Thứ Ba, 1 tháng 7, 2014

Thơ Thục Nguyên (Phần cuối)



Thơ Thục Nguyên (phần cuối)

  Thay cho lời kết:
   Vừa qua, Thenhan đã mở đầu “Trang thơ Thục Nguyên” với các thi phẩm tự sắp xếp, biên tập từ: Nhớ Qui Nhơn (duyên và tình), Kỷ niệm (điều hoài niệm), Ngại (nỗi lòng)… để bây giờ Đợi (sự thao thức) và  rồi Lời cuối (đoạn cuối)…là cố gắng làm kẻ vô tình, hờ hững tạm kết thúc một chùm thơ chuyện tình buồn...
   Tình thơ của Thục Nguyên cũng giống như tất cả những chuyện tình nhân gian vốn có. Tình đầu thường tan vỡ như định mệnh “dây oan”quyến luyến truyền kiếp. Điều quan trọng…là nguồn thơ tâm tình trong sáng, cảm xúc vào đời rất hồn nhiên khiến dễ làm xao xuyến tâm hồn mộng mơ, lay động cõi tâm tư ai hoài, nhớ nhung xa xôi, vời vợi...
   Quan sát ngôn ngữ thơ Thục Nguyên…Thế Nhân thấy có giá trị riêng: Độc đáo nhưng giản dị, sâu sắc mà không phô trương triết lý, chẳng  vay mượn Hán ngữ cầu kỳ…và rất cảm khái về ý tưởng tình yêu thơ mộng mang tính nhân văn hiện thực trong đời sống,  cuộc tình trường…

   Đợi…
   Ai đã từng yêu mà không đợi ?
   Và chờ đợi có thể làm cho người ta: Hồi hộp, lo âu, khắc khoải, hoang mang …
   Nếu…T.T.K.H từng chờ đợi trong hạnh phúc(Hai sắc hoa ti gôn):
“Nhuộm ánh nắng tà qua mái tóc
Tôi chờ người đến với yêu đương”
   Để rồi sau này:
“Nếu biết rằng em đã lấy chồng.
Trời ơi người ấy có buồn không?” (hic)
 
   Thì…Hồ Dzếnh lại thích lãng mạn chờ đợi (Ngập Ngừng)
“em cứ hẹn nhưng em đừng đến nhé” đợi trong vô định, muốn thời gian ngừng trôi Cho nghìn sau...lơ lửng... với nghìn xưa. Vì nghĩ rằng:
“Tình mất vui lúc đã vẹn câu thề
Đời chỉ đẹp những khi còn dang dở”
   Có thể Hồ Dzếnh chờ đợi trong hoài công, hay chỉ là tự an ủi, “nguỵ biện”  …(cười)? Ngập ngừng với lòng mình hay đang nghi ngờ bởi cái triết lý “oan trái” trong khúc mệnh tình trường?
  Nhưng, hình như cõi tình ai cũng Đợi: Đợi miền quá khứ; thao thức hiện tại; mộng ước tương lai…Đợi tâm tình, đợi người tri kỷ, đợi lòng bình yên...

   Riêng, Thục Nguyên lại “Đợi” trong u hoài không hò hẹnTa đợi người…Người đợi ta không?” Miền chờĐợi” ở đây còn bao hàm nhiều ý tưởng ẩn kín, riêng tư…vì nằm trong trạng thái giữa thời gian giới hạn chu kỳ giao thừa, chờ khoảnh khắc chia ly xuân mộng “Giao thừa chầm chậm đến rồi qua” để cố mongĐưa tay níu chút hương tàn lại”…
   Nghĩa là Đợi từ quá khứ xa xăm, hình bóng cũ, dáng xuân xưa, đợi bằng kí ức khơi nguồn bởi tâm thức. Và Đợi đến tuyệt vọng…trong hư không, trong đêm thâu, trong mơ hồ sương khói xa.  định  khúc “tình em đã cạn từ thu ấy”… dẫu vẫn biết “Ta đợi làm chi thêm xót đau.” Vậy mà (than ôi!) vẫn…Đợi.
 
   Đợi…              (thơ Thục Nguyên)
   Ta đợi người…Người đợi ta không?
   Chờ mong như lửa dấu trong lòng
   Hồn yêu bỗng rụng vào hiu quạnh
   Hụt hẫng ta ngồi trước hư không
  Ta đợi một người chẳng đợi ta…
   Giao thừa chầm chậm đến rồi qua
   Đưa tay níu chút hương tàn lại...
   Chợt hiểu chỉ là sương khói xa

   Ta đợi một người ở tận đâu…
   Giao thừa xa hút giữa đêm thâu
   Tình em đã cạn từ thu ấy!
   Ta đợi làm chi thêm xót đau.

   “Đợi” chắc chắn là một định đề cũ kỉ từ khi loài người mới biết yêu nhau! Nhưng, chữ tình vốn dĩ huyền mộng nên cũng có vô vàn lý do tâm tình phải “đợi”mãi…!?

Lời cuối

   Riêng, Với thi phẩm “Lời cuối”…Ta đã từng nghe miên man đâu đó những lời từ tạ cho những cuộc tình chia tay…
  Nếu  T.T.KH  than thở trong “Hai sắc hoa tigon”nghe chua xót:
“Nếu biết rằng tôi đã lấy chồng
      Trời ơi! Người ấy có buồn không
Có thầm nghĩ tới loài hoa vỡ
      Tựa trái tim phai, tựa máu hồng”
  Thì  “Sang ngang”(nhạc) của Đỗ Lễ lại nghe bi thương, ai oán:
“Nếu biết rằng tình là dây oan
Nếu biết rằng hợp rồi sẽ tan
Nếu biết rằng yêu là đau khổ
                   Thà dương gian đừng có chúng mình…”
    
  Nhưng, riêng bài thơ “Lời cuối” (Thục Nguyên) hình như vốn sở ngộ về duyên kiếp, định đời nhân sinh…Nên ở đây, có cái gì đó như “khải huyền” quá mức dịu dàng, an phận từ muôn lối ngõ xa xưa…
“Em sang nhà mới bên người mới
Một nữa hồn vui nửa chua cay
Tình như vạt áo ai đứt chỉ
Muốn đứng lại khâu ngại gió bay…”
  
Trong suốt bài thơ (trừ khổ đầu và cuối) có thể là lời chung (trừu tượng) của cả kẻ sang ngang và người đưa tiễn. Nghệ thuật ở đây chính là không cần phân biệt ngôn ngữ dành cho của riêng ai! Rõ ràng thi sĩ đang biện hộ? Hoặc là thấu hiểu: Tình cũng có sự vô thường…
“Có bạc bẻo chăng ở đất trời
Nặng duyên nhẹ nợ phải lìa đôi
Hai ta không số đồng hương lửa
Vô lượng ngần yêu cũng vây thôi”

    Có lẽ vì mặc định số phận, nên chỉ thẩn thờ, lặng lẽ tiển đưa nhau bằng những vần thơ nhịp nhàng, từ tốn…có chút xót xa, tí xíu hờn trách ngọt ngào, thương vay đầy lý lẽ, nghĩa yêu thương…
“Xin hãy lặng yên tiễn đưa em
Dịu dàng như thuở mới làm quen
Ai xui anh đến cho tình nhớ!
Để rồi đứng đợi nhận tình quên”.
   Dù chia ly là miên viễn…nhưng tất cả kỷ niệm nguyên sơ ban đầu vẫn còn đó, không gì rạn vỡ, mất mát, hư hao …
“Anh về xin giữ lại dùm nhau
Tình thơ em trả buổi đưa dâu
Yêu thương dạo ấy còn nguyên đó
Mãi đến bây giờ có bạc đâu”
   Và “Lời cuối” nhắn nhủ…như là một sự chia tay tự dối lòng, mượn lời nói phũ phàng để cùng nhau phôi pha tiễn quá khứ:
“Bẽ bàng một thoáng rồi quên lãng.
Chỉ để mây trời sông nước đau…”
   Thực ra, câu nói “phũ phàng” đó chỉ khiến người ta thêm ngậm ngùi, lưu luyến ân tình cũ…

 Lời cuối  (thục Nguyên)

Em sang nhà mới bên người mới
Một nữa hồn vui nửa chua cay
Tình như vạt áo ai đứt chỉ
Muốn đứng lại khâu ngại gió bay…

Anh của em hiền và ngoan quá
Sao cũng thẩn thờ lúc chia tay
Đường đi gió lộng hay tình bão
Mà trớ trêu lòng giữa sáng nay…
Xin hãy lặng yên tiễn đưa em
Dịu dàng như thuở mới làm quen
Ai xui anh đến cho tình nhớ
Để rồi đứng đợi nhận tình quên…
Nhớ nhé anh yêu chớ nói g
Chớ hờn chớ trách tội người đi
Tình chia lối rẽ đời hai hướng
Sợ vỡ oà đau phút phân ly…
Anh về xin giữ lại dùm nhau
Tình thơ em trả buổi đưa dâu
Yêu thương dạo ấy còn nguyên đó
Mãi đến bây giờ có bạc đâu
Có bạc bẻo chăng ở đất trời
Nặng duyên nhẹ nợ phải lìa đôi
Hai ta không số đồng hương lửa
Vô lượng ngần yêu cũng vây thôi
Anh về xin cố hiểu dùm nhau
Từ nay tình tuyệt đến mai sau
Bẽ bàng một thoáng rồi quên lãng
Chỉ để mây trời sông nước đau

“Chỉ để mây trời sông nước đau
Cho người lỡ mộng nhẹ nỗi sầu
Em đi hoa bướm vương thềm cũ
Là chết tình xưa vỡ tình đầu…”

P/s: @thenhan đi xa vài ngày (rong chơi)! Sẽ hồi âm comment sau…

4 nhận xét:

  1. Giống thơ thời tiền chiến. Hay thật

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Có lẽ, dòng "thơ mới" thời tiền chiến...nên văn tự khúc chiết, mang tính lãng mạn cao!?

      Xóa
  2. Đọc lời bình làm N có một cảm nhận mới: thích thơ TN, ngày mai sẽ đi lục lại những tập thơ TN để đọc...

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. (Ủa tập thơ của Thục Nguyên tặng...mà Ngọc chưa đọc sao ta? méc...)

      Xóa