Thứ Ba, 22 tháng 1, 2013

Chân lý là gì?



Chân lý là gì?
(rong chơi…)
  (Chuyện thật như…đùa. Nhưng tôi khuyên bạn đừng tin.(?))
  Hồi mới tòn ten lên trung học…tôi mới bắt đầu để ý đến những từ ngữ có vẻ cao siêu như: Lý tưởng, hoài bảo, chân lý, triết học v…v.. Bởi vì , thỉnh thoảng tôi nghe những người lớn, anh chị lớp trên và cả một vài đứa bạn…Họ sử dụng lúc tranh luận, hoặc họ tặng cho một lời khuyên bảo nào đó nghe rất có học vấn và trí thức. Tôi rất ái mộ và cố gắng tìm hiểu, sưu tầm và ghi nhớ rất cẩn thận…dùng đề phòng khi ăn nói dăm câu ba sợi, quăng ném ra vài từ…khỏi bị chê là  không có tư duy.(?)
   Nhưng mãi cho đến năm 20 tuổi tôi mới thật sự hiểu thế nào là chân lý… Chuyện như dzầy:
   Trong một đợt tập huấn giáo viên. Học viên chúng tôi được vinh dự nghe một vị giáo sư văn học tầm cỡ đến rao giảng về ngôn ngữ và cách giảng dạy làm sao cho khoa học, đúng đắn, dễ hiểu cho học sinh..
   Thật là tuyệt…Ông nói rất hay, thêm với cung cách đi lại trên bục giảng, cũng đã có sức thuyết phục rồi…mọi người đều ngước mắt ngưỡng mộ nhìn vần trán cao sáng chói của ông. Ông có giọng nói thanh tao (người ta nói), cách dùng từ rất…bác học (vì ông hay dùng từ này). Nhất là khi bình luận văn chương, thi phú…Ông có trí nhớ tuyệt vời: Từ những bài thơ Hán ngữ, Pháp ngữ khó đọc cho đến những bài thơ lãng mạn dài ngoằn…hoặc lặp đi, lặp lại gần giống nhau dễ lẫn lộn, mà cũng không hề vấp  váp. Quá  xuất  sắc, quá mượt mà…Nhất là khi ông phân tích thao thao bất tuyệt… nội dung, mục đích, tư tưởng, hàm ý, nghệ thuật của tác giả nghe rất mạch lạc làm sao…
   Trong giờ giải lao, tôi thấy từng nhóm thầy cô giáo, gật gù xuýt xoa công nhận và rất hãnh diện, may mắn được nghe ông giảng… Nó không giống như các giờ giải lao trước, các thầy cô giáo trẻ chỉ tranh thủ thăm hỏi, giao lưu, làm quen…nào là: ”Cô dạy ở đâu?” “Bạn có…ai chưa?” “Mình cũng…yêu hoa hồng lắm”…hay điệu đà ngắm trời, mây, hoa, lá…gì đó!
   Nhưng lần này thì khác, họ chỉ nói chuyện văn chương với nhau. Chẳng hạn:
     Thầy nói với Cô:(chắc chàng tán nàng )
        - “Cô” có biết vần thơ: “Tôi đợi người ấy! đến với yêu đương…” là của ai không?
     Cô nói với Thầy:(làm khó nhau)
       - “Thầy” thấy câu thơ: “Em cứ hẹn nhưng em đừng đến…nhá” có ý gì không?
   Đai khái vậy, vì tôi nghe thoảng theo gió…
   Nhưng khi Cô nói với Cô, Thầy nói với thầy thì nghe rõ ràng hơn:
      - Phải “dữ dội và dịu êm, ồn ào và lặng lẽ”…yêu vậy mới lý tưởng hoá, mới chân lý của phụ nữ chứ…
      - “Từ ấy trong tôi bừng nắng hạ…mặt trời chân lý chói qua tim”. “Thầy” có thấy! muốn có lý tưởng đúng! thì phải hiểu thế nào là chân lý…vấn đề này hẳn phải có tư duy lớn...
   Chà! Quá hay…bổng nhiên, tôi cũng muốn tìm ai đó, để nói với họ là tôi cũng thấy sáng dạ ra…
   Hết giờ giải lao, tất cả chúng tôi vào hội trường trật tự và nghiêm túc hơn mọi lần trước. Vị giáo sư bước vào không nhìn, khẽ đưa bàn tay chào, im lặng cúi đầu đếm bước, từ tốn đi qua, đi lại trên bục giảng, có vẻ suy tư nghiêm trọng ghê lắm!... Đột nhiên, ông ngẩng đầu lên quay lại hỏi cả hội trường:
    -  CHÂN LÝ là gì?...ai có thể giải thích được?..
   Chẳng biết ông có nghe các thầy cô nói chuyện trong giờ giải lao không? Nhưng phải nói đây là câu hỏi quá ư thông minh, sắc xảo…Nhưng, chẳng có ai trả lời cả,  mặc dù trước đó tôi thấy mọi người tự tin lắm…
   Thấy vậy, ông cầm viên phấn vừa viết lên bảng, vừa nói:     
    - Chân lý tiếng Anh gọi là…, tiếng Pháp gọi là…, tiếng Tây Ban Nha gọi là…tiếng Nga gọi là…
    Thật là thông thái…uyên thâm. Tôi hoa cả mắt! chẳng dám nhìn chữ gì nữa…(biết gì mà nhìn).
 Chưa hết…ông quay lại nhìn chúng tôi khắp lượt rồi hỏi:
   - Vậy ngôn ngữ chúng ta định nghĩa Chân lý là gì?...
   Hình như mọi người đêù chờ ông trả lời, tôi thì hồi hộp. Vì thật ra, từ trước đến giờ tôi chỉ nghĩ Chân lý là Chân lý! Chứ có nghĩa gì nữa…đúng là người có học hàm, học vị vẫn hơn…
   - Chân lý có nghĩa là : Sự thật….sự đúng…và…lẽ phải.. (ông nói chậm và kéo dài giọng).
   Ồ!...quá chí lý! Tôi thấy nhiều người gật gù…
   Cuối cùng ông kết luận:
  - Chân lý là một mệnh đề, phạm trù bao trùm  mọi qui phạm và không có phạm vi giới hạn…và ai không hiểu chân lý là gì…thì ngưòi đó không có chân lý
   Lần này thì…tôi ù cả tai. Theo triệu chứng của các bác sĩ nói: hoa mắt + ù tai  là triệu chứng có thể là huyết áp cao hoặc thấp…Nghĩa là khó xác định. Vì vậy, tôi sợ bị ngộ nhận…
   Vị giáo sư quăng viên phấn lên bàn, phủi tay hỏi lớn:
   - Tất cả đã hiểu chưa?...có ai không hiểu ?
   Trong khi mọi người im lặng, tôi lại buộc miệng:
    - Chưa…
   Vì đang suy nghĩ nên tôi không nén được…vài người ngồi gần nhìn tôi. Vị giáo sư nhìn thấy…hất cằm hỏi:
   - Anh không hiểu chỗ nào?..vừa rồi “thầy” có nghe tôi giảng không?
  Tôi cũng rất lúng túng…Nhưng đã…lỡ dại “leo lưng cọp”rồi…với lại, tuy văn thơ tôi có đọc nhiều, nhưng trí nhớ kém, không nhớ một bài nào, chỉ vài câu tình yêu vớ vẩn. Bù lại, tôi lại thích âm nhac. Tôi rất thuộc về nhiều bài hát từ những bài thiếu nhi, nhạc phật giáo, thánh ca cho đến những ca khúc đặc biệt về ca từ “triết lý” của các tác giả như:Trịnh công Sơn, Từ công phụng, Ngô Thụỵ Miên, Đoàn Chuẩn-Từ Linh…
    Lời họ Trịnh thì “Phù thuỷ” ngôn ngữ khỏi chê như: “Cọng buồn cỏ khô” hoặc lẽ đương nhiên như “Sỏi đá vẫn còn có nhau”…Từ Công Phụng khi bị bồ đá nhìn cái gì.. từ cây cỏ, nhà cửa và cả…cột điện cũng…cô đơn “Kể từ…em đem cô đơn mọc lên phố vắng..” hay ý tưởng độc đáo giải thích Nắng tình yêu “Tình yêu như nắng…(có)mưa vẫn mưa rơi, (và)mây vẫn trôi.”. Hoặc trời Sài gòn có nóng mấy cũng…mát(mắt)  không cần máy lạnh “…vì em mặc áo lụa hà đông”của Ngô Thuỵ Miên. Còn Đoàn Chuẩn- Từ Linh mà nói “gửi gió cho mây ngàn bay”về mùa thu  thì ngọc hoàng thượng đế cũng phải ngu ngơ….Còn nhiều nữa, những ngôn từ làm cho chúng ta phải mụ mị, thăng hoa…Tất nhiên ngôn ngữ chủ yếu là qui ước diễn đạt ý. Nhưng tôi có thể hiểu được …chứ đưa nguyên xi một giòng họ “Phạm”ra mà phân tích Chân lý từ cháu đến ông nội rồi quay về...ngoại, thì não trạng của tôi bị…bão hoà mất..(híc)
    Ổng đưa mấy ngón tay ngoắc ngoắc bảo tôi lên, i chang như học sinh tiểu học…
   - Tại sao? anh không hiểu…thì sao? mà làm nghề giáo được..
   Ông quay xuống dưới hỏi:
   - Có ai không hiểu nữa?…đứng dậy.! ( Im phăng phắt…)
   Nguy hiểm thật!. tôi đang bị cô độc giữa đám đông giới trí thức. Chắc phải ảo thuật chữ nghĩa để thoát thân thôi …
   - “Cậu” không hiểu ở chỗ nào?(hả…)_ Ổng thay đổi hệ kiểu xưng hô liên tục.
   Nếu là phụ nữ(cô) thì tôi phải cười duyên để người ta thông cảm dễ cho qua…nhưng là đàn ông(thầy) tôi đành phải mĩm cười bao hàm nhièu ý tứ- một nụ cười “triết học”…Lại gần, nói chỉ vừa đủ cho ông nghe:
   - Dạ thưa…không biết chữ Chân lý là từ ghép hay là trừu tượng ạ…
   Ông nhíu mày:
   - Thì đó là từ ghép…_ Ông có vẻ ngập ngừng.
   - Vậy có đảo ngữ được không? Chẳng hạn như: Mộng mơ-mơ mộng, mênh mông- mông mênh_ Tôi tung hoả mù..(hê hê..)
   - Đôi khi từ ngữ là  định lýqui ước và cũng có trừu tượng…(ông nói)
   Tôi thấy sắc mặt ông thư giản gật gù…thân thiện. Thấy vậy, tôi tranh thủ gật gù lia lịa nhanh còn hơn ông và kết luận một cách...thiên tài:
   - À! À hiểu rồi…Chân có nghĩa là cuối cùng. Phải, phải…Chân lý là cái lý cuối cùng của nó..
    Nói xong, không chờ cho phép tôi quay lưng đi về chỗ ngồi. Ông không nói gì, bước xuống bục giảng, xoa tay:
   - Được rồi, như vậy là anh đã hiểu rồi…
   Lúc này tôi mới thấy ông quả là người thông minh, thông thái…hơn tôi nghĩ. Và từ đây, tôi mới hiểu thế nào là Chân lý...he he!

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét