Chủ Nhật, 7 tháng 4, 2019

Ngọc Lan và huyền thoại...



Ngọc Lan và huyền thoại …
"Viết lại (Entry 2013) tưởng niệm 18 năm ca sĩ Ngọc Lan về cõi vĩnh hằng".

   Huyền thoại về một con người được hiểu là: Bằng cách nào đó họ đã vượt qua số phận, định kiến, qui ước thông thường…để sáng tạo nên thành quả có giá trị tài năng-nhân cách, khiến cho người đời mãi ghi nhớ, yêu mến và ngưỡng mộ…
   Trong lĩnh vực liên quan đến nghệ thuật đã có nhiều nhân vật trở thành huyền thoại như: Leonardo Da Vinci, Mozart, Charlie Chaplin, Marilyn Monroe, Michael Jackson…Vì ngoài tài năng, họ còn là những người có nổ lực xuất chúng, có kỹ năng tiên phong trong sáng tạo nghề nghiệp. Và dĩ nhiên, sự tiên phong trong bất kỳ lĩnh vực nào cũng là dấu ấn lớn lao để trở thành thần tượng, huyền thoại…

    Đã có một thời gian dài trôi qua, trôi qua…kể từ khi nữ ca sĩ Ngọc Lan (sinh 28-12-1956) chia lìa kiếp cầm ca, rời bỏ nghiệp dĩ âm nhạc! Ngọc Lan đã trút hơi thở cuối cùng vào hồi 8 giờ 25 sáng ngày 06 tháng 3 năm 2001 tại bệnh viện Vencor, Huntington Beach, Nam California( Bệnh “xơ cứng bì”: Multiple sclerosis).


    Thật lạ! Thế Nhân (tôi) có thể liều lĩnh “luận bàn” về bất kỳ nhân vật nào cũng không e ngại  gượng ép. Bởi, tôi chỉ là kẻ “vác bút giang hồ” lang bạt (cười)…chẳng vay mượn vá áo túi cơm của ai, nên hồn nhiên phiêu lưu ngắm ngía, soi rọi mọi thứ trôi qua giữa dòng đời phù phiếm...
    Thế nhưng, mỗi khi muốn viết đôi điều suy nghĩ về Ngọc Lan, tôi vẫn thấy bâng khuâng lạ thường! Nơi dung nhan của người con gái tài hoa có nỗi buồn mênh mông và quyến rũ ấy! Có lẽ, nữ ca sĩ này không đơn giản chỉ là “tài sắc vẹn toàn” để dễ dàng đi tìm nhận thức? Tôi thực sự luôn đắn đo, lúng túng, ngại ngùng. Vì, trong đôi mắt người con gái đó có ẩn chứa một khoảng tâm hồn mênh mông sâu thẳm, với khuôn mặt khả ái đến nao lòng…nên sợ lỡ tay khấy động một cánh hoa mong manh, nơi có một trái tim nhạy cảm triền miên thao thức. Và sợ rằng: Ngôn ngữ trần tình của mình trở thành vụng về, hoặc bụi bặm tầm thường trước một dung mạo trong ngần đến mức thánh thiện. Thật là khó để diễn đạt những ưu tư, cảm xúc quí giá âm thầm có chút gì đó sâu xa từ định mệnh, bắt nguồn như khải huyền-thần thoại…

   Theo Wikipedia: Ngọc Lan  là một ca sĩ hải ngoại nổi tiếng. Không chỉ với giọng hát, cô còn được khán giả đặc biệt yêu mến vì khuôn mặt khả ái và tính cách nhút nhát, khiêm tốn của mình. Ngọc Lan được cho là một trong những ca sĩ thành công và nổi tiếng nhất của nền âm nhạc Việt Nam sau năm 1975 mà cho tới nay vẫn chưa có một nghệ sĩ nào lặp lại được trường hợp tương tự. Phong cách và lối trình diễn của cô không chỉ để lại ấn tượng sâu đậm trong lòng giới thưởng ngoạn mà còn góp phần ảnh hưởng đến các tiếng hát thuộc thế hệ trẻ sau này như Minh Tuyết, Y Phương, Lâm Thúy Vân... như Nhạc sĩ Trần Thiện Thanh đã có lần nhận xét: "Ngọc Lan đã tạo ra một trường phái mang tên Ngọc Lan!".

   Nói đến ca sĩ? Có thể đến bây giờ, giới thưởng ngoạn nghệ thuật có kinh nghiệm lịch sử ca hát tân nhạc thường nhắc đến những tên tuổi quen thuộc: Thái Thanh, Lệ Thu, Thanh Thuý, Khánh Ly, Hương lan…Họ là những ngôi sao sáng được nhìn thấy rõ hơn trong hàng trăm ngôi sao khác vẫn tồn tại trên bầu trời âm nhạc Việt (trước năm 1975). Mỗi danh ca đều có chất giọng khác nhau và thường phù hợp với các yếu tố thời gian-xã hội, thói quen giai điệu, thể loại và tâm tình âm nhạc riêng. Vì thế, họ thường thể hiện xuất sắc những ca khúc thuộc sở trường, tâm tình mà họ cảm nhận! Đó, đã là một điều may mắn tuyệt vời…

   Riêng, Ngọc Lan là một ca sỹ có thể hát với rất nhiều thể loại nhạc khác nhau pha nhiều cung bậc thanh nhạc, nhưng vẫn cùng hướng về chất giọng lắng đọng, suy tư, trữ tình mê hoặc vào miền quyến rũ, lãng mạn không hề thay đổi. Nàng đã bước lên sân khấu ca nhạc chuyên nghiệp khá muộn màng để rồi tạo ra một hiện tượng háo hức đầy sôi động. Từ đây, âm nhạc Việt hải ngoại như chợt hé mở ra một trang sử mới, hẵng là bừng sáng trở lại sau một thời gian hụt hẫng vì biến động lịch sử quá nhiều u uẩn, trắc trở, lẻ loi...(1975-1985). Giọng hát và nhan sắc Ngọc Lan mang theo tình ái thanh cao, phảng phất nét u buồn nên thơ đã lấp đầy nỗi ưu tư, để rồi qua cơn mê, tỉnh giấc hòa theo không gian từ Mỹ tràn qua Châu Âu quay về trong nước (VN) làm rung động biết  bao trái  tim người  mộ  điệu (đầu thập niên 90).

   Thật ngạc nhiên: Khi người ta sưu tầm và ước đoán đã có khoản 800 ca khúc và 40 video tiểu phẩm đã được Ngọc Lan trình diễn chỉ trong 10 năm qua (1987-1997). Trong đó, nàng ca sĩ Việt trình diễn bằng cả tiếng Pháp, Anh…(có sự tài hoa nào không cần học thức?). Nhạc trẻ New wave “liên khúc”trở thành hiện tượng phổ biến ở VN...
    Và, đáng ngạc nhiên hơn đã được thực hiện trong một thời gian ngắn với một người đang mắc chứng bệnh nan y hiếm gặp! Một chứng bệnh “Xơ hoá thần kinh”(gây mất trí nhớ, run rẩy, mù loà…) đã có lúc trở nên trầm trọng, khiến Ngọc Lan vắng bóng trong nhiều năm (từ năm 1993), thị giác nàng gần như nhạt nhoà, phải nhờ người khác trang điểm, đón đưa dò dẫm lên sân khấu…

   Có lẽ, rất ít ai biết rõ về người thục nữ đã âm thầm với những khổ đau thể xác, tinh thần trong đoá hoa lặng lẽ đó! Có chăng là sự đồn thổi, bao nghi vấn? Bởi nhịp đập trần gian của nàng khá trầm lặng, kín đáo và hiền hậu! Cho đến mãi gần đây, người ta mới hiểu được đôi chút từ những “giai thoại bạn bè” hiếm hoi. Cả giới văn nghệ sĩ cũng chỉ biết đó là một danh ca có nhân cách rất đáng yêu, hoà nhã, khiêm tốn, nhút nhát...cũng đủ nói lên sự xót xa, bí ẩn đến mức gần như huyền thoại?
  
   Tôi cũng may mắn lặn lội theo thời gian, được nghe trực tiếp nhiều danh ca thuở trước…Vậy mà, cũng phải ngạc nhiên khi mới nghe Ngọc Lan lần đầu tiên qua băng video (1992). Chỉ một lần thôi cũng đủ khiến tôi phải điều chỉnh quan điểm “quá khứ” về lề lối kỹ thuật thanh nhạc! Một giọng ca kỹ thuật vượt quãng trong veo chỉ từ một nốt nhạc, hoặc hợp âm trầm buồn trải rộng đến vô bờ...Để rồi chiêm nghiệm so sánh kiến thức, suy tư lại trong cách phát âm khi hát tiếng Việt sao cho sang trọng, chuẩn âm từ và nhẹ nhàng tinh hoa nghệ thuật dễ đi vào lòng người hơn! Dù trước đó nữ ca sĩ Dalenna (người Mỹ) cũng đã làm tôi giựt mình khi nghe cách phát âm (hát) tiếng Việt vô cùng duyên dáng từ một người ngoại quốc dù không nói rõ được tiếng Viêt...

    Nhờ sự phát triển công nghệ hình ảnh, công cụ điện tử…nên xu hướng con người tương lai sẽ thưởng thức nghệ thuật bằng cách dần chuyển về hiện thực, cảm xúc văn hóa lấy từ rung cảm ý thức hơn là sự hổ trợ, kiểu cách màu mè ca kịch thời quá khứ nghệ thuật hoa hoè…
   Gía trị thưởng thức ca khúc (ca từ) chính là nghệ thuật phát âm ngôn ngữ hoà với thanh âm nhạc tính. Vì vậy, tôi có thể không sợ nhầm lẫn để suy nghĩ: Sẽ là thiếu ý thức và trách nhiệm khi mượn thói phô diễn làm biến thái, hỗn loạn méo mó từ ngữ đẩy đưa hao hụt tiếng Việt. Có lẽ vậy, mà N/s Trần Thiện Thanh cũng nói rằng “Ngọc Lan sẽ tạo nên trường phái Ngọc Lan”. Tôi thì có lý do để suy luận riêng: Đó là cách nói tế nhị(?)nhằm thừa nhận cách nhả từ tiếng Việt rất tự nhiên, quyến luyến phân tích một cách nhịp nhàng đẹp đẽ…trong một chất giọng sâu sắc đa thanh âm: Lúc trong trẻo đợi chờ rơi từng giọt đàn piano, lúc rung trầm hoài cảm như hợp âm violon cello của Ngọc lan.
      Phải công bằng nói thêm rằng: Nhiều bài hát mới xa lạ cũng như một số ca khúc quen thuộc đã vào dĩ vãng…Bỗng nhiên được thịnh hành, nổi tiếng hơn qua cách trình bày với giọng ca truyền cảm khai phóng từ nội tâm của Ngọc Lan!

   Ai cũng có thể thừa nhận một “huyền thoại tài năng”! Nhưng, rất hiếm hoi huyền thoại nào cũng có được tất cả s yêu mến nhân cách và nhan sắc? Vì tôi có cảm giác người ta yêu quí Ngọc Lan hơn cả tài sắc vẹn toàn, sự ngưỡng mộ chân-thiện-mỹ rung động từ cội nguồn tâm hồn thì phải?! Hồng nhan bạc mệnh Ngọc Lan sẽ vĩnh hằng đời đời cho hoài niệm một biểu tượng về cái đẹp bao dung.
     Riêng Tôi, không hiểu sao? Vẫn hoài ám ảnh một giọng ca, một nhan sắc, một đôi mắt chứa đựng tâm hồn Ngọc Lan với nhiều mến thương vô hạn. Thật, khó mà tin bất kỳ một học thuyết nào rêu rao về chân-thiện-mỹ, trừ khi một người nào đó có đời sống vốn đã thiện mỹ...

   Ngọc Lan ra đi không chỉ là luyến tiếc tài năng với tuyệt thế giai nhân để lại cho lòng người bao nỗi xót xa thương cảm! Người ta có thể tự an ủi với nhau rằng:
Mỹ nhân tự cổ như danh tướng
Bất hứa nhân gian kiến bạch đầu
Dịch nghĩa:
Người đẹp từ xưa như các bậc danh tướng
Không muốn thiên hạ thấy mình lúc về già

https://www.youtube.com/watch?v=OHVlIFBTidQ


   Ít nhất đã có 6 ca khúc đã được viết lên để tưởng niệm nữ ca sĩ Ngọc Lan: "Tiếng hát mong manh" (Nhật Ngân), "Gãy cánh thiên hương" (Trần Trịnh), "Huyền thoại Ngọc Lan" (Trần Thiện Thanh), "Bài cho tình ta" (Ngọc Trọng), "Còn đâu tiếng hát ru đời" (Hùng Quân) và "Vĩnh biệt một loài hoa" của nhạc sĩ Anh Bằng...
   Tuy vậy, thật khó mà nói được hết những suy nghĩ để thoả mãn những gì quý mến yêu thương về Ngọc Lan. Đôi khi, người ta dễ dàng xây dựng một tác phẩm trừu tượng hơn là một hiện thực đến mức trong ngần…Tôi cũng vậy, cố gắng cũng chỉ nguệch ngoạc được vài điều xót xa, luyến tiếc...

Giọng hát thiên thu (Thế Nhân)

Yêu thương mong manh mật đắng cuộc đời
Lang thang mưa rơi biển vắng xa người
Nụ hồng trên môi
Giọt buồn mê mãi
Giọng hát thiên thu thời gian  
Nhạc khúc trái tim lìa tan
Cung đàn lỗi hẹn dâng sầu miên man…

Ai thương ai vay một đoá tình trần
Bâng khuâng hương hoa mỏi cánh thiên thần
Mắt buồn mênh mông
Dòng đời xa vắng
Một cánh hoa rơi về đâu
Niềm nhớ xót xa tìm nhau
Bên đời số phận nỗi  đau ngỡ ngàng…


8 nhận xét:

  1. @Thế Nhân biết hát, biết đàn, biiết thơ... biết nhiều thứ thế này... ngồi nhâm nhi, chọ lọc và giới thiệu cho mọi người cùng biết về một:
    "Hồng nhan bạc mệnh Ngọc Lan sẽ là vĩnh hằng và đời đời cho hoài niệm một biểu tượng về cái đẹp bao dung…
    Riêng Tôi, không hiểu sao…vẫn hoài ám ảnh một giọng ca, một nhan sắc, một đôi mắt chứa đựng tâm hồn Ngọc Lan với nhiều mến thương vô hạn…"
    Mình nghe thấy giọng hát này có một cái gì mộc mạc đằm thắm riêng, kho ai theo được ... ( hi... đán trống qua của nhà thiên lôi đấy!) hihi...

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Hì hì...nguyễn Du thương cảm Thuý Kiều. Thế Nhân thì ưu ái Ngọc lan một chút đó mà...
      Ừ... tự nhiên mộc mạc một cách tao nhã, sang trọng...và đằm thắm một kiểu ngọc ngà...(cười)

      Xóa
    2. Ngọc Lan – một người nghệ sĩ tài đức vẹn toàn và đang ở đỉnh cao danh vọng của sự nghiệp, cô không xứng đáng phải gánh chịu một kết cuộc nghiệt ngã như thế. Cuộc đời này quả thực là không công bằng!

      Xóa
    3. Chúng ta đành chấp nhận sự "vô thường" vậy!

      Xóa
  2. thương hiệu ngọc lan trong âm nhạc cũng lớn lắm nha, không chỉ ở hải ngoại mà ở cả quê nhà nữa...giọng ngọc lan khó ai mà bắt chước được lắm, lâm thuý vân cũng na ná giống nhưng giọng không buồn bằng...cỏ cũng rất thích nghe nhạc của ngọc lan...hôm nào vò đầu viết một bài về phương thanh nha nha nha...với cỏ giọng chị chanh tuy yếu nhưng cũng rất truyền cảm, nhân cách cũng đáng khâm phục hi hi...nghe đi chú, hầu như trước khi đi ngủ cỏ đều nghe, ghiền bài này chị chanh hát luôn rồi ...nhiều người hát nhưng chị chanh hát hay hơn ha ha..."về đâu mái tóc người thương".....http://www.nhaccuatui.com/bai-hat/ve-dau-mai-toc-nguoi-thuong-phuong-thanh.tDXhFlEC6MOy.html

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Chú không hề có thần tượng âm nhạc. Có lẽ Ngọc Lan là trường hợp ngoại lệ..(Sưu tầm sau 12 năm ca sỹ này đã về với vĩnh hằng)
      Cỏ iu chị "Chanh" quá ha? Yêu ai thì hãy cứ xem họ là thần tượng của mình.
      Nhưng, với chú (cá nhân): Tài năng âm nhạc Việt thế kỷ qua...đếm chưa đủ trên đầu ngón tay. Về nhân cách thì khó luận bàn...Thông cảm chú nhe Cỏ!

      Xóa
  3. Lâu ni lạc dấu bạn. QUa mình chơi nào! Kính mời.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Dạ...mấy tháng ni cũng có nhiều hoang mang, nên cũng lười lang thang... cảm ơn anh!

      Xóa