Thứ Hai, 23 tháng 8, 2021

Tháng cô hồn...

Tháng cô hồn…
(Câu chuyện của tâm linh…)



  Thường, người ta hay gọi tháng 7 (âm lịch) là tháng cô hồn

  Tục cúng cô hồn trong tháng 7 chỉ có một số nước như: Trung Quốc, Việt Nam, Hàn Quốc, Singapore, Malaysia, Indonesia, Đài Loan, Hồng Kong…điều đó cho ta thấy sự ảnh hưởng mạnh của nền văn hóa Trung Hoa cổ đại.  

   Người ta thường nói “theo truyền thuyết nhân gian”: Bắt đầu ngày 2/7 (âm lịch) quỷ môn quan sẽ “thả cửa” giải phóng cho ma quỷ về trần gian, rong chơi cho hết ngày 14/7 (Âm lịch) mới quay lại địa ngục... 

   Thực ra, tôn giáo nào cũng nói đến sự tồn tại của linh hồn (hoặc nhân trung ấm) sau cái chết của thể xác…để có lời phủ dụ nhân quả: Ai làm điều thiện sẽ được lên thiên đàng (hay cõi trời, niết bàn), còn ai có ác nghiệp sẽ sa vào địa ngục.
   Nhưng, thực tế người nhân gian “yếu bóng vía” vẫn tin rằng: Có những linh hồn vì lẽ gì đó (nghiệp xấu, chết oan) chưa cõi nào cho "nhập cảnh" nên vẫn lang thang cô hồn

   Hồn ma cô đơn? Chắc sẽ như một vong linh lãng tử bơ vơ phiêu bạt không nơi nương tựa...Nên, với lòng trắc ẩn, bằng nghĩa cử từ thiện người ta thường cúng thí thực và làm lễ cầu siêu để cứu đói, chuyển hóa luân hồi đầu thai kiếp khác…

   Nếu tin theo “mệnh đề” đó…thì thế gian này có rất nhiều cô hồn? Bởi, vô cùng cái chết đâu chỉ vì nông nổi tham-sân-si, mà do những nghịch cảnh không mong muốn: Chiến tranh, thiên tai dịch họa, tai nạn giao thông...đôi khi, bị chết vì yêu hay bị "ma nhập"cũng có (hic)! 

   Nhưng, ở xứ mình (VN): Người miền bắc xem là tháng lễ xá tội vong nhân thì người miền nam lại coi trọng ý nghĩa mùa báo hiếu. Có lẽ, đại lễ Vu Lan có một ý nghĩa giáo dục sâu xa của đạo Phật: Những chàng trai hiếu nghĩa với mẹ sẽ biết cách thấu hiểu hơn với phụ nữ. Hoặc những người mẹ nghĩ đến hạnh phúc tương lai luôn biết giá trị tình thương dành cho con cái không bao giờ vô nghĩa (?) 

  Mặc dù, câu truyện Mục Kiền Liên (một đệ tử nổi tiếng của đức Phật khi còn tại thế) cứu mẹ ở các tầng địa ngục? Các nhà biên khảo cũng nghi ngờ là phóng tác (Hán văn) từ câu chuyện cổ tích khác của Trung Hoa (không có văn bản chính thức, kinh tạng của phật giáo Ấn Độ)…Tuy vậy: Thần thoại, truyền thuyết, cổ tích...đều có ý nghĩa cảm xúc tâm tư con người. Chỉ cần cẩn thận với “truyền thống”? Coi trọng biểu thức tình cảm hơn là hủ tục nghi lễ rườm rà, mê tín…
 
   Cổ tích gợi mở tâm linh (lòng tin) hay chính tâm linh (ý thức) tạo ra truyền thuyết (?) Điều đó, phần lớn phụ thuộc vào thói quen cảm xúc, quan niệm văn hóa xã hội nơi bạn sống…

                                          Chốn thiên thu...                                          

Ngày thôi thả nắng
Gió buông về ngàn
Bàn chân ai đó
Phai dấu địa đàng
Có con đường không lối
Dắt nhau về khuất tháng ngày trôi
Có con thuyền không đáy
Đón đưa người xa bến buồn vui
Qua đời hiện thực
Đến miền hư vô...

Tình như đã khép
Nhớ nhung đợi chờ
Đợi về nơi chốn
Gối nhau hẹn hò
Có đêm dài yên ắng
Với trăng thề soi bóng mùa phai
Có khung trời sương khói
Cỏ lá về sỏi đá tìm vui
Bên bờ mộng mị
Bến đời thiên thu…
              Thế Nhân
 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét