Chủ Nhật, 17 tháng 5, 2015

Kỹ năng vào đời?

Kỹ năng vào đời?


   Có người tâm sự với tôi rằng: Sau khi tốt nghiệp đại học, lấy bằng thạc sĩ xong sẽ cho con cái tiếp tục học thêm những khóa dạy “kỹ năng”…mới có thể vào đời được! Rồi thở dài: Tuổi trẻ bây giờ thông minh học hành, nhưng thiếu kỹ năng sống quá…!?

   Mỗi thời, mỗi hoàn cảnh mỗi khác. Tôi không có ý kiến gì? Vì chẳng ai ngăn cản những điều mong muốn tốt đẹp của bố mẹ, dù điều ấy chỉ là cố tạo thêm một cơ hội nữa để hy vọng! Có lẽ, hiện trạng giáo dục và cách nuôi dưỡng của chúng ta “trồng người” qúa mức cẩn thận, máy móc, o bế…(cười). Chỉ sợ “lũ nhỏ” chỉ đứng tại chỗ mà thủng thỉnh lớn lên, già đi…

   Mười tám tuổi (18) là đủ tuổi bầu cử, 21 tuổi (ở Mỹ) mới được uống rượu bia. Nghĩa là xã hội (khoa học) thừa nhận: 18 tuổi là đã đủ nhận thức để tự quyết định vận mệnh, 21 tuổi mới hoàn thiện (cố định) cơ thể sinh học. Vậy mà! Gần 30 tuổi mới đi học kỹ năng sống, làm việc và giao tiếp…

   Ở lĩnh vực nào đó: Tập huấn, hội thảo về chuyên đề giao tiếp kinh nghiệm, phát triển kiến thức là việc thông tin, qui chế thường tình của các ban ngành, chuyên khoa…và đó là sự cố gắng mở rộng, nâng cao nghề nghiệp, chứ không phải kỹ năng vào đời như người ta ngộ nhận!?

   Kỹ năng vào đời được hiểu là bao gồm: Biết cách thích ứng với mọi hoàn cảnh, có tư duy “triết lý sinh tồn”, có dũng khí, chịu đựng vượt qua mọi hoàn cảnh bất trắc sãy ra trong đời…

    Sự thật, không ai đủ kinh nghiệm để khuyên bạn bước vào đời một cách hoàn hảo? Vì kinh nghiệm của người này không hẳn dành cho hoàn cảnh người khác! Học thuật và kỹ năng của mỗi ngành nghề thường khác nhau…và ngay cả “tâm lý học”, “kỹ năng mềm” (ứng xử) chưa chắc phù hợp với văn hóa vùng miền, dân tộc, xã hội và tính cách riêng của một ai đó…để hòa lẫn tạo nên một công thức hoàn chỉnh.

   Tuy vậy, nếu kinh nghiệm là một phần của hiện thực cuộc đời! Sự quan tâm đến nhân tình thế thái, thế cuộc nhân sinh, điều kiện tiến trình hay sự lao đao của lịch sử…từ nhận thức quá khứ cũng hé lộ cho ta hiểu vị trí hiện tại, để biết cách dự đoán tương lai ít nhầm lẫn. Và cũng để nghĩ rằng: Ở một hoàn cảnh nào đó “kỹ năng tồn tại” còn quan trọng hơn cả sự thông minh và tài năng của bạn…

   Hình như…dù luận triết kiểu gì? bất kỳ xã hội nào? Quyền thế và sức mạnh đồng tiền vẫn đang là phương tiện dễ dàng thành đạt trong đời sống. Nhưng…khi nói về giá trị hai chữ “hạnh phúc” thì không đơn giản vậy (Trừ khi quan niệm bạn có giới hạn)? Ngoài ra, dưới một xã hội còn độc đoán, quyền hành lãnh đạo thì còn có cả thể chế thống trị (hay bị trị). Trong đó, họ “soạn” ra giáo điều, sử dụng phương tiện giáo dục một hệ tư tưởng. Và, chính những hệ số (quan điểm) không bình thường sẽ xóa mất sự bình đẳng đó…có thể làm sai sót kết quả tự nhiên (công bằng), dù không phải do bạn học kém hay thiếu tài đức.

   Cuộc đời không phải là số mệnh nhưng có thể sãy ra những điều tưởng chừng như hợp lý: Tài năng và nhan sắc có thể là cung đường thuận lợi hoặc chính nó tạo nên số phận nghiệt ngã? Và thế thời…còn sãy ra những sự cố “luân lý”, “văn hóa” hơn thua nhau ở: Vai vế, tuổi tác, công lao hoặc thắng thế bằng vũ lực, hiếp đáp bởi sức mạnh. Vì vậy, kỹ năng vào đời phụ thuộc vào điều kiện, mục đích, ý chí và tâm tình của bạn nữa…

   Sự thật, hiện tại trong giai đoạn giáo dục bị hoang mang ? Thì chỉ…môn toán và các môn khoa học khác là có giá trị thật đem lại kiến thức quan trọng cho bạn (hoặc con bạn). Nhưng, cũng là “phổ thông”kiến thức mà thôi! Vì kỹ năng vào đời…cần có cảm xúc chân thật trong suy nghĩ bản thân và kỹ thuật xử lý bất trắc của cuộc đời hơn là trả bài “triết học” chủ nghĩa, lý thuyết. Vì “hành trang” đơn điệu thường chứa đựng cực đoan… bao giờ cũng trở nên cồng kềnh, nặng nề khi muốn dạo bước thong thả vào dòng sống vốn rất bận rộn, đa dạng và thênh thang...

    Bạn đừng quá cố gắng mất thời gian tiêu hóa những thứ chữ nghĩa khoa trương như những con mọt sách, làm chật chội thêm lu mờ đầu óc cần “khoan dung” của chính mình. Vì với công nghệ thông tin hiện đại điều đó trở nên dư thừa, sai sót. Với lại, sách vở cũng chỉ là sách lược, vở kịch…chưa hẳn dùng riêng cho bạn. Ngoài ra, còn phải đề phòng bộ não của con người thường phản bội với thân chủ của nó,  khi được nhào nặng bởi tư tưởng của kẻ khác...

   Kiến tạo chân lý, gầy dựng xã hội bình đẳng, hoàn thiện vẫn còn là điều vọng tưởng xa vời của thế giới đầy hiềm hích, tham vọng lấn lướt…Người ta chỉ cố gắng giảm thiểu sự mất công bằng xã hội, nơi mà hành pháp bình đẳng, trung dung ở chế độ dân chủ rộng mở. Còn cuộc chơi với đời là tự bạn chọn lựa. Nhưng hãy nhớ…nếu chọn con đường trí trá thì sẽ có thắng thua, nếu chọn con đường lương thiện thì hạnh phúc là đơn giản. Ở trong tình trạng chiến tranh hay một xã hội bị “đạo đức xuống cấp”, nhũng nhiễu…thì người ta lại cần học thêm những kỹ năng tự vệ trước khi bắt tay xây dựng những điều mơ ước!

   Thường, tuổi trẻ hay nói đến ước mơ, tuổi già lại suy nghĩ đến giá trị đời người (?) Ước mơ thì luôn cao hơn bàn tay với? còn giá trị đời người thì khiêm tốn hơn điều người ta ca ngợi!

   “Minh triết” cho đời sống? Thật, không hề dễ dàng…vì không có công thức hay học thuyết nào chủ đạo! Đương nhiên, nó không phải là vũ khí dùng để chiến đấu, hoặc có mục đích thống trị tư tưởng con người! Mà chỉ tự luận “điểm” để tìm đến nơi nhận thức bởi bản thân, để khi vào chơi với người chỉ còn lại mỗi tính nhân văn và tinh thần lương thiện làm hành trang một cách hồn nhiên như lòng đời vốn định sẵn…


2 nhận xét: