Thứ Sáu, 19 tháng 12, 2014

Có phố Mùa Đông...



Phố Mùa Đông



Nơi đỉnh dốc đời
Có phố mùa đông
Trên đồi hoa cỏ
Mặt trời trôi êm
Hàng thông góc phố
Con đường nghiêng nghiêng
Sương chiều buông nhẹ
Có sầu không tên

Nhớ nhung những chiều
Khoác áo mùa đông
Em từng bước nhỏ
Một miền đong đưa
Nụ cười như nắng
Anh về hư hao
Ôm ngày vơi cạn
Gọi nắng ngọt ngào

Nhớ phố mùa đông
Có cuộc tình nồng
Hơ ngày hiu quạnh
Xóa đời long đong

Phố nhớ chiều êm
Có bàn tay mềm
Vịn hoài chân mỏi
Chút tình xin quên

Nơi có gió ngàn
Đếm bước hoàng hôn
Em đành không đợi
Sợ mùa cô đơn
Về qua ngõ phố
Anh chờ yêu đương
Sương mù đứng tựa
Trượt dốc tình dài…

                 Thế Nhân

P/s:
   Ở đây…@thenhan có  câu chuyện tản mạn với bạn bè. Tất nhiên, chỉ là cảm nhận riêng của cá nhân mình:
   Sáng tác giai điệu, ca khúc cho các địa phương (địa danh, thành phố) thường khó tìm ra chính xác âm hưởng, nhạc tính so với những thành phố như: Huế, Hà nội, Sài gòn, Đà Lạt, Nha Trang…vì các nơi đó đã hình thành một vài nét đặc trưng không gian và tính cách phổ thông xã hội đương đại
   Riêng Pleiku, có thể cũng giống như khung cảnh Đà lạt, Sa Pa, Buôn Mê…(phố núi, rừng thông) …nhưng, vẫn có rất nhiều khác biệt về phong thổ, khí hậu (biên độ nhiệt) và cả về không gian âm nhạc dân tộc.
   Pleiku phần lớn là người dân tộc Jrai (dân số lớn nhất Tây Nguyên) nên họ có chiều dài văn hóa rất riêng biệt! Có đặc thù âm nhạc cộng đồng (chiêng cồng). Nhưng, họ cũng có giai điệu (gần như duy nhất) thuộc thể loại tâm tình ca khúc, mà tôi cũng chẳng biết gọi tên tiết điệu đó là gì? Dù đã cùng chơi nhạc với họ vài năm…Vừa giống điệu Fox, Surf, Twist nhưng lại cộng hưởng thêm những nốt rải réo rắt…
   Tôi nghĩ âm nhạc cũng phát xuất từ văn hóa tâm hồn: Có chút gì đó như trầm mặc, âm thanh cao thấp lên xuống rất đều đặn như suối chảy, chỉ một ít kịch tính như lộng gió ngàn. Tôi luôn có trừu tượng như nhạc “thiền”…vì vẫn ngủ bình yên trong âm thanh tiếng chiêng cồng vang xa đó. Có lẽ, nhờ vậy mà họ chơi và nhảy múa suốt qua đêm tối…(?)
   Mặc dù có nhiều nét giống nhau giữa các sắc tộc ở tây nguyên. Tuy vây, họ vẫn có phong tục và quan điểm văn hóa rất khác nhau. Người Jrai có vẻ trầm tĩnh hơn. Sống với họ 3 năm trời nhưng không thấy họ to tiếng, hay cãi vả nhau kể cả khi bàn bạc hay tranh luận(!) Giọng nói, âm tiết vừa phải, dù tiếng hú rất vang xa giữa rừng núi khi gọi nhau. Ta có cảm giác đang ở trong một xã hội thu nhỏ  gần như công việc, bổn phận đã được mặc định lẽ phải…
   Người Jrai không thích kiểu cách hát hú, hét như những “sáng tác” (một vài nhạc sĩ) mà ta thường bắt gặp trình diễn. Mặc dù họ rất thích nhạc mạnh rock Mỹ (thanh niên) hay nhạc tình ca Pháp (giới có học). Nhưng họ vẫn yêu nhạc của họ hơn. Khi chơi nhạc  họ lắng chìm trong âm thanh một cách say sưa…nên cách nhảy múa thể hình di động uyển chuyển, rất nhịp nhàng rõ ràng…chứ không lã lướt, điệu đà hoặc mạnh mẽ  gây “bão” kịch tính như phần nhiều các dân tộc khác…! Sự gợi cảm, rung động của phụ nữ (múa) thường ở đôi mông trong nhịp bước dừng với sự lắc vai rung nhịp tự nhiên của họ, cùng với đôi bàn tay, đôi mắt nghệ thuật đa dạng trong diễn tả…
   Nhưng, thôi! (nói nhiều quá), nói một chặp là ra đến…bờ suối bi chừ (hì hì). Thế Nhân soạn nhạc bài hát này là để các bạn nghe thử, để biết…có đỡ lạnh một mùa đông không? (le lưỡi)!

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét