Ayun Hạ là tên một công trình thủy nông cấp
quốc gia (bao hàm cả vốn đầu tư và ý nghĩa kinh tế xã hội) thuộc tỉnh Gia
Lai-Kon Tum nằm trong địa phận huyện AyunPa (tỉnh lỵ Phú Bổn cũ).
Ở miền
trung tây nguyên (Gia Lai- Kon Tum): Sông Ba là dòng sông lớn nhất tạo nên nền
văn minh lưu trú của các dân tộc vùng cao. Ayun chỉ là cùng một dòng phụ lưu trong 3
con sông lớn (Krông H’nang và sông Hinh).
Sở dĩ, có tên Ayun “Hạ”? Vì có công trình
Ayun “Thượng” (MangYang) thuộc vị trí đầu, cuối nguồn một dòng sông! Với chiều dài 175km từ độ
cao 1.220m (núi Krong H'Dung) chảy đến Ayunpa (Phú Bổn) nhập vào Sông Ba qua Tuy Hòa ra biển
đông…gần cuối dòng sông lớn mà người Pháp lựa chọn thiết kế xây dựng công trình
thủy nông (đập tràn) Đồng Cam nổi tiếng kỹ thuật và mỹ thuật này, đã vốn tồn
tại với thiên nhiên gần 100 năm (1924-1932) cung cấp nước tưới cho 20.000 hecta
ruộng lúa Tuy Hòa-Phú Yên. Riêng, Ayun Hạ cũng sẽ được khoảng 8.000 hecta…
Tất nhiên, trong bài viết này tôi không có ý
định bàn bạc nói về các gía trị liên quan đến kỹ thuật, dân sinh, kinh tế? Vì,
nó phụ thuộc rất nhiều vào yếu tố tự nhiên hoặc nhu cầu lịch sử thực dụng trong
các công trình thủy lợi…
Ngày
ấy, được điều động về Ban quản lý Ayun Hạ (Cuối năm 1987 cơ chế chuyển đổi tên
“Tổng B Ayun Hạ” và sau tách thành “Công ty KH-XDĐR tỉnh…”) đã thành lập chính
thức từ cuối năm 1985. Tôi phụ trách chuyên môn thiết kế thi công các công
trình liên quan đến “xây dựng đồng ruộng”? Vì, hai năm trước đó đã cùng tham
gia trong đoàn qui hoạch khảo sát kinh tế xã hội toàn tỉnh trong “Ban xây dựng
cấp huyện”! Trong đó, luận chứng kinh tế
kỹ thuật rất nỗ lực quan tâm hai công trình chính: Thủy điện Ya Ly và thủy nông
Ayun Hạ…
Kỷ niệm hồn nhiên của cuộc đời tôi lúc ấy…là tự dưng (nháy mắt) khi sinh ra hai cô con gái, nên liền đặt tên Thảo Ly và Hồng Hạ! Có lẽ, đến giờ
hai con bé (đã ngoài 30 tuổi) không nghĩ tôi có hoài niệm chút tâm tư thơ ca với ý
tưởng: Cỏ Biếc và Nắng Hồng khi vừa đặt chân đến những
vùng đất đặc biệt đó (cười)!
Sau gần 25 năm (15-09-2019) tôi mới trở lại
gặp “Hội đồng nghiệp Tổng B Ayun Hạ”- Kẻ còn người mất(!) Những người đầu
tiên “khai sinh” hầu như không còn nữa để thấy bóng dáng họ qua công trình đang miệt mài tồn tại…
Tôi thường đắm chìm trong khung cảnh, không
gian xưa cũ! Còn những “người đồng nghiệp” chắc họ sẽ có rất nhiều cảm xúc về kí
ức của thời tuổi trẻ, những kỷ niệm khó phai của tuổi đời đang dần già đi (cười buồn)…Nhưng,
con người cũng thay đổi hoặc là do thời gian xói mòn trí nhớ? Và, đáng trách!
Là tôi không hề dễ dàng nhận ra hết những khuôn mặt xuân xanh thời ấy…
Thật ra, Ayun Hạ chỉ là đoạn đường “trú ngụ”
10 năm. Trong khi, gần 30 năm tôi đã đi qua với nhiều ngành, nghề khác nhau với
vai trò thân phận cuộc đời khá nhiều biến chuyển, cảm xúc chất chồng…xin nhẹ lòng thông
cảm! ( Các hình ảnh coppy từ facebook của Minh Nguyet Ngo, cảm ơn!)
Bạn thích làm ca sỹ không? Vì ai cũng có thể
là người hát hay…
Ở xứ mình (VN) hiện tại…hình như nghề ca sĩ
“bỗng dưng” biến thành ước mơ của nhiều người. Và ai cũng muốn mình hát hay! Nhưng, hát hay lại không dễ
bằng hay hát (cười)…
Ngày xưa, “đờn ca hát xướng” được xem là
tầng lớp thấp nhất của xã hội. Vì thời ấy…người ta thường đem những người nô lệ
ra làm thú tiêu khiển, giải trí cho tầng lớp quan chức, quí tộc và để đáp ứng nhu
cầu mua vui của quần chúng! Có lẽ, người ta không ngờ rằng từ trong bóng tối
của kiếp đời nô dịch nghèo hèn, tăm tối đó…đã tự sản sinh ra nghệ thuật quyến rũ để dần trở thành nhu
cầu văn hóa, giải phóng tư duy, thức
tỉnh sâu xa tâm hồn cao thượng ẩn chứa nơi con người …
Ngày
nay, ca hát đã trở thành trào lưu văn hóa không thể thiếu trong tất cả mọi hình
thức sinh hoạt xã hội: Chính trị, quân sự, kinh tế, tôn giáo …có nghĩa là nó
tác động đến những gì liên quan đời sống con người. Ca sỹ là người
trực tiếp chuyển hóa ngôn ngữ trong giai điệu âm nhạc. Và, ít ai ngờ rằng
“nghề” hát hò cũng trở thành thần tượng
của đám đông và là người của công chúng…
Một ca sỹ thành công với một bài hát…là nhờ
giọng hát và phát âm thanh đúng với tình cảm, thể loại, giai điệu.Tuy nhiên, chúng ta đang bước vào giai đoạn “khủng khoảng” thanh nhạc. Sở dĩ, có chuyện so đo, tranh cãi là vì cách phát âm thanh nhạc hiện có
2 trường phái cùng tồn tại trên một sân khấu ca nhạc (giọng opera cổ điển và giọng thanh bạch đương đại). Sự thật, những
quan niệm và nhận thức khác nhau về cảm xúc thanh nhạc là do “đối sách” văn hóa
của hai nền chính trị khác nhau đã từng “bị” chia rẽ quan điểm, sở thích…
Về chuyên
môn nghệ thuật? Không cần dùng thuật ngữ
chi tiết, cầu kỳ âm nhạc…ai cũng có thể hiểu qua khái niệm trường phái: Opera là
cách hát mang tính chất cách điệu ngôn ngữ bằng giọng “hợp âm vang” dùng biểu
diễn sân khấu ca kịch (xứ Châu Âu xưa) …còn giọng thanh bạch là cách hát nhã từ biểu diễn nội dung ca khúc đương đại được các nhạc cụ hòa âm, phối khí tiết tấu giai điệu! Thính giả bình thường sẽ không quan tâm nhiều
đến lý tính giọng hát, nên ít khi
phân tích giá trị trường phái. Tuy nhiên, về cảm tính họ cũng sẽ nhận ra một
giọng ca phù hợp (cảm nhạc) cho một bài hát nào đó! Vì, đơn giản...hiện thực cách ngôn ngữ phát âm và mục đích với nội dung tâm tình khiến tự nó hình thành (phù hợp) cho nhiều dòng nhạc (thể loại ca khúc) khác nhau (!)
Mới
đây, cũng còn có ca, nhạc sĩ nào đó phát biểu trên
truyền thông báo chí rằng: “Opera mới là đỉnh cao của âm nhạc”…cho ta thấy sự hạn chế kiến thức (thói quen) thiếu
cẩn trọng khiêm tốn khi vội vàng lấy một bộ môn ca kịch cổ điển (giới hạn nghệ
thuật) mà bao trùm lên cả giá trị đa dạng, phát triển (kỹ thuật) thiên về âm nhạc đại chúng. “Quyền
lực show biz” chưa hẵn là người đủ năng lực, kiến thức…nếu mơ hồ đưa ra những
thuật ngữ, nhận định chuyên môn không chính xác sẽ tùy tiện gây ngộ nhận: Làm “mới” âm nhạc (thay đổi tác phẩm),
quyền tư duy “thẩm mỹ cá nhân” (cá
tính ca sỹ)…mà không hiểu chiều dài giá trị nghệ thuật, thực tế chỉ thừa nhận sở hữu trí
tuệ tác phẩm cá nhân và năng lực trình
diễn cảm xúc đại chúng…
Dù là ai: Nhạc sĩ, ca sĩ, nhà báo hay là
người bình thường…đều có khả năng cảm thụ! Trình độ kỹ thuật âm nhạc đôi
khi chẳng có ý nghĩa gì trong thưởng thức tác phẩm ca nhạc nếu ít vốn sống, thiếu khả năng
nhạy cảm đời sống tâm hồn hoặc kiến thức ngôn ngữ, ca từ…
Mỗi người đều có chất giọng âm nhạc…cũng giống như âm thanh mỗi nhạc cụ đều có đặc
thù nhạc tính và tình cảm âm vực khác nhau. Điều quan trọng là sử
dụng cho những bài hát nào phù hợp! Sự chủ quan, đánh giá thấp tính văn hóa tha nhân (cũng là kiến thức
nghệ thuật) của ca sĩ…là khi quá thể hiện cái “tôi” mà bất chấp cảm xúc người
khác, hoặc “học vẹt” (bắt chước) làm bản sao lối hát của ai đó một cách máy móc…
Người
ta (nhạc sĩ hòa âm) cũng có thể (chỉ) thay đổi tiết tấu, tốc độ một bản nhạc…là
khi cần thiết theo điều kiện không gian nhạc cảm (thính phòng hay sân khấu ngoài
trời), vì sự giới hạn công cụ nhạc đệm, hoặc là mượn thêm kỹ thuật, sáng tạo để
trình diễn hình thức ca kịch, hoạt cảnh…
Nếu có sự giao thoa của hai luồng tư tưởng
văn hóa? Thì định kiến bao giờ cũng thuộc quá khứ của tương lai. Quan niệm định hướng nghệ thuật thường chỉ là kịch
bản dành cho kỷ niệm! Nếu bạn muốn làm ca sỹ của nền âm nhạc đương đại: Khi bạn trình bày một ca khúc
tâm tình (bằng lời) Việt…thì (nguyên lý) dù theo lối kỹ thuật thanh nhạc nào, bạn
cũng phải phát âm rõ ràng được chữ quốc
ngữ theo âm giọng tiếng Việt một cách hài hòa, trong sáng (vì kỹ thuật
không phải trò chơi bí ẩn). Giá trị giọng hát của một ca sỹ là khi chuyển tải
được nội dung và tạo ra cảm xúc tâm hồn đồng điệu với âm nhạc (nghệ thuật nhân
văn)…
Trong
lịch sử âm nhạc ca hát…chưa thấy ai thay thế nghệ thuât bằng tham vọng cá nhân,
nếu thiếu yếu tố hồn nhiên(!) Nghệ thuật tâm tình ca khúc luôn là sự chừng mực.
Khi bạn để cái “tôi” vượt qua sự khiêm tốn thì khó trở thành ngôi sao của đại chúng, bởi đó là giá
trị duy nhất và cũng là sự giới hạn (điểm đích) của một ca sỹ…
Đôi khi, tôi muốn viết một
điều gì đó về quê hương của mình…
Nhưng, mọi ngôn từ trở nên hụt hẫng khi nói đến nỗi niềm thân phận bi ai con người! Vì, sự chân thành của lịch sử
làm sao bằng sự thật thà của chiến tranh (?)
“Người
ta có mặt trong cuộc đời này! Họ đâu có quyền lựa chọn bố mẹ và đất nước mình
sinh ra? Nhưng ở đây, nơi đã sinh ra hình hài nuôi dưỡng sự lớn khôn! Thì dù nghèo
nàn đói rách, vất vả gian nan, dù đau thương hay tật bệnh…chúng ta vẫn cần
phải sống tốt để cảm ơn đời, để trả nghĩa sinh thành, công ơn dưỡng dục như một
chu kỳ đương nhiên bất tận…”
Đưa em về thăm quê xưa
Chân đùa cát trắng xa đưa
Đồi hoang sơ nghiêng dáng đổ
Rừng phi lao hong nắng lửa
Yên bình tìm lại ngày vui
Tim người khô héo bao năm
Từ lâu rồi cha muộn phiền
Chia cuộc tình buồn phận mình
Dòng sông rẽ lối đi hoang
Biển khơi sóng vỗ lang thang
Không bến bờ đời dang dở
Cạn suối nguồn chờ ngóng đợi
Về đây em về yêu thương
Bên hiên bóng ngã soi đường
Đưa em về trao hương hoa
Môi cười xoa dấu lệ nhoà
Dòng sông xưa thôi xói lở
Hàng tre đong đưa lối nhỏ
Êm đềm về lại tìm nhau
Trao tình đã mất hôm nao
Ngày qua rồi mẹ đừng buồn
Quên một thời trên phận ngưòi…
Thế
Nhân
(Hình ảnh trong video-clip chỉ là để lưu niệm cho đại gia đình)
Những tên gọi (danh tính) có tính
từ chung trừu tượng “nhỏ” ‘bé”…thường tượng trưng cho ý niệm yêu thương, bao
dung, che chở. Đôi khi, không chỉ dành riêng cho trẻ em mà còn đặt tên cho “người
tình”của riêng ai đó! (chưa biết tên, hoặc có ý nghĩa cảm xúc, ý niệm…).
“Bé”
(được viết hoa) dưới đây có thể là bài
thơ “dấu” yêu khuyết danh của bất kỳ ai? Sự thật, bài thơ này khó phổ nhạc vì
kết cấu không thuận lợi về bố cục phiên khúc(?)
Nhưng, vì đây là bài thơ hay (cảm nhận cá
nhân) đến mức giản dị dễ thương, rộng tính bao dung, xúc động kỉ niệm. Vì thế, ngữ điệu rất
tự nhiên, tâm tình chân chất ẩn chứa tình đời…
Ở đây, tôi nghiêng về mặc định âm nhạc luôn có
một phần trong thơ, hay thơ là nguồn hứng khởi cho một bài hát hồn nhiên vậy!(cười)…
P/s: Lần đầu, Tôi đến Pleiku vào mùa hè (1972). Bầu
trời tưởng như quá gần. Phố xá ngập chìm trong mưa bay. Chân trơn trượt, áo
quần lấm tấm bùn lầy đất đỏ…thấy lòng hoang mang dễ sợ!
Nhưng, khi trở lại đầu mùa đông tôi mới chợt nhận
ra bài thơ “Còn chút gì để nhớ” (Vũ Hữu Định) mới là hiện thực đời mình…
Nếu
nói về kỉ niệm tuổi thơ, thời cắp sách đến trường thì tôi chỉ là lữ khách!
Nhưng, nói về kí ức hành trang sinh tồn?Thì chắc hẵng vẫn chất đầy dĩ vãng cho
đến tận cuối mùa nhật nguyệt! Dù đã hư hao hoặc đôi lần cố tình thả rơi vãi cho
gió núi, mưa nguồn cuốn đi…
Đó là chưa nói…vết xước yêu kiều những bóng
hồng tạt nhẹ qua đời mình, nhát ma cuộc tình bỏ lại (cười)
Hình như, tôi đến Sài Gòn lúc nào cũng vào
khoảng tháng 6-7! Nên, mưa nắng vẫn thất thường như tình đời, lòng người
(cười)!
Xe cộ đông đúc chen chúc, rất khó lựa chọn
thời gian để ghé thăm nhau. Hơn nữa, “đôi mắt người xưa” giờ không còn trong
veo nữa! Về đêm, đường phố lập lòe hoa lệ nhìn ai cũng đẹp như nhau, sợ lầm lẫn
người cũ bị lạc lối quay dzề (hic)...
Lần này đến vì công việc gia đình nên chưa
có thời gian hò hẹn. Xin cảm thông…chờ“See
you again” vậy!
Giới văn chương thường nói nơi đây là “vùng
đất thơ ca”! Còn chúng tôi (thân hữu) thường gọi Quy Nhơn là “Khung trời dấu
ái” để nhớ về kỉ niệm khó phai, một thời niên thiếu…
Thật vậy! Bình Định gần như là nơi hội tụ
“tao nhân mặc khách” với những tên tuổi có tác phẩm lớn ghi dấu ấn ra đời của nhiều
tác giả: Xuân Diệu, Chế Lan Viên, Hàn Mặc Tử, Trịnh Công Sơn…không thể nhớ (kể)
hết!
Tôi gần như là người “tha phương”! Đã uống
nước sông, gạo chợ và lớn lên ở vùng đất ngỡ là “hao gầy”, nhưng lại rất gần gũi
giản dị đến mức "mênh mang niềm nhớ". Có lẽ, văn hóa xứ Nẫu với nhiều chứng tích,
sự kiện lịch sử bi hùng đều có sức ảnh hưởng đến suy nghĩ, tâm tư mình? Tôi nghĩ thật may mắn, xin cảm ơn điều đó! Vì, riêng cá nhân tôi vẫn xem
Quy Nhơn là “bến đổ giữa dòng đời” phiêu bạt...
Ở trang blog hạn hẹp này, tôi chỉ nói về những
ca khúc âm nhạc có “sắc thái” Quy Nhơn! Vì, gần đây thấy (nghe) người ta vận động
sáng tác cho Quy Nhơn rất nhiều, nhưng hình như những tác phẩm mới chỉ như cơn mưa rào tan nhanh…
Xưa kia, Trịnh Công Sơn cũng có những sáng
tác khởi đầu: Dã Tràng, Cát Bụi, Biển Nhớ…(khi đang học sư phạm) Nhưng, tôi có
cảm giác ông ấy chỉ là lữ khách mượn khung cảnh: Bãi cát vàng, đồi núi nghiêng nghiêng hơn là ẩn chứa riêng tâm hồn Quy Nhơn(?)
Thế nên, tôi rất muốn giới thiệu về “tình
khúc Quy Nhơn” với 3 bài hát mà tôi thấy gần gũi, có cảm xúc: “Quy Nhơn mênh mang niềm nhớ” (Ngô Tín); “Quy Nhơn đôi mắt người xưa” (Vũ Thanh) và "Tình ca Quy Nhơn" (Nguyễn Đức Diêu) Nhưng vì chưa xin phép nên
ngại download (các bạn có thể tìm trên youtube)...
Tất nhiên, tôi có biết cả ba người. Nguyễn Đức Diêu chắc cũng tuổi tôi (?). Riêng hai người kia học
trên tôi 2 lớp! Anh Ngô Tín và Ngô Trung là anh em sinh đôi, thời tiểu học
cũng đã khá nhiều người biết. N/s Ngô Tín sáng tác nhiều nhưng nổi tiếng hơn với
cây đàn guitar và tôi cũng thích anh ấy hát bài Quy Nhơn…hơn những ca sĩ khác!
Còn anh Vũ Thanh thì bây giờ trong nước ai cũng biết, vì thịnh hành với bài “Đắp mộ cuộc tình”. Họ đều là người chuyên
nghiệp…
Vì vậy, ở đây tôi chỉ tạm giới thiệu thơ, thơ phổ nhạc của Thục Nguyên! Chúng tôi là bạn bè hàng xóm từ lúc 8 tuổi cùng lớn lên, và cho “B tùy
thích sử dụng”. Anh ấy nghiêng về thơ, tôi xuôi về nhạc (cười)…nhưng cũng “thất
lạc” đến 37 năm mới gặp lại! Thơ - phổnhạc của Thục Nguyên được trình bày
diễn ngâm khá nhiều trên các diễn đàn, “thơ ca giao hòa” trên đài truyền hình
Tp Hồ Chí Minh…
( Những video-clip dưới đây tôi chỉ “biên
soạn” riêng cho nhóm bạn bè làm ki niệm…)
Còn tôi, viết về Quy Nhơn theo kiểu lãng tử, với kỷ niệm của riêng mình:
Chẳng hiểu vì sao? Những người thích nói triết
lý thường hỏi kiểu đánh đố “Ta là ai và
đời là gì?” Một câu hỏi, mà trẻ em dễ dàng trả lời hơn người lớn (cười)! Tất cả, đều bắt nguồn từ định kiến?!
Mỗi thân phận, hoàn cảnh, giai đoạn đời người đều có những nhu cầu, sự thích ứng khác nhau! Khái niệm (nhận thức) còn tùy thuộc vào cuộc đời, xã hội xô
đẩy vào khung định kiến…
Con
người, hình như ai cũng có chính kiến
của riêng mình (!) Chính kiến đã giúp họ định hình được cái “tôi” hoặc cái của
“chúng tôi”? Nhưng, xét về mặt tiêu cực với xã hội hòa thuận, thì chỉ
là quan điểm (định kiến) nhìn ngắm giá trị hẹp hòi…
Trong
môi trường giáo dục định kiến xã hội sẽ
có 2 đáp số: Sự thiên kiến bất bình
đẳng (phân biệt đối xử) hoặc trở thành quán tính a dua (sự bế tắt cuối cùng
của bản năng sinh tồn)! Người có định kiến thường cố chấp vào một lẽ phải, một mô
hình chân lý “miễn tranh luận”, để rồi luôn có thành kiến với những gì ngược lại với ý nghĩ của họ!
Định kiến của nguyên nhân? Đôi khi, là vết mòn bị nhiễm sẵn từ thơ ấu, mà
sau này chúng ta ngỡ rằng có sự độc lập suy nghĩ dù đã khôn lớn! Con người luôn
có yếu tố từ hoàn cảnh gia đình và trưởng thành trong một môi trường xã hội nào
đó…nơi đã tạo ra suy nghĩ, thói quen văn hóa (có thể thực dụng cho người này hay mộng
tưởng cho người khác)!
Người có định kiến có thể thành công về một vài lĩnh vực xu thời, xu thế? Nhưng, thường
thất bại về mặt tình cảm, như một thứ hệ lụy khiến tâm hồn bị tật
nguyền! Xét theo tâm lý nhân sinh: Những người bảo thủ định kiến thích khoe khoang quyền lực, giàu có, hiểu biết, học thức, tài năng...thường dễ
bị khiếm khuyết về lòng vị tha, kể cả khi họ có địa vị xã hội, thành nhà hiền
triết hay dẫu là thuộc môn đệ thân cận của Chúa, đệ tử nhu mì của đức Phật đi
nữa…
Định kiến đôi khi là lối mòn kiến thức, là vết hằn của quá khứ bám theo thời
gian khó phai mờ…thế nên các nguyên lý truyền thống thường có sức thuyết phục
với đám đông hơn là cải hóa về hướng tư duy mới. Và, để hiểu vì sao người già
luôn hủ lậu với kinh nghiệm, tuổi trẻ lại sốc nổi bồng bột? Những xã hội chậm phát triển do thiếu vấn đáp khoa
học đều có kẽ hở pháp luật, nên thường bám lấy mưu chước, biện giải tâm linh
cầu số phận thay cho cách cư xử tôn trọng con người dù chỉ là chút lòng tốt tự nhiên (sợ quyền lực, ma
quỷ nhiều hơn sợ sự thật).
Điều
bi ai? Chẳng ai quan tâm mình mắc phải định kiến(!) Có lẽ, chúng ta sợ cô đơn
trong suy nghĩ, nên rủ nhau dựa vào niềm tin người khác hơn là can đảm đặt nghi
vấn? Vì bảo vệ định kiến khiến người
ta trở thành ngoan cố, chia rẽ cảm thông nên khó hòa hợp…Bởi, đường mòn định kiến chốn nguyên thủy thường chỉ có trạm ngụy biện kèm theo các công trình lấp liếm sự thật (?)
Trong
hiện trạng xã hội kim tiền ngày nay, cũng có những thủ thuật học mót kỹ năng
“mềm” đang rêu rao rủ rê vào đời? Dẫu rằng có dựa theo tâm lý nhân sinh, nhưng phần
lớn cũng chỉ là định kiến láu cá…mà
kỹ xảo người đời che đậy bằng sự lọc lừa với những người non dạ, chậm suy nghĩ.
Tuy có kiến thức sinh tồn…nhưng, sự thành công hiện tại cũng sẽ không lớn hơn
sự thất bại ở tương lai (!)
Sự
thật, nếu lựa chọn con đường dẫn đến mưu cầu hạnh phúc? Chỉ có những chiếc cầu
cảm thông mới thỏa thuận bắt cầu sự tôn trọng! Đo lường lương tâm trước
khi đong đếm giá trị trí thức, hoặc nhờ vả tình
yêu thương may ra mới hóa giải những ranh giới định
kiến…
“Say
nắng” (trong ngoặc kép) là cụm từ có nghĩa bóng hàm ý bị rung động tình cảm với
ai đó, và thường xem là tình yêu ngoài luồng chồng vợ…
Một
cô gái (tạm gọi) có nich-name khá phiêu bồng…gởi cho tôi câu hỏi có chút đắn đo ngại ngùng, nghĩ suyhoang mang. Nên, phải lược dịch gọn lại:
- Lỡ bị…say nắng thì phải làm sao hở chú?
Tuy hơi
đột ngột, nhưng không đến nỗi ngạc nhiên…Bởi, mấy năm trước khi mạng yahoo còn hoạt động (chưa có facebook). Trên các trang “nhà” blog phần đông là sinh viên và nhiều
người lớn tuổi (có điều kiện tiếp cận vi tính) thường chỉ đăng entry văn chương, thơ ca, bút ký hoặc
viết để dạo chơi miền đất mới …
Vì cùng
có mục đích giao lưu chữ nghĩa, nên khá bặt thiệp hòa đồng. Thế nên! cũng rất dễ
dàng tâm sự chuyện thầm kín, bộc bạch tình trường, những chuyện lục đục mâu thuẫn
bắt gặp trong đời sống tình cảm: Sự xuất hiện người thứ ba, hỗn loạn ghen
tuông, và cả lẫn lộn điêu ngoa xảo thuật cám dỗ lầm lỡ…
Tất
nhiên, tôi cũng hiểu đó là những lời trao đổi gút mắc lòng người, không hẵn chỉ
tìm kiếm lời khuyên nhủ(?) Mà mong tìm một ai đó đủ tin tưởng, cảm thông để cởi mở tâm
tình giảm áp lực tinh thần, biết đâu giải phóng được “cơn đau tình ái”(cười)…
- Ủa? Mắc mớ gì mà thơ thẩn ngoài cửa, cho
“nắng ngoài thềm” nó tạt vào…
- Dạ, chắc là do cơn nắng mùa hè…đó chú!
Hừ! Xứ
mình có đến bốn mùa lãng mạn? Đáng nhẽ, mùa thu-đông thường se lạnh tâm hồn, dễ
hờn mát…nên bị trúng “nắng” khi mong manh ra thềm sưởi ấm? (le lưỡi)
Thử chẩn
đoán lại xem:
- Vậy, đó là nắng mới hay nắng cũ?
- Dạ, người cũ…
(Chít pà)! Vậy là vạt nắng của mùa thu xưa
rùi! Nếu cơn nắng lận đận “năm năm trời không gặp từ khi em lấy
chồng…” (nhạc Phạm Duy) đi ngang ghé “tạt nắng bên song” thì tâm hồn cố
nhân còn vương kỷ niệm sao không thẩn thờ lay động?
Đó
là chưa nói: Hắn (cái thèng người cũ)
mượn ca khúc này em có nhớ của Trịnh
Công Sơn trích đoạn ra ru đời vang vọng “Chúa
đã bỏ loài người, Phật cũng bỏ loài người! Này em, em cứ (chớ) phụ người…” thì dù nàng chung thủy đến
mức cứu cánh, cũng đành từ bi bác ái cõi nhu mì (chậc)…
- Có lần nào chú say nắng chưa?
- Hic, bị đeo kính râm wài nên ra phố chỉ “mát”
mắt thui hà…
Có
lẽ, “say nắng” chỉ dùng cho tâm lý phụ nữ? Giới tính nàng Eva thường hay bị cảm
xúc trong bối cảnh khi được thăng hoa bởi ánh đèn sân khấu, với âm thanh mật
ngọt (sorry). Còn mấy chàng Adam thích hóng
nắng mới, hoặc do sự tiếc nuối cám dỗ…
Minh
triết đời sống không phải là một học thuyết cố định! Nên chẳng có lời khuyên
nào cho bản ngã quan niệm hạnh phúc riêng mỗi người? Nhất là khi tư tưởng duyên & nghiệp bị áp đặt vào số phận tình
đời, trong khi chính họ tạo ra thế cuộc từ một cơn gió nhẹ…
- Oh, my god làm
sao biết được cơn “say nắng” dài bao lâu? Và, cũng thường có nắng gay gắt đầu
hè dễ mờ nhạt cuối thềm đông…
Đã đành Xuân Diệu (nhà thơ) lãng mạn nên dám yêu
liều lĩnh “làm sao cắt nghĩa được tình iêu?”
Nhưng, những kẻ phiêu lãng (như Tui) cũng chắc gì tránh nỗi chốn dại khờ ở cõi
tình trường (hic)!?
P/s: Dưới đây, “Nắng
ngoài thềm” là tựa đề một bài thơ của Mỹ Uyên(N2Y). Tôi mượn tạm để muốn trả
lời về một vài ý niệm“say nắng”trong thơ ca. Cũng đôi khi là “honey”(mật ngọt)
dùng ru đời cho qua đêm dài mộng mị...
(Lâu
lắm không còn họa thơ với Mỹ Uyên…một nàng thơ thoát thai yêu đương như chưa bao
giờ vơi cạn với ngôn ngữ rất hiện thực, sâu sắc đến mức dung dị…. Cảm ơn!)
Nắng ngoài thềm…
Nơi anh ở đông về còn bỡ ngỡ
Lạnh giao mùa thương nhớ cũng dở dang
Ngày qua ngày chân xuống phố lang thang
Bước đếm bước xua nắng về nơi ấy!
Nơi em ở có hai mùa anh thấy…
Mưa nắng đầy phố chợ gót lao xao
Lỡ gió đùa đừng khoác áo chiêm bao
Nhớ nhé em chớ “vo tròn lời hứa”(*)
Từng giọt lạnh chạnh lòng em tựa cửa
Cõng nắng về anh tạt rớt bên song
Bên thềm hoa hong nóng cả mùa đông
Nồng hơi ấm tình ngàn năm không mỏi…
Dù thi ca lẫn rong rêu đá sỏi
Liễu cũng hờn lấp ló bến sông trăng
Khi vần iêu se sắt mộng băn khoăn
Là câu thơ ngẩn ngơ tình sương khói…
@TN
(*) Hình như N2Y muốn “vo tròn” mọi thứ(cười)
Nơi anh ở đông vừa tới ngõ
Gió chuyển mùa nhớ khoác áo thêm
Đừng lang thang xuống phố về đêm
Xua chi nắng phía em đang nóng?
....
Nơi em ở hai mùa gió lộng
Gió Nồm Nam
khi thổi đem mưa
Gió chướng Tây kéo về lại nắng
Ai hẹn hò vo mãi tròn chưa?
...
Lưng chừng phố em ngồi tựa cửa
Chạnh thương người cõng nắng bên song
Bụm chút gió mùa đông thắp lửa
Thả trời Nam
man mác nhẹ lòng
....
Em rải thơ theo chiều gió lộng
Lời tung bay về phía người thơ
Xếp vần yêu trọn nét đợi chờ
Em ngờ nghệch, ngẩn ngơ, ngơ ngẩn...
Tháng 4 cũng là tháng kỷ niệm (2001) nhạc sĩ Trịnh Công Sơn "về lại cuối trời nhìn mây trôi..."(Phôi pha)!
Trong
đời sống âm nhạc, trên sân khấu, báo chí…thường thấy người ta nói (ca ngợi) về Trịnh Công Sơn với những ca từ trong tình khúc âm nhạc! Đôi khi, họ còn gá
nghĩa thêm những câu chuyện tình lãng mạn, đung đưa bóng hình nhan sắc cố nhân như để phụ đề, minh
họa đời tư khai phá cội nguồn tác phẩm…
Có ai dám chắc bao nhiêu phần trăm sự thật (?) Vẫn biết người đời cảm hứng bút mực (bàn phím) khoa trương luận bàn, thiên hạ thích thú đồn
thổi vu vơ. Nhưng, thôi kệ…sự cường điệu hay phỏng đoán những giai thoại (nếu có) âu là lẽ tự nhiên của óc trừu
tượng thăng hoa nghệ thuật! Thông tin xã hội hiện trạng hình như...cũng phần nhiều kích
thích tò mò, đắm đuối với những “người nổi tiếng” (cười)?
Thực
tế, những ai (kể cả người nước ngoài) khi quan tâm hoặc cần tìm hiểu tí chút về âm
nhạc Việt đương đại, thì đều biết một vài ca khúc của N/s Trịnh Công Sơn! Bởi, ông
là người nỗi tiếng được vinh danh với tác phẩm “Ca khúc da vàng” cho Giải thưởng Âm nhạc hòa bình thế giới (World Peace Music Awards) công
bố trên trang web của WPMA (2001) sau khi vừa qua đời...
Giới mộ
điệu học thuật nhắc đến Trịnh Công Sơn là nghĩ đến dấu ấn âm nhạc “ca khúc da vàng” đã khắc họa vô cùng sinh động hiện thực cảnh đọa đày, chiến tranh tàn phá ...hơn là những bài hát trừu tượng tình khúc, nhạc cảm tự tình yêu đương (?) Mặc dù, văn chương thi
ca cũng có yếu tố quan trọng làm nên tác phẩm lớn. Nhưng, không có nghĩa phân
biệt so sánh lối văn chương trí thức với bình dân, hoặc phô diễn đẳng cấp giá trị
triết lý cao siêu như các “tín đồ” thường cách điệu, hóa tưởng…
Khi
nhìn về nghệ sĩ? Không nên thần tượng hóa tài năng (sở thích) hoặc quá cầu toàn
khi xét nét cá tính, đời tư (hoàn cảnh) của họ…mà chỉ cần phiêu du trên nghệ
thuật tâm tình và đọc tư tưởng trầm lắng ý niệm những gì họ muốn nói! Thực ra, nhận
thức văn chương ước lệ là điều cũng không đến mức khó hiểu, hoặc xem ngôn từ qui ước là đơn giản phù phiếm? Ca nhạc sĩ dân ca Mỹ Joan Baez
đã ví ông như một Bob Dylan của VN. "Không ai khác có thể miêu tả hay hơn
nữa những cảm xúc trong trái tim người Việt nam..."
Thực ra, người
ta sẽ dễ dàng nghe thấy tiếng hát người “da vàng” vọng lại từ hàng trăm năm trước (khi bị phương
tây đô hộ) thức tỉnh dân trí, và rồi lại tiếp tục mang theo âm điệu chống chiến tranh (hệ ý
thức) vang lên như hồi chuông báo kinh
khổ (tên một ca khúc Trầm Tử Thiêng), trong sâu thẳm lòng tự tôn có chút gì đó âm
u, bi hùng lẫn đứt đoạn trầm mặc! Lời hát hiện trạng dâng quê hương như mặc
niệm trong khói lửa chiến tranh: Một bức tranh hào hùng do chiến tranh đem lại bao giờ cũng thực tế một cách phũ phàng, bi lụy đến mức
phi lý mỏi mòn…
"Ru con, ru đã hai lần
Ôi tấm thân này
ngày xưa bé bỏng
Mẹ mang đầy bụng,
mẹ bồng trên tay
Hò ho ho hó ho
hò, sao ngủ tuổi hai mươi?"... (Ngủ
đi con-TCS)
Tình
khúc phản chiến được tồn tại giữa hai
lằn đạn cũng đã là điều khá may mắn của sử thi! Tính nhân văn đã ươm
mầm, khơi nguồn đâu đó trong những con người tưởng chừng như chủ
chiến? Do đó tác phẩm vẫn được phổ biến và thịnh hành rong ruổi trong cơn lửa đạn giữa thời mê ngộ…
Ôi cái chết đau thương vô tình
Ôi đất nước u mê ngàn năm… Em đã đến quê hương một mình Riêng tôi mãi âu lo đi tìm..." (Người con gái
Việt Nam da vàng- TCS)
Sự thật, “Người nô lệ da vàng ngủ quên trong căn nhà nhỏ, đèn thắp thì mờ. Ngủ quên, quên đã bao năm? Ngủ quên không thấy quê hương...”không chỉ là số phận của riêng người dân Việt? Hầu hết những cộng
đồng châu á da vàng (Nhật, Trung Hoa, Hàn quốc, Campuchia, Lào, Philippin, Malaysia, Indonesia…) cũng đã thấy được đoạn trường lịch sử chia rẽ huynh đệ tương tàn, nỗi niềm xót xa cảm thán (!) Vì, suy cho cùng: Cuộc chiến chủng tộc (phát
xít Đức) hay cuộc chiến đấu tranh giai cấp (cộng sản Nga) cũng chỉ là học thuyết âm mưuchiến tranh chính
trị, phân hóa xã hội để “thâu tóm thiên hạ” bắt nguồn từ tham vọng thống trị được truyền bá tư tưởng của “người da trắng”…nên chính họ hiểu ông (TCS) muốn nói gì hơn ai hết (!)
Tất
nhiên, (may thay) ngày nay bước vào thế kỷ 21...thế giới đã có nhiều chuyển biến hành trình chính
trị dân chủ! Khoa học phát triển cũng khiến tư duy ít nhiều thay đổi để tạo ra nền văn minh
mới? Quyền tự do không biên giới của xã hội văn hóa phương tây có cái nhìn thực tế nhân
bản hơn! Các chủ nghĩa cực đoan dần tự hủy hoại do giáo dục, sẽ hổ thẹn thụt lùi vào xã hội dĩ vãng ấu trĩ…
Các bài
hát trong “ca khúc da vàng”? Hy vọng tương lai chỉ còn là kí ức hoang vu vào thời quá khứ lầm lỡ, đang cố quên lãng để đợi chờ lòng người thức giấc tái sinh màu xanh tương lai mới! Nếu, tình
yêu là giai thoại nguồn sống thi vị của mỗi người, thì lý tưởng xã hội lại là
điều thực sự cần có một tấm lòng theo quan niệm “hồn nhiên” của người nhạc sĩ:
“Chúng ta đã đấu tranh. Đang đấu tranh. Và có
thể còn đấu tranh lâu dài. Nhưng tranh đấu để giành lại quyền sống, để làm
người, chứ không để trở thành anh hùng hay làm người vĩ đại. Cõi người từ khước
tước hiệu đó...”(Trịnh Công Sơn)
"Viết lại (Entry 2013) tưởng niệm 18 năm ca sĩ Ngọc Lan về cõi vĩnh hằng".
Huyền
thoại về một con người được hiểu là: Bằng cách nào đó họ đã vượt qua số phận,
định kiến, qui ước thông thường…để sáng tạo nên thành quả có giá trị tài năng-nhân
cách, khiến cho người đời mãi ghi nhớ, yêu mến và ngưỡng mộ…
Trong lĩnh vực liên quan đến nghệ thuật đã có nhiều nhân vật trở thành huyền
thoại như: Leonardo
Da Vinci, Mozart, Charlie Chaplin, Marilyn
Monroe, Michael Jackson…Vì ngoài tài năng, họ còn là những người có
nổ lực xuất chúng, có kỹ năng tiên phong trong sáng tạo nghề nghiệp. Và dĩ nhiên,
sự tiên phong trong bất kỳ lĩnh vực nào cũng là dấu ấn lớn lao để trở thành thần
tượng, huyền thoại…
Đã
có một thời gian dài trôi qua, trôi qua…kể từ khi nữ ca sĩ Ngọc Lan (sinh
28-12-1956) chia lìa kiếp cầm ca,rời bỏ nghiệp dĩ âm nhạc! Ngọc Lan đã trút
hơi thở cuối cùng vào hồi 8 giờ 25 sáng ngày 06 tháng 3
năm 2001
tại bệnh viện Vencor, Huntington Beach, Nam California(
Bệnh “xơ cứng bì”: Multiple sclerosis).
Thật lạ! Thế Nhân (tôi) có thể liều lĩnh “luận bàn” về bất
kỳ nhân vật nào cũng không e ngại gượng ép. Bởi, tôi chỉ là kẻ “vác bút giang
hồ” lang bạt (cười)…chẳng vay mượn vá áo túi cơm của ai, nên hồn nhiên phiêu lưu ngắm ngía, soi rọi mọi thứ trôi qua giữa dòng đờiphù phiếm...
Thế nhưng, mỗi khi muốn
viết đôi điều suy nghĩ về Ngọc Lan, tôi vẫn thấy bâng khuâng lạ thường! Nơi dung nhan của người con gái tài hoa cónỗi buồn mênh mông
và quyến rũ ấy! Có lẽ, nữ ca sĩ này không
đơn giản chỉ là “tài sắc vẹn toàn” để dễ dàng đi tìm nhận thức? Tôi thực sự
luôn đắn đo, lúng túng, ngại ngùng. Vì, trong đôi mắt người con gái đó có ẩn
chứa một khoảng tâm hồn mênh mông sâu thẳm, với khuôn mặt khả ái đến nao lòng…nên sợ lỡ
tay khấy động một cánh hoa mong manh, nơi có một trái tim nhạy cảm triền miên thao
thức. Và sợ rằng: Ngôn ngữ trần tình của mình trở thành vụng về, hoặc bụi bặm tầm
thường trước một dung mạo trong ngần đến mức thánh thiện. Thật là khó để diễn
đạt những ưu tư, cảm xúc quí giá âm thầm có chút gì đó sâu xa từ định
mệnh, bắt nguồn như khải huyền-thần thoại…
Theo Wikipedia: Ngọc Lanlà một ca sĩ hải ngoại nổi tiếng. Không chỉ với giọng hát, cô còn được khán
giả đặc biệt yêu mến vì khuôn mặt khả ái và tính cách nhút nhát, khiêm tốn của
mình. Ngọc Lan được cho là một trong những ca sĩ thành công và nổi tiếng nhất
của nền âm nhạc Việt Nam sau năm 1975 mà cho tới nay vẫn chưa có một nghệ sĩ
nào lặp lại được trường hợp tương tự. Phong cách và lối trình diễn của cô không
chỉ để lại ấn tượng sâu đậm trong lòng giới thưởng ngoạn mà còn góp phần ảnh
hưởng đến các tiếng hát thuộc thế hệ trẻ sau này như Minh Tuyết,
Y Phương,
Lâm Thúy Vân... như Nhạc sĩ Trần Thiện Thanh đã có lần nhận xét: "Ngọc
Lan đã tạo ra một trường phái mang tên Ngọc Lan!".
Nói đến
ca sĩ? Có thể đến bây giờ, giới thưởng ngoạn nghệ thuật có kinh nghiệm lịch sử ca hát tân nhạc thường nhắc đến những
tên tuổi quen thuộc: Thái Thanh, Lệ Thu, Thanh Thuý, Khánh Ly, Hương lan…Họ là
những ngôi sao sáng được nhìn thấy rõ hơn trong hàng trăm ngôi sao khác vẫn tồn
tại trên bầu trời âm nhạc Việt (trước năm 1975). Mỗi danh ca đều có chất giọng
khác nhau và thường phù hợp với các yếu tố thời gian-xã hội, thói quen giai
điệu, thể loại và tâm tình âm nhạc riêng. Vì thế, họ thường thể hiện xuất sắc
những ca khúc thuộc sở trường, tâm tình mà họ cảm nhận! Đó, đã là một điều may
mắn tuyệt vời…
Riêng, Ngọc Lan là một ca sỹ có thể hát với rất
nhiều thể loại nhạc khác nhau pha nhiều cung bậc thanh nhạc, nhưng vẫn cùng hướng về chất giọng lắng đọng, suy tư, trữ tình mê hoặc vào miền quyến rũ, lãng mạn không hề thay đổi. Nàng đã bước lên sân khấu ca nhạc
chuyên nghiệp khá muộn màng để rồitạo ra một hiện tượng háo hức đầy sôi động. Từ đây, âm
nhạc Việt hải ngoại như chợt hé mở ra một trang sử mới, hẵng là bừng sáng trở lại
sau một thời gian hụt hẫng vì biến động lịch sử quá nhiều u uẩn, trắc trở, lẻ loi...(1975-1985). Giọng hát và nhan sắc Ngọc Lan mang theo tình ái thanh cao, phảng phất nét u
buồn nên thơ đã lấp đầy nỗi ưu tư, để rồi qua cơn mê, tỉnh giấc hòa theo không gian từ Mỹ tràn qua Châu Âu
quay về trong nước (VN) làm rung động biết bao trái tim người mộ điệu (đầu
thập niên 90).
Thật ngạc nhiên: Khi người
ta sưu tầm và ước đoán đã có khoản 800 ca khúc và 40 video tiểu phẩm đã được
Ngọc Lan trình diễn chỉ trong 10 năm qua (1987-1997). Trong đó, nàng ca sĩ Việt trình diễn bằng
cả tiếng Pháp, Anh…(có sự tài hoa nào không cần học thức?). Nhạc trẻ New wave “liên khúc”trở thành hiện tượng phổ biến
ở VN...
Và, đáng
ngạc nhiên hơn đã được thực hiện trong một thời gian ngắn với một người đang mắc chứng bệnh nan y hiếm gặp! Một chứng bệnh “Xơ hoá thần kinh”(gây mất trí nhớ, run rẩy, mù loà…) đã có lúc
trở nên trầm trọng, khiến Ngọc Lan vắng bóng trong nhiều năm (từ năm 1993), thị
giác nàng gần như nhạt nhoà, phải nhờ người khác trang điểm, đón đưa dò dẫm lên sân khấu…
Có lẽ, rất ít ai biết rõ về người thục nữ đã âm thầm
với những khổ đau thể xác, tinh thần trong đoá hoa lặng lẽ đó! Có chăng là sự đồn
thổi, bao nghi vấn? Bởi nhịp đập trần gian của nàng khá trầm lặng, kín đáo và hiền hậu! Cho đến mãi gần đây, người ta mới hiểu được đôi chút từ những “giai thoại bạn bè” hiếm
hoi. Cả giới văn nghệ sĩ cũng chỉ biết đó là một danh ca có nhân
cách rất đáng yêu, hoà nhã, khiêm tốn, nhút nhát...cũng đủ nói lên sự xót
xa, bí ẩn đến mức gần như huyền thoại?
Tôi cũng may mắn lặn lội theo thời gian, được
nghe trực tiếp nhiều danh ca thuở trước…Vậy mà, cũng phải ngạc nhiên khi mới nghe
Ngọc Lan lần đầu tiên qua băng video (1992). Chỉ một lần thôi cũng đủ khiến tôi
phải điều chỉnh quan điểm “quá khứ” về lề lối kỹ thuật thanh nhạc! Một giọng ca kỹ thuật vượt quãng trong veo chỉ từ một nốt nhạc, hoặc hợp âm trầm buồn trải rộng đến vô bờ...Để rồi chiêm nghiệm
so sánh kiến thức, suy tư lại trong cách phát âm khi hát tiếng Việt sao cho
sang trọng, chuẩn âm từ và nhẹ nhàng tinh hoa nghệ thuật dễ đi vào lòng người hơn! Dù trước đó nữ ca sĩ Dalenna (người Mỹ) cũng
đã làm tôi giựt mình khi nghe cách phát âm (hát) tiếng Việt vô cùng duyên dáng từ
một người ngoại quốc dù không nói rõ được tiếng Viêt...
Nhờ sự phát triển công nghệ hình
ảnh, công cụ điện tử…nên xu hướng con người tương lai sẽ thưởng thức
nghệ thuật bằng cách dần chuyển về hiện thực, cảm xúc văn hóa lấy từ rung cảm ý
thức hơn là sự hổ trợ, kiểu cách màu mè ca kịch thời quá khứ nghệ thuậthoa hoè…
Gía trị thưởng thức ca khúc (ca từ) chính
là nghệ thuật phát âm ngôn ngữ hoà với thanh âm nhạc tính. Vì vậy, tôi có thể
không sợ nhầm lẫn để suy nghĩ: Sẽ là thiếu ý thức và trách nhiệm khi mượn thói
phô diễn làm biến thái, hỗn loạn méo mó từ ngữ đẩy đưa hao hụt tiếng Việt. Có lẽ vậy,
mà N/s Trần Thiện Thanh cũng nói rằng “Ngọc
Lan sẽ tạo nên trường phái Ngọc Lan”.
Tôi thì có lý do để suy luận riêng: Đó là cách nói tế nhị(?)nhằm thừa nhận cách
nhả từ tiếng Việt rất tự nhiên, quyến luyến phân tích một cách nhịp nhàng đẹp đẽ…trong một chất
giọng sâu sắc đa thanh âm: Lúc trong trẻo đợi chờ rơi từng giọt đàn piano, lúc
rung trầm hoài cảm như hợp âm violon cello của Ngọc lan.
Phải công bằng nói thêm rằng: Nhiều bài hát mới
xa lạ cũng như một số ca khúc quen thuộc đã vào dĩ vãng…Bỗng nhiên được thịnh
hành, nổi tiếng hơn qua cách trình bày với giọng ca truyền cảm khai phóng từ nội tâm của
Ngọc Lan!
Ai
cũng có thể thừa nhận một “huyền thoại tài năng”! Nhưng, rất hiếm hoi huyền
thoạinào cũng có
được tất cả sự yêu mến nhân cách và nhan
sắc? Vì tôi có cảm giác người ta yêu quí Ngọc Lan hơn cả tài sắc vẹn
toàn, sự
ngưỡng mộ chân-thiện-mỹ rung động từ cội nguồn tâm hồn thì phải?! Hồng
nhan bạc mệnh
Ngọc Lan sẽ vĩnh hằng đời đời cho hoài niệm một biểu tượng về cái đẹp bao
dung.
Riêng Tôi, không hiểu sao? Vẫn hoài ám ảnh
một giọng ca, một nhan sắc, một đôi mắt chứa đựng tâm hồn Ngọc Lan với nhiều
mến thương vô hạn. Thật, khó mà tin bất kỳ một học thuyết nào rêu rao về chân-thiện-mỹ, trừ khi một người nào đó có đời sống vốn đã thiện mỹ...
Ngọc
Lan ra đi không chỉ là luyến tiếc tài năng với tuyệt thế giai nhân để lại cho lòng người bao nỗi xót xa thương
cảm! Người ta có thể tự an ủi với nhau rằng:
Mỹ nhân tự cổ như danh tướng
Bất hứa nhân gian kiến bạch đầu
Dịch
nghĩa:
Người
đẹp từ xưa như các bậc danh tướng
Không
muốn thiên hạ thấy mình lúc về già
https://www.youtube.com/watch?v=OHVlIFBTidQ
Ít nhất đã có
6 ca khúc đã được viết lên để tưởng niệm nữ ca sĩ Ngọc Lan: "Tiếng hát mong manh" (Nhật Ngân), "Gãy cánh thiên hương" (Trần
Trịnh), "Huyền thoại Ngọc Lan" (Trần Thiện Thanh), "Bài cho tình
ta" (Ngọc Trọng), "Còn đâu tiếng
hát ru đời" (Hùng Quân) và "Vĩnh
biệt một loài hoa" của nhạc sĩ Anh Bằng...
Tuy vậy, thật
khó mà nói được hết những suy nghĩ để thoả mãn những gì quý mến yêu thương về
Ngọc Lan. Đôi khi, người ta dễ dàng xây dựng một tác phẩm trừu tượng hơn là một
hiện thực đến mức trong ngần…Tôi cũng vậy, cố gắng cũng chỉ nguệch ngoạc được vài điều xót xa, luyến tiếc...