Tương lai…
(Câu chuyện bạn bè…)
Đã hơn “sáu mươi năm cuộc đời” mà
còn đong đưa nói chuyện tương lai? Chắc, đang lục đục tháng ngày trông ngóng
dáng hoàng hôn (cười)…
Tương lai có thể là một điều gì
đó xa vời với người không bận tâm, nhưng sẽ rất gần cho ai đó đang lo lắng ngày
mai…
Có lẽ,
khi nói về “tương lai” chúng ta cần chút lạc quan và hài hước. Bởi, chỉ là
khoảng cách thời gian mặc định của ngày mai(?) Còn đời người dài ngắn chắc hẵn phụ
thuộc vào sự thảnh thơi hay bận rộn…
Hãy thử một câu chuyện mang tính trừu tượng: Giả sử, trên con đường
thong dong hoặc chật chội cùng đi đến tương lai? Nếu Bạn thấy mỗi người đều
mang theo những gói hành trang trông có vẻ cồng kềnh hoặc gọn nhẹ như: Chiếc ghế
quyền lực, trang sức và tiền bạc, văn chương thơ ca, túi gạo, chai rượu, tờ vé số
hay chỉ cầm bóng hình ai đó…Và, không biết bạn đành lựa chọn đồng hành cùng ai?
Vì, khi mới vào đời Tôi cũng ngu ngơ, bối rối nhìn trời xanh thênh thang, mây trôi
xa lắc…
Thực ra, giữa dòng sống vốn luôn bấp bênh chuyện
đời, phận người…với tâm tư đa đoan nên có rất nhiều lý do để người ta nghĩ rằng
“con người có số phận”. Nhưng, số phận thuộc về định số hay vận
mệnh là hai quan niệm sống rất khác nhau:
- Những người tin vào định số thường
nghiêng về tử vi, bói toán và tùy thuộc vào điều kiện hoàn cảnh mà có thái độ dửng
dưng hay an phận! Bạn cứ thử tò mò xem mệnh trời đoán phận người? (dù trời chỉ
bận rộn nắng mưa, người thì lo kiếm sống và yêu đương). Vẫn nên cẩn thận…cái gì
thuộc về cõi người luôn có thói đời bon chen lẫn lộn: Sự xa xỉ lòng tin thường
dễ bị bội bạc và sự hào phóng tâm linh có thể “tự kỷ ám thị” chính cuộc đời mình…
- Những người tin vào vận mệnh thường chọn nhu cầu thực tế bằng cơ hội thực dụng: Điều kiện gia đình, năng lực, học vấn, tâm sinh lý và hoàn cảnh xã hội để lọc lựa tương lai (nghiệp vận). Nghe có vẻ như luận chứng rêu rao thành đạt “kỹ năng mềm” hay thuật “đắc nhân tâm” của người xưa? Nhưng, sự khôn ngoan cũng thường dẫn đến tham vọng rồi sinh ra ngạo mạn, kiểu cách, giả dối (hệ quả xấu). Với lại, sách lược vốn cầu kỳ, văn chương thường mô phạm triết lý thì học thuyết hiện sinh về nhân sinh quan hay xã hội học cũng tạm “lãng quên” chưa vội tính đến hệ số vô thường do: Chiến tranh, thiên tai dịch bệnh, trào lưu văn hóa, xu hướng xã hội hoặc đổi thay chính trị…
Nhưng, chúng ta đều hiểu: Điều chưa đến,
chưa xảy ra (tương lai) cũng chỉ là dự đoán! Những “công thức hóa” thân phận
như trên, khiến ta đã cảm thấy cuộc đời gần như bị lẫn quẫn nô lệ cho số mệnh…nó
còn khó hơn là phác thảo “nhân quả” dùm tương lai cho một người qua vài đặc điểm,
tính cách (nghề nghiệp cũng tạo ra tính cách)…
Dẫu sao, muốn niềm vui xôn xao cuộc sống? Đôi
khi cũng phải tự vỗ về thỏa thuận với tình yêu và sự nghiệp. Đơn
giản hóa cuộc đời thì trong điều kiện hoàn cảnh nào? Con người cũng sẽ biết lạc
quan để hiểu cả cách thưởng thức hạnh phúc buồn…
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét