Chủ Nhật, 20 tháng 1, 2013

Trí thức và tiền...


   Trí thức và tiền…
   Làm cách nào để được giàu có? cần có vốn liếng , ước mơ hay trí thức…?
   Có nhiều người (đang là sinh viên) nói với tôi về mộng ước làm giàu và khẳng định giá trị của đồng tiền hiện hữu trong cuộc sống sẽ tìm, mua được hạnh phúc…Phải, đó là định lý “phổ cập”của thành đạt. Vì nếu đồng tiền không quan trọng như vậy…thì làm sao? có thể nuôi con vào đại học, có chuyện lang thang làm dâu xứ người…và để đổi trắng, thay đen cuộc đời...
  Tôi cũng vậy! Đã là người bình thường thì…Con người ai cũng có “mộng giàu sang”, nói khiêm tốn là cuộc sống “cần phải có tiền”…Nhưng, cách thức làm giàu và kiếm tiền luôn phụ thuộc vào hoàn cảnh, điều kiện, năng lực và…đạo đức nhân sinh, xã hội của mỗi người nữa...
   Người bị nghèo thì có nhiều nguyên nhân lắm…Nhưng người phát giàu chỉ có hai loại: loại bất chính và loại hợp pháp…
  Tôi sẽ nói thẳng thắn với bạn:
  Chuyện “ngàn lẻ một đêm” là chuyện cổ tích về Tình yêu, chiến tranhphép thuật của vùng trung đông xưa kia…Đến nay, nền văn minh nhân loại đã vươn xa mà xã hội đó vẫn chậm chạp, còn đầy dẫy những đêm bất trắc nghìn lẽ hỗn mang, u uẩn …
   Chuyện tự sự 101 entry về phương cách thành công để thu nhập chênh lệch quá lớn của các “đại gia” ở xứ sở còn nghèo đói…chỉ là những lý giải mơ hồ, xây dựng truyền thuyết tiểu sử cho các doanh nhân giàu có …
   Chuyện nhân gian khoe khoang hư cấu bóng bẩy lên một chút là chuyện bình thường không có gì đáng nói…và tôi cũng sẽ thông cảm mà lặng im, nếu như người ta không rêu rao dạy đời thiên hạ, khuyên bảo các sinh viên trí thức đang chập chững bước vào đời, lẽ thường luôn mang theo cùng một tâm trạng kỳ vọng, ước mơ thành đạt…
   Điều phải nói và đáng âu lo ở đây là: Họ...!(những người giàu có) phần lớn đều nhấn mạnh sự “tự hào” đi từ “bàn tay trắng”, không cần có (nhờ) học thức và bằng cấp…
   Ở đời, trừ những người may mắn hiếm hoi “của trời cho”, thì chỉ có hai loại người có khả năng thành đạt chính đáng: Sự chuyên tâm và có cơ hội…nhưng đó là sự bền lâu cần thời gian và sức lực tích luỹ từ bao đời…
    Chuyện chúc may mắn! là không có bằng cấp nghề nghiệp mà vẫn có thể giàu…
    Chuyện chia buồn! là đồng tiền vốn vô tư đã bị những kẻ vô tình chi phối tri thức con người và sự trung thực, công bằng xã hội…
    Trở thành tỷ phú dựa vào phát minh, sản xuất các phương tiện khoa học kỹ thuật là điều hiển nhiên dễ hiểu…nhưng nếu nhờ vào kinh doanh mua bán, độc quyền khai thác tài nguyên khoáng sản mà thu được vốn liếng hàng trăm ngàn tỷ đồng trong vòng mươi, mười lăm năm từ…“không có gì”với cá nhân là một điều hết sức thần thoại.
   Nếu các bạn hỏi tôi: “Có bằng chứng gì mà suy nghĩ vậy?”Tôi sẽ trần tình lại với 2 entry như sau mà không cần phải tính toán bất kỳ học thuyết kinh tế cao siêu hay thâm trầm nào:
  Nếu các “đồng đạo” hỏi tôi tại sao người này nghèo người kia giàu? thì quả thật tôi cũng không biết vì sao?(Chắc do trời) Nhưng nếu “bằng hữu” hỏi về những đại gia nổi tiếng giàu có... nổi cộm nhất trong “giới giang hồ mà “nhân gian” thường xuyên nhắc đến! Thì tôi lại biết họ có “bí kíp võ công” giàu từ đâu...
   Nhưng giới “võ lâm” có biết thì cũng không thể bắt chước được...Bởi vì, chính họ cũng không biết “luyện công phu”từ đâu mà họ được giàu?(hay giữ bí mật) Vì khi được giới thị phi “giang hồ” phỏng vấn thì họ đều bảo họ đi từ hai bàn tay trắng, làm thuê, làm mướn...không được học hành “thư tịch” đến nơi đến chốn. Thi cử 3,4 lần vẫn trượt...lướt và nhờ vậy mà ...Giàu (?).(cấm học sinh đọc) rồi so sánh mình với ông “giáo chủ” bill gate...
   Có người thì bắt đầu từ một xưởng đóng bàn ghế học sinh nhỏ bé trong một cái làng hẻo lánh, người thì buôn bán bất động sản từ khi không có...tiền, người thì lầm than khổ cực trên rừng kiếm củi (gỗ)... để tìm “phương pháp luyện công”.
   Muốn làm giàu “đệ nhất thiên hạ” thì phải có hoài bão...Chẳng hạn từ lúc măc quần xà-lỏn chăn trâu ăn cỏ ở Bình định thì đã ước mơ có máy bay(?) trị giá 7 triệu Dola  "đường tuyệt kiếm"...trong khi các bằng hữu chỉ có ước mơ “phi thân” lên nóc nhà, cành cây như trong phim kiếm hiệp...hay chỉ được cắp “kiếm” đến trường học...
   Điều quan trọng: Là sau bao nhiêu năm mà họ lại có “võ công thượng thừa” giàu tiền như vậy? Vì thực ra, “thiên hạ” chúng ta mới thay đổi cơ cấu kinh tế từ thời bao cấp sang hạch toán kinh tế bắt đầu từ năm 1986. Nhưng mới chỉ là thời kỳ “môn phái” sơ khai: Bãi bỏ bao cấp một số “võ đường”đơn vị kinh doanh sang hạch toán kinh tế tự thu chi, cơ chế “luyện tập”kinh tế lao động theo phương thức khoán sản phẩm...
   Đến đầu thập niên 90 (từ 1990 trở đi) mới có những  khung pháp lý tuần tự “thượng võ” về hợp đồng kinh tế thực sự (có giới hạn) cho các “lò luyện công” cá nhân tham gia vào các “địa giới” xây dựng cơ bản; Giao thông, thuỷ lợi, xây dựng, khai thác, chế biến...v...v...
   Như vậy, xét cho cùng họ đi từ “sơ đẳng” bàn tay trắng đến “nội công thâm hậu”doanh thu hôm nay khoảng 1.200tỷ đồng “nội lưc thâm hậu” (số liệu nhân gian) chỉ trong khoảng trên dưới...10 năm(?).(Chắc trúng số độc đắc liên tiếp vài năm, hay đào trúng hầm vàng...nhưng họ dấu...)
   Tuyệt chiêu “thế võ” hàng sản xuất kinh doanh “chưởng lực” của họ là: Gỗ và đất đai. Gỗ là “thế tấn”mặt hàng không phải ai cũng được khai thác, mua bán được(nguyên khí)...và “môn phái” bất động sản,khoáng sản...thì luật đất đai (1993-2003)) đến nay vẫn độc quyền, còn nhiều sửa đổi...
   Nhưng họ mới chỉ là những đại gia “đứng không đổi họ, ngồi không đổi tên”. Còn rất nhiều đại gia “võ bí truyền” hoạt động phái Ninja, sử dụng bí danh mà “Đạt ma tổ sư” Google cũng chịu...đừng nói chi “tại hạ” đã dừng bước giang hồ từ lâu.
   Vì vậy, muốn thành đại gia nổi tiếng trong giang hồ, chốn võ lâm thì cũng phải biết xây dựng bí kíp huyền thoại...
   Các "bằng hữu" nào làm nổi không? “Tại hạ” cũng đành bái phục gác kiếm cho rỉ sét...tu thân trong hang động: Than-oi.com.the gioi...
   Đó là những người có võ công “thuỷ hử”…nếu bạn là người chỉ biết mài mực đèn sách, lấy trí thức học vấn vào đời, ôm mộng lý tưởng mưu cầu hạnh phúc xã hội nhân sinh thì phải làm sao để giàu đây? Thôi thì…Bạn chịu khó đọc một đoạn tâm sự của chúng tôi (entry Trôi theo dòng đời…)để hiểu được trình tự, diễn biến kinh tế xã hội vừa qua:
    Thời gian trôi đi…Người ta nhìn lại mình, nhìn lại xã hội, nhìn lại cuộc đời…để thử hỏi tại sao phải thế này! mà không phải là thế khác..?
   Phải chăng số mệnh là do môi trường, hoàn cảnh, cá tính của mỗi người tạo nên…Và nghề nghiệp cũng hình thành tính cách, khó thay đổi.
   Không có trường lớp nào đào tạo Nhạc sĩ và cũng chẳng có bằng cấp cho nghề Qui hoạch…nhưng. Khi làm việc, chúng tôi cũng đã quên mất chuyên môn của mình là gì…
   Chúng tôi sinh ra trong thời điểm đổi thay lịch sử, hoàn cảnh kinh tế xã hội còn khó khăn, ngành nghề trí thức chưa được coi trọng…thời bao cấp gian nan miếng cơm manh áo…Chỉ có cán bộ thuế vụ và…tài xế là những “siêu sao”mong ước của những nàng…hoặc những gia đình muốn gã con cho người giàu. Khiến chúng tôi thiếu niềm tin.
 Năm 1986 thay đổi cơ chế tiền lương hay khoán sản phẩm, chúng tôi vẫn chắt chiu từng đồng tiền eo hẹp…chưa nói là không có việc để làm. Chuyện hẹn hò, liên lạc thăm hỏi trở thành xa sỉ khó đảm đương nổi. Sự cách trở không gian chẳng lấy điều kiện gì để thu hẹp.
   Năm 1991 thế giới đôỉ thay, mở rộng kinh tế tư nhân. Đồng lương nghèo nàn của cán bộ kỹ thuật…tiết kiệm mới nuôi nổi mình, Có nghĩ đến việc lập gia đình, thì cũng không nuôi nổi vợ con nghèo khó. Sự lo lắng trách nhiệm cũng khiến người ta lùi bước…
   Năm 1995 Nhiều người giàu lên nhờ khai thác tài nguyên và các công trình xây dựng cơ bản. Nhưng hầu hết là họ không có nghề nghiệp rõ ràng, liều lĩnh, mánh lới…Còn chúng tôi chỉ là những người bị bệnh có học, đành phải có trách nhiệm nghề nghiệp và bổn phận trí thức xã hội…đâu đủ can đảm lấy danh dự, lương tâm để…đổi lấy tiền. Sự chân chính học vấn! cũng làm cho mình trở thành kẻ cao ngạo hoặc không thức thời…Chỉ có các thiết bị kỹ thuật số (Vi tính) là giảm bớt gánh nặng công việc.
   Bất cứ một sự giàu lên nhanh chóng nào đều không được bình thường. Nhất là sự giàu có nhanh của một xã hội (cá nhân) nào đó. Những người đã từng làm công tác qui hoạch, có nhận thức về khoa học kinh tế xã hội, hiểu chính sách đầu tư thì đều biết rõ nguyên nhân đó! Với nền sản xuất trong một xã hội chưa có ngành công nghiệp hoá đáng kể, thì không thể sản xuất nhanh, nghĩa là không có xuất khẩu trao đổỉ hàng hoá nào có giá trị. Như vậy chỉ có thể bán tài nguyên hay nguồn ngoại tệ từ bên ngoài đổ vào (có điều kiện…)
   Khi giàu quá nhanh, nghĩa là khai thác không có qui hoạch, qui trình tiến độ…Có lẽ, đồng tiền phần lớn lọt vào tay những người thiếu học vấn…đã làm méo mó xã hội một cách đáng buồn. Và cũng vì giàu quá nhanh, quá dễ, nên người ta tin vào số phận hoặc…thế lực. Họ ngẫu nhiên thường trở nên liều lĩnh, bất chấp luật pháp…một cuộc hành trình kinh tế xã hội còn nhiều hậu quả ẩn chứa…ngày mai.
   Chúng tôi không hoang mang trong nghề nghiệp. Bởi chúng tôi quá yêu nó rồi. Vì yêu, nên mê muội…Người ta chỉ xem những điều luận chứng chữ nghĩa chỉ là lời kinh cầu cổ lỗ…nên chẳng có ai thèm đọc. Người ta chỉ cần những bản vẽ thiết kế đơn lẽ và nhìn đồng tiền lời lãi to nhỏ thế nào thôi…người ta bất chấp sự đồng bộ các công trình kỹ thuật khác.
   Chúng tôi không phải là nhà kinh tế học hay chuyên gia kinh tế về một lĩnh vực nào cả. Chúng tôi chỉ nhìn trong toàn cảnh của người tham gia làm qui hoạch: Thích số liệu quá khứ, biết điều tra khảo sát hiện tại và suy luận được dự án tương lai…chứ không phải nhìn vào một nhóm ngươì giàu có, một nhà máy khổng lồ vừa mới mọc lên hoặc một chiếc xe hiện đại kỹ thuật số đang chạy trên đường phố…Nó cũng chẳng có ý nghĩa gì về kinh tế của một đất nước. Cùng lắm nó chỉ có ý nghĩa của sự hội nhập hàng hoá…
   Trong qui hoạch kinh tế xã hội một vùng nào đó, người ta phải dựa vào địa lý, môi trường và con người ở đó. Trong qui hoạch kinh tế xã hội một đất nước, người ta phải dựa vào nhu cầu thế giới, tiến trình phát triển khoa học và năng lực người dân để lập phương án, hình thành ra tổ chức, lộ trình tiến độ phù hợp…Trong đó ngành  giáo dục là quan trọng.(nhưng vẫn hãy chờ…)
   Đời sống kinh tế xã hội quá hỗn mang. Tìm lối sống thu lợi riêng cho mình thì hẹp hòi quá! Còn thiện tâm với xã hội thì chuốc lấy nổi hận…với vợ con. Đồng tiền đang mạnh dần lên thao túng lương tâm và cả tri thức nhân sinh con người…“Có tiền mua Tiên cũng được”…thì sao không đánh lừa được tình yêu, lương tâm? Đơn giản hơn…Khi một xã hội mà trong đó có sự chênh lệch giàu nghèo qúa lớn, thì đương nhiên con người phải lấy tài sản ra để đo đạc hạnh phúc. Chúng tôi chỉ trắc đạc được những vùng đất đai rộng lớn, biết cả tiềm ẩn tương lai…nhưng không thăm dò được đồng tiền nông sâu cuộc sống…
   Năm 1998 là năm”cách mạng” thực sự cho tiêu dùng xã hội đang chuyển dần qua nền kinh tế thị trường có kiểm soát. Nghĩa là có giới hạn đối tượng, sản phẩm nào đó. Và chúng tôi cũng nhận ra rằng: Mình chỉ là những kẻ làm thuê có giới hạn…quyết định. Dù là thông minh, trí thức…là kẻ  làm thuê, làm mướn thì không thể giàu. Nhưng, kẻ muốn giàu nổi tiếng lại cần chúng tôi. Đồng nghĩa chúng tôi cũng không nghèo quá! Chẳng qua, chỉ buồn khi thấy họ đa phần keo kiệt về đạo đức nhưng lại xa hoa về nhân cách. Trong khi bọn chúng tôi lại không thể thưởng thức nổi thức ăn làm dị ứng, xấu hổ nghề nghiệp, tâm hồn mình.
   Chúng tôi làm khoa học kỹ thuật thì không bao giờ lạc hậu,  dù tương lai có dài đến đâu. Nhưng lại nhút nhát, không đủ niềm tin về nhân tình thế thái, về sức mạnh đồng tiền, thì đành phải chấp nhận thua thiệt cả chuyện đời tình ái…xa xôi.
   Bước vào thế kỷ 21. Kinh tế thị trường có xu hướng phát triển mạnh (thời tiêu thụ). Người ta ca ngợi sự làm giàu. Những doanh nhân thường đi đôi với quyền lực. Họ làm chủ xã hội, hãnh diện xuất hiện trên báo, đài nhiều hơn…Họ xây dựng cá nhân huyền thoại làm nhiều người khâm phục, mơ mộng (trừ chúng tôi). Các từ ngữ kinh tế, quảng cáo khuyếch đại dày đặc...lôi mọi người đua chen chạy theo muốn hụt hơi...
   Bức tranh kinh tế rẽ sang trang mới…Siêu thị mọc lên, đường xá mở rộng ít gập ghềnh, vài ngôi biệt thự cầu kỳ…nhưng phố xá không gì thay đổi lớn, chỉ thay đổi các bảng hiệu kinh doanh…hoành tráng hơn: Hàng điện tử điện máy, điện thoại di động, internet…mua bán sửa chữa xe máy. Cũng lẫn quẩn mua đi bán lại, tiến thối lưỡng nan giữa nền kinh tế thị trường chưa qui hoạch định hình, xây dựng hạ tầng đô thị…sai đâu sửa đó, chắp vá như hình hoạt hoạ, thừa màu sắc thiếu chi tiết…
   Thu nhập (GDP) bình quân dân số thì tăng, nhưng khi vào nước thì dồn lại một số người tầm cỡ. Người giàu thì se xua mua sắm vớ vẩn, người nghèo chạy vạy kiếm việc sinh nhai…
   Nhiều người mê tín hơn, ru ngủ những điều huyễn hoặc bên kia thế giới…cho kẻ có lòng tin và kẻ lợi dụng để cùng rao giảng tư tưởng mộng mị xã hội và thiên đường…như một định mệnh của tri thức nhân sinh mù mịt…bi hài.
   Nhà máy công nghiệp mọc lên như nấm tuỳ tiện, để cho nông dân lao đao kiếm sống. Giá trị đất đai làm rối cả chuyện đời. Quỹ ủng hộ người nghèo nhiều năm…chưa đủ một cơn bão đi qua. Bóng đá vẫn là Vua, luôn dành nhiều thời lượng phát sóng nhất. Người ta lấy nó làm màu cờ sắc áo, lấy nó làm đại diện đất nước, lấy nó để ca ngợi người tài trợ giàu có…Những sĩ phu thì liệu cơm gắp mắm, những kẻ liều lĩnh thế thần thì có nhiều cơ hội…Nhiều người rời bỏ đất nước làm thuê, làm mướn, làm dâu xứ lạ…Nhưng hy vọng đây chỉ là sự giao thoa của bóng tối và ánh sáng ngày mai…
   Và chúng tôi…cũng không có quyền đứng nhìn, không bám theo…mà vẫn bị lôi cuốn không cách gì gượng lại. Bởi tất cả, chỉ là những mảnh đời bé nhỏ…xôn xao, hụt hẩng...trôi theo dòng đời.
   Người có học vấn, nghề nghiệp…là trí thức tự lập, thường không giàu và cũng không nghèo. nếu giàu cũng là hợp lý. nhưng phải cần có luỹ kế thời gian…Sự thật, các bạn sinh viên đang bước vào một giai đoạn “tự bơi”…và dù là học thức hay bằng cấp cao cỡ nào thì cũng hiển nhiên là cũng làm thuê…giữa thị trường còn hỗn mang chưa định hình thực tế…kể cả tiền lương và luật bảo trợ. Sự “thả nổi”thị trường lao động là có quá trình nguyên nhân mà phải tự mình tìm hiểu chính sách quản trị trong nước và tiến trình điều khoản WTO…
   Xã hội bình đẳng vẫn thừa nhận sự giàu có nhanh chóng của một cá nhân nào đó may mắn (thừa kế, trúng số…)hoặc tài năng có từ nghệ thuật, kỹ thuật sáng tạo các ngành giãi trí, nhu cầu tiêu dùng của công chúng…vì vậy, bạn không nên ngạc nhiên khi họ kiếm tiền nhanh hơn bạn. Chỉ có một điều để tự hào…nếu là họ thuê được bạn, nhưng không mua bán luôn tri thức của bạn…
  Là một trí thức chưa hẳn bạn có tài năng, có hạnh phúc riêng tư …nhưng tôi nghĩ muốn xây dựng nên xã hội công bằng văn minh thì chỉ có giới trí thức mới làm được…

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét