Thứ Tư, 10 tháng 6, 2015

Định luật yêu..

Định luật yêu...
( Phiếm luận...,)



  Trước khi mò mẫm(cười)...rón rén bước vào câu chuyện lan man, có chút phiếm luận. Tôi xin giới thiệu lại câu nói của nhà thiên tài toán học  Mr John Nash  (1928- 2015)...Người đã tạo ra những lý thuyêt trò chơi đang được áp dụng vào kinh tế xã hội hiện đại, liên quan đến cả nhân văn và chính trị học! Phát biểu khi nhận giải Nobel (Thụy Điển-1994) ông nói như sau:
     “Tôi luôn tin vào những con số trong những phương trình và lôgic. Nhưng, sau cả một đời theo đuổi Tôi tự hỏi cái gì logic thật sự? Ai quyết định lẽ phải? Câu hỏi của tôi đã đưa tôi vào một trạng thái...một trạng thái siêu vật lý. Và Tôi có được khám phá quan trọng nhất trong sự nghiệp của mình. Khám phá nhất trong cuộc đời tôi: Nó chỉ có thể tồn tại trong phương trình kỳ diệu tình yêu. Tất cả lẽ phải đều có thể được tìm thấy! Tôi đến đây chỉ vì em...em là lý do để tôi tồn tại. Em là lẽ phải của đời tôi...”.
   Sở dĩ, ông (John Nash) thay vì cảm ơn mọi người, xã hội...thì ông lại cảm ơn tình yêu (vợ mình) trước đám đông dự khán. Vì nhờ tình yêu người vợ mà một nhà khoa học mắc bệnh tâm thần phân liệt được tồn tại và để cống hiến...

   Câu chuyện trên...là Tôi (@thenhan) muốn nói đến tình yêu với ý nghĩ (tâm hồn) đẹp. Bởi, định luật ‘yêu” có thể nằm ngoài học thuyết tiến hóa (Charles Darwin) và cả quy luật vũ trụ hay trật tự của thế giới...!?

    Người ta chỉ nghĩ rằng tình yêu nam nữ vốn là chuyện thường tình của nhân gian, giới tính con người. Chẳng qua, nó mang đậm sắc thái của ái tình! Nhưng, đã có bao giờ chúng ta tự vấn: Tại sao? Ta không yêu người này...mà lại yêu người kia? Phải chăng tình yêu cũng có định luật “bí mật” nào đó?

   Sự thật, có người đi tìm “người yêu lý tưởng” và cũng có người ngồi chờ ngoắc tình yêu đến (cười). Nhưng, dù người bình thường hay phi thường...hôn nhân hạnh phúc thì không thể không có tình yêu tồn tại?
   Nhưng, tìm được tình yêu trong cuộc đời hợp ý là điều không dễ may mắn, thỏa mãn. Nhất là khi người ta dễ ngộ nhận tình yêu và sự giới hạn. Và cũng như mọi đề tài khác! Trước khi tìm ra “định luật” người ta thường “mổ xẻ” khái niệm hay định nghĩa...rồi mới loanh quanh nhiều cách suy luận tìm lý giải nhân duyên và hệ quả...

  Ngôn ngữ văn bản Việt trong trường phổ thông...thường, người ta chỉ dạy theo cách mặc định: Danh từ, tính từ, động từ và thêm nghĩa trừu tượng khi liên kết với các từ khác! Nhưng, trong “cõi nhân gian” hay ngôn ngữ văn chương còn bao hàm nhiều ý tứ và khái niệm chung. Vì vậy, chữ “yêu” ở đây không dành riêng cho danh từ, tính từ hay động từ...Vì, phải suy diễn nó bằng nhiều hình thức ẩn dụ có thực bằng: Nguyên lý, cảm xúc và hành động...(le lưỡi)!

    Yêu là gì? Thường, nhiều người vẫn thích ngâm nga theo nhà thơ Xuân Diệu:
Làm sao cắt nghĩa được tình yêu!
Có nghĩa gì đâu, một buổi chiều
Nó chiếm hồn ta bằng nắng nhạt,
Bằng mây nhè nhẹ, gió hiu hiu...
( Vì sao – XD)
   Nhưng, cũng có nhiều người nhầm lẫn tâm tình “cắt” nghĩa (giải thích) của XD...thành ra “định” nghĩa (khẳng định) nên chuyển nó thành câu thách đố mơ hồ, vu vơ:“Đố ai định nghĩa được tình yêu...(?)

   Với thi sĩ Hàn Mặc Tử thì:
 Ai hãy làm thinh chớ nói nhiều,
Để nghe dưới đáy nước hồ reo.
Để nghe tơ liễu run trong gió,
Và để xem trời giải nghĩa yêu.
                   (Đà Lạt trăng mờ - HMT)
   Cũng thấy nhiều người suy diễn viết nhầm chữ giải thành chữ “định”? Nghĩa là chẳng ai dại (khôn) dám vội vàng lấy chữ yêu ra mà định nghĩa? Nếu có, thì đó là định nghĩa cho một khái niệm...

    Các thi sĩ thường “chuyên chở” nhung nhớ theo thơ ca. Bởi vì...thơ vốn là ý tưởng nghệ thuật hình tượng nên hay dùng các tu từ (cách hóa, cách điệu...) để diễn đạt ý tứ...từ thâm trầm đến cao đẹp bay xa lãng mạn (?) Còn khoa học lý tính thì lại quan tâm đến xúc cảm (tính từ) và hệ quả (động từ) của “yêu” nhiều hơn...

   Hình như...với những người có cá tính rõ ràng thì đối tượng lý tưởng “yêu” là điều có thật (!) Lần này, ta thử mò mẫm đi tìm...biết đâu có định luật yêu mà chộp được bí kíp...

   Truyện cổ tích “nàng lọ lem và hoàng tử” đến nay vẫn là chuyện hấp dẫn về tính nhân văn bình đẳng, rất hồn nhiên trong sáng đề tài tình yêu. Thời nay, “Lọ Lem” hiện đại thực tế hơn nhiều, ở khắp mọi nơi từ của Mỹ, Ấn Độ, Mê Hi Cô, Trung Quốc và nhiều nhất là Hàn quốc...đều có những phiên bản hao hao như thế vẫn được lập đi, lập lại nhiều lần trên màn ảnh phim ngắn hoặc dài tập. Sự khác nhau về đời sống hay cá tính...đều có sức thu hút cho một mối tình đẹp như mơ. Đương nhiên, là phải dựa trên tính nhân văn con người...

   Còn nói đến cuộc tình “môn đăng hộ đối”người ta chỉ nhắc đến như là chuyện mặc nhiên, thường tình.  “Trai tài gái sắc” thì nằm trong điển tích nhân gian xứng đôi vừa lứa. Riêng “anh hùng và gái thuyền quyên” lại gần như được xây dựng trong lề lối gia phong, lễ giáo...

   Cô gái nghèo phải lòng công tử hào hoa hay nàng tiểu thư yêu anh chàng lãng tử bụi bậm...là những chuyện tình ý, mơ mộng tốn nhiều bút mực, thao thức. Những đối tượng tình yêu lý tưởng trên đều có thể giải thích bằng nhiều tâm lý mộng tưởng. Nhưng, phải chăng những hiện tượng bắt nguồn do bản năng thích dung hòa tạo thành định luật yêu đã có từ muôn thuở?

   Ngày nay, quan điểm tình yêu có thể đổi khác hay không? Chưa hẵn vậy! Nói đúng ra...là do hoàn cảnh xã hội khiến ái tình thực dụng hơn. “Chân dài yêu đại gia”...là chuyện tình showbiz cuộc đời thường ở điều kiện bó hẹp không gian gặp gỡ, thói quen dựa dẫm...

   Người ta cũng thường định nghĩa yêu là ích kỷ (sở hữu) và cũng có người quan niệm yêu là phải cho đi theo nghĩa của yêu thương. Nhưng, nếu như tình yêu theo quan niệm ích kỷ thường gặp nhiều điều lo lắng và phiền muộn vì nhầm lẫn...thì sự cao thượng quá mức xa rời hiện thực cũng dễ ra tạo ra khoảng cách bởi thói đời luôn có điều vụng dại. Có thể, vấn đề đó còn phụ thuộc vào tâm tính, nhan sắc mỗi người mà tạo nên định mệnh “yêu dài lâu”....

   “Hữu duyên thiên lý năng tương ngộ, vô duyên đối diện bất tương phùng”...là định luật hấp dẫn của hòa hợp cá tính và nhân nhượng cảm xúc chứ không phải là số phận tiền định...mặc dù Duyên khởi bằng “tiếng sét ái tình”?

   Tạm dừng, vì tình yêu luôn giới hạn bởi thời gian, dù rằng vẫn triền miên khi loài người còn tồn tại. Người ta khó mà tìm ra định luật yêu...Nhưng ai đó khi thực sự yêu nhau thì chắc chắn sẽ hồn nhiên tìm ra “bí kíp” cặp đôi riêng của mình...(phù).

   

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét