Thứ Bảy, 30 tháng 11, 2013

Người tốt, kẻ xấu và tên vô lại...



Người tốt, kẻ xấu và tên vô lại…
(Thiện, ác, tà…)

   Ở đời, thường nghe người ta chỉ phân biệt thiệnác. Nghĩa là nhân gian thường phân chia hai loại người: Người tốtkẻ xấu

   Nói theo quan niệm đời sống đạo đức…thì người tốt là người luôn làm việc thiện và sống có nhân cách. Còn kẻ xấu là kẻ không có lương tâm, chuyên làm những điều ác…

  Nhưng, nếu chỉ xét theo quan điểm xã hội: Thì những người tuân thủ hiến pháp, pháp luật và có tư cách lối sống hoà thuận gia đình bạn bè lối xóm, hành nghề lương thiện là người tốt! Ngược lại là kẻ xấu…

   Và nếu xét theo cuộc đời mỗi người: Người tốt là người chấp nhận sự thật, còn kẻ xấu là kẻ giả dối…

   Cũng có một định nghĩa triết lý đơn giản: Người trung thực là người tốt!

   Tuy vậy, trong thực tế nhận diện ra người tốt, kẻ xấu không phải dễ. Bởi cuộc đời đa đoan, khiến người ta biết che đậy những điều xấu, biết ẩn dấu sau những chiếc mặt nạ kỳ quái hoặc tô điểm dung nhan đẹp đẽ…Đó là chưa nói về tâm lý thói đời: Tốt và xấu đôi khi cũng chỉ là khoảng cách với lằn ranh có giới hạn.

   Nếu cuộc chơi sinh tồn, đấu tranh với đời đầy trắc trở và gian nan…nhiều khi, người ta không còn phân biệt tốt hay xấu mà chỉ có hai lựa chọn được-mất và thắng hay thua. Khi ấy! Người anh hùng và kẻ tiểu nhân khó mà phân biệt(?). Chính…sự hỗn độn thiện và ác, người tốt và kẻ xấu, nên ở giữa sẽ sinh ra: Tên vô lại (loài)…một loại người thường có chiếc mặt nạ ảo vọng, lanh lợi hơn người tốtkẻ xấu, một kẻ “đa nhân cách”, thừa giả dối…

   Trong một xã hội nhiễu loạn ý thức, sở học lệch lạc, pháp luật thiếu bình đẳng hoặc không nghiêm minh…thì nhân tình thế thái càng trôi nổi, mê tín dị đoan(!). Và môi trường đó khiến cho cách sống của những tên vô lại thường dễ thành công hơn! Vì chúng biết lọc lõi hoá thân vào những người tốt lẫn kẻ xấu…với một bộ mặt nhân nghĩa, thanh cao và léo lận, phù phép thêm ngôn từ, rêu rao những lời nguỵ biện hay ho cao cả, thần thánh….

  Thường, kẻ xấu dễ lộ diện ngu đần và người tốt vốn hay nhân nhượng khiêm tốn…thì tên vô lại luôn thể hiện mình là kẻ chân chính, làm quan toà phân định lẽ phải. Một thứ lẽ phải thường đi đôi với quyền lực và tiền bạc…

   Những Tên vô lại là kẻ luôn xem chân lý là sự khôn ngoan. Chúng có thể là người đạo mạo, nhún nhường hoặc kẻ huênh hoang cao ngạo, nhưng lại thiếu tự đắc tâm hồn. Chúng luôn thể hiện đạo đức, nhưng kém cỏi hành động tính tha nhân...
     
    Dưới một xã hội chỉ có một lẽ phải giáo dục duy nhất, tư tưởng xã hội độc đoán…Tuy rằng người tốt vẫn nhiều hơn kẻ xấu. Nhưng, những tên vô lại bằng cả người tốt và kẻ xấu cộng lại!?