Mùa
tao loạn…
(Tuỳ bút, hồi ký…)
Chúng ta có mặt trong cuộc đời này! Chúng ta đâu
có quyền lựa chọn bố mẹ và đất nước mình sinh ra….Nhưng ở đây, đã cho ta hình
hài, nuôi dưỡng sự lớn khôn. Dù nghèo nàn đói rách, vất vả gian nan, dù đau
thương hay tật bệnh…thì chúng ta vẫn cần phải sống tốt để cảm ơn đời, để trả
nghĩa sinh thành, công ơn dưỡng dục…như một chu kỳ đương nhiên bất tận…
Đất nước và con người là vận mệnh của nhau.
Có vui-buồn, chiến tranh-hoà bình. Có cả vinh quang và cay đắng!
Tôi đã đi theo từng bước của một mùa tao loạn cuối cùng chiến tranh cận đại
trên quê hương này: Từ cao nguyên về đồng bằng, từ miền Trung xuôi vào Nam…Qua
rừng núi khô cằn thiếu nước, ra biển khơi sóng dội bạc đầu…Đâu đâu cũng thấy
những khuôn mặt người dân lành mệt mỏi, thẩn thờ. Những tiếng gọi thất thanh
trong đêm tối, giữa rừng đêm mất phương hướng vấp ngã trên những xác người còn
hơi ấm! Những con sóng bạc đầu phủ bọt trắng xoá nhấn chìm nhưng bàn tay chới với
trong một ngày biển động…Những cái chết vì súng đạn, vì trả thù, vì loạn lạc và
cả những cái chết không định nghĩa được, như vô tình, như cố ý…
Tôi đang đứng ngu si bên đời vận mệnh…và không hiểu định luật nào đưa con người
vào thù hận? Lý tưởng nào xô đẩy mọi đường đi…và chân lý nào làm người ta rạng
rỡ buổi chia ly? Nhưng, lúc ấy! tôi chỉ thấy vũ khí giết người tràn ngập phố
phường, lửa cháy hoang tàn, đạn bom réo nổ triền miên, loé sáng ì ầm tan hoang,
đỗ vỡ…đạn chéo rực lửa trong đêm tối, bóng dáng thần chết rong chơi khắp nơi. Người
người sống vội vàng, lo âu hốt hoảng, hỗn mang mất mát, khắc khoải chờ mong sum
họp…
Cái chết của “đấng nam nhi” trong thời cuộc là điều
dễ hiểu…nhưng cái chết của người già, phụ nữ, trẻ em là điều bi ai của chiến
tranh loạn lạc đem lại…
Sự hoảng loạn trốn chạy của người dân do tên bay-đạn lạc, hay từ suy nghĩ bạc đãi
hệ ý thức tư tưởng…đã gây nên sự sợ hãi dẫn đến nhiều cái chết đến lạ lùng, mơ
hồ khó hiểu, không nằm trong một số phận triết lý tôn giáo nào? Hay định
mệnh, quy luật tư duy ở đâu của cuộc sống?. Họ chết như huyền
thoại…nhiều bức chân dung, tư thế cái chết bất ngờ đến lạ lùng: Từ suy tư lẫn ngây thơ, đang hoang tưởng
hoặc hồn nhiên, chết đau đớn hay chết như mơ, của những cái chết vô cùng…
Họ rơi từ máy bay xuống với tư thế thẳng đơ nhào lộn, họ chết cả ngàn lần trong
đêm tối bởi một đoàn xe dẳm đạp, san sát nối đuôi nhiều luồng, chen lấn chạy
trốn, chà đạp cả hàng chục cây số…Họ điên loạn, hớt hãi lao ra biển khơi, bu
kín lên những chiếc thuyền quá sức chịu đựng, chòng chành chìm hẳn dưới những đợt
sóng biển trắng xoá vô tình, khi tiếng súng vẫn vô tâm bừa bãi nổ…Có lẽ, nhiều
người đang đói khát, thất thần điên dại lang thang trong rừng hoang và dưới
biển kia có bao người xuôi tay chìm dần trong vô thức…
Qua cơn lửa đạn, Tôi chỉ thẩn thờ đứng giữa hai giòng nước ngược, thương cảm một
cách lạnh lùng…cũng đành đoạn trần trụi, lơ đễnh vác cây đàn guitar trên vai
bước đi mộng du, như không hề nhìn thấy những đôi tình nhân, những cặp vợ chồng
lính trẻ bị thương đang bất lực, hy vọng vỡ tan...rên đau với những vết thương
loang máu, do những tràng súng, từng loạt đạn cuối cùng bắn đuổi theo…nằm rãi
rác giữa rừng thưa, cạnh dòng Sông Ba cuối một buổi chiều xẩm tối.
Nhiều đứa bé thất lạc gia đình đang mếu máo
khóc, hoặc ngơ ngác vô hồn…Tôi chỉ kịp vội vàng ôm theo được hai đứa nhỏ nhất…đành
ném cây đàn quí giá, cố làm cơ hội may mắn, vất vả mới đưa đựơc chúng lên chiếc
trực thăng cuối cùng đang điên đảo rời khỏi mặt đất…với hai chong chóng quạt
như vũ bão mịt mù cát bay, khói bụi, giữa trời mờ tối bên bãi hoang, cỏ úa đỏ
rực ven sông…
Tôi không phải Bộ đội hay người Lính, nên không thực tế cảm nhận được sự ác
liệt của hận thù đến vô tình từ đạn bom…Vì tai tôi đã quen với những tiếng nổ vô
tình, Tôi chỉ đứng nhìn trong tàn cuộc. Những người Lính bại trận, thất vọng
xuôi tay, dây trói lõng lẻo, thất thiểu bước đi không ý thức từng bước, từng
hàng, từng đàn qua một vài người Bộ đội thờ ơ tay súng, trong đó có vài người
trạc tuổi tôi, khuôn mặt còn đôi nét ngu ngơ, ngây thơ dưới chiếc mũ tai bèo,
nón cối xanh, đôi vớ mang đến tận đầu gối…
Với mái tóc dài rối bù gần 15 ngày băng rừng,
những tốp bộ đội trinh sát nghĩ tôi là một sinh viên, nghệ sỹ…nên họ hỏi thăm
tôi nhiều điều cần hiểu, muốn biết ở một vài vùng đất và vật dụng ngỗn ngang xa
lạ…Giữa một đoàn xe dài có đầu mà như không có đuôi: Quân sự, dân sự đủ loại.
với nhiều đồ đạc gia dụng hiện đại nghiêng ngã, rơi vãi…
Thỉnh thoảng, vài chiếc máy bay chiến đấu
lớn (A37), bay xà nhanh xuống trên đầu, gầm rú những âm thanh khủng khiếp, như
là hù doạ. Những người du kích mặc áo đen, bên hông lưng giắc nhiều khẩu súng
ngắn mới lượm được, vừa chửi thề, vừa đưa súng bắn dọi theo…Trời vẫn trong
xanh, những chiếc máy bay trực thăng lượn vòng trên cao, ánh nắng chan hoà trên
cây, trên mặt đất vương vãi súng đạn, quân trang của những người lính không
chiến đấu, hoặc không đủ sức chiến đấu với những người vợ lính còn hụt hẫng, buồn
đứng dõi mắt trông theo người chồng vừa bị bắt đi. Và ở kia…dưới dòng sông rộng
lấp lánh ánh nắng, đây đó nhấp nhô những xác người bị nước cuốn trôi lập lờ
cuối chiếc cầu phao thoát nạn vừa làm xong, chưa kịp đưa lối…
Nhìn hình ảnh những người bộ đội bên kia chiến
tuyến cũng có nét gian khổ, khuôn mặt hốc hác, da xanh vàng như sốt rét rừng. Đôi
khi, mĩm cười vô tư hay chăm chú ngạc nhiên điều gì đó…dưới nắng gió. Còn những
người lính phía bên này, thất thần, buồn ngơ ngác. Tôi chợt có cảm giác ưu tư,
phiền muộn…với hoàn cảnh này! tôi cũng không tìm đâu ra bóng dáng kẻ thù là ai?
Hay đi tìm lý tưởng nào nữa. Tôi chỉ đứng tựa cửa bên dòng lịch sử…hoang mang,
nghi ngại.
Giữa cái chết và sự sống …bức tranh màu sắc xanh tươi và u tối của tâm tính con
người mới bộc lộ hết những tấm lòng hy sinh cao thượng và những loại người hèn
hạ. Có người ở lại chấp nhận sự thật, có người vì lý do nào đó đã bỏ rơi gia
đình vợ con bơ vơ giữa rừng…Và rồi, những kẻ lợi dụng thì “đục nước béo cò”
trên cả xác chết. Sự chân thành của lịch sử ở đây, làm sao bằng sự thật
thà của chiến tranh…?
Có
lẽ, Tôi là người luôn ra đi cuối cùng qua mỗi phố thị bị bỏ rơi từ PleiKu, Qui
Nhơn, Tuy Hoà, Nha Trang, Cam ranh, Phan Thiết, Phan rang, Phước Tuy, Vũng Tàu…đèn
đường vẫn sáng choang dường như không hơi thở, vắng tênh bóng người như đang im
lìm chờ đợi mỗi giờ khắc, một điều gì hệ trọng…sau khi xé toạc không gian chạy
trốn trong hoảng loạn, hối hả.
Tôi…chỉ là kẻ vô tư, người lang thang đếm bước hoài
nghi bên lề cuộc chiến cuối cùng đó! Nhìn bao kịch tính sự đời, vận hội kiếp
người…nhìn những cảnh điêu tàn đổ nát, nhà cửa ruộng vườn hoang vu, cho đến
lòng người lao đao, ngỗn ngang trăm mối…Vẫy tay chào với những kẻ chiến thắng
và đưa mắt ái ngại thông cảm với những người chiến bại…Lòng mơ hồ, mong cho
cuộc chiến mau chấm dứt! để gọi hoà bình vội về với trái tim con người, để vội
vàng lật qua trang sử mới…
Thời gian, nếu đủ cho ký ức chiến tranh vẫn tồn
tại, thì nổi đau và niềm tự hào vẫn còn đó!...còn như thời gian có làm phôi pha
lịch sử, thì sự xót xa cay đắng chỉ còn là quá khứ? Nhưng thời gian chỉ có ý nghĩa
đơn phương, là đơn vị tính của đời người. Điều quan trọng ở đây, của giá trị
thời gian: Chính là nỗi niềm hiện tại…Bởi, lịch sử chỉ là quá khứ và thường quá
khứ không phải là hiện tại, thì tương lai mới thực sự là điều cần thiết và quan
trọng hơn….
" Tôi…chỉ là kẻ vô tư, người lang thang đếm bước hoài nghi bên lề cuộc chiến cuối cùng đó!....."(@TN)"
Trả lờiXóaĐúng vậy,
Đã xem như chuyện một thời đã qua
Đụng vào ký ức xót xa
Thương cho thế hệ chúng ta qua rồi
Phải đâu là chuyện một đời...
Nhắc chi...?
....
Cầu duyên nối mộng thuyền chưa bỏ bến
XóaNgười sang bờ nợ khách lạ sang sông
Chờ thêm nữa thêm nhiều năm sau nữa
Thức tỉnh lòng người xoá kiếp long đong…
Người khách lạ ngày xưa không còn nữa
XóaCô lái đò cũng bỏ bến ra đi
Cây sào cắm chiếc thuyền xưa mục rữa
Ai thắng thua thời binh lửa nhớ chi?
Đời lận đận chân xích xiềng tay với
XóaThắng hay thua cũng vá áo túi cơm
Quên hay nhớ cô lái đò chẳng đợi
Con sào kia hụt hẫng bến sông hờn
Bến hẫng sông hờn cô lái tủi
XóaTháng tư nắng hạ cháy áo cơm
Lận đận thân em mồ hôi muối
Anh đi cải tạo lưng em còm...
....
Một mình bươn chải từ khuya sớm
Nửa mảnh chăn đơn lạnh nửa người
Ai quên ai trách riêng em đợi
Trăng liềm em đếm xích xiềng ơi!...
.....
(Hic…lãng quên, tha thứ đi mà...)
XóaTrăng còn có khi tròn khi khuyết
Mặt trời nào cũng ngủ mùa đông
Thời bão tố nghiêng dòng số phận
Quên một thời bi hận long đong…
Có những thứ muốn quên mà vẫn nhớ!
XóaTại phía người nhắc nhở - khó quên...
Ta là ai?...Làm gì nên tội?
Để bây giờ lạc mất tuổi tên?
....
N2Y tui quên lâu gòi! hihi...
Chiến tranh bao giờ cũng đem đến ly tan và mất mát…
XóaBên dòng lịch sử cánh hoa rơi
Nguy biến gian nan cược kiếp người
Bờ bến chia phôi lìa hẹn ước
Ly tan vận mệnh mộng đời trôi…
…
Nửa cuộc tình tôi em biết không?
Vẫn bờ ghềnh đá cũ rêu phong
Từng cơn sóng vỗ đau nhung nhớ
Mảnh vỡ thuyền tan giấc mộng lòng..
…
Người yêu tôi biết giờ ở đâu?
Đời tranh gieo chi khúc chiến sầu
Hội ngộ-ly tan đời dang dở
Cho người tình lỡ khóc tình đau…
...
(Quên đi cho đời...nhẹ gánh sầu)
Sao không trở lại bên ghềnh đá
XóaĐốt giấy vàng phai giải oan cừu
Nơi thủy mộ chôn trăng làm nến
Sương biển làm nhang khói sóng ru....
....
Híc! híc!
Ta chỉ thả vần thơ ngày tháng
XóaChở cuộc tình lạc giữa biển khơi
Đợi đến lúc tim người thắp sáng
Lòng bao dung cập bến tình cờ…
(Chỉ vậy thôi…)
Trả lờiXóaTôi vẫn đứng bên dòng vận mệnh
Mặc con đò rời bến thời gian
Ngắm nhân gian đang khoác áo vội vàng
Theo dòng chảy bất dung tràn sông nước
Ừ! Cứ bảo mùa tao loạn đã dứt
Mầm bình yên nhen nhúm lửa đong đưa
Rao cổ tích tô màu câu hứa
Lòng ngây thơ hay đong đếm lợi danh
Giọt nước mắt chảy vào hồn đã lạnh
Ngẫm câu cười theo nhân thế dặm đưa
Vùng chiêm bao người chưa vẫn thoát qua
Đau lòng cát dưới bước chân cuồng khát…
Ta hãy đợi đời thôi phiêu bạt
XóaKéo lòng người về lại yêu thương
Mẹ cha xưa trở lại từ đường
Anh em cũ bỏ quên vòng nguyệt quế
Sông núi đó vẫn bao điều ước thệ
Bàn chân mòn mở cõi mấy ngàn năm
Nối vòng tay xoa dịu thói hờn căm
Về dựng lại mái nhà ngày mới lớn…