Thứ Ba, 23 tháng 9, 2014

Nhạc trẻ...



Nhạc trẻ…
(Câu chuyện bạn bè)


   Tại sao người ta gọi là “nhạc trẻ”?
   Khi nói đến tuổi trẻ người ta hay nói đến sinh lực tràn đầy, nhiệt huyết, sôi động, sáng tạo…trong đó có cả đam mê, hồn nhiên và cả ngây ngô nữa (cười).

   Sự phân biệt “nhạc trẻ” với âm nhạc thường…là do sự biến tấu sôi động hoặc đơn giản, để dễ lôi cuốn trở thành phong trào, cuốn hút đám đông trẻ tuổi vào âm nhạc hơn…

   Nguồn gốc “nhạc trẻ” chắc hẳn đã xuất phát ở xứ sở “đa chủng tộc”(Mỹ)…khi mà đất nước có lịch sử “đa văn hóa” ấy phải chấp nhận và tôn trọng mọi nhu cầu phát triển tự nhiên, sáng tạo của mọi thành phần trong xã hội (nhất là về tư tưởng).
  
   Như vậy, nhạc trẻ so với thời gian đã là khá dài, không có gì là mới mẽ! Bởi, từ thập niên 60 (thế kỹ 20) nhạc trẻ đã trở thành phong trào rộng khắp, lan sang cả các nước châu á xa xôi! Lẽ dĩ nhiên, sự tự do sáng tạo âm nhạc liên quan đến tư tưởng dân sinh ở thế giới mở…so với một số chính thể xã hội bảo thủ, độc đoán, khép kín thường bị ngăn cấm hoặc không cho phát triển (?)

   Ở Việt nam nhạc trẻ mới “khai sinh” lại trên dưới 10 năm nay. Và sự chập chững (đương nhiên rồi) sẽ có “vấn nạn” vấp ngã? Vì sự đơn điệu, chưa tích lũy mà đã phát sinh ồ ạt, “tự tin” tập tành sáng tác, hoặc bắt chước rập khuôn non nớt khiến cho sân chơi âm nhạc giải trí phần lớn hiện trạng trở nên hỗn tạp, dễ dãi…
   
   Sở dĩ nhạc trẻ trước đây (1975) có sức quyến rũ, thuyết phục mọi người đồng hành…là được sáng tác hay biên soạn lại ( lời Việt) từ các giới nhạc sĩ có học thức, sinh viên khai phóng. Trong khi đó! Hiện nay, ta thấy có 2 luồng sở thích nhạc trẻ khác nhau, tách rời xa nhau…Và không ngạc nhiên khi thấy rõ giới sinh viên chỉ thường ưa chuộng nghe và hát nhạc ngoại bằng tiếng Anh hơn (điều dễ hiểu).

   Âm nhạc là tài sản chung của nhân loại và hầu như không có ranh giới, khoảng cách nào đáng kể thuộc về “dân trí tuổi trẻ” hay thế hệ! Tuy vậy, nếu còn quan niệm “cũ mới”, hỗn mang phong cách, tư duy bảo thủ…thì vô tình hay cố ý cũng tạo ra khoảng trống lạc loài trong thế giới âm nhạc. Ngay cả khoảng cách tương đồng xã hội khó mà hòa nhập sở thích…và vắng bóng nhân tài(!)

   Dòng “nhạc trẻ” hiện nay được giới trẻ ưa chuộng thường sử dụng các giai điệu: Bepop, Rap, Surf, slow-surf, ballad…Thực ra, tiết điệu không có gì mới! Nó đã thịnh hành trong nhạc Việt từ đầu năm 70 của thế kỷ trước mà các nhạc sĩ thường sáng tác hay sử dụng như: Lê Uyên Phương, Lê Hựu Hà, Đức Huy…và ngay cả Phạm Duy, Trịnh Công Sơn cũng có! Chỉ khác nhau về cách diễn cảm ngôn từ, nốt nhạc…

    Cách gọi tên (phần lớn là trừu tượng) của điệu Surf (chữ Anh và Pháp có đồng nghĩa như là lướt sóng): Hà nội “sớt”(tiếng Anh), SàiGòn “Sộp”(tiếng Pháp)…cũng đã là “màu mè”khó hiểu đối với người mới tập tững phân định tiết điệu rồi! Ballad…cũng chỉ tên gọi tượng trưng dòng nhạc êm đềm, tự tình. Trong khi giới chơi nhạc ở Hà Nội lại chơi ballad như Slow-Surt nhưng với tốc độ nhanh hơn: C_B-B-B-C_B-B khuôn 4 nhịp(Chách=C; Bùm=B)…thì Sài Gòn (cũ) chơi điệu ballade (quy ước)có tiết tấu trầm mặc, âm hưởng “từ tốn” đồng quê VN nằm trong 4 nhịp (B_B_C-C-C).    Ý tưởng không có gì sai…vì tất cả chỉ là qui ước cá nhân, nhóm. Nhưng, cái cách Việt hóa ngôn từ kiến thức “bản địa” cũng gây nên sự rối rắm cho người học nhạc hay muốn tìm hiểu thưởng thức nhạc.

  Cách chơi điệu Surf, Slow surfballad của giới trẻ bây giờ gần như giống nhau…chỉ khác là chu kỳ được qui về 2/4 hay 4/4 mà thay đổi biến tấu. Thực ra, Surf xuất phát từ nhạc đồng quê (conntry), cao bồi (cowboy) với nhịp đều 2/4 phóng khoáng và lãng tử với 2 phách nhẹ và một nhịp mạnh (C-C_B)…và cũng thường dùng cho thay đổi phối khí với dòng nhạc Rock, Pop…riêng điệu Rap giống như cách đánh Slow-surf nhưng dùng 1 bas cuối, với tốc độ nhanh và nhấn mạnh rõ ràng hơn.
  
    Suy cho cùng, mọi điệu nhạc đều dựa trên trường canh nhịp căn bản 2/4, 3/4 hay 4/4...với âm thanh chỉ phát ra “Chùm, chách”. Và chỉ cần thay đổi tiết tấu (phách) đơn hay kép cho một nhịp mạnh (nhẹ) là đã cải cách ra âm điệu khác! Vì vậy, ai muốn hiểu và nhớ nhanh những tiết điệu…có lẽ, nên nghe cách đánh của jazz drum (bộ trống gõ) sẽ đơn giản và dễ hiểu hơn.

   Phải thừa nhận rằng: Sự lựa chọn các tiết tấu Surf làm nền cho nhạc trẻ là sự thích hợp! Vì rất dễ sáng tạo nhất cho ý đồ xây dựng từ sôi động cho đến lãng mạn. Ta chỉ cần đơn giản nhịp 2/4 hay biến tấu 4/4 một cách phong phú và điều chỉnh tốc độ… là đủ cho dùng cho các cung bậc cảm xúc và pha trộn được nhiều màu sắc, thể loại từ: Mạnh mẽ hào phóng, hồn nhiên vui chơi hoặc tự tình suy tư…

   Đó có thể là sự lựa chọn hợp lý của tuổi trẻ về một loại nhạc đơn giản, dễ hát, dễ chơi trong môi trường âm nhạc đại chúng…Nhưng không có nghĩa là đơn điệu, mà vẫn có đầy đủ các sắc màu, kịch tính của âm thanh tùy nghi biến tấu để khiến cho mọi người có thể tham gia thưởng thức, tùy hứng sáng tạo…

   Nhưng, hãy nên đơn giản nhớ rằng: Nghệ thuật là cái gì đó sắc sảo và sâu xa hơn những ngôn từ và cả điều ta đang nghĩ…?!

2 nhận xét:

  1. Trả lời
    1. Hì hì...@TN cũng thích mặc áo thun lắm! Nhưng xa quá làm sao mua hoặc...xin (cười).

      Xóa