Thứ Năm, 20 tháng 4, 2017

Nỗi lòng "Con đường xưa em đi..."

Nỗi lòng “con đường xưa em đi”…
 (tâm tình...)



    Có anh bạn hỏi:
   - Bản nhạc “ con đường xưa em đi” vì sao bi giờ lại cấm?
   Tôi chỉ biết đoán mò qua nụ cười vu vơ:
   - Chắc là con đường của nàng đang đi, bị kẹt “giao thông” ở chỗ nào đó…

   Thật ra, bài hát quá xưa nên đành lần mò ngược về thời gian. Lúc ấy, mới khoảng 12-13 tuổi…bé tí chưa hề chạm ngõ yêu đương, nên không thích chơi lối dòng nhạc bolero cho lắm! Nhưng, thật là hên…có “bà” chị học lớp đệ tứ (lớp 9) xinh đẹp nhờ tập hát bài “con đường xưa em đi”, nên cũng làm thinh cố phiêu linh mà nắn nót cung đàn (le lưỡi)…

   Chỉ cần ghé vào tiệm sách là mua được ngay một bản nhạc gốc có ấn bản (cấm trích dịch và phóng tác). Chơi nhạc là phải hiểu được ít nhiều nội dung bài hát…Nhưng, mới thử nghêu ngao“Con đường xưa em đi, vàng lên mái tóc thề, ngõ hồn dâng tái tê…” là bị kẹt tư duy, á khẩu (không hiểu) vì thời đó đâu có ai nhuộm tóc vàng? (cười)

   Thông cảm trẻ ranh…bà chị liền mơ màng ru mộng vào đời: Là con đường có nắng ấm ngập vàng ươm mái tóc, nhưng ngõ vắng tâm hồn khiến sầu dâng giá lạnh! Còn “anh làm thơ vu qui ” là nói về “mơ ước” duyên tình trọn vẹn, chuyện tình này ai cũng biết vì “khách qua đường (đã) lắng nghe” thấy hết đó! Ái chà, ngôn tình với kẻ chưa biết yêu, quả thật không dễ hiểu (chậc)…

   Sau này, khi lớn lên tìm hiểu về ca từ của Hồ Đình Phương (ông và gia đình đã mất tích trên biển vào tháng 11 năm 1979)? Ngoài học vấn, vị trí xã hội…ông còn là nghệ sĩ nổi tiếng tài danh trong nhiều lĩnh vực văn chương, thi phú, viết sách báo và đặc biệt là đã viết lời “dùm” rất nhiều tác phẩm nổi tiếng âm nhạc (trước 1975) cho các nhạc sĩ như: Châu kỳ, Hoàng trọng, Lam Phương, Hoài An, Minh Kỳ, Song Ngọc, Phạm thế Mỹ

   Ca từ “con đường xưa em đi” mới đây, khi trình diễn phổ thông sở dĩ phải thay đổi phiên gác = thao thức, chiến trường = lối mòn là cho phù hợp với đa dạng công chúng, hiện tình xã hội. Nhưng, dẫu sao cũng mất phần nào giá trị chân thật tình yêu nhân văn: Bởi, hoàn cảnh chiến tranh làm chia ly…vẫn khác sự xa cách mơ hồ không rõ nguồn cơn (?)

    Nếu, đã cho phổ biến những bài hát sáng tác (miền nam) trước 1975…thì chúng ta phải hòa thuận chấp nhận hiện thực lịch sử với ngôn từ văn chương lãng mạn, tình cảm công chúng. Vì sự thật! Nó chẳng hề che dấu hay ca ngợi điều gì khuất tất, mà chỉ mang theo tâm sự nỗi buồn chiến tranh, để mong ngày hòa bình…

   Sau năm 1975, khi tham gia nhiều phong trào văn nghệ, cộng tác với các ban văn hóa thông tin, có một nhạc sĩ nào đó hỏi tôi:
   - Các cậu đều có trình độ văn hóa cao, nhưng tại sao? Lại thích những bài hát đau thương, ủy mị, vàng vọt…

  Rất ngạc nhiên, vì tôi chưa từng đánh giá hoặc phân biệt gì về hệ ý thức tác phẩm! Nhưng, không thể bằng lòng khi ai đó dám phê phán về tình cảm con người, không biết đặt nghi vấn cuộc chiến để hiểu nỗi buồn xót xa sự mất mát và chia ly? Những người ngoại quốc xa lạ cũng từng thắc mắc: Người Việt thường hay hát nhạc buồn? Tôi chỉ có thể giải thích: Vì họ chọn tình yêu làm hạnh phúc và hoài mơ về nơi chốn thanh bình

      Cảm ơn một thời hồn nhiên, Tôi đã không lấy nghệ thuật làm khó cho kế sinh nhai! Và, đến nay cũng nghĩ rằng: Có thể “Con đường xưa em đi” đã phai mờ nỗi lòng, nhưng còn chút dấu yêu thì dẫu sao nàng vẫn hát…

4 nhận xét:


  1. Trước 75 , HD đã biết iu nhạc rồi dù chưa đến '' Tuổi 13 '' vì nhà có cả xấp hơn trăm bài đó chứ.
    Mấy bản này là HD thuộc lời bản gốc đàng hoàng nên không thích ai sửa ca từ.
    Anh thenhan ngày đó chắc giả '' khờ '' chứ sao lại không biết ''vàng lên mái tóc thề '' nhỉ?
    hihi

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Tại...@thenhan lúc đó khờ khờ, đâu có nhìn mái tóc (hi hi)

      Xóa
  2. Đường ngày xưa bị xe cộ đi nhiều sinh ra ổ trâu ổ voi -vì thế đi lại dễ bị tai nạn lên cấm là phải rồi mà anh -

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Hơ, nghe nói Cục gì đó thu hồi quyết định "tạm dừng" rùi!
      Vậy, mà tưởng do nhiều đường cong ảnh hưởng tầm nhìn (le lưỡi)...

      Xóa