Cuộc đời “Thằng Bờm”
(Câu chuyện chữ nghĩa…)
Học chữ khó hay dễ?
Thực sự, câu hỏi mà ít ai muốn trả lời! Vì, khó ai nhớ nỗi khi xưa học chữ (lớp một) nó khó hay dễ? Chỉ biết rằng cuối cùng đứa nào cũng tò tí te lên lớp và trưởng thành bằng nhiều cách…
Các bậc phụ huynh cũng đừng vội lo. Vì, thiên tài như Einstein và leonardo Da Vinci thuở bé cũng bị rối loạn ngôn ngữ, chữ viết…nhưng thế giới chẳng ai dám nghi ngờ phẩm chất và năng lực của họ (cười).
Hãy nghĩ rằng: “Học mà chơi chơi mà học” vốn là thành ngữ ngụ ngôn nói về phương pháp dạy học, là giáo trình thong dong có giá trị nhân bản học và hành. Sự thật đơn giản triết lý giáo dục chỉ có vậy! Mọi thứ nhiễu nhương nằm ngoài sự thích thú, hấp dẫn gợi trí tò mò của học sinh…thì không thể gọi là khoa giáo dành cho học đường!
Và dĩ nhiên, tôi viết bài (entry) này chỉ là phương pháp luận qua sự tồn tại từ văn học nhân gian…
+ Giá trị thực của ngụ ngôn?
Thường, ai cũng quen biết “thằng Bờm” qua lối văn vần, viết theo thể thơ lục bát trong bài tập đọc (học thuộc lòng) trong sách lớp 1:
Thằng Bờm có cái quạt mo
Phú ông xin đổi ba bò, chín trâu
Bờm rằng: Bờm chẳng lấy trâu
Phú ông xin đổi một xâu cá mè
Bờm rằng: Bờm chẳng lấy mè
Phú ông xin đổi một bè gỗ lim
Bờm rằng: Bờm chẳng lấy lim
Phú ông xin đổi con chim đồi mồi
Bờm rằng: Bờm chẳng lấy mồi
Phú ông xin đổi nắm xôi, Bờm cười…
Đó là câu chuyện có nội dung hấp dẫn, gây tò mò, thú vị đến mức lạ lẫm…
Thông thường, với hình thức kết quả sự việc trên thì sẽ có ý niệm: Thằng Bờm là đứa dại khờ, ngớ ngẩn vì cuối cùng nó chỉ đổi (Bờm cười) lấy nắm xôi mà không lấy các thứ trước có giá trị lớn hơn? Thật tình, bọn trẻ con (như tôi) lúc ấy cũng chỉ nghĩ đến vậy, nên đứa nào hơi hậu đậu cũng gọi là “bờm”…
- Nhưng khi lớn một chút (trung học) biết thêm một chút về nghệ thuật diễn đạt văn chương. Ai quan tâm về ý tưởng? Thì có thể suy luận để thành chuyện ngụ ngôn có giá trị về sự công bằng, hợp lý ở đời (cho cả phú ông và Bờm): Bờm là đứa trẻ hồn nhiên, hoặc là biết lẽ phải (thông minh). Lão phú ông có dụng ý gì đây khi "trả giá" thấp dần (nghịch lý)? Nhưng, rõ ràng rất tôn trọng, lịch sự “xin đổi” tuần tự những sản vật có giá trị…để thương lượng chỉ lấy một chiếc quạt mo cau không đáng giá?
- Tuy vậy, cái sự đời không phải bao giờ cũng cho thằng Bờm được hồn nhiên? Và, lão phú ông ở đây sẽ trở thành kệch cỡm, kẻ khoe giàu? Khi mà não trạng ai đó lại có tư duy khác: “ xếp bài ca dao Thằng Bờm vào loại ca dao trào phúng chống phong kiến mang ý nghĩa như một truyện ngụ ngôn độc đáo…” rồi tự áp đặt hai cái bóng thi ca trình diễn thành kẻ thù giai cấp “Phú ông là bọn nhà giàu nứt đố đổ vách trong nông thôn ngày xưa. Thằng Bờm thuộc tầng lớp khố rách áo ôm trong xã hội cũ…”. Dù thực tế vào đời “văn hóa dân gian”chẳng có lời nào bảo người giàu là “bọn”…
Để thấy rằng: Khi dùng tư tưởng tự tạo ra định mệnh thì nội dung cũng bị thay đổi, mặc cho chữ nghĩa vẫn rành rành…Sự thật, người ta chỉ cảm xúc giá trị với những câu chuyện ngụ ngôn có tính nhân văn, học thuật khiêm nhường để gợi mở năng lực đức dục, trí dục…
+ Nguyên lý của chữ nghĩa?
Lịch sử đã cho biết loài người đã sáng tạo chữ viết từ lâu, nên đúc kết được nguyên lý cơ bản. Và, bất kỳ chữ của quốc gia nào chúng ta cũng đều học được, vì nó chỉ ghép nối một số kí hiệu qui ước. Sẽ là đơn giản, nhanh chóng hơn khi được sinh trưởng, giao tiếp phát âm và hiểu ngữ nghĩa ở nơi đó…
Điều rắc rối, khó khăn dẫn đến kém vui vẻ, thiếu tự tin? Khi sách giáo khoa soạn giáo án “đánh đố” không dùng trực tiếp (chính xác) ngôn từ phổ thông (quốc ngữ)...Vì, ngôn ngữ giao tiếp bên ngoài với xã hội thường tùy tiện, cảm tính: Ngữ điệu, thuật ngữ, tiếng lóng (phương ngữ xã hội), thói quen âm ngữ địa phương, vùng miền…khiến người lớn dày dạn phong trần đôi lúc cũng bị ngơ ngác, huống gì trẻ em đang mơ mù mờ như tờ giấy trắng…(Không nhẽ, các bé phải cần cù cõng nặng thêm vài cuốn từ điển “vùng miền” đi học, khi chưa biết đọc?)
Chuyện học hành sẽ đơn giản nếu không có người thích chơi chữ và tự “suy ý ra nghĩa”. Nghe người ta nói: Bài học thuộc lòng “thằng Bờm” trên kia cũng có vài dị bản (?) Dưới đây là một bài “Thằng Bờm” trong sách Tiếng Việt 1 Công nghệ Giáo dục của NXB Giáo dục Việt Nam:
Mặc cho dư luận dân gian không đồng ý vốn là “sản phẩm của văn học dân gian”…Nhưng, nhà xuất bản giáo dục Việt Nam vẫn quả quyết: “xét trên nguồn gốc các văn bản (dị bản) và logic (hình thức và nội dung) của bài, việc sử dụng các từ ngữ “ba bè gỗ lim”, “đôi chim đồi mồi” và “hòn xôi” trong sách Tiếng Việt 1 Công nghệ Giáo dục là hợp lý”.( https://zingnews.vn/tranh-cai-ve-tu-hon-xoi-trong-bai-tho-thang-bom-cua-sach-lop-mot-post947642.html)
- Sự “hợp lý”trong văn học thường cho kết quả vô số nghiệm? Cuộc đời “Thằng Bờm” thật lận đận (cười)! Ra đời từ lâu lắm nhưng thiên hạ cứ mãi xem Bờm là trẻ con, lừa phỉnh sao cũng được (!) Trong khi Phú Ông lại trở nên ngớ ngẩn, lú lẫn…
- Mặc dù đúng luật thơ…nhưng, không phải bài thơ lục bát nào sáng tác cũng dành cho ca dao, tục ngữ, hò, vè...(diễn ngâm vần điệu khác nhau). Chỉ cần thay đổi một từ nào đó “trắc” thành “bằng”, hoặc cùng vần “trắc” nhưng khác dấu như (sắc và nặng) là “thanh nhạc” đã biến tấu khác rồi!
Người có lòng tự trọng nên cẩn thận…vì chuyện chữ nghĩa luôn kèm theo một thành ngữ muôn đời mà ai cũng từng nghe thấy để tự vấn đáp: “Xấu hay làm tốt, dốt hay nói chữ” (Ý nghĩa: người dung mạo không đẹp lại thích trang điểm, làm dáng, người không giỏi lại hay nói kiểu như mình giỏi).
Câu thành ngữ này đã nhận thức hóa về phản ứng ngược ẩn kín bên trong so với hình thức bên ngoài. Nhưng, nếu thuộc về tâm lý con người thì có cái để cảm thông! còn như “dốt mà thích sính chữ”hoặc "lừa đảo văn học" thì quả là tệ nạn…
Ngoài ra, với văn hóa dân gian lâu đời người ta vẫn biết thuần thục: “Có thể che đậy sự giàu có, nhưng không thể che dấu điều dốt nát…”. Vì vậy, có học vị hay bằng cấp cỡ nào cũng không cứu rỗi được thực lực học vấn, nhân cách...dù có biện minh dưới bóng từ ngữ công nghệ, hay ngụy tạo hình thức hiện đại cũng là hư vô!
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét