Thực và ảo…
(Câu chuyện chữ nghĩa …)
Đời sống vốn bận rộn, nhưng đôi khi cũng cảm
thấy trống vắng...Ý nghĩa cuộc đời lúc này chỉ còn lại những ngôn từ (cười)…
Sự định hình chữ nghĩa (chính tả) là một quá
trình lịch sử văn minh ngôn ngữ, nó đã cho ta sử dụng chính xác ý tưởng và dễ
hiểu hơn so với văn nói (phát âm)…
Và, khi
từ ngữ được diễn đạt bằng văn chương thành ngữ, đối nghĩa, ghép từ…thì thường
có bao hàm ý tứ sâu xa về một mệnh đề triết lý nào đó(?)
Thực và ảo là một “hệ qui chiếu” khác
với định đề thật-giả; trái-phải; đúng-sai; có-không... Vì, “ảo” chưa phải
là giả; “hiện thực” không hẳn đã là sự thật…nếu có thể, người ta
chỉ liên tưởng đến “mặt trái của cuộc đời” như một phép ẩn dụ nhằm mô phỏng liên
kết bên trong và bên ngoài vốn có của một chiếc áo, sẽ khác với qui ước hay định
nghĩa?
Thực tế, không ai muốn phiền lòng hay tự gây
rắc rối cho não bộ khi đặt dấu hỏi về: Truyền thuyết lịch sử (sự thật?), cổ
tích thần thoại (hư cấu?), văn chương thơ ca (trừu tượng?) hay yếu tố lãng mạn
trong tình yêu?
Tùy theo “lề lối” văn chương, nghệ thuật…người
ta cũng sẽ dễ dàng tìm ra ý nghĩa, giá trị trong diễn cảm:
+ Thực và ảo trong văn chương, thơ ca…là mối liên hệ giữa hiện thực và trừu tượng. Người nghệ sỹ thường đem cảnh vật vào lòng người để diễn giải nỗi niềm tâm sự: “Đường dài hun hút cho mắt thêm sâu” (Diễm xưa-Trịnh công Sơn) có thể chỉ là “tỷ lệ thuận” của khoảng cách…nhưng, nếu khiến ta liên tưởng đường dài cuộc đời thì vẫn còn đó những ngày dài suy tư, thao thức. Hoặc nỗi buồn sẽ trống trãi, hụt hẫng khi nhận ra “Đời sao im vắng như đồng lúa gặt xong…”(Ru ta ngậm ngùi-Trịnh Công Sơn).
Trong bài thơ “Khúc Thụy Du”của Du Tử Lê:
Như con chim
bói cá
Trên cọc nhọn
trăm năm
Tôi tìm đời
đánh mất.
Trong vụng nước
cuộc đời…
Người ta đặt tên về loài chim “bói”cá như để
hình dung về tâm trạng bất an đến từ may rủi! Sự trắc trở khi đứng “trên cọc nhọn trăm năm” để cố tìm kiếm quá khứ đời người (hạnh phúc) đánh mất. Nhưng, rõ ràng: Nếu là vì “vụng” nước
cuộc đời… thì khó để tìm lại được?
Có lẽ, ngôn ngữ văn chương luôn vay mượn
phiêu lưu tìm cảm xúc. Thanh cao hay phong trần, kiểu cách hay chân tình cũng
chỉ là phương tiện len qua hành trình lý lẽ. Ở đây, vốn sống chữ nghĩa chỉ còn
lại vai phụ của ý tưởng, thực và ảo không còn là đề tài để tranh luận...
+ Thực và ảo qua đời sống văn hóa ăn nói, hình thức giao tiếp cũng là mối liên quan từ nhiều nguyên nhân! Trong “mạng” ảo được truyền tải bằng “mạng” thực trên internet...Nó sẽ thể hiện “mặt trái” tư tưởng khi xét về tâm sinh lý hoàn cảnh, hoặc đó chính là “mặt phải” của thuộc tính liên quan đến nhận thức. Đôi khi, chỉ qua trang facebook cá nhân người ta có thể hiểu hơn “cái tôi” của ai đó hơn là giao tiếp ngoài đời…
+ Niềm tin và kinh nghiệm? Đôi khi, cũng chỉ nằm giữa thực và ảo! Sự hên xui…không được đánh giá cao như người ta muốn nghĩ! Bởi, chẳng có nền tảng khoa học và nguyên tắc luật pháp nào lựa chọn: Kinh nghiệm cá nhân, chuyện đời truyền miệng, quảng cáo bán buôn…làm chứng cứ(?) Vì, hoàn cảnh và tâm lý nhân sinh: Thực tế cuộc sống đó - tạo niềm tin kia…vốn là công thức hóa nuôi niềm hy vọng.
Thực và ảo không chỉ tồn tại tư tưởng “hệ nhị nguyên” về các mặt xã hội: văn hóa, giáo dục, y tế, chính trị, tôn giáo…mà ở ngay trong chính bản thân hòa hoãn của mỗi người. Chẳng qua, nó giới hạn đến đâu và có giá trị gì thực tế trong đời sống?
Sự “tương đối” hòa thuận giữa thực và
ảo cũng thường đem đến trạng thái cân bằng, nhu cầu thiết yếu, hạnh phúc đời sống!
Tuy vậy, cuộc đời vốn rất hiện hữu: Bằng cấp chuyên môn, văn hóa nhân sinh
và tư duy khoa học vẫn là giá trị nhân quả căn bản được xã hội tôn trọng,
tin tưởng hơn…
Đời sống vốn có vui buồn, thói đời lẫn lộn trắng
đen…như tạo hóa cần có ngày và đêm để vận chuyển cuộc sống thực hư đầy
hấp dẫn!
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét