Chủ Nhật, 17 tháng 2, 2019

Mùa xuân chín


Mùa xuân chín
( Một đề tựa Hàn Mặc Tử)

    Dẫu thế sự vui hay buồn? Thì tết vẫn đến và mùa xuân cũng sẽ đi qua đời mình.
    Nếu tết là câu chuyện đoàn viên, thì mùa xuân người ta thường nói về tình yêu! Một đề tài chẳng bao giờ cũ, dù ai đó thấy rõ nét tàn phai (cười)…


( Em iu (ớn) giờ mà còn cười...)

   Cách đây vài thập niên trước…hãy thử nghe Xuân Diệu, Hàn Mặc Tử “cắt nghĩa” và “giải nghĩa” yêu:
Làm sao cắt nghĩa được tình yêu!
Có nghĩa gì đâu, một buổi chiều
Nó chiếm hồn ta bằng nắng nhạt,
Bằng mây nhè nhẹ, gió hiu hiu…(Xuân Diệu)
Ai hãy làm thinh chớ nói nhiều,
Để nghe dưới đáy nước hò reo,
Để nghe tơ liễu rung trong gió,
Và để xem trời giải nghĩa yêu. 
(Hàn mặc Tử)

   Phải chăng tình yêu hôm nay thay đổi theo thời đại? Có lẽ, xã hội phần nào chính trị hóa, chủ nghĩa vật chất hay tôn giáo khải huyền…cũng ảnh hưởng, chi phối nhiều đến đời sống riêng tư, tình cảm con người, nên diện mạo tình yêu dường như cũng bị “định nghĩa” nhiều hơn(!)

    Đó, có thể chỉ là câu chuyện xã hội, hay nói một cách nôm na...chuyện đời!

    Riêng tôi, lặn lội đi qua gần hết đời người thấy chẳng có gì chân thật bằng nghĩa yêu thương. Chợt sở ngộ: Vì sao người ta thi vị hóa tình yêu? Vì, thế giới đó là cội nguồn sinh tồn, vốn liếng hồn nhiên! Không chấp chứa vị kỷ so đo chia rẽ phận người, cuộc đời bằng những luận điểm khoa học, biện chứng tư tưởng chủ nghĩa, đảng phái, tôn giáo, dòng họ, chủng tộc…

   Điều đặc biệt khi yêu nhau người ta được quyền tự do mơ mộng (le lưỡi):  
  
Tìm nhau…

Đời nhân thế mộng người muôn ngã
Lạc đường về níu áo hoàng hôn
Đưa tay hái ánh sao hôm
Soi tìm duyên lỡ nửa hồn tìm nhau

Tình muôn lối em về đâu đó
Nhặt vần thơ anh buộc bàn chân
Một mai mòn gót tình nhân
Tìm về lối cũ phong trần dệt thơ…

Vần thơ dệt lênh đênh ảo ảnh
Rớt chữ đời nhặt nhạnh thương đau
Về nghiêng khoác áo mây sầu
Thắp lòng nhung nhớ níu nhau trả tình

Tình nay trả tình xưa còn hẹn
Nợ cuộc tình kéo mãi lê thê
Tìm nhau hết kiếp đam mê
Hoa tàn nguyệt tận lối về còn xa…
                                    
                                          @thenhan

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét