Còn đêm ngủ thẳng giấc thì thôi…tỉnh giấc, quay qua thấy “bả” chắc…bị ác mộng.(trời…ma)
   Câu chuyện bây giờ có vẻ vui hơn…vì tui có tật hay tự hào là: Bạn mình có vợ đẹp…(he he). Nhưng cũng đành miễn cưỡng chào tạm biệt…Vì khi có ngày nghỉ, là vợ chồng hắn cùng nhau bát phố…đến nỗi công an bắt tội phạm cũng không thèm nhìn…(hứ!). Để cho lũ con nít ở nhà tập sự hì hục nấu cơm, chờ Ba nó khoe Mẹ nó! cho người ta thấy mấy chỗ nổi cộm…xong rồi mới đem dzìa ăn cơm.

   Mỗi nhà mỗi cảnh (made in) mỗi kiểu (style), mỗi sở thích (like)…Giao lưu bên ngoài, thằng nào cũng tìm điểm nổi trội của “nhà tôi” để khoe khoang. Nhưng, bạn thân với nhau thỉnh thoảng cũng thấy chúng nó chạy vạy mặt méo sệt, lo âu toát mồ hôi trán dẫu trời có lạnh…
   Có lúc, bất mãn “nhà nó” gì đó? Chúng nó khen tui thảnh thơi, vợ đệp như “hoa khôi”, tuổi tác phù hợp tâm sinh lý, ít nói. Những lúc như vậy, tui đứng dậy hào hứng cụng ly(café) cộp cộp nhận lời chúc mừng…mà nén “than ôi” vào lòng (hic).

   Chả hỉu…Tui mê  “Nàng” hay mê tiểu thuyết quí tộc xứ châu âu từ thế kỷ trước, mà hí hửng rước một tiểu thư về nhà. Cơm không biết nấu: Lúc sống nhăn, lúc khê òm, canh mặn đắng, cá nhạt phèo…may mà còn biết nấu chè bỏ đường, chứ mà bỏ bột ngọt (?) chỉ có nước hỏng bao tử…

   Đã vậy, còn có tính lãng du: Đứng uống nước chỗ nào bỏ ly ở đấy, làm người hầu (tui) phải dọn muốn khùng. Khi nào vui đời…thì ăn mặc đẹp đẽ dzụ khị chồng. Khi buồn làm chảnh cho…nhịn đói. Lúc muốn chứng minh “tự do là trên hết” áo quần thay ra ném đầy phòng, chén bát khi nào ăn mới rửa, nằm ghế sa-lông xem phim Hàn Quốc…lúc thức, lúc ngủ (chắc chỉ xem diễn viên)!

  Mình là người làm việc buộc giao tiếp, khách khứa đủ loại người…mà nàng lại không có sở thích, năng khiếu tiếp khách, ngoại giao. Thích thì chào! không thích thì…quên. Mặc cho quyền cao chức trọng cỡ nào cũng vậy, khiến  thằng tui phải xuýt xoa giải thích rằng: Nhà tui hay bị chập điện…âm. Vậy nên có tiệc chiêu đãi gì gì cũng để nàng ở nhà cho an toàn, bị người ta nghĩ là mình…dấu mặt vợ.

   Nhưng mấy điều trên, cũng không ảnh hưởng lớn bằng tính khí vừa khôn, vừa dại của...“em iu” (ớn). Lúc nóng giận thì cằn nhằn, khích bác. Lúc giận hờn nằm khóc hu hu cả ngày (chỉ khi nào có mặt tui) để áp đảo thần kinh “anh iu” tội nghiệp vừa rửa chén bát, nấu cơm, quét nhà, ru con, vừa tiếp khách, vừa lo việc công ty…

   Vì vậy cho nên, bọn ở công ty hay đối tác làm ăn khôn lanh, lúc thấy mặt tui bình thường không sóng gió…là lao vào ký tá mệt nghĩ. Còn nếu như hôm khác có họp hành, bàn bạc gì đó! Nhìn mặt tui thẩn thờ là sếp vỗ vai “hẹn dịp khác nói chuyện nhen”!

   Nên tui thấy…mấy thằng bạn tui cho “chỉ”, “ẻm”, “bả” làm nữ hoàng vậy mà sướng! Khổ nổi nàng của tui lại có cả 3 cái tính kia cộng lại. Nghĩa là khi muốn làm nữ hoàng, khi muốn làm người yêu, lúc lại muốn làm trẻ em…thế mới chít! Tức là tui hổng có vợ…

   Nhưng phải cái tui là người yêu nghệ thuật, đạo diễn kịch bản đời mình. Sau khi biết trách nhiệm kiếp làm chồng đầy gian nan (than ui). Thì phải tính toán kỹ càng: Chỉ sắm 2 hai bộ áo quần đi làm là đủ rùi. Măc áo bun khỏi ủi, tắm lúc nào giặt lúc đó. Hồ sơ tài liệu bút viết phải cất kín đáo (cẩn thận)...không là thất lạc khó tìm! Nói chung, mọi sự đều gọn nhẹ…Ngoài ra, mỗi người ngủ riêng một phòng. Khi cần tâm sự thì hẹn hò, hoặc nửa đêm, đứa nào sợ...ma thì tự bò qua phòng của nhau cho có bạn. Túm lại, đôi khi cũng lãng mạn…tất nhiên cũng có lúc nàng hờn. Nhưng tôi làm việc khuya cần không gian riêng, chỉ cần để ý tâm tư “em yêu” là được khen tặng rùi

   Nói chung, mấy thằng tui cũng hào hoa (nổ) rất có uy lực ngoài xã hội. Có lúc nổi hứng hét lên...bọn dưới trướng xanh mặt, các xếp cũng phải e dè. Nhưng không hiểu sao? Thằng nào về nhà cũng hèn kém hơn người khác. Mình đến nhà thấy chúng nó ra lệnh cho vợ con, thấy mà tủi thân xót xa thân phận bọt bèo…
   Không biết mấy thằng bạn có chiêu gì? Chứ tui kinh nghiệm trở thành bí kíp: Chẳng hạn khi nàng “chập mạch” thì đi tìm bạn bè tán dóc. Khi nàng hờn giận đang khóc…thì vuốt ve là im thinh thít (làm thử). Khi nàng dịu dàng, mơ mộng thì hãy yêu nhìu. Còn khi nàng trợn mắt, xù tóc thì lo tránh xa không “hoạ vô đơn chí”…
  
   Hic…kiếp (nghiệp) làm chồng cũng may nhờ rủi chịu, hay bởi vì tình yêu quá lớn?
  


Thứ Tư, 20 tháng 9, 2017

Kết bạn...

“Kết bạn”…



  Ở đời…thường, ta chỉ có một hoặc hai người bạn thân! Còn hầu hết là bạn hàng xóm, bạn nghề nghiệp hoặc chỉ quen biết xã giao ngoài xã hội. Nhưng, chuyện đời “phây bút” (facebook) nó khác? Ai cũng có thể “kết bạn”hằng trăm, hàng nghìn…

   Trước đây, chỉ viết trên Blog riêng tư. Sau này, mới mở trang facebook để làm địa chỉ liên kết cho các bạn trẻ quen biết thuận tiện liên lạc, theo dõi. Trong 7 năm qua chỉ có khoảng vài chục người kết bạn. Và, hầu hết là bạn yêu thích thơ ca, âm nhạc, văn chương giải trí…

   Vậy mà(hic), bỗng dưng trong hơn một tháng trở lại đây gần cả trăm người vào “kết bạn”…khiến tôi hoang mang, ưu tư nên có chút sầu dâng lặng lẽ (le lưỡi). Vì, có nhiều cái tên khá “hời hợt” cho lĩnh vực kinh doanh, hoặc quá “rắc rối” theo quan điểm tư tưởng. Đôi khi, không thể hiện rõ tư cách (tên tuổi cá nhân) cho một mối quan hệ đơn giản, tương quan cần thiết giao lưu bè bạn…

  Sự ái ngại nhất, là những thông tinhình ảnh không mong muốn bị đăng “búa xua” trên dòng thời gian, dễ biến mình có “khuôn mặt” người Delete mất lịch sự (cười)!

   Vẫn biết chuyện đời “phây búc” không chỉ là ảo tưởng…cũng có gió bụi trần ai, có viễn vông cám dỗ và có cả ôm lý tưởng quên mất lòng nhân đạo (!) Thế giới con người…bạn và tôi luôn có sự khác biệt (cá tính và suy nghĩ), chỉ xin đừng lấy giận hờn gây đố kị. Thôi thì chúng ta(chậc): “Triệu người quen có mấy người thân, khi lìa trần có mấy người đưa…” (Vũ Thành An)!

Thứ Năm, 24 tháng 8, 2017

Mê lộ...

Mê lộ…
(rong đời…)



   Các nhà khoa học có luận điểm rằng: “Không thể che dấu mặt trời, mặt trăng và sự thật”

  Nhưng, xã hội loài người không đơn giản như định luật tự nhiên, hệ nhân quả có thể thay đổi thất thường! Vì, con người biết đánh lừa sự thật để xây dựng chân lý trên nền tảng giả dối…

   Về ý nghĩa nào đó: Mê lộ là con đường tô vẽ sự thật trên địa hình dối trá! Tất cả, chúng ta bước vào cuộc sinh tồn đều đi trên con đường đó, với những nhu cầu phương tiện khác nhau. Có thể, chỉ vì sở thích thói đời bon chen, hay hoàn cảnh mục đích sống? Nên, người ta vô tình lẫn lộn ý nghĩa đấu tranh sinh tồn bằng sự cướp đoạt…

   Chỉ cần một chút thật thà thì ai cũng nhận ra rằng: Cuộc đời là cuộc chơi nhiều khi phải tự dối mình, lừa người(?) Bởi, biện hộ cho triết lý sống cá nhân nên người ta dễ dàng đánh tráo khái niệm, hoặc bẻ cong lẽ phải. Điều đó có thể bình thường theo luận điểm văn chương “khôn ngoan”hay văn hóa “tế nhị”…nhưng lại tạo ra một thế giới chất chứa đầy hoài nghi (?)

      Thực tế, niềm tin của con người có thể hình thành từ lòng tham hay vì sự bất lực (!) Nhầm lẫn giữa ảo tưởng và lãng mạn, gian manh ngỡ là trí thức, thói quen bảo thủ, lười suy nghĩ đổ thừa cho số phận, định mệnh…

   Xu hướng và bản chất người đời thường khó thoát khỏi mệnh đề tâm lý hủy hoại lòng cao thượng! Nên, rất khó mà bàn bạc đạo đức, tài năng với kẻ có xu hướng độc tài chính trị, hay thỏa thuận lương tâm (ngoài tiền bạc) với người đang có mục đích lợi nhuận. Và, cũng không có giá trị thực tế gì…khi tìm lời khuyên về đời sống mưu sinh, tình yêu, hạnh phúc gia đình từ những người vốn có cách sống đơn thân tự kỷ, tư tưởng tu hành thoát tục.

   Ngày nay, với bước phát triển tư duy văn minh rộng mở (khoa học đời sống) …người ta không còn rỗi hơi phiếm luận, tranh cãi về "chủ nghĩa" chính trị, “triết học” duy vật, duy tâm. Và, ngay cả tôn giáo cũng chỉ còn là học thuyết của lương tâm. Rõ ràng hệ lụy nhân quả là thuộc tính cách, tư tưởng (quan niệm) và do thể chế pháp luật xã hội (cuộc đời) tạo ra định mệnh xã hội, số phận con người…

   Chính vì vậy, người ta cần pháp lý dân chủ, xã hội hóa minh bạch giá cả, thuế khóa và các giáo hội cần tách rời khỏi quyền lực thế tục. Vì, sự cực đoan giáo dục, tư tưởng độc đoán chính trị, thao túng thị trường, truyền bá mê tín, hủ lậu…thường bóp méo kiến thức, lệch lạc nhân cách và ảo tưởng về mọi sự thật (!)

Thứ Ba, 1 tháng 8, 2017

Tình khúc phổ nhạc...

Tình thơ phổ nhạc…

   Thơ có niêm- luật- vần…kể cả thơ “tự do” cũng cần có bố cục và âm hưởng thuận ngôn ngữ. Còn âm nhạc thì có qui tắc, nốt nhạc, hợp âm. Vì vậy, thơ ca vốn dĩ  đã là âm nhạc…

   Tuy vậy, vần điệu niêm luật của thơ ca và nhạc điệu vẫn có “khẩu khí” khác nhau (!) Thơ ca thường dùng ngôn từ chủ đaọ nghệ thuật (diễn ngâm), còn âm nhạc lại cần nhu cầu tiết tấu âm thanh (giọng hát). Thế nên, phổ thơ thành nhạc là điều không hề dễ dàng thỏa mãn hết ý tưởng tác giả, chỉ là phần nào cố gắng giao hòa tâm tình cảm âm, nhạc tính…

   Trong các thể loại thơ dùng phổ nhạc khó nhất là: Lục bát (hò, vè…), thất ngôn bát cú (cầu kỳ niêm luật) hoặc thơ tự do mà câu chữ nhiều khi không có luật lệ, hệ thống bởi khó phân đoạn, khó nhớ (thuộc)ngôn từ…

   Đôi khi, tôi chỉ là kẻ rong chơi âm nhạc lấy nghệ thuật làm niềm vui cô đơn (nháy mắt) nên hồn nhiên “lục lọi” tâm tình người khác! Vì, có quan niệm rằng: Điều tử tế thường chỉ có thực trong giá trị cảm xúc(?) Không hiểu nỗi buồn sao biết chộp lấy hạnh phúc (hic)…

   Dưới đây là một vài bài thơ phổ nhạc giao lưu tình thơ ca. Xin cảm ơn các nhà thơ, thi sĩ: Thục Nguyên, Mỹ Uyên, Mộng cầm, Bích Ngọc...

  Các bạn bè Blog, fabook...có rãnh rỗi nghe mộng mị cho qua "cơn" trống vắng (cười)!













Thứ Tư, 26 tháng 7, 2017

Nhạc khúc Pleiku...

Nhạc khúc Pleiku…

   Lần đầu tiên đến Pleiku (1972) cũng vào tháng 7 mưa dầm dề, mây xám nặng trĩu, bầu trời thấp lè tè (cười). Nhưng, khi trở lại tháng 11 thì núi rừng tây nguyên bỗng rực rỡ vàng hoa Dã Quỳ, phố Pleiku có chút gì đó hoang sơ, thơ mộng và đẹp quyến rũ lạ lùng…

   Sương chiều vương nhẹ hàng thông, góc phố…khiến ta có thể dễ dàng cảm nhận đâu đây hồn thơ Vũ Hữu Định (Phạm Duy phổ nhạc), một bức tranh hiện thực diễn cảm không cần cầu kỳ, nhưng vô cùng nghệ thuật:

em Pleiku má đỏ môi hồng
ở đây buổi chiều quanh năm mùa đông
nên mắt em ướt và tóc em ướt
nên em hiền như mây chiều trong…

   Pleiku ngày nay không còn “đi dăm phút đã về chốn cũ” như xưa nữa…thời gian quá nhiều thay đổi (?) Nhưng, thỉnh thoảng ta vẫn bắt gặp đâu đó vài khoảng không gian hờn lạnh cô đơn, hoặc trên lối dốc phiêu lãng vẫn phơi tình nằm nghe nắng mưa (le lưỡi)…

   Người Pleiku hiền lành, gần gũi và tình cảm phóng khoáng như điều vốn dĩ của những kẻ tha hương. Không gian, cảnh vật và thời tiết đặc biệt nơi đây vừa dầy dạn vừa hư hao (cười) cũng đã tự sản sinh ra rất nhiều tính cách nghệ sĩ, chất liệu mộng mơ. Tuy vậy, họ không chuộng các lối mòn hư danh hay vọng ngữ ồn ào nghệ thuật …

   Với những cuộc tình Pleiku? Tôi vẫn tự nhận mình là người đến muộn, nên chỉ cố gắng lượm lặt được một vài nốt nhạc, dạo khúc để mà “còn chút gì” tâm tình “để nhớ”…




Thứ Bảy, 22 tháng 7, 2017

Tình khúc Qui Nhơn...

Tình khúc Qui Nhơn…

   Tôi (@thenhan) không phải người xứ Nẫu! Nhưng, có tuổi thơ và một thời niên thiếu hồn nhiên sống “uống nước sông gạo chợ” Qui Nhơn. Nên nơi đây trở thành “khung trời dấu ái” nhằm để bao bọc kỷ niệm, cất dấu tình người (cười)…

   Tự nhận Qui Nhơn là quê nhà dù không có khái niệm “chôn nhau cắt rốn”. Chỉ là để có nơi chốn khoe khoang, làm trạm dừng chân bến đổ giữa cuộc đời. Dù thoáng chốc thảnh thơi ngồi uống cà phê vĩa hè, ngắm thời gian trôi tìm bóng người xa xôi …

  Thực sự, con người ta…đôi khi, phải cảm ơn phận đời long đong! Vì, sẽ được đi nhiều nơi được may mắn gặp gỡ, quen biết muôn chuyện người đời vùng miền xuôi ngược. Sự cảm thán gian nan hay trãi nghiệm thông cảm của kẻ lãng du bất đắc dĩ? Chỉ đơn giản khiến cho tâm hồn mình trở nên giàu có, nặng tình nghĩa cử…






Thứ Ba, 4 tháng 7, 2017

Sài Gòn tình khúc...

Tình khúc Sài Gòn…

   Hơn một tháng…không có bài viết nào đăng đàn blog rêu rao đời mình? Không phải vì bận rộn với cô láng giềng (le lưỡi)hay lục đục với “em iu” (ớn)! Có lẽ, do lòng người còn hoang mang giữa trời tháng sáu mưa nắng thất thường…

   Dù Sài Gòn đã đổi tên mới đã hơn 40 năm? Nghĩa là có hai thế hệ (tuổi 20) trưởng thành đã biết chập chững hò hẹn, yêu đương! Nhưng, tôi vẫn quen gọi tên Sài Gòn…như vốn yêu thích lưu giữ kỷ niệm quá khứ, một địa danh diễn cảm đặc biệt có từ cội nguồn xa lắc, hồn nhiên không cần đắn đo suy diễn nghĩa lý…

   Tôi chỉ là khách lữ thứ của Sài Gòn, thì duyên tao ngộ và nỗi lòng chia ly là lẽ thường tình miên viễn…nên đôi khi, âm nhạc sẽ làm mình hạnh phúc, bất chấp ngoài kia xôn xao mộng đời nắng mưa lận đận (cười)!?




Thứ Sáu, 28 tháng 4, 2017

Tâm sự đời xe máy...

Tâm sự đời xe máy….
(Chuyện "hot" ngày nay…)



   Thế giới tự nhiên vốn tồn tại nhờ định luật cân bằng sinh thái! Nhưng, từ khi loài người biết phát minh thêm những công cụ, phương tiện…thì máy móc bắt đầu tham gia vào trò chơi số phận con người?

   Một hôm, đang lăn 2 bánh trên con hẻm chật chội thì gặp gã Otô nhà kế cận, nó bấm còi lắc mông qua mặt:
   - Ê, ông Xe Máy…sắp bị “cấm” mà còn vi vu “tuổi đời mênh mông” quá hén?
   Ngạc nhiên, Tui nẹt bô lên hỏi:
   -  Này…ông nói tên nào “ngắm mông” hả?
   Hắn xàng xê né loài người đi bộ lẹt đẹt dưới lề đường, rồi bấm còi “xi-nhan”thong thả:
   - Ông PGS. TS…nói cấm xe máy chứ ai?
   Ngạc nhiên, có chút hoang mang…Tui chạy garanty chậm lại bên lề suy nghĩ: Ủa, hổng lẽ có thêm cuộc chiến "dành lại" cho người có Oto?

   Gã (Oto) hí hửng rồ ga nghiêng bóng đè lề phố vốn đã chật hẹp, lên giọng rù rì dạy đời thế nào là lịch lãm và quí phái:
   - Nè…Văn hóa xe máy khác với văn hóa xe Oto! Người ta 4 lốp vững chải sang chảnh, che chắn nắng mưa. Mấy ông chỉ 2 lốp? Phiêu lưu thời trang trơ trọi nội y: Rope, đầm, áo dài bay phấp phới lạng lách, chũm chọe đánh võng, nên đi sau nhìn mông chóng mặt quá xá…
   - Hơ…hèn gì có “xe điên”?

   Thật, tủi hờn cho cái quá khứ vàng son! Thời mà ngạn ngữ, tục ngữ, danh ngôn cũng mù lòa với châm chích ngôn thực dụng(tán gái): “100 lời nói không bằng làn khói Honda”...để thấy đời lên hương ghê gúm! Nhưng (than ôi), thời oanh liệt ấy nay còn đâu nữa, khi xế hộp vào đời hiên ngang dành dựt? Bây giờ, cỡi xe máy đưa đón rủ rê chân dài, coi chừng nàng đỏng đảnh ruồng rẫy phán xét, hất tay nhẹ nhàng chút mềm mại phũ phàng:
      - Thui, dzìa đi Ku...nghèo mà ham! (má ơi)
   Những chuyện tình xe máy mé đìu hiu đã thuộc về dĩ vãng lụi tàn! Nay, chỉ được thống kê nhiễu loạn giao thông, xếp vào hệ kiếp nghèo tất bật mưu sinh, cô đơn đi về lông bông chở gió…

   Có chút gì đó xót xa bực bội…về đến nhà, tui cọc cạch dựng chân chống nghiêng đời về phía âu lo (le lưỡi), ráng rú ga thách thức qua phía hàng xóm thăm dò:
   - Ê, tại sao cấm…?
  Hắn nháy đèn pha-cốt giải thích, phân chia khoảng cách sáng tối:
   - Chắc tại mấy ông sinh đẻ nhiều quá! Chật chội đường xá tụi tui đi hổng được phẻ…
   Trời, dể ghét…ai không muốn thảnh thơi! Hơ, nhưng không phải tại tui (có đẻ được đâu mà vỡ kế hoạch)? Thật tình nên nói: Trên các đô thị thế giới có mấy ai bất đắc dĩ đành cỡi đời lênh đênh trên xe máy, lướt gió đi tìm tương lai mưa nắng thất thường…
   - Ê, cùng giòng giống “xe cơ giới”, uống xăng sống kiếp tôi đòi…nhường nhịn chút xíu xiu coi?
   Hắn bật đèn pha chói lòa:
   - Mấy chuyên gia ngồi “thiền”…tính nhẩm số lượng, nên kết tội ông là nguyên nhân của kẹt xe, gây thiệt hại kinh tế (?) Thời thế, thế thời...ông (an ủi) dzìa tu tâm làm từ thiện, tấm lòng mặc cho gió cuốn bay đi, hoặc đến nơi chốn “một cõi đi về” bán phế liệu hẹn kiếp lai sinh hóa phận đời Oto…
   - Hic, 30 năm ròng rã mỏi mòn xe máy?Thôi rồi…thêm một “Nỗi buồn đời quy hoạch”!



P/s: Đây là văn chương “múa bút giang hồ”! Chắc em google dịch không được chính xác(?) các bạn (ngoại quốc) thông cảm cố trừu tượng, sorry…

Thứ Năm, 20 tháng 4, 2017

Nỗi lòng "Con đường xưa em đi..."

Nỗi lòng “con đường xưa em đi”…
 (tâm tình...)



    Có anh bạn hỏi:
   - Bản nhạc “ con đường xưa em đi” vì sao bi giờ lại cấm?
   Tôi chỉ biết đoán mò qua nụ cười vu vơ:
   - Chắc là con đường của nàng đang đi, bị kẹt “giao thông” ở chỗ nào đó…

   Thật ra, bài hát quá xưa nên đành lần mò ngược về thời gian. Lúc ấy, mới khoảng 12-13 tuổi…bé tí chưa hề chạm ngõ yêu đương, nên không thích chơi lối dòng nhạc bolero cho lắm! Nhưng, thật là hên…có “bà” chị học lớp đệ tứ (lớp 9) xinh đẹp nhờ tập hát bài “con đường xưa em đi”, nên cũng làm thinh cố phiêu linh mà nắn nót cung đàn (le lưỡi)…

   Chỉ cần ghé vào tiệm sách là mua được ngay một bản nhạc gốc có ấn bản (cấm trích dịch và phóng tác). Chơi nhạc là phải hiểu được ít nhiều nội dung bài hát…Nhưng, mới thử nghêu ngao“Con đường xưa em đi, vàng lên mái tóc thề, ngõ hồn dâng tái tê…” là bị kẹt tư duy, á khẩu (không hiểu) vì thời đó đâu có ai nhuộm tóc vàng? (cười)

   Thông cảm trẻ ranh…bà chị liền mơ màng ru mộng vào đời: Là con đường có nắng ấm ngập vàng ươm mái tóc, nhưng ngõ vắng tâm hồn khiến sầu dâng giá lạnh! Còn “anh làm thơ vu qui ” là nói về “mơ ước” duyên tình trọn vẹn, chuyện tình này ai cũng biết vì “khách qua đường (đã) lắng nghe” thấy hết đó! Ái chà, ngôn tình với kẻ chưa biết yêu, quả thật không dễ hiểu (chậc)…

   Sau này, khi lớn lên tìm hiểu về ca từ của Hồ Đình Phương (ông và gia đình đã mất tích trên biển vào tháng 11 năm 1979)? Ngoài học vấn, vị trí xã hội…ông còn là nghệ sĩ nổi tiếng tài danh trong nhiều lĩnh vực văn chương, thi phú, viết sách báo và đặc biệt là đã viết lời “dùm” rất nhiều tác phẩm nổi tiếng âm nhạc (trước 1975) cho các nhạc sĩ như: Châu kỳ, Hoàng trọng, Lam Phương, Hoài An, Minh Kỳ, Song Ngọc, Phạm thế Mỹ

   Ca từ “con đường xưa em đi” mới đây, khi trình diễn phổ thông sở dĩ phải thay đổi phiên gác = thao thức, chiến trường = lối mòn là cho phù hợp với đa dạng công chúng, hiện tình xã hội. Nhưng, dẫu sao cũng mất phần nào giá trị chân thật tình yêu nhân văn: Bởi, hoàn cảnh chiến tranh làm chia ly…vẫn khác sự xa cách mơ hồ không rõ nguồn cơn (?)

    Nếu, đã cho phổ biến những bài hát sáng tác (miền nam) trước 1975…thì chúng ta phải hòa thuận chấp nhận hiện thực lịch sử với ngôn từ văn chương lãng mạn, tình cảm công chúng. Vì sự thật! Nó chẳng hề che dấu hay ca ngợi điều gì khuất tất, mà chỉ mang theo tâm sự nỗi buồn chiến tranh, để mong ngày hòa bình…

   Sau năm 1975, khi tham gia nhiều phong trào văn nghệ, cộng tác với các ban văn hóa thông tin, có một nhạc sĩ nào đó hỏi tôi:
   - Các cậu đều có trình độ văn hóa cao, nhưng tại sao? Lại thích những bài hát đau thương, ủy mị, vàng vọt…

  Rất ngạc nhiên, vì tôi chưa từng đánh giá hoặc phân biệt gì về hệ ý thức tác phẩm! Nhưng, không thể bằng lòng khi ai đó dám phê phán về tình cảm con người, không biết đặt nghi vấn cuộc chiến để hiểu nỗi buồn xót xa sự mất mát và chia ly? Những người ngoại quốc xa lạ cũng từng thắc mắc: Người Việt thường hay hát nhạc buồn? Tôi chỉ có thể giải thích: Vì họ chọn tình yêu làm hạnh phúc và hoài mơ về nơi chốn thanh bình

      Cảm ơn một thời hồn nhiên, Tôi đã không lấy nghệ thuật làm khó cho kế sinh nhai! Và, đến nay cũng nghĩ rằng: Có thể “Con đường xưa em đi” đã phai mờ nỗi lòng, nhưng còn chút dấu yêu thì dẫu sao nàng vẫn hát…

Thứ Sáu, 14 tháng 4, 2017

Chiến thuyết trận...

Chiến thuyết trận?
(trò chơi chiến tranh...)



   Lúc bé các cu cậu đã thích trò chơi chiến tranh (uýnh lộn), còn các bé gái dùng bạo lực chỉ khi nào có liên quan đến chuyện dành dựt...búp bê (cười)!

   Nhưng, trò chơi chiến tranh của trẻ em thường kết thúc hòa bình trong dĩ vãng, kỷ niệm thời  bé con! Còn chiến tranh của người lớn luôn chứa đầy thuyết âm mưu cùng sự bạo tàn và để lại lịch sử nhiều ký ức tăm tối…ý nghĩa (nếu có) còn xót lại duy nhất là chủ nghĩa anh hùng(?)

    Chiến tranh là một phần của lịch sử thế giới! Cuộc chiến lớn đã có từ khoảng năm 1475 trước Công Nguyên, (trận Megiddo: Quân Ai Cập đánh nhau với liên quân Canaan-Kadesh-Megiddo- Mitanni). Nghĩa là nhân loại đã trãi qua 3500 năm rồi vẫn luôn chơi chiến tranh và sẽ không bao giờ kết thúc, trừ khi mệt mỏi tạm thời hòa hoãn, ngơi nghĩ…

   Các học thuyết chiến tranh thường được đưa ra nhiều nguyên nhân với những lý do tưởng chừng rất đơn giản về bản năng, tâm lý, hoàn cảnh...nhưng, không hề dễ hiểu đối với đạo đức học để thông suốt nhận ra thiện và ác:
   - Chiến tranh tôn giáo (chủ nghĩa tôn giáo)
   - Xâm lược, chiếm đoạt kinh tế (chủ nghĩa thống trị, chủng tộc)
   - Xung đột giai cấp, hệ ý thức chính trị (chủ nghĩa Mark)
   - Xu hướng quân sự hóa chính trị, kinh tế (chủ nghĩa đế quốc, dân tộc)

   Nhìn lại lịch sử: Sau khi kết thúc đệ nhị thế chiến (1945) thế giới đã chia làm hai thái cực phe phái (hệ ý thức chính trị) thường gọi nôm na là chủ nghĩa tư bảncộng sản…Nhưng, đến năm 1975 đã dần hình thành chiến thuyết trận thế “chân vạc”: Mỹ-Nga-Trung…như một thế trận phân tranh giới hạn để tránh bị xụp đổ, diệt vong. Có thể họ nhận thức rằng: Chẳng có quyền lực, đế chế độc tôn nào được tồn tại lâu dài (!)

   Rất dễ nhận ra công cuộc cải cách kinh tế của Trung quốc (1978) được thành công có sự bằng lòng “đi đêm” của Mỹ. Và, đến năm 1991 nước Nga cũng đành chấp nhận thay đổi thể chế (Liên Xô xụp đổ) để được phát triển và tồn tại trên thế giới như một đại cường quốc…

   Trong ba cường quốc thì: Mỹ có tiềm lực kinh tế, quân sự mạnh và dân trí (hợp chủng quốc) phát triển văn minh, Nga có diện tích rộng lớn và có địa thế lịch sử truyền thống đấu tranh lâu dài, Trung quốc lại có được một nền văn hóa đặc biệt bền lâu với dân số đông đảo! Còn lại những nước nhỏ (nhược tiểu) tùy theo địa chính trị, nhu cầu quân sự mà trở thành (hoặc chủ động) một phần quân cờ vận mệnh trên bàn cờ lớn…

    Ngày nay, các nước lớn hiểu rằng sức mạnh quân sự là bí mật để chiến thắng một cuộc chiến bất đắc dĩ, hoặc chỉ dùng hạn chế kiêu binh vượt "lằn ranh đỏ", chứ không có hiệu quả cho đường lối (tâm lý) chính trị…chỉ những nước biết rõ mình yếu thế, mới dùng luận điệu chiến tranh tâm lý khoe khoang (hù dọa) sức mạnh, thiết bị quân sự (?)

    Ngoài ra, với sự phát triển rộng rãi của vũ khí hạt nhân…kẻ thù nguy hiểm của thế giới là chủ nghĩa khủng bố cực đoan, hay vị trí thế lực của một gã độc tài (tâm thần) nào đó đang cố tình tồn tại ngoài vòng kiểm soát của liên hiệp quốc. Mặc dù, Liên Hiệp Quốc hiện nay...mới cũng chỉ là bàn đàm phán "tam cường, ngũ bá" về luật lệ quốc tế, một sự giới hạn “mềm” nào đó có tính đồng thuận, hoặc hiệp ước phân chia kiểm soát lợi ích (?)

   “Diễn biến trật tự thế giới đang đến hồi gay cấn đầy cạm bẫy? Nhưng, so với Nga, Trung…người Mỹ hòa nhập văn hóa thế giới nhanh hơn, họ linh động biến chuyển điều chỉnh chiến lược chính trị, âm thầm phát triển khoa học kỹ thuật và đã nghệ thuật hơn trong văn hóa ngoại giao. Vì vậy, họ luôn biết cách chờ đợi sự háo thắng của kẻ khác hơn là cố ý tạo ra một thế chiến thứ ba…” !


Thứ Năm, 13 tháng 4, 2017

Thời đại @...

Thời đại @



  Thời đại @...đã xuất hiện cũng được 20 năm, riêng ở xứ mình mới phổ biến rộng rãi từ khoảng vài ba năm gần đây, khi mạng wifi mở rộng hơn với điện thoại cá nhân smart

   Thuở ban đầu thời đại phát triển nghe nhìn đại chúng…trên mạng xã hội sẽ có vài đứa trẻ sơ khai thủ thuật “chém gió” tài năng, nhan sắc (cười), cùng với cuộc chiến thông tin phe phái hỗn loạn ì xèo, đôi khi có chút vụng về kịch bản! Những tên vô lại, người rỗi hơi thường (bị) lợi dụng “bùng nổ” thông tin sai lệch, mánh khóe truyền bá sự mê tín hủ lậu, quyến rũ tham lam! Thỉnh thoảng cũng có mấy gã phóng viên “liệu cơm gắp mắm”  đánh rơi lòng tự trọng, kiếm chuyện ca ngợi vu vơ, hoặc “câu view” khiếm nhã hình ảnh rình mò “lộ hàng” từ thói thường hờ hững chuyện đời show biz (ớn)!

   Nhưng, dẫu sao các cuộc cách mạng có bóng dáng khoa học kỹ thuật vẫn hơn các nhà tư tưởng cai trị bằng biện luận? Vì, với công nghệ hỗ trợ thường làm thay đổi phát triển đời sống xã hội (văn hóa, chính trị)…mà ngay cả học thuyết “tiến hóa” của ngài Chalers Darwin, hay lý thuyết thay đổi bản tính con người nhằm điều khiển xã hội như ông Karl Marl (chủ thuyết kinh tế-xã hội) cũng khó mà tưởng tượng nỗi…

    Có lẽ, phải chấp nhận mọi sự khác biệt…mới là nguyên lý thực tế tìm kiếm giá trị nhân sinh? Ngày nay, khoảng cách không gian và thời gian hầu như không còn giới hạn về mặt tài năng, kiến thức! Và, dù chúng ta có quan niệm (xấu, tốt) gì về những phát minh khoa học…thì cuộc hành trình “tò mò” của con người cũng không bao giờ dừng lại, vì đó là tiến trình tự nhiên đầy tham vọng của trí thức nhân loại…

   Rõ ràng xã hội loài người đang bước vào một kỷ nguyên phổ thông điện tử. Ở một chừng mực và ý nghĩa thực tiễn nào đó: Đây là cuộc cách mạng xã hội điện tử. Và, những công dân điện tử buộc phải làm quen (giáo dục) với các thiết bị thông minh (nghe, nhìn) mới hỗ trợ cho họ về mọi mặt bình đẳng của dòng thông tin (kiến thức)! Xã hội hình như đang bắt đầu tìm kiếm cơ hội công bằng (dân chủ) để tự do biểu đạt, vì họ đã có sự độc lập âm thanh, hình ảnh cho nhu cầu công việc, giải trí và chứng minh lẽ phải (?)

   Cuộc đời (số phận hay vận mệnh ) của mỗi con người, xã hội? Tương lai thường bị quyết định từ xu hướng thời đại, và  tùy thuộc vào học thức, kỹ năng thích ứng với công nghệ hóa xã hội nhiều hơn! Nó sẽ khai sinh ra nền văn hóa mới, có hệ thống đạo đức và luân lý nhân sinh trật tự vận hành theo quy tắc, luật lệ hành pháp…

   Hy vọng thời đại @...xã hội sẽ có giá trị mẫu số chung, nhất là khi được cập nhật thông tin khoa học đời sống chính trị không còn giới hạn (?)


Thứ Năm, 30 tháng 3, 2017

"Cá tháng tư"...

Ngày “cá tháng tư”…
(Câu chuyện tâm lý…)



   Có lẽ, nhiều người đã biết về lễ hội “ngày cá tháng tư” (1/4): Ngày duy nhất con người có quyền “hồn nhiên” nói dối…

  Người pháp gọi là Poissons D’Avirl (có liên quan đến sao song ngư) ngày đầu của mùa xuân mới (ở thế kỉ 16). Anh ngữ thì Happi April fools day!… “chúc hạnh phúc ngày ngu xuẩn nhé! ” (cười)…

   Thật ra, mục đích là tạo niềm vui với tinh thần thoải mái…nên những lời “nói dối, nói khoác, trêu ghẹo” trong ngày này chỉ là để thỏa thích vui chơi, đùa nghịch bằng lời nói dối không gây hại cho mọi người. Những người bị lừa được hài hước hóa, gọi là “gowk” (tu hú) hoặc “cá” (dễ bị lừa)…

   Tuy vậy, các lễ hội vui chơi cộng đồng vẫn mang theo ý nghĩa triết lý cuộc đời nào đó! Loài chim tú hú được xem là kẻ lưu manh, độc ác phi tự nhiên “thiên chức đẻ nhờ”. Còn loài cá thì về mặt phân loại học thường có bộ não nhỏ, trí nhớ kém…

   Thực tế, diễn biến tâm lý với hoàn cảnh nhân sinh…khiến con người vẫn thường xuyên nói dối mỗi ngày. Thế giới càng hiện đại thì con người càng nói dối phổ biến hơn(?) Có thể, vì cuộc sống có nhiều áp lực sinh tồn, nên người ta nói dối một cách tự nhiên kể cả trong gia đình hay ngoài xã hội…

   Nhưng, lời nói dối không phải hoàn toàn xấu vì đôi khi chỉ là sự cần thiết, nhu cầu sống…thế nên, có rất nhiều người không hề biết hối lỗi hay hổ thẹn? Thường người ta đoán (phân tích) do nghề nghiệp và mối quan hệ công chúng là động cơ khiến họ nói dối nhiều hay ít: Nếu suy ra có 94% những nhà chính trị nói dối…thì có 92% những nhà lãnh đạo kinh doanh, 91% người nổi tiếng, 77% luật sư, 27% với bác sĩ…Thì ở đây, chúng ta không thấy nhắc đến các nhà lãnh đạo tôn giáo? Có thể, là để tránh xung đột giáo phái và đức tin, chỗ dựa cuối cùng cho những người “bất hạnh” (!)

   Ai cũng biết mỗi nền văn hóa dân tộc có vài sự khác biệt, đôi khi xung đột lẫn nhau! Điều đó, chứng tỏ sự bảo thủ thói quen văn hóa cũng thường bị vạch sẵn từ não trạng, hơn là tự vận động độc lập tư duy, tự do trí thức như ta nghĩ? Nghĩa là lời nói dễ dàng dối lừa người khác thì nó cũng đã tự mình lừa dối mình từ lâu lắm…

   Trước đây, thuyết nhị nguyên ở thế kỷ trước các nhà triết học còn tranh nhau bàn cãi vật chất và ý thức (tinh thần) cái nào có trước có sau, hoặc suy luận tập quán, tính cách sự hình thành của tôn giáo? Ngày nay, với bước tiến dài phát triển khoa học đã đáp ứng nhu cầu đời sống, thì các thể chế xã hội văn minh đều dựa trên giá trị cùng “mưu cầu hạnh phúc”, nên những chủ thuyết đơn phương quyền lực, cực đoan kinh tế và học thuyết giáo dục thiên vị đã trở thành hủ lậu…

   Riêng, các nhà khoa học tôn trọng hiện thực nên luận điểm đơn giản rằng: “chẳng ai che dấu được mặt trời, mặt trăng và sự thật”…vì họ không cưỡng đoạt kết luận bằng tư tưởng (trừu tượng) mà tìm bằng chứng nguồn gốc và thực nghiệm chúng qua hiệu quả thực tế…

   Làm sao để biết đó là sự giả chân? Thực tế, thì chúng ta rất khó phân biệt sự trá hình khi dễ dãi chấp nhận lời nói dối! Thường, người ta có thể “lừa đươc nhiều người, nhưng chỉ dối được một người” và với phương châm tâm lý học đó, sẽ có nhiều cách học thuật mà luận phân tích, lý giải …

   Bạn hãy cứ tự nhiên nói dối tùy theo cảm tính “hóc môn” sinh trưởng của mình! Nhưng, hãy cẩn thận: Lời nói dối ngọt ngào hạnh phúc khác với những lời nói gây ra định mệnh buồn. Khi còn trẻ tuổi nên tránh nói dối ảnh hưởng, liên quan đến nhân cách, tài năng và học thức…còn lúc xế chiều (tuổi già) đừng quá lẩn thẩn dối lừa hành trang nặng gánh “một cõi đi về”…


   P/s: Entry này viết trước ngày “cá tháng tư”(cười)!

Thứ Sáu, 24 tháng 3, 2017

Hạnh phúc buồn...

Hạnh phúc buồn…
(Rong đời…)



  Thật lạ, có điều gì tuyệt vời hơn hai chữ hạnh phúc? Thế nhưng, ngày lễ “quốc tế hạnh phúc” vừa trôi qua dường như quá im lìm, lặng lẽ…

   Sở dĩ, liên hiệp quốc (2013) chọn ngày 20 tháng 03 hằng năm làm “Ngày quốc tế hạnh phúc”…là vì ngày thu phân trong năm (thời gian ngày và đêm bằng nhau) mang ý nghĩa của sự cân bằng âm dương, vạn vật. Với mục tiêu vận động xây dựng hạnh phúc nhân sinh, một thế giới công bằng thịnh vượng và an toàn (xã hội, kinh tếmôi trường)…

    Có lẽ, ước mơ đẹp đẽ đó còn quá xa vời! Khi người trong xã hội còn chất chứa đầy hoài nghi? Hãy thử đi lang thang trên báo chí truyền thông, mạng xã hội…chúng ta sẽ bắt gặp nhiều nỗi hoang mang, lòng đố kị, đâu đó vẫn ồn ào nguyền rủa hận thù tiếp nối. Những âu lo đời sống bất an thường bị nhấn chìm vội vã rồi trôi qua nhờ thoáng vỗ về quá khứ, học thuyết lượm lặt tương lai rao giảng mộng mị…hoặc ai đó vẫn đang thảnh thơi vô tư nghêu ngao thói đời phiến diện, lại bận rộn với thần tượng cợt nhã trên sân khấu hề nụ cười show biz…

   Hạnh phúc buồn…hình như được quyến rũ từ một định nghĩa, triết lý vi vu man mác: Hạnh phúc thuộc về quan niệm mỗi người (?) Một mệnh đề bí ẩn lênh đênh sông nước, long đong như hè phố lận đận, lẫn thẩn miên man tiếng kinh cầu phủ dụ…thường mô tả chân lý rất bàn bạc (mơ hồ) tưởng chừng như hợp lý! Thực tế, chỉ là cách suy diễn nhằm biện luận từ thói quen (tâm lý) đa dạng về sở thíchnhu cầu con người…   

   Thật là phiêu bạt…khi ta hí hửng nhầm lẫn lấy sở thích hay nhu cầu của mình ra làm vốn liếng cố định gieo trồng tư duy hạnh phúc? Vì, hạt giống ước mơ cũng thường bị thay đổi theo định khúc của thời gian…hoặc là nó (nhu cầu, sở thích) sẽ bị phát triển đẻ thêm nhánh tham lam. Khi trái đắng hủ lậu chín mùi hương vị cực đoan…thì những điều xấu xa sẽ vô tình lan tỏa ảnh hưởng đến người khác, số phận cuộc đời chung. Và, thế là chúng ta mãi lận đận, loanh quanh rong đời bên lề thế giới …

   Dù niềm tin đặt vào số phận (hoàn cảnh, hiện trạng) hay nghiệp định luân hồi (học thuyết tâm linh)? Thì đời sống hạnh phúc con người không trốn tránh được cội nguồn sinh trưởng từ gia đình, bạn bè và xã hội (giá trị thực tế sinh tồn)! Vì thế, chẳng có thứ hạnh phúc hiện thực nào lại được tồn tại ở thế giới vĩnh cửu, cực đoan vị kỷ! Và, cũng không ai có thể tự vô ngã thong dong bước về cõi niết bàn, hay với đức tin hồn nhiên mà phiêu lãng đến được chốn thiên đường…Bởi, chẳng ai thiếu hoang đàng đi tìm hạnh phúc trên con đường cô độc?

   Người ta thường nói: Khi đi qua gian nan mới thưởng thức được giá trị của hạnh phúc? Có lẽ, hạnh phúc không phải là món đồ trang sức để cố bảo vệ hay giành dựt: Tình yêu có thể bắt đầu từ đôi trái tim (cảm xúc)…Nhưng vợ chồng được hòa thuận, yêu thương bởi họ biết tôn trọng và sẻ chia; Chẳng ai đề cập đến “chữ hiếu” khi lãng quên trách nhiệm của bố mẹ; Bổn phận giữa thầy và trò chỉ là khoảng cách tạm thời về học vấn; Những công dân tốt thường được sản sinh ra từ thể chế luật pháp công bằng và văn minh…

   Dẫu sao ta vẫn mơ ước: Hạnh phúc có thể là điều xa xỉ khi thân phận bị ruồng bỏ. Nhưng, lại là hy vọng duy nhất tồn tại cho xã hội biết cách xây dựng tình người…

     

Thứ Bảy, 11 tháng 3, 2017

Số phận cái vỉa hè...

Số phận cái vỉa hè…



    Có một gã thầy bói ngồi trên vỉa hè trần tình:
    - Tui chỉ bói toán về số phận, còn mê tín là chuyện của người khác…
   Có lẽ, thầy bói và "nhà hùng biện" có năng khiếu trùng hợp (cười)! Đến cái cách triết lý định phận theo kiểu suy đoán “nhân thể học” cũng không kém luận chứng:
   - Giày dép cũng có số má...nếu không có thêm công thức ba vòng đo 1-2-3 sao phân biệt ai là hoa hậu?
   Cũng có lý…gã cũng có thể dửng dưng tranh cãi với luật pháp:
   - Nghị định 46/2016/NĐ-CP…cũng đâu có khung xử phạt mua bán “thông tin số phận”?
  
   Chuyện “tư tưởng” và cách xử sự của con người có vô vàn biện luận, tôi thì chỉ quan tâm lý lịch cái vỉa hè, để thử cố tìm ra số phận của nó…

   Chẳng biết từ bao giờ “cái vỉa hè” được sinh ra? Có thể, từ khi hình thành đô thị, hoặc có phố xá thì cái vỉa hè cũng đã tự nó có tên tuổi! Ngày xưa, lúc chưa có phương tiện giao thông bằng cơ giới thì con đường và cái vỉa hè chắc chưa cần thiết phải phân biệt ranh giới dành cho xe cộ hay người đi bộ…

   Nhớ về 20 năm trước đó (1975-1995) cái vỉa hè dành cho người đi bộ chỉ làm bổn phận đơn giản là hè phố…tự do thong dong dạo chơi, nằm hóng gió mát, ngắm trăng thanh (theo thơ, nhạc). Vì thời “bao cấp” chẳng có mấy điện đóm, quán xá, xe cộ là bao để mà chen chân mua sắm phố thị, lấn chiếm vỉa hè kinh doanh…Đôi khi, ngay cả đường quốc lộ, tỉnh lộ, nội thị cũng có lúc hữu hảo, ưu tiên dành một phần cho người ta phơi lúa, hong khô thực phẩm nông nghiệp…

   Cái vỉa hè xứ mình nằm trong luật định đất đai “sở hữu toàn dân”! Và, vì “nhà nước” là đại từ chung…nên người dân không biết đơn vị nào thực sự có trách nhiệm. Cái cách quản lý, sử dụng của cơ quan, đoàn thể, địa phương...nhìn theo cảm quan cũng thấy khá tùy tiện, tuy có chủ nhưng vô pháp? May thay, mãi đến năm 1995 mới có nghị định 36-CP theo luật an toàn giao thông đường bộ thì cái tên “vỉa hè” mới thực sự biết nó vào gia phả thuộc giao thông đường bộ cai quản…

   Thực tế, 1986 khi đã xóa bỏ chính sách “ngăn sông, cấm chợ” người ta đã bắt đầu “bung ra” buôn bán nhỏ lẻ kiếm sống trước hiên nhà. Nhưng, mãi đến 10 năm sau (1995) mới có chính thức qui định phạm vi hè phố (trên giấy tờ) qua việc chứng nhận đất đai, nhà cửa (cấp sổ đỏ) cho người dân (mốc định khai phá, xây dựng trước 1993)! Nên chắc là cái hè phố có nhiều nơi đã bị "lấn chiếm" từ thời điểm trước đó...

   Rồi, phải thêm 20 năm nữa…mới có luật “khung phạt hành chính” lấn chiếm vỉa hè (35 Luật Giao thông đường bộ năm 2008, nghị định 46/2016/NĐ-CP ). Bây giờ, đã đủ quyền thực thi hợp pháp chiến dịch “dành lại’cho người đi bộ! Tuy nhiên, sự chậm trễ của văn bản pháp luật so với quy luật phát triển thị trường, thói quen “văn hóa” bảo thủ, quyền lực…khiến cho công tác xử lý vội vàng cũng không thuận lợi, dể dàng gì (?)

   Ngoài ra, cái vỉa hè sẽ không đến nỗi “ồn ào” nếu nó không bị thu hẹp? Sự thu hẹp vì nới rộng (ưu tiên xe cộ) đường phố cũ…nên cái vỉa hè nay đành chịu hao hụt, nhỏ bé đi. Cũng có thể vì quá khứ nó chưa được quan tâm thấu đáo để đưa tầm nhìn vào qui hoạch tương lai. Trong khi hắn (cái hè phố) lại gánh nặng hiện trạng “bon chen” dân sinh, kinh tế: Nhu cầu đi lại, buôn bán, hành nghề nhỏ lẻ mưu sinh…cộng phương tiện “văn hóa xe máy” đông đảo thêm bộn bề luộm thuộm (?)

    Nhưng, đã có số phận? Thì mỗi cái vỉa hè vẫn khác nhau: Có cái vỉa hè trở nên nhộn nhịp, chen lấn thì cũng có cái vỉa hè khá buồn tẻ, hiu quạnh…chỉ thỉnh thoảng đỡ cô đơn khi có cặp tình nhân nào đó vô tình lạc lối (cười)!