Thứ Ba, 15 tháng 7, 2014

Lều chõng...



Lều chõng…
(Tâm tình cá nhân)



   Mười ngày qua, Tôi dẫn con trai đi thi đại học (2014). Nhìn những bố mẹ đứng ngoài trường thi chờ con suốt 3 tiếng đồng hồ giữa trời nắng nóng…khiến tôi ngạc nhiên? Dù hiểu được sự lo lắng và tâm tư cầu nguyện của họ…

    Riêng Tôi, đây chỉ là cuộc rong chơi tiễn con bước vào cuộc hành trình bắt đầu tự lập. Bởi, tôi biết cuộc đời ngoài kia có nhiều lý lẽ riêng của chúng…và cũng biết rõ sức học của con mình. Với lại, con đường vào đại học vẫn thênh thang (từ 13 – 27 điểm) mà nó có thể hiểu câu “học tài thi phận” luôn có khoảng cách lớn thuộc về ý thức lựa chọn, miễn là đừng quá ảo tưởng vào may rủi!

   Với phương thức thiếu triết lý giáo dục, mày mò đề thi nông nổi và cơ chế cấu tạo xã hôi, hiện tại…Tôi không hề tin tưởng vào sự thành đạt cuộc sống là nhờ ở sức học phổ thông nhiều, dù vẫn xác định học vấn là năng lực quan trọng để có cơ hội sắp xếp cuộc đời. Có lẽ, cá nhân mình cho rằng sự tự do để khoan thai hơn là ràng buộc vì tham vọng…

   “Lều chõng” là tựa đề tác phẩm của Ngô Tất Tố…một tiểu thuyết phóng sự viết cách đây hơn 70 năm (1939-1941) nói về chuyện những nho sinh vác lều chõng về kinh thành (thời Nguyễn) ứng thí. Đó là câu chuyện không những chỉ gian khổ, ẩn chứa bi hài trong lề lối thi cử làu  thông “kinh sử”bon chen tìm công danh…mà còn là câu chuyện đầy xót xa, ái ngại của tác giả về “con đường duy nhất” nằm trong quan niệm cũ kỹ bổng lộc, tiến thân…

   Ngày nay, cứ ngỡ nền dân chủ phát triển tiến bộ, xã hội văn minh hơn…nhưng, xét về tư tưởng giáo điều khổng tử “bút mực”vẫn còn đó cũ rích như chưa hề có gì thay đổi (!). Có chăng, là các sĩ tử có nhiều sự lưa chọn, nghiêng về ngành nào, sở đoản nào thuận lợi dễ hái ra tiền…trên một cành cây mạo hiểm, có hoa lá mọc so le ở xứ sở còn thiên vị, dưới bầu trời  hạn hẹp với mảnh đất biếng lười vun xới…

  Người ta sẽ không ngạc nhiên khi tỷ lệ “chọi”các ngành liên quan đến: Kinh tế, y dược, công an, quân đội…khiến cho điểm “chuẩn”nhóm này lên cao ngất ngưỡng, nơi mà các học sinh “giỏi học”lao vào cạnh tranh quyết liệt! Phải chăng…Đồng tiền và quyền lực là chỉ dấu hạnh phúc tương lại? Sự thành đạt cá nhân vốn làm chủ vận mệnh giang sơn xã tắc?

   Quan niệm về sự thành đạt, hạnh phúc thường do quan điểm của gia đình,  phương thức quản lý xã hội dẫn dắt, định  hướng não bộ (!), Ta sẽ không có gì khó hiểu khi con đường vào đại học ngăn cách vận số của người đậu và kẻ rớt, khi mà có 99% tốt nghiệp “phổ thông” nói lên số phận giai cấp và việc làm…đã tự nó quyết định khi đứa trẻ chưa bước vào đời! Đó là chưa nói về bệnh tư duy bằng cấp và giá trị cạnh tranh thất nghiệp giữa một thị trường ủng hộ mua bán lời lãi hơn là sản xuất làm ra của cải cạnh tranh...

   “Lều” và “chõng” của Ngô Tất Tố là mệnh đề nghịch đảo triết lý giản dị, hài hước ngôn ngữ chứa đựng trạng thái phi nghĩa của nhân gian. Cách học và lối thi cử tiệm cận phong kiến, giáo dục tư tưởng, hành xử “nho gia khổng mệnh”…là đồng nghĩa sự tụt hậu, bơ vơ giữa thế giới phát triển khoa học nhân văn, tư duy luận…

4 nhận xét:

  1. @thenhan có con bé nhỉ? Chắc chăn là cháu đỗ rồi ( hổ phụ sanh hổ tử mà...)

    Nhớ cách đây 24 năm Cat đưa con gái đi thi...
    cái hồi ấy , ngoài vào đại học thì chả biết có nghê gì.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Ừ...hồi ấy chỉ được sinh 2 (cô con gái). Sau này...thêm thằng Ku khá muộn(hì hì).
      Thời bao cấp thì chỉ có 2 nghề: Làm nông và CBVC nhà nước nên phải cố mà học.

      Xóa
  2. Khi nào cháu có kết quả, nhớ báo cho Thủy biết với nhé! Năm 2011, Thủy dẫn thằng Ku thứ hai đi thi. Mới thi khối A xong, nó bảo chắc chắn nó đậu rồi. Ừ thì nó đậu thiệt, đậu trong tốp 10 của trường nó học bây giờ, Thủy mừng lắm! Giờ thấy bạn bè nào dẫn con đi thi Đại học, Thủy đều mong các cháu sẽ đậu cả.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Thuỷ giỏi thật đấy! Mẹ..."cô đơn" mà vẫn nuôi 2 đứa con trai học hành giỏi.
      Thiên vị cho bạn bè quá ha?(Cảm ơn) Ủa...báo kết quả là...có thưởng cho @TN hả? (le lưỡi)

      Xóa